Bài viết có ba mục như sau: 1. Trích dịch: Nhật Bản khảo – Quyển 1 – Oa thuyền (日本考 – 卷一 – 倭船); 2. Ghi chép bổ sung về hoạt động của Oa khấu; 3. Phụ lục: Miêu tả tàu con rùa của Triều Tiên.
__________________________________________________
__________________________________________________

Trích dịch: Nhật Bản khảo – Quyển 1 – Oa thuyền (日本考 – 卷一 – 倭船)

“Cách tạo thuyền của Nhật Bản khác với của Trung Quốc: ván thuyền phải dùng thân gỗ to, ghép các tấm ván hình vuông có kích cỡ tương tự, không dùng đinh sắt; chỉ có các tấm sắt nối liền nhau, không dùng mối ghép hay gỗ trẩu trơn. Những chỗ bị rỉ dột thì dùng cỏ để bịt kín (gọi là cỏ nước ngắn [1]). Vật liệu đã tốn nhiều, phí nhân công còn lớn hơn; không có nguồn lực dồi dào thì việc tạo thuyền cũng rất khó vậy.
Phàm những kẻ cướp bóc nước ta đều là hạng bần cùng, cư trú tại các đảo của Nhật Bản. Có kẻ đồn rằng: “Số thuyền mà Oa quốc tạo ra lên tới hàng trăm, hàng nghìn” – hoàn toàn là bậy bạ. Thuyền cỡ lớn của người Oa có thể chứa được 300 người; cỡ trung thì tầm 100-200 người; cỡ nhỏ thì được 40-50 người hoặc 70-80 người. Thuyền của người Oa vừa nhỏ vừa hẹp; gặp thuyền lớn hơn thì khó có thể chống cự, đặc biệt sợ những đòn đâm mạnh. Vậy nên thuyền Quảng Châu, thuyền Phúc Kiến đều khiến người Oa phải dè chừng; đặc biệt là thuyền Quảng Châu, vì hai bên của loại thuyền này dốc đứng như tường thành vậy.
Oa thuyền có đáy bằng, không thể rẽ sóng; buồm lại treo ở chính giữa của cột buồm, khác với cách của Trung Quốc là treo ở bên. Vậy nên cách Oa thuyền di chuyển cũng khác với thuyền nước ta: thuyền của chúng chỉ đi được khi gặp gió thuận. Gặp lúc gió lặng hay gió nghịch thì chỉ có thể đảo cột và quẫy chèo, không thể chuyển ngược hướng thuyền. Muốn dùng Oa thuyền vượt biển thì cũng phải mất hơn một tháng. Nay giả như thấy Oa thuyền dễ dàng vượt sóng đến nước ta, thì đó là thuyền mà gian dân Phúc Kiến mua lại từ nước ngoài, rồi cải tạo cho đáy thuyền dày thêm. Loại thuyền này có đáy nhọn, có thể phá sóng, không sợ gió giật ngang hay gió nghịch, nên việc di chuyển rất dễ dàng, chỉ mất vài ngày là tới nơi.
Phàm lúc Oa thuyền khởi hành, mỗi người phải mang theo 400-500 cân nước sạch, ước tính 800 chén nước. Mỗi ngày dùng 6 chén; vì tiếc nước nên luôn phải sử dụng dè dặt vậy. Vị của nước không giống nhau; nước biển rất mặn, không thể uống, người nào uống thì sẽ bị tiêu chảy. Người Oa trên đường vượt biển ắt phải lấy nước ở năm đảo của Nhật Bản, lúc tiếp cận nước ta ắt phải dừng thuyền để đổi nước ở các núi Bát, núi Trần Tiền.
Sở dĩ phải đổi nước, vì tuy rằng vào mùa đông, nước đựng trong thùng gỗ có thể dùng được khá lâu, nhưng vào tháng năm, tháng sáu thì chỉ sau hai, ba ngày là hỏng. Nước có trong vắt đến cỡ nào, thì vẫn chẳng quá vài ngày là hỏng vậy. Biển cả bao la, sóng gió khó lường; hễ gặp núi thì phải ghé thuyền để múc nước uống - ấy là việc bất đắc dĩ vậy. Phàm việc rửa mặt, tắm gội: nước biển, nước sông đều có thể dùng được. Có kẻ nói rằng: “Tắm bằng nước biển thì da mặt sẽ bị nẻ”. Gần đây, người ta thử nghiệm và biết rằng lời đồn này là không đúng; dùng nước biển thì da chỉ bị đen đi mà thôi. Bọn Oa nô có một bí pháp: đun nước suối khoảng hai, ba lần, đựng nước trong một cái sành, như vậy nước sẽ không bị hỏng; nhưng cũng chỉ không quá nửa tháng thôi, lâu quá thì không uống được nữa. Một khi đến núi Phổ Đà, người Oa chắc chắn sẽ leo lên đó; không phải để thay nước, mà cũng không phải để đốt hương bái phật, mà thực ra là trinh sát tình hình hư-thực của quân ta vậy”.
[1] Nguyên văn: 短水草.
Oa thuyền. Nguồn: <i>Oa khấu đồ quyển</i> - Cừu Anh (倭寇圖卷 - 仇英)
Oa thuyền. Nguồn: Oa khấu đồ quyển - Cừu Anh (倭寇圖卷 - 仇英)
Quân Minh giao chiến với Oa khấu. Nguồn: <i>Oa khấu đồ quyển</i> - Cừu Anh (倭寇圖卷 - 仇英)
Quân Minh giao chiến với Oa khấu. Nguồn: Oa khấu đồ quyển - Cừu Anh (倭寇圖卷 - 仇英)

