Nguồn Dịch: 
Rogers, C. R. (1980). “Do We Need ‘A’ Reality?” Trong A way of being, tr. 105–116. Boston: Houghton Mifflin Harcourt.
---//---
Tôi thích đọc lại bài viết này vì nó làm tôi nhớ đến những kỷ niệm êm đềm vào mùa thu năm 1974, khi một người bạn cho tôi thuê một căn nhà nhỏ bên bờ biển (được tôi nhắc đến ở đoạn thứ ba) trong mười ngày. Lúc ấy tôi hoàn toàn ở một mình, không điện thoại hay giao tiếp với bất cứ người nào ngoại trừ vài lần tạt vào cửa hàng tiện lợi gần đó. Trong khoảng thời gian quý giá này, tôi tự hứa với bản thân rằng tôi sẽ không cố đạt được bất cứ điều gì hay cho ra bất cứ tác phẩm nào. Tôi mang theo một vài quyển sách mà tôi đã muốn đọc từ lâu. Tôi đi bộ rất lâu trên biển, làm quen với một con chim diệc xanh lớn, ghi nhật ký cũng như giấc mơ của mình, đọc sách và để đầu óc bay bổng.
Một buổi tối nọ, tôi đang ngồi trước hiên nhà thì nảy ra những ý tưởng ban đầu cho bài viết này. Viết xong, tôi mới thấy nó rất khác những gì bản thân đã từng viết. Cái sự bồng bềnh của nó làm tôi thấy thích thú. Không có sự thật nào được đề cập trong bài viết này là mới cả, nhưng nếu được xem xét nghiêm túc, hệ quả của chúng sẽ khiến nhiều người phải sững sờ.
Đây không phải là một bài viết mang tính cá nhân như những bài viết trước, nhưng tôi vẫn để ở trong chương này vì nó thể hiện một khía cạnh mới của con người tôi.
Carl Ransom Rogers (1902-1987), nhà tâm lý học người Mỹ và là cha đẻ của tâm lý học nhân văn. Nguồn: Bettmann
Carl Ransom Rogers (1902-1987), nhà tâm lý học người Mỹ và là cha đẻ của tâm lý học nhân văn. Nguồn: Bettmann
Tôi tin đa số nhà giáo dục đều đồng ý rằng một trong những ưu tiên hàng đầu của giáo dục là giúp cá nhân tiếp thu kiến thức và phát triển bản thân để có thể đương đầu một cách hiệu quả hơn với "thế giới thực". Đây thường là điểm chung của những bài phát biểu trong lễ tốt nghiệp, trong đó diễn giả thể hiện niềm hy vọng hay sự ái ngại với lứa sinh viên tốt nghiệp giờ đây sẽ phải đối diện với "thế giới thực" như thế nào. Đây thường là chủ đề thảo luận xuất hiện vào cuối buổi trị liệu nhóm, khi những con người đã hiểu thêm rất nhiều về bản thân cũng như về những mối quan hệ xung quanh mình, giờ đây lo lắng không biết mình phải xử sự ra sao khi trở về với cuộc sống "thực".
Cái "thế giới thực" này là gì? Đây chính là câu hỏi tôi muốn khám phá, và tôi tin rằng những suy nghĩ đi thẳng từ hệ tư tưởng của tôi sẽ được thể hiện một cách tốt nhất thông qua một số ví dụ cá nhân nhưng quen thuộc với chúng ta.
Vài tuần trước, tôi đang ngồi một mình trước hiên của một căn nhà nhỏ bên bãi biển ở phía Bắc California. Lúc tôi đã ngồi đó được khoảng vài tiếng thì một ngôi sao lấp lánh từ vùng chân trời bay thẳng lên trên và tỏa sáng trước mắt tôi. Một hành tinh vĩ đại khác cũng chuyển động với tốc độ chậm rãi từ ngay phía trên tôi sang một điểm nằm ngay bên phải. Đồng hành với cả ngôi sao lẫn hành tinh ấy là toàn bộ Dải Ngân Hà cùng hằng hà sa số những chòm sao khác. Dĩ nhiên tôi là trung tâm của vũ trụ, và cả bầu trời đang xoay quanh tôi một cách chậm rãi. Trải nghiệm ấy vừa hạ tôi xuống (Sao mình nhỏ bé thế nhỉ!) vừa nâng tôi lên (Sao mình tuyệt vời thế nhỉ!). Tôi đang nhìn thế giới thực.
