Lý do để sống tiếp | Cuốn hồi ký chân thực về hành trình tìm lại sự sống sau trầm cảm
Chúng ta một mình nhưng không đơn độc. Chúng ta mắc kẹt trong thời gian, nhưng ta cũng ở trong vô tận. Bằng xương thịt, nhưng cũng bằng tinh tú.

Hình ảnh sách
“Nỗi hồ nghi giống như chim nhạn. Chúng theo nhau bay thành đàn. Tôi nhìn mình trong gương. Tôi nhìn mặt mình cho đến khi nó không phải mặt tôi. Tôi quay lại bàn ngồi xuống và tôi không nói với ai mình đang cảm thấy ra sao. Nói tôi đang cảm thấy ra sao sẽ dẫn đến việc cảm thấy nhiều hơn nữa những gì tôi đang cảm thấy. Cư xử bình thường sẽ giúp ta cảm thấy bình thường hơn một chút. Tôi cư xử bình thường.”
Ở tuổi 24, khi liên tục phải đối diện với nỗi đau do chứng trầm cảm nặng nề gây nên. Matt Haig quyết định tự vẫn để chấm dứt cuộc đời. Tuy nhiên khi đứng bên bờ vực thẳm, trong khoảnh khắc sự sống và cái chết mong manh liền kề, một vài điều nhỏ bé đã kịp thời xuất hiện, giữ chân Matt ở lại. “Lý do để sống tiếp” là cuốn hồi ký Matt Haig kể về hành trình vượt qua chứng trầm cảm đầy rẫy những khó khăn và bế tắc.
Đối diện với quá khứ tăm tối không phải điều dễ dàng. Viết về góc khuất tinh thần lại càng không. Thế nhưng trong “Lý do để sống tiếp”, bằng cách thẳng thắn nhìn vào nỗi đau, Matt Haig đã bóc trần sự thật tàn bạo của trầm cảm tác động đến đời sống con người.
Cuốn sách sẽ cho bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về trầm cảm, đồng thời tiếp thêm sức mạnh với những ai đang đơn phương độc mã chiến đấu với “con chó đen trầm cảm”. Cuốn sách cũng là minh chứng tuyệt đẹp cho chân lý nghe có vẻ sáo rỗng nhưng vô cùng đúng đắn: “Luôn có ánh sáng cuối đường hầm. Và những điều nhỏ bé, những khoảng lặng, cùng tình yêu thương, luôn là những lý do giúp con người ta sống tiếp.”
Như Matt Haig, người đi qua hết thảy bóng đêm đã tìm lại được ánh sáng cho chính mình.
“Rốt cuộc thì ta cần nhiều can đảm để sống hơn là để tự tử.” Albert Camus
Rơi
Nếu ai đó hỏi rằng tại sao trầm cảm khó hiểu?
Bởi vì nó vô hình. Bởi không một ai có đủ khả năng diễn đạt trầm cảm chính xác như nó vốn là. Chẳng có câu từ nào đủ sức nặng cho phép ta làm điều đó. Hơn thế, trải nghiệm trầm cảm ở mỗi người là hoàn toàn khác biệt. Do đó trầm cảm trở nên vô cùng khó hiểu.
Một vài trích dẫn dưới đây sẽ giúp bạn hình dùng sức nặng của chứng trầm cảm thông qua chia sẻ Matt Haig trong cuốn sách:
“Đầu óc là thứ khác biệt. Nó trở nên bất ổn theo những cách khác biệt. Đầu óc tôi trở nên bất ổn theo kiểu hơi khác với những đầu óc khác. Cái ta nếm trải trùng lặp với cái người khác nếm trải, nhưng nó không bao giờ là cũng một trải nghiệm.”
“Trầm cảm không phải là chỉ cảm thấy buồn buồn, nó là một thứ gì đó rất nặng nề hơn thế.”
“Trầm cảm làm tôi nghĩ đến cái lốp xe xẹp lép, thứ gì đó bị thủng và không nhúc nhích.”
“Lúc bị nặng nhất bạn sẽ thấy mình tuyệt vọng ước có tai ách nào khác, nỗi đau thể xác nào khác, vì đầu óc thì vô tận, nên những màn hành hạ của nó - khi xảy ra - cũng vô tận như vậy.”
