Tổng luợc về Nhật Bản khảo 日本考 - Bách khoa toàn thư về Nhật Bản của người thời Minh
Bài viết giới thiệu về tác phẩm Nhật Bản khảo của hai tác giả thời Minh là Hách Kiệt và Lý Ngôn Cung. Nội dung bao gồm khái quát về tác giả, khái quát nội dung tác phẩm.
Nhật Bản khảo 日本考 là một sách chuyên khảo về địa lý, chế độ, phong tục tập quán cho đến ngôn ngữ và chữ viết của người Nhật Bản, được soạn bởi Lý Ngôn Cung 李言恭 và Hách Kiệt 郝杰 vào thời vua Vạn Lịch nhà Minh. Sách được soạn thảo vào đúng lúc chiến tranh Nhâm thìn (1592-1598) đang diễn ra; hai tác giả đương thời cũng là những viên quan cấp cao dưới triều Minh.
Các thông tin trong sách đa phần được chép lại từ những sử liệu cũ hơn hoặc truyện truyền miệng, thậm chí dựa trên thông tin có được từ những người đã từng đến Nhật Bản, chứ không phải những điều mà tự thân tác giả trải qua. Một ví dụ tiêu biểu là phần Oa thuyền 倭船 (Thuyền của người Nhật Bản) trong NBK gần như y hệt một đoạn cùng tên trong tác phẩm Trù hải đồ thiên 筹海图编 (1562) của Trịnh Nhược Tăng.
Sơ qua về tác giả
Lý Ngôn Cung, tự là Duy Dần 惟寅, hiệu là Thanh Liên cư sĩ 青莲居士, Tú Nham đạo nhân 秀岩道人, quê ở tỉnh Giang Tô. Ông là cháu tám đời của khai quốc công thần Lý Văn Trung 李文忠; năm Vạn Lịch thứ 2 (1575) được thế tập tước Lâm Chuẩn hầu临淮侯 và được giao nhiệm vụ phòng thủ Nam Kinh. Sau được thăng hàm Thái bảo, chức Tổng đốc kinh doanh nhung chính 总督京营戎政. Ông mất vào năm Vạn Lịch thứ 27 (1599).
Tại phần lời bạt, tiểu sử của Ngôn Cung được chép khá tường tận, nên trích tại đây:
[...] Ngôn Cung từ bé đã tỏ ra kiệt xuất khác người, thích đọc sách, làm thơ từ sớm, cùng với bọn Vương Phụng Châu 王鳳洲, Lý Thương Minh 李滄溟 lập hội, tự xưng là Hải nội thập tài tử 海內十才子. Ông để lại hai tập thơ là Bối điệp trai khảo 貝葉齋稿 và Thanh liên các tập 青蓮閣集. Ngôn Cung có kết bạn với Hồ Ứng Lâm 胡應麟, biết đến y qua tập thơ Thiếu thất sơn phòng tập 少室山房集, hai bên qua lại rất thân thiết. (Ứng Lâm) am hiểu về sự tình của Nhật Bản; trong một bài y gửi Ngôn Cung, có câu thơ như sau: “ 月支奉舊朔 Nguyệt chi phụng cựu sóc, 日本祈新封 Nhật Bản ký tân phong.”
[...] Con trai của Ngôn Cung là Tông Thành chết trận; y được Thạch Tinh tiến cử, được sung vào đoàn chính sứ đến phong tước. Nhưng do biết quân Oa đổi ý, lại lo sợ biến cố xảy ra, y thay đổi trang phục, chạy khỏi Phủ Sơn 釜山; khi về bị hạch tội và đày ải. Ấy là bởi chỉ biết dựa vào sách vở mà không biết đến thực tiễn, nên không biết được sự tình là giả dối (ngay từ đầu).
Hách Kiệt, tự là Ngạn Phụ 彥輔, hiệu là Thiếu Tuyền 少泉, người tỉnh Sơn Tây. Năm 1556 đỗ tiến sĩ, nhậm chức Hành nhân 行人, sau thăng lên chức Ngự sử, Liêu Đông tuần phủ 辽东巡抚. Ông giữ chức Nam Kinh Công bộ thượng thư 南京工部尚书 dưới triều vua Minh Thần tông.
Lúc Nhật Bản tấn công Triều Tiên, Hách Kiệt đương thời nhậm chức Hữu phó đô ngự sử 右副都御史, phái thiên tướng 偏将 (chú: tương tự như phó tướng) là Tổ Thừa Huấn 祖承训 đem 3000 quân viện trợ Triều Tiên; toàn quân không một ai trở về. Tin tức truyền đến triều đình, Hách Kiệt bị đàn hạch, nhưng được Minh Thần tông đặc biệt miễn tội.