Tuy vậy, ở đâu đó trong tâm trí của mình, tôi biết rằng bản thân tôi và mặt đất dưới chân tôi và bầu khí quyển xung quanh tôi đang di chuyển với tốc độ chóng mặt (nhanh hơn máy bay phản lực hiện đại) theo cái hướng mà tôi gọi là Đông, và rằng nếu lấy Trái Đất làm vật mốc thì có thể nói những ngôi sao và hành tinh đều ở yên một chỗ. Dù tôi không thể thấy được những miêu tả vừa rồi, tôi biết rằng chúng mới thật sự là thế giới thực, chứ không phải những gì tri giác trực tiếp mách bảo tôi.
Xét trên một góc độ khác, tôi biết rằng tôi chỉ là một hạt bụi nhỏ bé trên một hành tinh nhỏ bé trong một thiên hà nhỏ bé mà vũ trụ này thì có vô số thiên hà như vậy. Tôi biết rằng mỗi thiên hà này đều di chuyển với tốc độ khủng khiếp, thường va chạm và tách xa khỏi những thiên hà khác. Đây cũng là thực tại sao? Câu hỏi ấy làm tôi bối rối.
Tuy vậy, chí ít vẫn còn một thực tại mà tôi có thể tin tưởng được: cái ghế gỗ cứng mà tôi vừa ngồi, mặt đất vững chãi để tôi đặt xuống cái bàn của mình, cây bút không gỉ được tôi cầm trên tay. Đây là một thực tại mà tôi không những thấy được, mà còn chạm được và cảm nhận bằng tri giác của mình. Những vật này vừa có khối lượng vừa chịu áp lực. Chúng đều là vật rắn.
Ồ không, tôi biết đủ khoa học để thách thức tất cả những điều này. Cái ghế được tạo thành từ thứ từng được gọi là tế bào sống với cấu tạo phức tạp chứa nhiều không gian hơn vật chất. Mặt đất là một khối dịch chuyển chậm rãi, thường rung chuyển khi nó co lại và nứt ra. Con đường mà tôi lái qua hôm trước cũng là một phần của sự rung chuyển ấy. Một ngày nọ vào năm 1906, mặt đất rung chuyển một chút khiến con đường nứt ra, thế là phần phía Tây của vết nứt tiếp tục kéo dài thêm vài mét ở phía ngược lại. Đúng là vững chãi thật!
Thế còn cái sự cứng rắn của cây bút kim loại trên tay tôi? Họ bảo tôi rằng nó được tạo nên từ những nguyên tử vô hình, di chuyển với tốc độ lớn. Mỗi nguyên tử có một hạt nhân, và những năm gần đây chứng kiến nhiều loại hạt được phát hiện bên trong hạt nhân đó. Mỗi hạt ẩn chứa những đặc tính kỳ diệu đến khó tin. Chúng di chuyển theo quỹ đạo có thể vô trật tự, có thể có trật tự bên trong không gian rộng lớn của mỗi nguyên tử. Cây bút của tôi không còn là cái vật cứng rắn mà tôi cứ tưởng mình đang cầm nắm. "Thế giới thực" dường như đang tan rã.
Ngài James Jeans, một nhà vật lý tài ba, từng phát biểu thế này: "Khách quan mà nói, dòng chảy kiến thức nhân loại đang hướng tới một thực tại phi cơ giới: Vũ Trụ bắt đầu trở nên giống như một ý tưởng vĩ đại hơn là một cỗ máy vĩ đại." Câu nói ấy vừa trấn an tôi vừa làm tôi bối rối. Hãy thử nói câu đó với một người bạn sống thực tế, một thợ sửa ống nước hay một nhà đầu tư chứng khoán xem sao. Cứ thử đi, kiểu "Thế giới thực chỉ là một ý tưởng vĩ đại." Nói gì thì nói, khái niệm về một thế giới thực quá hiển nhiên với bất cứ con người nào, giờ đây đang trượt nhanh khỏi tầm với của tôi.
