Phát minh "vĩ đại nhất" lịch sử nhân loại
*Lưu ý: bài viết chứa nhiều hình ảnh - từ ngữ gây ảnh hưởng đến vấn đề quang học và vệ sinh an toàn thực phẩm! Khi nói đến phát minh...
*Lưu ý: bài viết chứa nhiều hình ảnh - từ ngữ gây ảnh hưởng đến vấn đề quang học và vệ sinh an toàn thực phẩm!
Khi nói đến phát minh vĩ đại của nhân loại, bạn sẽ nghĩ đến gì? La bàn, thuốc súng, lịch, máy móc, v.v... Nhiều thật, phát minh nào cũng có góp phần quan trọng vào lịch sử nhân loại. Ok khoan, dừng lại một chút nào, không nói về những thứ bác học nữa, nói về tính "ứng dụng" đi. Bạn có từng nghĩ đến thứ mà dù đi đến bất cứ đâu, từ công ty cho đến ngôi nhà thân yêu, bạn sẽ đều bắt gặp nó; hoặc là một ngày bạn sẽ không thể thiếu nó được; thậm chí trong tương lai cũng không thể thiếu nó. Dần tìm ra rồi chứ? Đó, đấy mới là thứ phát minh "vĩ đại", một thứ bạn không thể tưởng tượng nổi nếu thiếu nó.
Hey, bạn đang nghĩ đi đâu vậy? Phát minh "vĩ đại' ở đây là thứ có lịch sử cả ngàn năm phục vụ con người cơ. Một thứ bị underrated vô cùng, mọi người còn tránh nhắc đến trong mọi cuộc đối thoại. Trớ trêu thay, văn minh của nhân loại chúng ta thì lại dựa vào thứ này!
Bạn đã đoán ra chưa? Thế này nhé, một người bình thường có thể nặn ra khoảng 130 gr "shit" mỗi ngày, và thậm chí còn gấp đôi như thế nếu họ ăn đồ fastfood hoặc đồ cay nóng. Và có đến hơn 7.5 tỉ con người đang sống ở cùng một hành tinh, vâng và nếu gom hết tất cả số shit trên toàn thế giới, chúng ta sẽ có một ngọn núi shit siêu to khổng lồ. Và thật may mắn làm sao điều đó không xảy ra, tất cả là nhờ phát minh "vĩ đại", thứ xứng đáng được gọi là phát minh đã cứu rỗi loài người chúng ta: Bồn cầu aka. Nhà xí aka. Toilet.
Vậy Toilet đã cứu rỗi loài người như thế nào?
Đầu tiên, có một sự thật là cứ 3 người trên trái đất thì chỉ có 2 người có Toilet để dùng, người còn lại không có Toilet sẽ gặp phải những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng, đối diện với nguy cơ nhiễm một danh sách dày đặc các bệnh truyền nhiễm như: Tả, Kiết lị, thương hàn, tiêu chảy, nhiễm hàng trăm ngàn loại ký sinh trùng và virus khác nhau,... tất cả đều có thể dẫn đến tử vong! Hàng năm có đến 1.8 triệu người chết mỗi năm vì các bệnh liên quan đến vệ sinh kém mà đa số nạn nhân là trẻ em. Không chỉ thiệt hại về người, thế giới mỗi năm cũng mất hàng trăm tỷ đô la từ những tác động của việc thiếu vệ sinh từ dịch bệnh, đến giảm dân số, đói nghèo. Qua đó ta có thể hiểu được sự ảnh hưởng của việc mất vệ sinh tồi tệ như thế nào.