“Một cái thập thình hay dập dờn dữ dội như có con bướm mắc kẹt bên trong, cộng thêm một cảm giác râm ran. Lúc đó tôi chưa biết các động tác kỳ lạ mà trầm cảm và lo âu tạo ra cho cơ thể tôi. Tôi chỉ nghĩ mình chết đến nơi. Rồi tim tôi bắt đầu suy. Rồi tôi bắt đầu suy. Tôi chìm thật nhanh rơi vào một thực tại mới bức bí và ngột ngạt.
“Trầm cảm chính là thế, bạn có thể đi xung quanh cuộc sống với cái đầu bốc cháy nhưng chẳng biết lửa ở đâu. Nó sẽ khiến cho bạn cảm thấy đau đớn nhưng người khác sẽ không nhận ra và hoàn toàn không cảm nhận được nỗi đau mà bạn phải chịu đựng.”
Cuộc tìm kiếm trong vô vọng
Matt Haig cố gắng tìm lý do vì sao bản thân anh lại mắc căn bệnh trầm cảm. Nguồn thông tin duy nhất Matt có được, là mẹ anh từng có khoảng thời gian trầm cảm sau sinh và bà cố nội từng tử tử vì trầm cảm. Tuy nhiên những thông tin ấy không đủ thuyết phục Matt rằng căn bệnh trầm cảm của anh là do tiền sử gia đình. Matt cố gắng truy lùng trong quá khứ, về tuổi thơ nhưng tuyệt đối không tìm thấy bất cứ dấu vết nào của sự bất hạnh. Anh có một tuổi thơ hạnh phúc, được ba mẹ yêu thương, không thiếu thốn bất cứ thứ gì. Còn cuộc sống hiện tại? Nếu nói hiện tại là nguyên nhân khiến anh mắc trầm cảm thì chắc chắn anh sẽ bị thiên hạ cười vào mặt, cho rằng anh “điên”.
Hai mươi bốn tuổi, kết thúc quãng thời gian sinh viên, Matt có chuyến du lịch tuyệt vời đến Tây Ban Nha cùng người bạn gái xinh đẹp tên Andrea. Hai người nghỉ dưỡng trong căn biệt thự sang trọng nằm cạnh bờ biển, chỉ cần mở cửa sổ có thể ngắm thấy đại dương mênh mông xanh thẳm trải dài trước mắt. Khung cảnh tuyệt vời, không khí trong lành, mọi thứ hoàn hảo đến mức tuyệt đối.
Cớ sao Matt lại mắc trầm cảm. Không chỉ trầm cảm, Matt còn trải qua những cơn lo âu căng thẳng kéo dài.
“Tôi nằm trên giường suốt ba ngày. Nhưng tôi không ngủ. Andrea, bạn gái tối, cứ chốc chốc lại mang nước hay trái cây nhưng tôi hầu như không động đến.”
“Cửa sổ mở đón khí trong lành, những căn phòng im lìm và nóng bức. Tôi còn nhớ đã kinh nhạc vì mình vẫn còn sống.”
“Tôi muốn mình chết. Không. Nói vậy không đúng lắm. Tôi không muốn mình chết, tôi chỉ không muốn mình sống. Cái chết làm tôi sợ. Mà cái chết chỉ xảy đến với người đang sống. Người chưa từng sống thì nhiều hơn vô vàn. Tôi muốn là một trong số đó. Cái ước muốn lâu đời đó. Chưa bao giờ sinh ra. Là một trong ba trăm triệu tinh trùng không thành công.”
Ngày Matt quyết định chết - đó là một ngày đẹp trời

Internet
Mặt trời chói chang. Trước mắt, một Địa Trung Hải vô tận lấp lánh trông như tấm khăn trải bàn màu ngọc lam lấm tấm kim cương.
Không khí có mùi thông và biển. Biển ở đó, có một vách đá ở ngay kia. Matt nhẩm tính khoảng cách vị trí anh đứng đến vách đá không quá hai mươi bước chân. Trong đầu Matt khi ấy, chỉ có duy nhất một suy nghĩ. Anh phải chết. Cần phải chết. Phải nhanh chóng kết thúc nỗi đau đớn này tại đây.