Tuy vậy, chí ít trong thế giới của những mối quan hệ, tôi biết gia đình và bạn bè của tôi. Những gì tôi hiểu về họ chắc chắn là một nền tảng vững chãi để tôi xây dựng cách hành xử của mình. Nhưng ký ức của tôi lại chứng minh điều ngược lại. Chúng ta chỉ cần bước vào một buổi trị liệu nhóm cho phép người tham gia có thể mở lòng và gần như tự do trong phát triển chủ đề thảo luận thì sẽ phát hiện ngay hiểu biết của mình về con người xung quanh mỏng manh thế nào. Nhiều người đã phát hiện ra vô vàn những cảm xúc tiềm ẩn trong bạn bè và người thân của họ, từ những nỗi sợ chẳng ai hay, những cảm xúc như muốn nói rằng mọi thứ chưa bao giờ là đủ, những cơn giận dữ và thù hằn đã bị kìm nén, những ảo tưởng và ham muốn tình dục kỳ quặc, tới những hy vọng và mơ mộng, những niềm vui và nỗi sợ, những thôi thúc đến với sự sáng tạo và những tình yêu không chút gượng ép. Thực tại này cũng không chắc chắn và chứa đầy những ẩn số.
Thế là tôi lại phải quay về chính mình: "Chí ít mình biết mình là ai. Mình quyết định mình muốn điều gì và mình làm điều gì. Chắc chắn đó là thực." Chắc chưa? Nếu tôi đi hỏi một người theo chủ nghĩa hành vi, anh ta sẽ bảo tôi rằng, "Anh chỉ là tổng của những kích thích anh nhận vào và những phản ứng đã quy định sẵn mà anh tỏa ra. Tất cả những thứ còn lại là ảo giác." Ôi, cuối cùng chúng ta mới có thực tại, thực tại mà tôi chỉ là một cỗ máy. Hết. Thế còn giấc mơ của tôi thì từ đâu mà ra? Chắc cái này cũng có người giải thích được. Nhưng tôi nghĩ đến Jean, một người phụ nữ đã bảo tôi rằng chị gái song sinh giống hệt cô đang lái xe về nhà mình trên cung đường quen thuộc giữa đêm khuya thì Jean tỉnh dậy trong hoảng loạn vì biết chắc một điều gì đó đã xảy ra. Cô gọi điện cho cảnh sát tuần tra và bảo họ rằng, "Có một tai nạn xảy ra trên đoạn cao tốc này này, một chiếc xe trắng với biển số này này và ở ghế lái chỉ có một người phụ nữ..." Sau một khoảng im lặng thì viên cảnh sát cất giọng bối rối pha chút nghi hoặc, "Nhưng sao cô biết vậy? Chúng tôi chỉ mới được báo tin hai phút trước." Chúng ta giải thích cái thực tại đấy kiểu gì bây giờ?
Câu chuyện ngắn ấy mở ra trong tôi cả một chuỗi suy nghĩ về những thế giới nội tâm và "những thực tại riêng biệt". Chúng ta giải thích ra sao cái giấc mơ tiên tri của Carl Jung (1961) khi ông mới chỉ lên ba? Ông mơ thấy một hang động to lớn bí ẩn nằm dưới lòng đất, với tất cả ánh sáng tập trung vào một đống thịt chất thành cột khổng lồ mà trên đỉnh là một thứ gì đó giống cái đầu của một ông vua đang ngự trị trên ngai vàng. Phải mất năm mươi năm sau ông mới lý giải được giấc mơ này, khi ông nhìn thấy cùng một hình ảnh trong các nghi lễ thờ dương vật của một số bộ lạc nguyên thủy. Tại sao nó xuất hiện trong giấc mơ của một đứa trẻ lên ba? Cái thế giới thực nào mới có thể chứa chấp hiện tượng này?
Câu chuyện tiếp theo là của Robert Monroe (1971), một doanh nhân và kỹ sư sống thực tế nhưng trải qua một vài sự kiện khó hiểu. Một đêm nọ, anh thấy bản thân đang lơ lửng trên trần nhà, nhìn xuống cơ thể của vợ anh và của chính anh. Ban đầu anh còn thấy sợ hãi, nhưng càng về sau anh càng tự nguyện tham gia vào những chuyến xuất hồn. Tôi nghe anh kể mà vừa thấy bất ngờ, vừa thấy thuyết phục, trong lòng không khỏi băn khoăn câu hỏi: Rốt cuộc "thực tại" nào có thể bao quát cả những trải nghiệm như thế cả những trải nghiệm "thực" mà tôi biết đến?
Thế còn câu chuyện của Don Juan, một người Yaqui bất tử đã mở ra những thế giới hoàn toàn mới cho nhà nhân học cứng đầu và hoài nghi Carlos Castaneda? Chúng là thế giới của những sự kiện kỳ diệu, của những chuyến bay trên không, của một thực tại phi thường nơi cái chết không khác biệt với sự sống, nơi mỗi "trí thức" đồng hành với một thực thể tâm linh và là nơi con người có thể trải nghiệm những điều vô lý nhất. Bạn nghĩ là hoang đường à? Chính những trải nghiệm ấy là đủ để khiến Castaneda (1969, 1971) thừa nhận sự tồn tại những thực tại riêng biệt hoàn toàn xa lạ với tư duy khoa học hiện đại.
Rồi tôi lại nghĩ đến câu chuyện của John Lilly (1973), một nhà khoa học được đào tạo ở Viện Công nghệ California và sau đó tiếp tục nghiên cứu về giải phẫu thần kinh, y học và tâm thần học. Ông có lẽ được biết đến nhiều nhất qua mười hai năm làm việc với cá heo, cố gắng giao tiếp với những loài động vật mà ông tin rằng ít nhất cũng thông minh ngang con người. Bất ngờ thay, từ một nhà khoa học chỉ tin vào những mô hình máy móc của thực tại, ông giờ đây tin rằng trạng thái ý thức phi thường (altered consciousness) mà ông đã đạt được và giúp đỡ những người khác làm điều tương tự, thật ra tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau. Trên hành trình đó, ông cũng dần tin rằng cá heo có thể đọc được suy nghĩ của mình. Tôi rất hứng thú với những trải nghiệm của Lilly trong bể cách ly tri giác, nơi ông thả trôi bản thân trong làn nước ấm với lượng thông tin tối thiểu từ thị giác, thính giác, xúc giác hay vị giác. Ông phát hiện ra rằng thế giới nội tâm, khi không có bất kỳ tác nhân kích thích nào từ bên ngoài, lại vô cùng phong phú và vừa đáng sợ vừa kỳ lạ. Trong nỗ lực tìm hiểu thế giới nội tâm này, ông đã thử nghiệm với chất gây ảo giác LSD và mang về cả những trải nghiệm khai sáng lẫn trải nghiệm kinh hoàng. Chúng dẫn ông đến thiền định, những hình thức truyền tải suy nghĩ không chủ đích và những trạng thái ý thức ngày càng cao hơn giúp ông trải nghiệm vũ trụ như một thể thống nhất, một thể thống nhất dựa trên tình yêu giống như cách trải nghiệm của nhiều người trước đó bị gọi là mê muội. Thật là một chặng đường dài từ những năm tháng đào tạo tại viện công nghệ!
Những câu chuyện kể trên và rất nhiều những câu chuyện khác không thể chỉ đơn giản bị bác bỏ với sự khinh miệt hay chế giễu. Những nhân chứng quá thật thà, những trải nghiệm của họ quá thực tế. Tất cả lời kể dường như đều chỉ đến sự tồn tại của một vũ trụ rộng lớn và bí ẩn. Hoặc là một thực tại xuất phát từ bên trong mỗi người, hoặc là một thế giới tâm linh mà tất cả chúng ta đều vô thức là một phần của nó, một vũ trụ như vậy giáng một đòn quyết định vào niềm tin thoải mái của chúng ta rằng “ai cũng biết thế giới thực là gì.”  
Rốt cuộc những suy nghĩ đã đưa tôi đến đâu trên chặng đường đi tìm bản chất của thực tại khách quan?
Rõ ràng nó không tồn tại trong những vật thể mà chúng ta có thể nhìn, chạm và cầm nắm. 
Nó không tồn tại trong công nghệ mà chúng ta vô cùng ngưỡng mộ. 
Nó không nằm trên mặt đất vững chắc hay những vì sao lấp lánh. 
Nó không bắt nguồn từ hiểu biết vững chắc về những người xung quanh chúng ta. 
Nó không tồn tại trong những tổ chức, phong tục hay nghi thức của bất kỳ nền văn hóa nào. 
Nó thậm chí không nằm trong thế giới riêng tư quen thuộc của chính chúng ta. 
Nó phải tính đến những “thực tại riêng biệt” bí ẩn, xa rời thế giới khách quan và hiện tại chưa thể lý giải.
Tôi cùng với nhiều người khác đã nhận ra một chân lý mới. Đó là: Thực tại duy nhất mà tôi có thể biết được là thế giới mà tôi đang nhận thức và trải nghiệm ngay khoảnh khắc này. Thực tại duy nhất mà bạn có thể biết được là thế giới mà bạn đang nhận thức và trải nghiệm ngay khoảnh khắc này. Và điều chắc chắn duy nhất là những thực tại ấy không giống nhau. Thế giới này có bao nhiêu con người thì cũng có bấy nhiêu “thực tại”! Điều này tạo ra một tình thế nan giải chưa từng có tiền lệ và nặng nề hơn bao giờ hết.
Từ thuở xa xưa, bộ lạc, cộng đồng, quốc gia hay nền văn hóa đã đồng thuận về những gì tạo nên thế giới thực. Dĩ nhiên là các bộ lạc hoặc các nền văn hóa khác nhau có thể có những thế giới quan rất khác nhau, nhưng ít nhất luôn có một nhóm lớn và tương đối thống nhất tin rằng họ hiểu thế giới và vũ trụ, và họ biết rằng nhận thức của họ là đúng. Vì vậy, cộng đồng thường phản đối, lên án, đàn áp, thậm chí giết hại những ai không đồng tình, những ai có góc nhìn khác về thực tại. Copernicus, dù đã giữ bí mật phát hiện của mình trong nhiều năm, cuối cùng vẫn bị tuyên bố là kẻ dị giáo. Galileo đã chứng minh quan điểm của Copernicus, nhưng khi đã ngoài bảy mươi tuổi, ông bị buộc phải rút lại quan điểm của mình. Giordano Bruno bị thiêu sống vào năm 1600 vì cho rằng có nhiều thế giới trong vũ trụ của chúng ta. 
Những cá nhân có quan điểm khác biệt về thực tại tôn giáo đã bị tra tấn và giết hại. Vào giữa thế kỷ 19, Ignaz Semmelweis, một nhà khoa học và bác sĩ trẻ người Hungary, đã bị bức hại đến mức phát điên chỉ vì ông đưa ra tuyên bố khi đó bị xem là vô lý: sốt hậu sản, mối đe dọa kinh hoàng trong các phòng sản khoa, bị lây truyền từ người này sang người khác qua những vi khuẩn vô hình trên tay và dụng cụ của các bác sĩ. Điều đó rõ ràng là vô lý theo quan điểm thực tại thời bấy giờ. Ở các thuộc địa Mỹ, những ai thậm chí chỉ bị nghi ngờ có khả năng ngoại cảm đã bị xem là phù thủy và bị treo cổ hoặc bị nghiền nát dưới những tảng đá lớn. Lịch sử liên tục cho thấy những cái giá khủng khiếp mà những người có góc nhìn thực tại khác biệt phải trả. Dù xã hội thường thay đổi quan điểm và cuối cùng đồng tình với những người bất đồng chính kiến, như trong các trường hợp tôi đã đề cập, không thể phủ nhận rằng niềm tin mãnh liệt về một vũ trụ nhất định và rõ ràng như thế là một phần của chất keo gắn kết một nền văn hóa lại với nhau.  