Từ hàng ngàn năm trước, khi con người chưa gặp được ánh sáng nơi Bồn cầu, nhân loại ngập trong bóng đêm của shit theo "nghĩa đen". Con người đi đâu thải đấy, shit ở khắp nơi, và càng kinh khủng hơn khi lối sống định cư tập trung hình thành. Trong thời kỳ đen tối ấy, con người phải sống trong sự dơ bẩn và mối nguy hiểm thường trực của bênh tật, từ đó hình thành một trong những bản năng của con người đó là tránh xa sự hôi thối và bẩn thỉu. Chính bản năng này đã thúc đẩy những ý tưởng đầu tiên về Toilet, khoảng những năm 3000 TCN, ngôi làng đồ đá tại Skara Brae (Scotland) và Thung lũng sông Ấn (Pakistan) đã nghĩ ra cách lắp các ống dẫn chất thải vào nơi giải quyết nỗi buồn rồi đổ thẳng ra sông, ra biển, từ đó chất lượng sống được nâng cao hơn hẳn vì shit biến mất. Đến khoảng năm 1700 TCN, nền văn minh Minoan của người Hy Lạp cổ đại cũng bắt đầu xây dựng những nhà vệ sinh - Toilet với hệ thống thoát chất thải bằng nước mưa đầu tiên của nhân loại. Không những thế, người Ai Cập cổ đại còn sáng tạo ra lỗ vệ sinh hình chìa khóa nhằm tăng sự thoải mái, biến những lần giải quyết thành những lần thư giãn, và sáng tạo này đã ảnh hưởng đến hình dáng Toilet suốt lịch sử về sau. Toilet thần thánh thậm chí con đi vào Tôn giáo, sách "Deuteronomy" (Đệ Nhị Luật) trong Kinh Thánh Do Thái, có ghi:
"Designate a place outside the camp where you can go to relieve yourself. As part of your equipment have something to dig with, and when you relieve yourself, dig a hole and cover up your excrement." - Tạm dịch: "Chọn một chỗ để giải quyết nỗi buồn ở bên ngoài. Đào hố rồi giải quyết trong đấy, xong rồi thì nhớ lấp lại."
Qua đó hiểu rằng chỗ vệ sinh quan trọng thế nào trong cuộc sống thời đó.
Trong những thế kỉ tiếp theo, người La Mã đã đưa hệ thống Toilet trở thành công trình trọng điểm trong các đô thị. Đến năm 315 SCN, riêng ở thành Rome đã có đến 144 Toilet công cộng, cùng với đó là một hệ thống cống thoát nước Cloaca Maxima - một trong những hệ thống cống thoát nước đầu tiên của nhân loại, để dẫn nước thải ra sông Tiber. Người La Mã biến Toilet công cộng không chỉ là nơi để đi poo poo, mà còn là nơi mọi người gặp gỡ, trao đổi tin tức, bình luận cho đến kết tình anh em qua những lần chung nhau chiếc que rửa mông. Tuy đã có ý thức như thế nhưng nhìn chung việc giữ gìn vệ sinh của người dân thời cổ đại vẫn còn thấp, nên sự mất vệ sinh đi cùng với bệnh dịch vẫn xảy ra thường xuyên và còn kéo dài đến thời tận thời kì Trung đại.
Trong thời kỳ Trung đại, khi mà xã hội bị bó hẹp lại trong các lâu đài và lãnh địa riêng của các lãnh chúa phong kiến. Sự phát triển của Toilet đã bị chững lại suốt cả nghìn năm. Các nguyên tắc giữ vệ sinh trong các nền văn minh cũ không được đổi mới thậm chí bị xói mòn. Các lâu đài châu Âu nguy nga là thế nhưng người ta thấy những hệ thống xử lý chất thải vô cùng lạc hậu, shit được thải thẳng từ lầu cao xuống bên dưới một cách không thể dơ dáy hơn. Trong nhà dân thì người ta giải quyết bằng bô rồi xả luôn ra đường phố, cống rãnh. Chính điều này đã gây nên những đại dịch kinh hoàng như Dịch hạch trong thời kỳ Trung đại khi mà vấn đề vệ sinh quá tồi tệ.
Rồi thế giới bước vào kỷ nguyên cận đại, trong thời kì Phục hưng, con người bắt đầu ý thức hơn về phát triển khoa học và dịch tễ học, tuy nhiên vẫn chưa có sự cải tiến nào về việc đi vệ sinh. Cho đến năm 1596, Sir John Harington, con đỡ đầu của nữ hoàng Anh Elizabeth I, đã phát minh ra chiếc Toilet có tên là Ajax - gồm một bể chứa nước và đường ống để xả nước vào bồn cầu. Đây chính là chiếc bồn cầu xả nước đầu tiên của nhân loại, một kiệt tác mà ông chỉ làm duy nhất 2 cái: một cho nữ hoàng và một cho bản thân. Tuy nhiên tất cả chỉ có thế, phát minh của Sir John Harington là đột phá nhưng không giải quyết được vấn đề mùi hôi và hay bị tràn, nên nó bị bỏ qua thẳng thừng. Phải đến 200 năm sau, vào năm 1775, nhà phát minh người Scotland Alexander Cumming sáng tạo ra "bẫy chứa nước chữ S" đặt bên dưới Toilet nhờ đó ngăn được mùi hôi cũng như chống tràn, thì Toilet xả nước mới chính thức được công nhận. Alexander Cummings trở thành người đầu tiên cấp bằng sáng chế cho thiết kế Toilet xả nước. Thiết kế này vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.