Điều làm nên giá trị cho cuốn sách
Trải nghiệm của Matt sẽ giúp chúng ta hiểu được không nhất thiết cứ phải trải qua sang chấn hay một sự kiện đau buồn nào đó mới khiến một người rơi vào trầm cảm.
Trầm cảm có thể tìm đến bất cứ ai, bất cứ người nào, bất kể họ sống trong điều kiện ra sao, bao nhiêu tuổi, trình độ học vấn như thế nào, đang làm công việc gì. Ngay cả những người cuộc sống trông có vẻ hoàn hảo lý tưởng, không điều gì đảm bảo trầm cảm sẽ loại trừ họ.
“Nó tác động đến mọi người - nhà triệu phú, người có tóc đẹp, người có hôn nhân hạnh phúc, người vừa được thăng chức, người biết nhảy tập dance, làm ảo thuật bài và gảy đàn guitar, người có lỗ chân lông khít, người toát vẻ hạnh phúc trong các cập nhật trạng thái trên mạng xã hội - những người mà, nhìn bề ngoài, có vẻ không có lý do gì để khố sở.”
Trầm cảm không chỉ vô hình mà nó còn bí ẩn
Khác với một vết thương vật lý có thể thấy bằng mắt thường, trầm cảm làm cho người bệnh khổ sở trong việc tìm ra lý do cụ thể giải thích cho tình trạng của bản thân. Những người mắc trầm cảm vô hình chung, họ thường rơi vào vòng xoáy của sự cô độc và tuyệt vọng, bởi không thể giải thích hoặc chia sẻ mọi cảm xúc của bản thân với những người xung quanh, dù họ rất mong có thể làm thế.
Thông tin và kiến thức y khoa Matt Haig tổng hợp trong cuốn sách một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta đừng xem nhẹ hoặc đánh giá quá thấp sức tàn phá của trầm cảm. Trầm cảm có khả năng giết người, là sự thật.
“Theo số liệu của Tổ chức y tế thế giới, trầm cảm giết nhiều người hơn ung thư dạ dày, xơ gan, ung thư vú hay Alzheimer. Vì những người tự tử thường là những mắc chứng trầm cảm, nên trầm cảm là một trong những bệnh hiểm ác nhất trên hành trình. Nó giết nhiều người hơn những các hình thức bạo lực khác cộng lại: chiến tranh, khủng bố, bạo hành gia đình, hành hung, tội ác liên quan đến súng ống.
“Tỷ lệ tự tử khác nhau tùy theo bạn ở đâu trên thế giới. Chẳng hạn, nếu ở Greenland thì bạn sẽ tự tử hơn gấp hai mươi bảy lần nếu bạn sống ở Hy lạp.
"Một triệu người tự tử mỗi năm. Từ mười đến hai mươi triệu người mỗi năm cố tự tử. Trên toàn thế giới, nam giới dễ tự tử hơn gấp ba lần nữ giới."
Tỉ lệ nam giới mắc bệnh trầm cảm nhiều hơn nữ giới, nhưng số lượng người nam tới phòng khám điều trị vấn đề sức khỏe tâm thần thường ít hơn nữ giới. Thông thường những người đàn ông né tránh những căn bệnh tinh thần bởi vì văn hóa chưa bao giờ khoan dung cho những “người đàn ông yếu đuối”. Không chỉ phương Đông, nền văn hóa phương Tây tưởng chừng như văn minh, hiện tại hơn vẫn tồn tại vô vàn định kiến và sự kỳ thị.
Vậy nên với chàng Matt 24 tuổi với một cơ thể khỏe mạnh, được học hành tử tế, có cuộc sống vật chất đầy đủ, sống trong tình yêu thương. Mắc trầm cảm là cái gì đó rất kỳ lạ, rất bất ổn. Dù người thân xung quanh cảm thông và chọn đồng hành cùng Matt. Nhưng bản thân anh trong suốt quãng thời gian đó, ngoài nỗi đau trầm cảm gây nên, anh còn phải đối diện với một nỗi đau khác, nỗi đau thấy bản thân yếu kém, nhu nhược, đầy mặc cảm tội lỗi vì đã mắc trầm cảm, kéo người thân vào bất hạnh, làm họ khốn khổ.
Điều giúp Matt thoát khỏi hố đen tử thần
Có hai lý do chính giúp Matt không nhảy bờ vực hôm ấy.
Một là tình yêu thương. Matt đã nghĩ về gia đình, về cha mẹ, về cô em gái dễ thương và người bạn gái luôn hết lòng vì anh. Tình yêu thương vào khoảnh khắc đen tối đã âm thầm gieo một hạt giống sự sống giữ chân Matt ở lại. Dù trong giây phút điên cuồng nhất Matt chỉ ước giá mà mình không có ai. Nhưng sự thật là, Matt có bốn người yêu thương chờ đợi anh trở về.
Hai là nỗi sợ chết. Khi ngồi viết lại cuốn sách, hồi tưởng trải nghiệm trong quá khứ, Matt mới cơ hội nhận ra rằng lý do thứ hai khiến anh không gieo mình xuống vách đá hôm ấy, chính là bản năng sợ chết trong con người anh. “Trầm cảm có cái kỳ, là ngay cả khi có nhiều ý nghĩ tự tử hơn, thì nỗi sợ chết vẫn ở đó.”
“Thú thật là tôi sợ. Lỡ tôi không chết thì sao? Lỡ tôi chỉ bị liệt, rồi tôi mắc kẹt, bất động, trong tình trạng đó luôn thì sao.”
Hai lý do nếu ở trong một cuộc sống bình thường chúng ta sẽ chẳng để tâm, nhưng trong một khoảnh khắc trọng đại nó có khả năng cứu giúp một người quay trở lại đường đua của sự sống.
Matt đã cứu mình thoát chết, nhưng quay trở về không có nghĩa là trầm cảm đã biến mất

Internet
Trầm cảm vẫn ở đó, tệ hơn là nó ngày càng ăn mòn và hủy hoại Matt.
Thuốc men không có tác dụng.
Matt làm theo lời khuyên của mọi người cố gắng xin việc nhưng kết thúc mọi chuyện như một kẻ ngốc.
Mắc kẹt trong cảm giác tội lỗi khi cảm nhận bản thân là gánh nặng lớn cho gia đình và người yêu.
Không thể tự đi ra ngoài một mình, sợ nơi đông người, không thể giao tiếp trò chuyện với người khác một cách bình thường, dù chỉ chào hỏi, nhờ giúp đỡ, điều đứa trẻ lên năm dễ dàng làm được.
Cuối cùng Matt Haig và căn bệnh trầm cảm có thể nói lời chào tạm biệt
Dù không biết bao lần bật khóc, gục ngã trong đau đớn và kiệt quệ. Cuối cùng một nguồn sống mới trở lại trong Matt. Trải nghiệm chìm đến tận đáy vực sâu khiến Matt hiểu ra rằng ngay cả khi chúng ta bị nỗi đau đẩy đến tận cùng của bờ vực thẳm hết lần này đến lần khác, trải nghiệm đau đớn có thể đẩy ta vào giới hạn của bản thân tưởng chừng như phải bỏ lại tất cả, bỏ lại sinh mệnh quý giá của mình. Thì sự sống vẫn ở đâu đó, lẩn khuất trong bóng đêm tìm cách vẫy gọi chúng ta trở lại.
“Tôi nghĩ, nếu ta lắng nghe kỹ thì đời sống luôn đem lại lý do để không chết. Những lý do đó có thể bắt nguồn từ quá khứ - có thể là những người nuôi nấng ta, hay bạn bè hay người yêu; hoặc từ tương lai - những khả năng mà ta sẽ từ bỏ.
"Tôi lúc ấy: Tôi muốn chết
Tôi bây giờ: Thôi nào, anh sẽ không chết đâu
Tôi lúc ấy: Tôi không chịu nổi cơn đau này
Tôi bây giờ: Tôi biết. Nhưng anh sẽ phải chịu thôi. Và sẽ đáng đó.
Tôi lúc ấy: Sao vậy? Trong tương lai mọi sự sẽ hoàn hảo sao?
Tôi bây giờ: Không. Đương nhiên là không. Đời sống chẳng bao giờ hoàn hảo cả. Thỉnh thoảng tôi vẫn còn bị trầm cảm. Nhưng giờ tôi đã khá hơn rồi. Còn đâu không còn nặng nề như vậy nữa. Tôi đã biết ra mình là ai. Tôi thấy hạnh phúc. Ngay lúc này tôi thấy hạnh phúc. Bão sẽ tan. Cứ tin tôi."
Âm thanh sự sống vẫy gọi chúng ta không phải những điều lớn lao, chúng vốn dĩ và vẫn luôn là những điều thật nhỏ, những điều mà nếu cuộc sống chúng ta êm đềm và thuận lợi, chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy sức mạnh và tầm quan trọng của chúng.
Trong cuốn sách, Matt viết và phân tích chi tiết cách mà anh tận dụng sức mạnh của những điều nhỏ bé trở thành ánh sáng dẫn đường giúp anh dần thoát ra bóng đêm trầm cảm đó là việc đọc sách, nghe nhạc, xem phim, chạy bộ, thiền định, tìm hiểu về danh sách những người phải trải qua trầm cảm, cách thức họ vượt qua để thấy rằng bạn không đơn độc một mình trên hành trình đấu tranh tìm lại sự sống.

Khi đọc những điều Matt viết mình thấy rất xúc động, mình tin rằng bạn cũng sẽ cảm nhận được những cảm xúc mạnh mẽ chạm đến trái tim tác giả Matt Haig chân thành gửi gắm qua trang viết. Để thấy rằng dẫu cơ thể và trái tim nhỏ bé của bạn liên tục bị nỗi đau nghiền nát. Thì cuộc sống vẫn trao cho bạn chiếc chìa khóa để bạn mở một cánh cửa khác.
Cánh cửa đó sẽ dẫn bạn đến với một thế giới ấm áp và dịu dàng hơn. Đó là nơi bạn được trở về nhà, được cảm thấy an toàn và nhẹ nhõm.
Trầm cảm có thể khiến bạn bắt gặp khía cạnh mong manh nơi bản thân. Nhưng nó cũng giúp bạn cảm nhận được sự kết nối to lớn giữa bạn và đấng toàn năng, giữa nguồn sống chảy trong bạn và sự sống bao la của vũ trụ. Bạn là sự sống, sự sống chính là bạn.
Vì vậy, dẫu nỗi đau cùng cực vẫn ở đó, bên trong bạn. Xin hãy để ý chí và lòng vị tha cho bạn cơ hội "được sống" thêm một lần nữa. Và biết đâu đó, chuyến du hành trong không gian trầm cảm sẽ cho phép bạn học được cách trân quý cuộc sống, trân quý việc được sống. Giống như lời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa.”

Internet
Trầm cảm có thể khiến bạn chạm đến đáy, nhưng nó cũng là cơ hội bạn giúp bạn bật nhảy chạm đến những giới hạn cao nhất.
Hãy nhớ: “Trầm cảm nhỏ bé hơn bạn. Nó luôn nhỏ hơn bạn, ngay cả khi nó có vẻ bao la. Nó hoạt động bên trong bạn, bạn không hoạt động bên trong nó. Nó có thể đám mây đen kéo qua bầu trời, nhưng - nếu đó là ẩn dụ - bạn là bầu trời. Bạn có trước nó. Đám mây không thể tồn tại nếu không có bầu trời, nhưng bầu trời có thể tồn tại nếu như không có đám mây.”
Trong sách có 40 trích dẫn hữu ích về trầm cảm, dưới đây mình xin viết lại một vài trích dẫn mình yêu thích, cảm thấy được truyền thêm động lực sống tích cực:
“Hãy nhẹ nhàng với bản thân. Làm việc ít đi. Ngủ nhiều hơn.”
“Đừng cảm thấy tội lỗi vì đã ngồi không. Có lẽ chúng ta làm hại thế giới bằng làm việc nhiều hơn là ngồi không. Nhưng hãy làm cho sự ngồi không của bạn trở nên hoàn hảo. Làm cho nó chánh niệm.”
“Dù bạn ở đâu, bất cứ giây phút nào, hãy cố gắng tìm kiếm những điều đẹp đẽ. Một gương mặt, một câu thơ, những đám mây ngoài cửa sổ, một hình graffiti, một trang trại gió. Cái đẹp tẩy gội đầu.”
“Đừng tin vào tốt hay xấu, được hay mất, thắng hay bại, lên hay xuống. Ở lúc thấp nhất và lúc cao nhất, dù bạn hạnh phúc hay tuyệt vọng, điềm tĩnh hay nóng giận, có một hạt nhân trong bạn vẫn không thay đổi. Bạn mới quan trọng.”
“Đọc Emily Dickinson. Đọc Graham Greene. Đọc Italo Calvino. Đọc Mây Angelou. Đọc bất cứ gì bạn thích. Cứ đọc. Sách là các khả năng. Chúng là lối thoát. Chúng cho bạn các khả năng lựa chọn khi bạn không có cái nào. Mỗi cái có thể là mái nhà cho một đầu óc bị bật gốc.”
“Nếu mặt trời đang soi sáng và bạn có thể ra ngoài hãy ra ngoài.”
“Hãy nhớ rằng chính cái yêu nơi sự sống trên trái đất là thay đổi. Xe gỉ sét đi. Giấy ngả vàng. Công nghệ lỗi thời. Sâu thành bướm. Đêm thành ngày. Trầm cảm kết thúc.
Lời kết
Làm sao dừng lại thời gian: hôn.
Làm sao du hành xuyên thời gian: đọc
Làm sao chạy trốn thời gian: nhạc
Làm sao cảm nhận thời gian: viết
Làm sao xả bỏ thời gian: thở
“Nhưng khi rơi xuống đáy tôi chạm phải thứ gì đó vững chắc, cái gì đó cứng và mạnh ở trong lõi mình. Cái gì bất hoại, miễn nhiễm với sự thường biến của ý nghĩa. Cái tôi không chỉ là tôi mà là của chúng ta. Cái tôi nối tôi với các bạn, con người với con người. Sức mạnh sinh tồn cứng rắn, không thể đập vỡ. Của đời sống. Của 150000 thế hệ chúng ta đã đi qua trước và những thế hệ sẽ sinh ra. Là nhân bản của chúng ta. Cũng giống như nếu ta xuống đủ sâu bên dưới bề mặt trái đất, nền đất bên dưới New York, Lagos chẳng hạn, sẽ giống hệt như nhau, mỗi cứ dẫn con người trên hành tinh phép lạ kỳ diệu cũng có cùng một lõi.
"Tôi là bạn, bạn là tôi. Chúng ta một mình nhưng không đơn độc. Chúng ta mắc kẹt trong thời gian, nhưng ta cũng ở trong vô tận. Bằng xương thịt, nhưng cũng bằng tinh tú.”
Cuốn hồi kỳ cho phép ta cảm nhận trầm cảm chân thực và sống động nhất. Những lời khuyên không đao to búa lớn nhưng có khả năng đánh thức sức sống mãnh liệt bên trong mỗi chúng ta.
Nếu đang rơi vào trầm cảm, xin hãy nhớ rằng bạn không đơn độc.

Câu trích dẫn trong sách
Matt Haig chính là tác giả cuốn tiểu thuyết hư cấu Thư viện lúc nửa đêm. Với mình, Thư viện lúc nửa đêm là tác phẩm để lại trong mình nhiều suy ngẫm. Khi đọc "Lý do để sống tiếp" mình càng hiểu rõ lý do vì sao một người có thể tạo ra những tác phẩm xúc động đến vậy. Có lẽ là vì, người viết không chỉ viết bằng đôi tay, họ còn viết bằng cả trái tim, viết bằng chính trải nghiệm chân thực trong cuộc sống của họ. Và câu nói: những điều xuất phát từ trái tim chắc chắn sẽ chạm đến trái tim" luôn luôn đúng.

Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này