Ngày nay, chúng ta đối mặt với một tình huống khác. Sự dễ dàng và nhanh chóng của giao tiếp toàn cầu đồng nghĩa với việc mỗi người chúng ta đều nhận thức được hàng tá “thực tại”; ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng vài thứ trong số đó là vô lý (như luân hồi) hoặc nguy hiểm (như chủ nghĩa cộng sản), chúng ta không thể không biết đến sự tồn tại của chúng. Không còn cái kén an toàn mà trong đó tất cả chúng ta đều thấy thế giới theo cùng một kiểu nữa rồi. 
Vì sự thay đổi này, tôi muốn đặt ra một câu hỏi rất nghiêm túc: Ngày nay, liệu chúng ta có thể duy trì quan niệm về “một” thực tại không? Chúng ta có thể tiếp tục giữ niềm tin rằng có một “thế giới thực” mà tất cả chúng ta đều thống nhất về cách định nghĩa nó không? Tôi tin rằng đây là một sự xa xỉ mà chúng ta không thể gánh vác, một thần thoại mà chúng ta không dám duy trì. Trong thời hiện đại duy chỉ có một lần điều này được thực hiện một cách triệt để và thành công. Dưới sức mê hoặc của Hitler, hàng triệu người hoàn toàn đồng thuận về bản chất của thực tại xã hội và văn hóa. Sự đồng thuận này suýt nữa đã hủy diệt toàn bộ văn minh phương Tây. Tôi không thấy đó là một điều đáng noi theo.  
Trong văn hóa phương Tây của thế kỷ này, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, cũng đã xác lập một thực tại chung về các giá trị phổ quát. Chân lý này có thể được phát biểu ngắn gọn: “Nhiều hơn là tốt hơn, lớn hơn là tốt hơn, nhanh hơn là tốt hơn, và công nghệ hiện đại sẽ đạt được cả ba mục tiêu đáng ao ước này.” Nhưng giờ đây, tín điều ấy đang sụp đổ một cách khó tin trong làn khói ô nhiễm, nạn đói do bùng nổ dân số và lưỡi gươm treo lơ lửng của bom hạt nhân. Chúng ta đã quá thành công trên con đường đạt được mục tiêu “một vụ nổ mạnh hơn với một cái phí hời hơn” đến mức chúng ta đang đứng trước nguy cơ hủy diệt toàn bộ sự sống trên hành tinh này.  
Theo quan điểm của tôi, những nỗ lực của chúng ta để có thể sống trong “thế giới thực” thống nhất đã đưa loài người đến bờ vực diệt vong. Tôi xin đề xuất một lựa chọn thay thế.  
Tôi cho rằng trong tương lai, cuộc sống và nền giáo dục phải dựa trên giả định rằng có bao nhiêu con người thì cũng có bấy nhiêu thực tại, và ưu tiên hàng đầu của chúng ta là chấp nhận giả thuyết ấy và tiếp tục phát triển từ đó. Phát triển đến đâu? Phát triển đến khi mỗi người chúng ta cởi mở khám phá vô vàn nhận thức khác nhau về thực tại đang hiện hữu. Tôi tin rằng trên chặng đường ấy, chúng ta sẽ làm phong phú thêm cuộc sống của chính mình. Chúng ta cũng có khả năng đối phó tốt hơn với thực tại mà mỗi người chúng ta đang sống, vì chúng ta sẽ nhận thức được nhiều lựa chọn hơn. Đây rất có thể là một cuộc sống đầy hoang mang và những lựa chọn khó khăn, đòi hỏi sự trưởng thành hơn, nhưng cũng đầy những thú vị và phiêu lưu.  
Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể xây dựng một cộng đồng hoặc một xã hội dựa trên nền tảng của những thực tại muôn hình vạn trạng hay không. Liệu một xã hội như vậy có lâm vào tình trạng vô chính phủ hoàn toàn mang tính cá nhân không? Tôi không nghĩ như vậy. Hãy giả sử sự khoan dung miễn cưỡng của tôi đối với thế giới quan khác biệt của bạn trở thành sự chấp nhận hoàn toàn con người bạn và quyền của bạn được giữ quan điểm như vậy. Hãy giả sử thay vì gạt bỏ thực tại của người khác như thể nó là điều vô lý, nguy hiểm, dị giáo hay ngu ngốc, tôi sẵn sàng khám phá và tìm hiểu về những thực tại đó. Hãy giả sử bạn cũng sẵn sàng làm điều tương tự. Kết quả sẽ ra sao? Tôi nghĩ rằng xã hội của chúng ta sẽ không còn dựa vào những cam kết mù quáng về một lý tưởng, tín điều hay quan điểm thực tại nào đấy, mà thay vào đó là một cam kết chung nhìn nhận đối phương như những cá nhân riêng biệt với những thực tại riêng biệt. Sự quan tâm mà của con người dành cho nhau một cách tự nhiên sẽ không còn là “Tôi quan tâm đến bạn vì bạn giống tôi,” mà thay vào đó, “Tôi trân trọng và quý mến bạn vì bạn khác tôi.” 
Bạn thấy lý tưởng của tôi quá viển vông? Đương nhiên rồi. Làm sao tôi có thể ngây thơ và “thiếu thực tế” đến mức hy vọng rằng một sự thay đổi mạnh mẽ như vậy có thể xảy ra? Tôi đặt một phần hy vọng của mình vào cách nhìn nhận lịch sử thế giới mà Charles Beard đã diễn đạt rất hay: “Khi bầu trời trở nên tối tăm, những vì sao bắt đầu tỏa sáng.” Theo đó, chúng ta có thể chứng kiến sự xuất hiện của những nhà lãnh đạo đang hướng đến con đường mới này. 
Tôi còn đặt những hy vọng thậm chí có phần vững chắc hơn vào quan điểm của Lancelot Whyte, một nhà sử học về tư tưởng, trong cuốn sách cuối cùng của ông trước khi qua đời. Ông và nhiều người khác đưa ra lý thuyết rằng những bước tiến lớn trong lịch sử loài người được dự đoán trước, và có lẽ được thúc đẩy bởi những thay đổi trong tư duy vô thức của hàng ngàn, hàng triệu cá nhân trong thời kỳ trước khi sự thay đổi xảy ra. Sau đó, trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, một ý tưởng mới, một góc nhìn mới dường như bùng nổ trên sân khấu thế giới, và sự thay đổi bắt đầu diễn ra. Ông đưa ra ví dụ rằng trước năm 1914, lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc được xem là những phẩm chất không thể tranh cãi, nhưng sau đó xuất hiện những hoài nghi mơ hồ kéo theo sự hình thành của trào lưu vô thức đảo ngược toàn bộ lối tư duy trước đó. Quan điểm mới này bùng nổ trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến 1970. “Tôi yêu đất nước bất kể đúng sai” không còn là một niềm tin để sống theo nữa. Các cuộc chiến tranh mang tính dân tộc không còn hợp thời và không được ủng hộ; mặc dù chúng vẫn tiếp diễn, dư luận thế giới phản đối mạnh mẽ. Whyte (1974) nhấn mạnh rằng “ở bất kỳ thời điểm nào, những tầng vô thức luôn đi trước tầng ý thức trong nhiệm vụ thống nhất cảm xúc, tư duy và hành động!” (tr. 107). 