Ghi chép bổ sung về hoạt động của Oa khấu

Như đã nói ở bài trước, có nhiều đoạn văn trong Nhật Bản khảo được trích dẫn từ các tài liệu khác đã được viết từ trước đó. Đối với phần Oa thuyền, tác giả của NBK đã trích khoảng một nửa của một đoạn văn cùng tên trong tác phẩm Trù hải đồ thiên (1562) – quyển 1 – Trịnh Nhược Tăng (籌海圖編 – 卷一 – 鄭若曾). Bản dịch như sau:
“Sau khi dò xét xong xuôi, Oa khấu mới xuống thuyền đi tiếp. Chúng đi qua nơi nào là lại bắt lấy những ngư dân, tiều phu nơi đó, nhằm truy hỏi tin tức, bắt họ làm hoa tiêu dẫn đường. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ; chúng phải chờ lúc triều dâng nước đầy rồi mới dám chèo thuyền thâm nhập. Xét mỗi tháng, thì lưu ý những ngày đầu tháng như 1, 2, 3, 4, 5, 6, 10 và những ngày 15, 16, 17, 18, 19, 20; vào các ngày đó, lưu ý các giờ Tý, giờ Ngọ. Ấy là bởi vào những ngày đó, giờ đó, thủy triều sẽ dâng cao, nước sẽ chảy đầy vào các bến cảng; dòng nước ắt sẽ thông suốt; đá ngầm, bãi triều sẽ bị thủy triều che lấp. Phàm những lúc này, cả hải quân và lục quân cần phải phòng bị. Mỗi ngày, cứ lúc sáng sớm và tối muộn lại dựng cờ, bắn súng từ các chốt gác trên núi cao; việc đó nhằm khiến địch trở nên sợ hãi, tiêu tan sĩ khí do biết rằng quân ta đã có phòng bị, như vậy y sẽ không dám neo thuyền đổ bộ.”

Phụ lục: Miêu tả tàu con rùa của Triều Tiên

Nhâm thìn trạng thảo – Lý Thuấn Thần (壬辰狀草 - 李舜臣)
“Đằng trước thuyền là đầu rồng, từ miệng có thể bắn đại pháo, trên lưng thuyền lại cắm đầy gai sắt. Từ trong thuyền có thể nhìn ra ngoài, nhưng kẻ ở ngoài lại chẳng thể ngó vào trong. Thuyền địch tuy có lên tới trăm chiếc, thì thuyền ta vẫn có thể đột nhập và bắn pháo”.
Long xà nhật ký – Kim Hoán (龍蛇日錄 - 金浣) (Kim Hoán là bộ tướng của Lý Thuấn Thần)
“Trên nóc thuyền, các tấm phản được bố trí như mai rùa; trên lưng có một đường chữ thập (十) đủ cho người ta đi lại. (Ngoại trừ các thuyền thủ thì) số người còn lại có thể đi trên đó mà giao kiếm đấu chùy với địch. Đầu thuyền có hình đầu rồng, miệng là lỗ đặt nòng súng, đằng sau thuyền là đuôi rùa, dưới đuôi lại có sáu lỗ súng. Binh sĩ trú ở gầm thuyền, bốn mặt đều có thể bắn pháo, nhanh lẹ như thoi đưa. Mái thuyền được lợp bằng cỏ tranh bện lại, cốt cho đao, chùy không thể xâm nhập. Hễ giặc trèo lên, thì sẽ bị móc vào đao chùy. Hễ thuyền bị vây quanh, thì tất cả hỏa khí sẽ nhất tề bắn địch” .
Trích Vạn lịch Triều Tiên chiến tranh toàn sử 万历朝鲜战争全史 – Chu Nhĩ Đán 朱尔旦.
Tàu rùa. Nguồn tại <a href="https://www.bonhams.com/auction/27548/lot/796/anonymous-geobukseon-turtle-ships-and-panokseon-armored-war-shipsjoseon-dynasty-1392-1897-17th18th-century/?fbclid=IwAR34v2TfBdPIDns5rc8yjzqI-1y4E5zs2AVWH1pn380NakYIMGdxJBvRAmo">đây.</a>
Tàu rùa. Nguồn tại đây.