Khi quốc vương Triều Tiên chuẩn bị đến Liêu Đông để tị nạn, Hách Kiệt đã xin vua cho chọn một nơi nằm ngoài biên giới, phái thêm các tùy tòng, vệ sĩ bảo vệ cho quốc vương; vua chấp thuận. Không lâu sau đó, Hách Kiệt thăng chức Binh bộ hữu thị lang 兵部右侍郎, quản lý quân vụ của Hạt Kế và vùng Liêu - Bảo - Định. Vua vời Kiệt, muốn y đảm nhiệm phần việc của bộ Binh, nên cho thăng chức Hữu đô ngự sử 右都御史. Kiệt sau đó bị điều sang chức Nam Kinh Hộ bộ thượng thư 南京户部尚书, rồi cáo bệnh về quê. Không lâu sau lại được vời lên, nhậm chức Nam Kinh Công bộ thượng thư, rồi chuyển sang Binh bộ. Lúc chết được phong hàm Thái tử thiếu bảo 太子少保.
Mục lục
Bản đồ Nhật Bản;
Quyển 1: 倭国事略 Oa quốc sự lược; 畿内部Kỳ nội bộ: 驿Dịch, 户Hộ, 课Khóa, 岛名Đảo danh; 寇船Khấu thuyền; 寇术Khấu thuật; 寄语岛名Ký ngữ đảo danh; 倭好Oa hảo; 倭刀 Oa đao;
Quyển 2: Người dịch chia thành các phần như sau:
1. Về địa lý, chính trị Nhật Bản: 沿革 Duyên cách, 疆域 Cương vực, 畿州郡岛 Kỳ châu quận đảo, 国王建都 Quốc vương kiến đô, 属国 Thuộc quốc, 山川 Sơn xuyên, 土产 Thổ sản, 国王世传 Quốc vương thế truyền, 所属户口 Sở thuộc hộ khẩu, 朝贡Triều cống, 贡物 Cống vật, 贡船开泊Cống thuyền khai bạc, 君臣礼节 Quân thần lễ tiết, 设官分职 Thiết quan phân chức.
2. Về phong tục, tập quán: 染牙 Nhiễm nha, 内俗 Nội tục, 徵粮 Trưng lương, 法度 Pháp độ, 官出巡 Quan xuất tuần, 风俗男子妇人 Phong tục nam tử phu nhân, 婚姻 Hôn nhân, 便宜婚姻 Tiện nghi hôn nhân, 生育Sinh dục, 丧事 Tang sự, 祭祀 Tế tự, 贸易 Mậu dịch, 时令 Thời lệnh, 待食饮馔 Đãi thực ẩm soạn,
3. Các phần khác: 出海通番 Xuất hải thông phiên, 商船所聚 Thương thuyền sở tụ, 居室 Cư thất, 公文Công văn, 三教 Tam giáo, 九流 Cửu lưu, 百工器械 Bách công khí giới, 娼优隶卒 Xướng ưu lệ tốt.
Quyển 3: Chỉ có một phần là 字书 Tự thư. Nội dung bao gồm giới thiệu về chữ viết của người Nhật, kèm theo tranh vẽ 48 ký tự và chú âm bằng chữ Hán. Tiếp đó, tác giả viết các bài thơ (có lẽ là thơ…) của người Nhật bằng hiragana, và có ký âm bằng chữ Hán cho từng chữ.
Quyển 4: Ghi chép các từ vựng trong tiếng Nhật, từ 天文 Thiên văn, 寒温 Hàn ôn (nóng, lạnh), 月分 Nguyệt phần (cách đọc tháng), 日数 Nhật số (cách đọc ngày), 地理 Địa lý, 方向 Phương hướng,…
Quyển 5: Nội dung nối tiếp quyển 4, gồm có các phần 诗赋 Thi phú, 山歌 Sơn ca có kèm theo ký âm. Ngoài ra quyển này còn đề cập đến đàn cầm 琴, cờ tướng 象棋 (tức shogi) và cờ vây 围期. Cuối quyển là lời bạt.
Các bài dịch trong tương lai
Quyển 1: Oa quốc sự lược, Khấu thuyền, Khấu thuật, Oa hảo, Oa đao.
Quyển 2: Mậu dịch, Thời lệnh, Bách công khí giới.
Một vài trang sách của NBK
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất