Trẻ em và tiếng Anh
Tiếng Anh ngày nay được xem như là một kỹ năng, hay một kiến thức không thể thiếu của mỗi công dân Việt Nam . Chúng ta có thể dễ...
Tiếng Anh ngày nay được xem như là một kỹ năng, hay một kiến thức không thể thiếu của mỗi công dân Việt Nam.
Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ từ 4-5 tuổi nói những từ tiếng Anh từ những đồ vật xung quanh như “an apple” (quả táo), “a chair” (cái ghế), thậm chí cho tới cả những từ vựng chúng học được trong trò chơi điện tử như win (thắng), lose (thua), game (trò chơi)….Ta dễ dàng có thể nhận ra rằng, độ tuổi bắt đầu học ngoại ngữ của một người đang dần trẻ hóa với tốc độ rất nhanh, nhất là ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Thế kỷ 21 là thời điểm mà lứa tuổi 9x bắt đầu kết hôn. Đây cũng là lứa tuổi mà việc học ngoại ngữ bắt đầu được phổ cập trong giáo dục, đặc biệt là tiếng Anh. Khi các bậc phụ huynh này đi làm, học tập, họ cũng dần dà hiểu được tầm quan trọng của việc biết tiếng Anh thông qua những trải nhiệm thực tế. Cùng một vị trí, một người thông thạo tiếng Anh chắc chắn sẽ có một mức lương khá hay có thể nói là hơn rất nhiều so với người không hoặc kém thông thạo hơn.
Chưa dừng lại ở công việc tương lai. Ngay cả trong quá trình đi học, sự quan trọng của tiếng Anh càng rõ hơn bao giờ hết. Một đứa trẻ với vốn tiếng anh tốt từ ban đầu sẽ có sự ưu ái hơn so với những đứa trẻ kém tiếng Anh.
Tôi còn nhớ khi tôi còn ngồi trên ghế ngôi trường cấp 3, khi mà giáo viên chủ nhiệm của bọn tôi dạy tiếng Anh. Và đúng như nhiều người dự đoán, những đứa học giỏi tiếng Anh được hưởng những đặc quyền như đi kiểm tra bài tập, chấm hộ bài kiểm tra, ghi sổ đầu bài giờ tiếng Anh, hay được ưu ái khi kiểm tra miệng.
Hay ngay cả khi không trong trường hợp giáo viên chủ nhiệm như tôi, một đứa giỏi tiếng Anh luôn có thể được coi như một thiên tài trong lớp với toàn anh mắt ngưỡng mộ của các bạn cùng lớp.
Và hầu hết với nền tảng tiếng Anh tốt, việc tương lai có học bổng du học, theo học chuyên ngành ngoại ngữ, hay học các chương trình giáo dục liên kết chỉ còn là vấn đề thời gian của họ mà thôi.
Ngày nay, không khó để bắt gặp những bậc phụ huynh trông con bằng…điện thoại, ipad. Những đứa trẻ như những tờ giấy trắng. Chúng tò mò, ham vui và cũng ham học hỏi với mức độ tiếp thu gần như chẳng xót những gì mà chúng nghe hoặc nhìn thấy. Cùng sự phổ biến của internet, việc tiếp cận các kênh youtube hay game với nội dung bằng tiếng Anh là cực kì dễ dàng. Những câu thoại nhân vật mà chúng có thể lải nhải cả ngày mà không hề biết nghĩa, những lời nói của một youtuber Minecraft mà chúng chẳng mảy may hiểu lấy một câu.
Tuy nhiên, tất cả những gì chúng nghe hoặc nhìn thấy hầu như vẫn được tiếp thu và lưu vào bộ nhớ của chúng. Cho tới khi những đứa trẻ ngày bắt đầu học bài bản về từ vựng, thì những cấu trúc, ngữ điệu được chúng tiếp thu từ bé đã trở thành một nền tảng. Cũng vì vậy những đứa trẻ ngày nay dường như có nền tảng hơn thế hệ 9x trở về rất nhiều.
Việc độ tuổi bắt đầu học tiếng Anh được trẻ hóa là một tín hiệu đáng mừng đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam. Trên đà hội nhập quốc tế, ngoại ngữ là thứ tất yếu. Việc học thêm một ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ cũng mang lại vô số lợi ích cho người học.
Theo bài “The Benefits of a Bilingual Brain” của tác giả Mia Nacamulli trên TED-Ed nói về lợi ích của một bộ não song ngữ, một bộ não song ngữ có khả năng suy nghĩ linh hoạt hơn, mật độ chất xám cao hơn, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh về suy giảm trí nhớ. Hơn nữa, cũng theo tác giả Mia Nacamulli, trẻ em học ngoại ngữ dễ dàng hơn vì chúng sở hữu một bộ não linh hoạt cả hai bán cầu và tính tò mò hiếu học vô hạn. Phụ huynh cho con em mình học ngoại ngữ có thể sánh ngang với việc ban cho đứa trẻ một đặc ân xuyên suốt cuộc đời chúng.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng nên để ý thái độ của bé khi học tiếng Anh. Thật may mắn khi con trẻ được tiếp xúc và yêu thích tiếng Anh từ bé. Tuy nhiên cũng có những trường hợp chúng không hề thích tiếng Anh dù chỉ một chút. Ở độ tuổi ham chơi của những đứa trẻ, việc tạo động lực học sẽ hiệu quả hơn là bắt ép chúng học. Bố mẹ nào cũng muốn tốt cho con trẻ, nhưng một ngôn ngữ mới nên được tiếp thu một cách tự nhiên, hơn là xem chúng là một môn học.
Suy cho cùng, để có thể sử dụng một cách tự nhiên, thì việc tiếp thu cũng là tiếp thu một cách tự nhiên. Cũng có nhiều phụ huynh lo sợ con em mình học tiếng Anh quá nhiều sẽ quên mất tiếng mẹ đẻ, nhưng trẻ em bị ảnh hưởng nhiều nhất từ môi trường mà chúng sinh ra và lớn lên. Nếu đứa bé ở Việt Nam và xung quanh mọi người đều nói bằng tiếng Việt, chúng sẽ dùng tiếng Việt khi nói chuyện. Ngược lại nếu đứa trẻ đi học thêm ở lớp tiếng Anh hoặc nói chuyện với giáo viên bản xứ ở đó, đó sẽ là những lúc chúng dùng tiếng Anh.
Kết luận lại, với mức độ phát triển về internet, cũng như các trung tâm giáo dục tiếng Anh như hiện nay, rất dễ để có thể cho con trẻ học tiếng Anh từ sớm, đem lại nhiều lợi ích sau này về cả tư duy và sự nghiệp.
Và đi kèm với việc học của con trẻ, sự động viên cũng của bậc phụ huynh, kiểm soát những gì chúng tiếp thu được là không thể thiếu.
P/s: Đây là bài viết đầu tay của mình/em, mình/em mong muốn có thể viết một series về việc học ngoại ngữ không chỉ là tiếng Anh. Mình rất hoan nghênh và trân trọng sự góp ý của các bạn và anh chị ^^.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất