[1 Tháng 12 1931]
Vì tôi đã quá quen với nỗi buồn chán, thật lạ là cho đến ngày hôm nay tôi chưa từng nghĩ quá nhiều về việc nỗi buồn chán thực sự gồm những gì. Hôm nay tâm trí tôi đang ở trạng thái lửng lơ này, cái trạng thái chẳng thấy vui thích với cuộc đời hay bất cứ thứ gì. Và tôi tận dụng việc chợt nhận ra tôi chưa từng thực sự nghĩ về cảm giác này để dựng lên một bài phân tích có phần giả tạo, vốn không thể tránh khỏi, bằng những suy nghĩ và ấn tượng nửa vời của mình về chủ đề này.
Tôi thực lòng không biết liệu rằng nỗi buồn chán chỉ là thứ tương đương với cơn buồn ngủ của kẻ nhàn rỗi cố hữu, ngoại trừ việc nó diễn ra khi tôi tỉnh táo hay là một thứ gì khác nhìn chung cao sang hơn cái kiểu lờ đờ cụ thể đó. Tôi thường phải chịu đựng cơn buồn chán, tuy vậy, theo như tôi thấy, cơn buồn chán không theo một quy luật nào về việc khi nào và tại sao nó xuất hiện. Tôi có thể trải qua cả một ngày Chủ nhật trống rỗng mà không cảm thấy buồn chán lấy một lần, vậy mà đôi khi, lúc tôi làm việc vất vả, cơn buồn chán choán lấy tôi, đầy đột ngột, như một đám mây. Tôi không thể liên hệ điều này với bất cứ tình trạng sức khỏe hay không được khỏe nào, tôi không thể xem nó là sản phẩm của nguyên nhân xuất phát từ một phần hữu hình của bản thân tôi.
Khi nói rằng đó là đớn đau siêu hình đội lốt, một niềm thất vọng không nói lên lời, một bài thơ bí mật của tầm hồn chán ngán ghé ra ngoài cửa sổ hướng về cuộc sống, nói như vậy, hoặc thứ gì đó tương tự, có thể đưa chút sắc màu vào nỗi buồn chán, theo cách mà đứa trẻ vẽ thứ gì đó rồi vụng về tô màu, làm nhòe những góc cạnh, nhưng đối với tôi đây chỉ là những từ ngữ vang vọng trong căn hầm suy tưởng.
Nỗi buồn chán... Đó là nghĩ mà không nghĩ, mà vẫn phải dồn hết mọi sức lực liên quan đến việc nghĩ; đó là rung cảm mà không rung cảm, mà vẫn khuấy lên nỗi khổ thường đi kèm trạng thái rung cảm; đó là không muốn thứ gì nhưng vẫn muốn nó, và bị dằn vặt bởi cơn buồn nôn đi kèm với việc không muốn. Dù nỗi buồn chán hàm chứa tất cả những điều này, bản thân chúng không phải là nỗi buồn chán, chúng chỉ là cách diễn giải lại, một bản dịch. Biểu lộ qua cảm giác trực tiếp, nó như thể một chiếc cầu kéo bắc qua hào quanh lâu đài của linh hồn đã bị kéo lên, chỉ để lại cho chúng ta quyền nhìn trân trối ra những vùng đất xung quanh, không bao giờ đặt chân đến đó nữa. Chúng ta cô lập chúng ta khỏi chính chúng ta, sự cô lập mà trong đó thứ ngăn cách chúng ta tù đọng như chính chúng ta, một vũng nước đục bao quanh nỗi bất lực thông hiểu của chúng ta.
Nỗi buồn chán... Đó là đau khổ mà không đau khổ, muốn mà không ham muốn, suy nghĩ mà không lý trí... Cứ như bị ám bởi một con quỷ phủ định, chẳng bị cám dỗ bởi bất cứ thứ gì. Họ nói rằng phù thủy và một số thầy pháp thấp cấp, bằng cách tạo ra hiện thân của chúng ta rồi hành hạ nó, có thể tái tạo chính những giày vò ấy lên chúng ta bằng phương thức dịch chuyển tinh tú nào đó. Nỗi buồn chán trồi lên trong tôi, trong cảm giác được dịch chuyển của một hiện thân như thế, như sự phản chiếu hiểm độc từ thứ bùa ma quỷ của loài yêu tinh nào đó, không phải ếm lên hiện thân của tôi mà ếm lên cái bóng của nó. Trên cái bóng trong tôi, trên bề mặt phần sâu kín của linh hồn tôi, là nơi họ dán giấy lên hay châm kim vào. Tôi như là kẻ bán đi cái bóng của hắn, hay đúng hơn, giống như cái bóng của kẻ bán nó.
Nỗi buồn chán... Tôi làm việc khá là vất vả. Tôi hoàn thành cái mà những nhà đạo đức học thực hành gọi là nghĩa vụ xã hội của bản thân, và hoàn thành nghĩa vụ, hay số phận đó mà không tốn quá nhiều sức lực hay gặp phải khó khăn đáng kể nào. Nhưng đôi khi, ngay giữa lúc làm việc hoặc khi rỗi rãi (thứ mà theo chính những nhà đạo đức học đó tôi xứng đáng được hưởng), tâm hồn tôi ngập tràn thứ mật đắng uể oải và tôi cảm thấy chán chường, không phải với công việc hay giờ nhàn hạ, mà với chính tôi.
Và tại sao tôi lại thấy chán chường với bản thân mình, nếu như tôi còn chẳng hề nghĩ về bản thân mình? Tôi sẽ còn nghĩ về điều gì nữa? Bí ẩn của thế gian ập xuống tôi lúc đang vất vả với sổ sách hay ngả mình trên ghế? Nỗi đau phổ quát của việc sống kết tinh bất chợt trong trung gian của linh hồn tôi? Sao ta lại ban cho kẻ còn chẳng biết mình là ai quyền cao quý? Đó là cảm giác trống rỗng tột cùng, là cơn đói mà không muốn ăn, gần cao quý như cảm giác anh trải qua trong não hay dạ dày khi hút thuốc hoặc ăn quá nhiều.
Nỗi buồn chán... Có lẽ đó cơ bản là biểu hiện bất mãn từ nơi sâu thẳm nhất trong linh hồn chúng ta khi không được trao điều gì để tin vào, nỗi phiền muộn của đứa trẻ thẳm sâu trong tất cả chúng ta khi không được mua thứ đồ chơi thần tiên. Có lẽ đó là sự tự ti của kẻ cần một bàn tay chỉ lối, mò mẫm trên con đường đen kịt của xúc cảm thẳm sâu mà chỉ ý thức được màn đêm im ắng của kẻ mất đi khả năng suy nghĩ, con đường vắng bóng người của kẻ mất đi khả năng rung cảm...
Nỗi buồn chán... Chẳng ai có đức tin từng bị nỗi buồn chán hành hạ. Nỗi buồn chán là sự thiếu thốn huyền hoặc. Đối với kẻ không đức tin, ngay cả ngờ vực cũng bị chối bỏ, ngay cả hoài nghi chủ nghĩa cũng không đem lại sức mạnh cho niềm tuyệt vọng. Phải, đó chính là nỗi buồn chán: khi linh hồn mất đi khả năng lừa dối chính nó, sự vắng bóng trong suy nghĩ của thứ bậc thang không tồn tại đưa linh hồn bước lên đầy kiên định về phía sự thật.
(Nguyễn Văn A chuyển ngữ từ bản dịch The Book of Disquiet: The Complete Edition của Margaret Jull Costa)