Trong thế kỉ 19, châu Âu và nước Anh bước vào thời kì bùng nổ dân số, điều này kéo theo sẽ có nhiều shit được thải ra hơn trong khi số lượng Toilet lại chỉ có hạn. Trong các đô thị lớn, thậm chí 100 người phải dùng chung 1 cái Toilet, chất thải ngập ngụa khắp nơi vì người dân đi lung tung, dẫn đến đại dịch Tả bùng phát tại Châu Âu. Nguyên nhân bệnh dịch vẫn là bí ẩn cho đến khi bác sĩ John Snow, chứ không phải Jon Snow nào đó knows nothing nhé, phát hiện ra nguồn lây bệnh từ nước sinh hoạt, từ đó ông kiến nghị các nhà cầm quyền Anh phải thoát nguồn nước bẩn này ra ngoài, thế là chính quyền London cho xây dựng một hệ thống cống thoát nước khổng lồ từ năm 1858 đến 1865, kết quả là số ca tử vong do dịch tả, thương hàn và các bệnh lây truyền qua đường nước khác đã giảm một cách ngoạn mục.
Một trong những nỗ lực khác của chính quyền Anh trong việc hạn chế dịch bệnh chính là việc phổ cập Toilet. Năm 1848, chính phủ quy định mỗi nhà phải có 1 cái Toilet hoặc một hố tự hoại. Năm 1851, George Jennings, một kỹ sư vệ sinh, cho ra mắt Toilet xả nước công cộng hiện đại đầu tiên trên thế giới. Mười năm sau, hoàng tử Edward thuê kỹ sư Thomas Crapper xây dựng những nhà vệ sinh cho Hoàng gia Anh, Thomas Crapper chính là người tạo ra những chiếc Toilet hiện đại, ông tổ của những chiêc bô sứ xả nước mà giúp cho chúng ta ngày nay mỗi lần đi Toilet là một niềm vui thực sự.
Cho đến 2 trường phái đi vệ sinh
Có câu chuyện về Toilet thì chúng ta cũng không thể bỏ qua thứ mà không một Toilet nào có thể thiếu: Giấy vệ sinh. Nguồn gốc của giấy vệ sinh được cho là từ Trung Quốc, vào khoảng thế kỉ thứ 6 SCN qua những ghi chép của học giả Nhan Chi Thôi. Đến thời Đường, các sứ giả và thương nhân nước ngoài đã ghi chép về việc người Trung Quốc dùng giấy vệ sinh. Đến thế kỷ 14, vào thời Minh đã ghi nhận vào năm 1393 rằng nguồn sản xuất hàng năm là 720.000 tờ giấy vệ sinh, được dùng cho mục đích sử dụng của triều đình tại thủ phủ Nam Kinh. Riêng vua Minh Thái Tổ và hoàng gia đã dùng hết 15.000 tờ giấy vệ sinh loại có mùi thơm trong năm đó. Việc dùng giấy để vệ sinh tại châu Âu bắt đầu bùng nổ vào thế kỷ 18, với sự phát triển của ngành xuất bản. Các tờ báo cũ, các trang giấy không còn sử dụng được tận dụng để hiến dâng chùi mông cho loài người. Từ cuối thế kỉ 19, giấy vệ sinh có những bước tiến nhảy vọt: năm 1857, Joseph Gayetty giới thiệu giấy vệ sinh với mục đích thương mại đầu tiên ở Mỹ. Năm 1883, Seth Wheeler phát minh ra giấy vệ sinh dạng cuộn. Trong những năm 1920s, nhu cầu về giấy vệ sinh tăng vọt tại Mỹ do du nhập Toilet kiểu Crapper sau thế chiến thứ nhất. Đến những năm 40, giấy vệ sinh 2 lớp được phát minh. Hiện nay có hơn bảy tỷ cuộn giấy vệ sinh được bán hàng năm chỉ riêng ở Mỹ, tức là mỗi người dùng khoảng 24 cuộn mỗi năm. Đầu năm 2020, xảy ra tình trạng khan hiếm giấy vệ sinh khi người ta đổ xô đi mua trước đại dịch COVID-19.
