Nhân tiện series, tôi trả lời một bạn bình luận vào năm ngoái: “Tôi có cảm thấy thượng đẳng không?”
Tôi “Có” và chẳng việc gì phải ngại cả.
img_0
Bây giờ, mời bạn bỏ dép ra, cùng tôi bước vào một căn phòng trống rỗng. Căn phòng này không có “thành công” hay “đạo nghĩa nhân sinh” gì đó... Hoàn toàn không có.
Chỉ có duy nhất 3 người: 1. Tôi 2. Vỏ ngoài của bạn 3. Nội tâm của chính bạn
Giả sử rằng: Bạn là bác sĩ Tôi là thằng thất học, lớp 3 thì cô giáo đi lấy chồng, nhưng tôi có tài đánh giày cực phẩm
Giờ bạn mở cửa sổ, hít một hơi “khiêm tốn” của xã hội bên ngoài, rồi ngồi xuống thở cái “khiêm tốn” đó ra, chúng ta cùng xem:
Nếu bạn hạ thấp mình trước tôi => bạn nịnh đầm tôi và dối trá nội tâm, vì bạn biết rõ bạn hơn tôi ở thu nhập và y khoa!
Nếu bạn nâng tôi lên cao hơn bạn => bạn cũng nịnh đầm tôi và dối trá nội tâm, vì bạn cũng chẳng muốn con mình thất học giống tôi!
Nếu bạn bày tỏ rằng bạn thấy hèn mọn với nội tâm, vì chưa phải một bác sĩ đẳng cấp như nội tâm mong muốn => kệ hai bạn, liên quan gì đến tôi? Bạn thua nó thì bạn cho nó biết là đủ rồi! Tôi cũng có kiểm chứng được điều đó đâu?
Số (1) là chiến lược an ủi kẻ yếu thế để có được sự ủng hộ. Số (2) là chiến lược nịnh đầm kẻ quyền lực để thuận công danh. Số (3) là chiến lược trấn an cả hai đối tượng trên để có được sự an toàn.
Đây chính là bản chất “giả khiêm tốn” của “khiêm tốn”, một chiến lược phổ biến trong xã hội.
Nếu vẫn chưa thuyết phục, tôi chỉ cho bạn thấy một tâm lý thú vị nữa:
Bạn có bao giờ khó chịu khi thấy người khác tự mãn chưa? Tại sao bạn lại ác cảm khi bạn chưa kiểm chứng được tài năng của họ? Nếu họ thật sự giỏi hơn bạn thì họ đâu có khoác lác? Còn nếu có một người khác giỏi hơn họ, vậy thì đó là chuyện của hai người họ, liên quan gì đến bạn mà khó chịu?
“Khiêm tốn” dữ chưa? “Đạo đức” dữ chưa? Thấy mâu thuẫn tinh tế chưa?
“Khiêm tốn” là một giao kèo ngầm trong xã hội được dạy dỗ một cách máy móc: “Không được nghĩ mình giỏi”, “Không được thể hiện trước đám đông”.
Rồi, bây giờ nồng độ “khiêm tốn” trong bạn đã hết. Hãy thử nghĩ:
“Bạn có tài đánh giày hiếm có, nhưng y khoa thì dốt lắm. Ồ, bạn cũng rất giỏi ở bộ môn karaoke kẹo kéo!”
Đúng lúc này, toàn bộ 3 chủ thể ăn khớp nhau, không còn khúc mắc. Bạn từ bỏ khái niệm “hơn kém”, chuyển sang sự thật và sẵn sàng cập nhật lại bất cứ khi nào có thay đổi. Đó gọi là “thành thật với chính mình” dẫn đến sạch trơn mâu thuẫn từ nội tâm ra thế giới xung quanh, không cần phương tiện giả tạm “khiêm tốn” nữa. Bạn cởi bỏ được một mớ giả tạm, đầu óc thoải mái, chân thành xuất hiện. Còn người khác có công nhận sự chân thành đó hay không, đó đâu phải là mục tiêu! (hay bạn lại tiếp tục dính mắc một cách tinh tế ở đây?)
Giờ bạn có thể rời căn phòng và trở lại thế giới ngoài kia với những chiến lược cũ để mưu sinh. Nhưng ở thế giới tinh thần, sám hối một nửa hay sám hối quá lố, đều cho thấy sự toan tính, sự dính mắc với ngoại cảnh bên ngoài.
Thường xuyên sám hối chính xác, không ngừng tập luyện, là đủ để dần trở nên thượng đẳng rồi.
img_1
Cảm ơn bạn đã dùng 3 phút của đời mình để dành cho tôi. Tôi biết trong trường hợp bạn không thích ý tưởng này đi chăng nữa, thì cũng chẳng lấy lại được 3 phút của đời mình. Tôi rất tiếc nhưng cuộc sống luôn là như vậy.
Bài viết này thuộc series Hãy cẩn thận với Phật giáo nếu các bạn muốn xem nhiều hơn.