Quan điểm này hoàn toàn trùng khớp với suy nghĩ của tôi. Tôi đã từng nói rằng chúng ta khôn ngoan hơn trí tuệ của mình, rằng cơ thể của chúng ta như một chỉnh thể thống nhất có sự thông tuệ và luôn hướng tới một mục đích vượt xa những suy nghĩ ở bề mặt ý thức. Tôi tin rằng quan điểm này cũng áp dụng cho những khái niệm mà tôi đã trình bày trong chương này. Tôi nghĩ rằng cả cá nhân lẫn tập thể đang dần từ chối quan điểm về một thực tại duy nhất được văn hóa chấp thuận. Tôi tin rằng họ đang tiến gần đến việc chấp nhận hàng triệu thực tại riêng biệt, đầy thử thách, thú vị và sâu sắc. Tôi cho rằng có khả năng quan điểm này bắt đầu xuất hiện và chứng minh hiệu quả ở nhiều nơi trên thế giới cùng lúc, giống như việc khám phá đồng thời các nguyên tắc của cơ học lượng tử bởi các nhà khoa học ở nhiều quốc gia khác nhau. Nếu đúng như vậy, chúng ta sẽ đang sống trong một vũ trụ hoàn toàn mới, khác biệt với bất cứ thời đại nào trong lịch sử. Liệu sự thay đổi này có khả thi không? 
Đây chính là thách thức đối với những người làm giáo dục, một trong những ngành nghề căng thẳng và sợ hãi nhất, đi kèm với sự bủa vây từ áp lực công chúng, những giới hạn bởi các quy định pháp luật, và bản chất bảo thủ vốn có trong phản ứng của chính mình. Liệu họ có thể chấp nhận quan điểm về những thực tại đa dạng như tôi đã mô tả? Liệu họ có thể bắt đầu thực hiện những thay đổi trong thái độ, hành vi và giá trị đòi hỏi ở một thế giới quan như vậy? Chắc chắn là họ không thể tự mình làm điều đó. Nhưng với sự thay đổi ngầm trong cái mà Whyte gọi là “truyền thống vô thức” và với sự hỗ trợ của những con người mới mà tôi và nhiều người khác thấy đang xuất hiện trong nền văn hóa của chúng ta, điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. 
Kết luận lại, nếu các quốc gia tiếp tục đi theo con đường cũ của họ, thì trước tốc độ giao tiếp và trao đổi tư tưởng trên quy mô toàn cầu, mỗi xã hội sẽ phải vin vào ngày càng nhiều cưỡng chế để ép buộc sự đồng thuận về thế giới thực và các giá trị của nó. Những sự đồng thuận bị ép buộc này sẽ khác nhau từ quốc gia này sang quốc gia khác, từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác. Sự cưỡng chế đó sẽ hủy hoại tự do cá nhân. Chúng ta sẽ tự đưa mình đến sự hủy diệt do những xung đột gây ra bởi các thế giới quan khác biệt.
Nhưng tôi có suy nghĩ khác. Nếu chúng ta chấp nhận rằng chúng ta sống trong những thực tại riêng biệt; nếu chúng ta có thể coi những thực tại khác nhau này là nguồn tài nguyên hứa hẹn nhất để học hỏi trong suốt lịch sử nhân loại; nếu chúng ta có thể sống cùng nhau để học hỏi từ nhau mà không sợ hãi; nếu chúng ta có thể làm tất cả những điều này, thì một kỷ nguyên mới có thể đang hé mở. Và có lẽ, chỉ có lẽ thôi, chìa khóa mở đường cho thay đổi này nằm ở sự nhạy cảm vừa sâu sắc lại sống động của nhân loại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Castaneda, C. (1969). The Teachings of Don Juan: A Yaqui Way of Knowledge. New York: Ballantine Books.
2. Castaneda, C. (1971). A Separate Reality: Further Conversations with Don Juan. New York: Pocket Books, Division of Simon & Schuster.
3. Jung, C. G. (1961). Memories, Dreams, Reflections. New York: Vintage Books.
4. Lilly, J. C. (1971). The Center of the Cyclone. New York: Doubleday.
5. Monroe, R. A. (1973). Journeys Out of the Body. New York: Bantam Books.
6. Whyte, L. L. (1974). The Universe of Experience. New York: Harper Torchbooks.