Bên cạnh giấy vệ sinh, ở nước Pháp thế kỉ 17, người ta cũng phát minh ra một dụng cụ vệ sinh chỗ kín được gọi là Bidet. Khác với giấy vệ sinh vốn được dùng cho đại chúng, thì Bidet lại dành riêng cho tầng lớp thượng lưu quy tộc vì thiết kế cầu kỳ. Cho đến thế kỷ 20 thì Bidet mới bắt đầu được đưa vào trong nhà tắm và kết hợp với Toilet để vệ sinh sau mỗi lần giải quyết nỗi buồn. Năm 1928, John Harvey Kellog đưa Bidet đến với người Mỹ bằng 1 thiết bị do ông sáng chế riêng, chính là chiếc vòi xịt thần thánh được gắn chung vào bồn cầu mà ngày nay chúng ta hay gọi thân thương là "Bum Gun". Trong những năm tiếp theo Bidet có những cải tiến và bổ sung bidet như xả nước ấm tức thì, đặc biệt người Nhật phát minh ra Toilet rửa tự động trong những năm 80s với nước ấm, ghế sưởi, nhạc du dương sướng ngất ngây. Những điều này góp phần phổ cập Bidet trở thành một thiết bị cần thiết nổi tiếng không kém gì giấy vệ sinh. Và đây cũng chính là khởi đầu cho 2 trường phái đi vệ sinh: giấy vệ sinh và vòi xịt.
Ngày nay
Năm 2007, trong một cuộc bình chọn của tạp chí y học danh tiếng British Medical Journal, về thành tự y học vĩ đại nhất kể từ thế kỉ 19 đến nay. Các độc giả đã bình chọn "Sự cải thiện về vệ sinh" với nước sạch, Toilet và hệ thống thoát nước cho vị trí số 1, chứ không phải là Kháng sinh hay Vaccine. Thế kỉ 21 đánh dấu những thành tựu cải thiện chất lượng vệ sinh cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh và nâng cao chất lượng sống con người, và Toilet chính là một công cụ tuyệt vời góp phần nền tảng vào thành tựu này của nhân loại. Tuy vậy vẫn phải có những nỗ lực nhiều hơn nữa của toàn bộ các quốc gia để con số 2.4 tỉ người không có Toilet để dùng ngày một giảm bớt. Giống như Rose George đã viết trong cuốn The Big Necessity:
"How a society disposes of its human excrement is an indication of how it treats its humans, too." - Tạm dịch "Một xã hội xử lý chất thải của con người như thế nào, thì cũng đối xử với chính con người trong xã hội đó tương tự như vậy."
Giờ đây bạn đã thấy Toilet "vĩ đại" như thế nào rồi phải không? Không chỉ là nơi giúp chúng ta có những giây phút giải quyết nỗi buồn thoải mái mà còn là đòn bẩy thúc đẩy nền văn minh nhân loại, giúp cho xã hội của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn. Mỗi con người sinh ra đều xứng đáng được đi vệ sinh một cách sạch sẽ.
Cảm ơn và chúc các bạn một ngày tốt lành!
À đọc xong bài và trước khi ra khỏi nhà vệ sinh, các bạn nhớ rửa tay sạch sẽ nhé.
Fun Fact:
Học giả Nhan Chi Thôi từng viết: "Giấy được dùng để chép sách thánh hiền, Tứ thư - Ngũ kinh, sao ta dám dùng để đi vệ sinh được". Rốt cuộc thì người Trung Quốc vẫn dùng bình thường và còn dùng nhiều là đằng khác.
Trong Thế chiến thứ nhất, những người lính Mỹ sử dụng từ "Crap" trong tên Crapper để chỉ việc đi poo poo, khi họ đến nước Anh lần đầu và shock bởi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều nhà vệ sinh đến thế.
Bidet trong tiếng Pháp nghĩa là ngựa nhỏ, ý chỉ hình dáng ban đầu của dụng cụ vệ sinh này.
Cuộc đời của mỗi con người phải bỏ ra 3 năm chỉ để đi Toilet.
Các bài viết cùng tác giả:
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất