Hình: Slow.vn
Hình: Slow.vn
Bài viết gốc được đăng tải tại Slow.vn
Nhắc đến “chơi”, bạn nghĩ đến điều gì? Con nít, những khối lego, những bộ xếp hình, bùn đất lấm lem? Với trẻ con, chơi là một điều gì đó rất hiển nhiên và trong tiềm thức của nhiều người, chơi chỉ dành cho một lứa tuổi nhất định. Giờ hãy thử đặt từ “chơi” bên cạnh “người lớn”, thật khó để tưởng tượng ra một sự kết hợp nào đó không mang tính tiêu cực, không dò xét hoặc mang ý nghĩa đen tối. Nếu tìm kiếm trên Google, chơi game có lẽ là một trong số ít những kết quả có thể tạm chấp nhận được. Nhưng hãy tạm gạt bỏ những định kiến, nếu có, để có cái nhìn công bằng hơn về bản năng rất tự nhiên này.

Tại Sao Con Người Cần Chơi?

Có rất ít số lượng những nghiên cứu khoa học về việc chơi, so với về tội phạm hay nghiện ngập. Tiến sĩ Stuart Brown, một trong những người tiên phong nghiên cứu về lĩnh vực này, đồng thời cũng là tác giả cuốn sách Play: How it shapes the brain cũng phải công nhận rằng, lợi ích của việc chơi - nhất là với người lớn, không phải là một đề tài thu hút được sự chú ý của những nguồn tài trợ đáng kể, như trong bài diễn thuyết của ông trên TED Talks (2). Tuy nhiên, không được chú ý không có nghĩa rằng chơi không quan trọng, và cũng không vì thế mà ông và các cộng sự bỏ cuộc ở đề tài này.
Để trả lời cho câu hỏi cốt lõi “Tại sao con người chúng ta lại chơi đùa?”, ông đã nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu về hành vi này ở nhiều lứa tuổi và đi đến kết luận: “Bởi vì tự nhiên đã thiết kế như vậy” (1). Không chỉ con người, chơi cũng là bản năng của động vật. Và chúng ta có nhiều nét tương đồng với những người bạn hai chân, bốn chân, có đuôi, có cánh,... nhiều hơn chúng ta vẫn nghĩ.
Khi một đứa bé mới ra đời, ngoài những nhu cầu rất tự nhiên và cơ bản là ăn, ngủ, vệ sinh, chơi cũng là một bản năng được bộc lộ từ rất sớm. Hãy thử để ý cách người lớn chúng ta thường nựng yêu, trêu đùa trẻ nhỏ, hay ngạc nhiên khi thấy trẻ bật cười khanh khách trước những “tai nạn” vấp ngã của người lớn. Đó là phản ứng tự nhiên, bản năng có sẵn của con người. Bản năng này không hề mất đi khi chúng ta lớn lên, mà chỉ bị đè nén lại trước những kì vọng của xã hội, của “thế giới người lớn”, về những quy định cách cư xử, những điều hoàn toàn không bị áp đặt lên một đứa trẻ. “Lớn thế này rồi mà còn chơi game…”, “Lớn rồi mà còn…”,... những định kiến xung quanh bủa vây khiến bản năng chơi đùa bị xếp lại và một cái rương và giấu kín. Hoặc đôi khi, chúng ta quá tập trung vào tính hiệu quả, vào mục tiêu đến mức “chơi” bị loại ra khỏi từ điển của người lớn, bởi nếu kết quả của hành động quan trọng hơn việc bản thân chúng ta muốn trải nghiệm nó, đó có lẽ không phải là chơi.
Nếu Kết Quả Của Hành Động Quan Trọng Hơn Việc Bản Thân Chúng Ta Muốn Trải Nghiệm Nó, Đó Có Lẽ Không Phải Là Chơi.
Tuy cũng là một trong những bản năng tự nhiên từ trong trứng nước của con người như ăn, ngủ, chơi lại có phần được coi là kém thiết yếu hơn, phần nhiều có lẽ bởi lợi ích của chơi khó đong đếm, kém rõ ràng hơn. Con người thích đo lường hiệu quả bằng số liệu chẳng hạn như hiệu suất sinh lời, như câu nói vẫn được nhiều người chia sẻ và trích dẫn lại: “Nếu bạn không thể đo lường nó thì nó không tồn tại” (“If you can’t measure it, it doesn’t exist”). Nếu nhìn cuộc sống theo cách đo lường hiệu quả, mà mỗi hành động chúng ta làm cần phải có mục đích cụ thể và cần được tối ưu, hẳn “chơi” sẽ không bao giờ có thể chiếm một phần nhỏ trong đó. Bởi bản chất việc chơi đã đi ngược lại hoàn toàn cách nhìn nhận cuộc sống theo cách như vậy.

Lợi Ích Khó Đong Đếm Không Có Nghĩa Là Nó Không Tồn Tại

Cách đây vài năm, cơn sốt sách tô màu dành cho người lớn càn quét khắp thế giới, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Từ đơn giản tới phức tạp, từ tô màu món ăn đến thế giới tự nhiên, phải chăng lần đầu tiên, người lớn được phá bỏ rào cản rằng, tô màu chỉ dành cho trẻ em? Cầu thủ bóng đá David Beckham tâm sự rằng anh thường chơi với những miếng Lego để xả stress, hay Kristen Myers, communication design của IDEO chọn làm ảnh GIFs mỗi ngày để giảm căng thẳng và tìm cảm hứng sáng tạo (3) (4). Càng ngày chúng ta càng có nhiều bằng chứng hơn về lợi ích của hành vi chơi đùa, và càng có nhiều trẻ-con-trong-bóng-hình-người-lớn tìm về bản năng tự nhiên này trong giai đoạn bất ổn về tâm lý và cần tìm sự cân bằng. Dưới đây là một vài lợi ích cơ bản của việc chơi đối với người lớn đã được nghiên cứu:
Lạc Quan Hơn Trong Nghịch Cảnh
Chúng ta cần chơi cũng như chúng ta cần ngủ, khi bất cứ nhu cầu nào bỗng trở nên thiếu hụt, trí nào và cơ thể sẽ phát hiện ra và phản ứng lại như một dấu hiệu nhận biết: dễ cáu bẳn, luôn cảm thấy bế tắc và cảm thấy là nạn nhân của cả thế giới. Theo tiến sĩ Brown, việc chơi đem lại cảm giác gắn kết và niềm vui, đưa bản thân người chơi vượt ra ngoài khái niệm không gian, thời gian, và dù kết quả có như thế nào thì việc trải nghiệm hành động đó có ý nghĩa hơn nhiều (3). Đồng thời khi chơi, não bộ sẽ sản sinh ra endorphin, chất hoá học khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc (5). Như vậy, bản chất hành động chơi mang tính trị liệu về tinh thần (3).
Bản Chất Hành Động Chơi Mang Tính Trị Liệu Về Tinh Thần.
Tương tự, giáo sư ngành hoạt động thể chất và du lịch Lynn Barnett tại Đại học Illinois, Urbana-Champaign cho rằng, những người thường xuyên tham gia và cởi mở hơn với các hoạt động vui chơi - dù ở hình thức nào - có khả năng ứng phó tốt hơn với những hoàn cảnh căng thẳng, thậm chí biến nó trở thành một trải nghiệm thú vị. 
Gắn Kết, Đem Lại Cảm Giác Thuộc Về
Nếu cách dễ nhất để dụ một (hay nhiều) chú mèo là đặt một chiếc hộp các-tông ở giữa nhà, thì những bộ đồ chơi cá ngựa, rút gỗ, cờ tỷ phú,… là chiếc bẫy tương tự đối với con người. Với một nhóm người xa lạ trong một căn phòng, đây có lẽ là cách nhanh nhất và tự nhiên nhất để phá vỡ bầu không khí căng thẳng và giúp mọi người kết nối với nhau. Sau đâu đó chừng 30 phút, có lẽ bạn sẽ không nghĩ rằng chỉ trước đó thôi, họ hoàn toàn chưa hề biết tên nhau. 
Chơi còn là cách để bạn kết nối với chính mình, kết nối với những mơ ước và cả nỗi sợ của bản thân mình. Trong tài liệu nghiên cứu Science of Play, tiến sĩ Brown chỉ ra rằng, nếu muốn hiểu hơn về đam mê và khuynh hướng phát triển của bản thân, hãy ngẫm lại những điều kích thích sự tò mò của và những trò chơi bạn yêu thích thuở còn nhỏ (1). Bạn thích đạo diễn những vở kịch, thích chơi lego một mình, hay thích dạo quanh tìm con đường địa đạo mới quanh khu phố? Đó là những gợi ý rõ ràng nhất về khuynh hướng của bạn khi chưa bị ảnh hưởng bởi quy chuẩn xã hội, của thế giới người lớn. Có 8 loại tính cách chơi - theo phân loại của tiến sĩ Brown - và mỗi người có thể thấy bản thân mình ở một hay một vài tính cách mà chúng ta sẽ đề cập cụ thể hơn ở phần dưới.


Giải Quyết Vấn Đề Theo Hướng Sáng Tạo

Nếu trẻ con khám phá thế giới và học hỏi kỹ năng qua việc chơi, tại sao người lớn lại ngừng lại?
Tại IDEO, agency về thiết kế giải pháp sáng tạo cho tổ chức, doanh nghiệp, thời gian chơi luôn nằm trong lịch làm việc và là khoảng thời gian rất được trông đợi. Một trong những nguyên lý được đặt ra là “Make the familiar unfamiliar” - nôm na nghĩa là khám phá những thứ tưởng chừng quen thuộc theo một cách mới, như dùng ngón tay để hoạ lên một bức tranh thay vì dùng cọ vẽ. Không chỉ để xả stress, những hoạt động này giúp nhân viên cởi bỏ lớp mặt nạ nghiêm túc, cứng nhắc để nghịch ngợm, là chính mình và kết nối với nhau đúng nghĩa. Đồng thời, đây cũng là cách để họ khám phá những góc nhìn mới mà biết đâu đó, có thể ứng dụng vào dự án sáng tạo đang thực hiện.
Khi chơi, chúng ta không bị áp lực về deadline, về kết quả, chúng ta có thể tự do sử dụng công cụ, hay thậm chí có thể tuỳ biến trò chơi theo cách chúng ta muốn, tuỳ vào loại hình chơi bạn lựa chọn. Về cơ bản, khi chơi, chúng ta học dựa trên kinh nghiệm, dựa trên việc dám thử và dám sai - điều chúng ta ít có cơ hội thử nghiệm hơn ở ngoài đời và trong công việc. Và khi não bộ quen với việc thử nghiệm nhiều khả năng khác nhau, kết hợp những yếu tố tưởng chừng như vô lý, chúng ta cũng nhanh nhạy hơn với việc giải quyết vấn đề theo hướng sáng tạo.


Làm Thế Nào Để Đưa Việc Chơi Vào Cuộc Sống Hàng Ngày?


Chơi không chỉ gói gọn trong những chiếc smartphone hay cuốn sách tô màu, cách chơi cũng đa dạng như xã hội loài người vậy. Như tiến sĩ Brown đã đề cập, có 8 loại tính-cách-chơi khác nhau và bạn có thể lựa chọn những hình thức chơi phù hợp hơn với khuynh hướng mình. Nếu tò mò, bạn có thể thử làm trắc nghiệm tính cách chơi tại đây. Tuy nhiên, cách phân loại này chỉ mang tính tham khảo, bạn không cần phải gói gọn bản thân trong bất cứ một hay một vài nhóm tính cách nào cả (1), (3). Điểm mấu chốt là: hãy chơi như một đứa trẻ.
1. The Explorer - Nhà Khám Phá
Thích khám phá thế giới xung quanh: có thể là thế giới vật lý (đến những địa điểm mới) hoặc cảm xúc (đi vào chiều sâu xúc cảm qua âm nhạc, nghệ thuật hay chuyển động), hay trí não (nghiên cứu những đề tài mới, đọc sách).
- Đi bộ trong rừng, công viên
- Tham quan bảo tàng, triển lãm, sự kiện khám phá online
- Đi cắm trại
- Chơi cát động lực hoặc nặn bột
2. The Kinesthete - Người Vận Động
Yêu thích những hoạt động tập trung vào chuyển động cơ thể:
- Yoga
- Chèo SUP
- Đạp xe một mình
- Chạm ứng tác (tham khảo)
- Trekking
3. The Competitor - Nhà Đối Kháng
Thích tham gia những trò chơi mang tính thi đấu với luật lệ nhất định, và yêu thích cảm giác cạnh tranh.
- Boardgame: monopoly, cá ngựa.
- Môn thể thao đối kháng: bóng rổ, cầu lông,…
4. The Joker - Người Pha Trò
Một chú hề đúng nghĩa: thích gây cười, những trò chơi, trò đùa hài hước:
- Stand-up comedy
- Làm memes, thiết kế GIFs hài
5. The Artist/ Creator - Người Kiến Tạo, Nghệ Sĩ
Đam mê sáng tác và thực hành sáng tạo như hát, làm vườn, đan len, làm đồ da, vẽ…
- Ép hoa khô
- Tô màu
- Khâu sổ (bookbinding)
6. The Collector - Nhà Sưu Tầm
Yêu thích việc săn lùng, tìm kiếm và sưu tầm những đồ vật hay trải nghiệm thú vị.
- Tham gia flea market
- Tham gia meetup
- Tham quan bảo tàng, triển lãm
7. The Storyteller - Người Kể Chuyện
Chìm đắm vào những chuyến phiêu lưu của trí tưởng tượng. Yêu thích đọc tiểu thuyết, viết, xem kịch, phim:
- Movie night
- Viết journal
- Làm vlogs
8. The Director - Người Đạo Diễn
Đam mê việc tổ chức và điều phối sự kiện:
- Tổ chức party, tiệc nấu nướng tại gia
- Tổ chức câu lạc bộ đọc sách online

Tham Khảo

(1) The Science of play (2018), Brown, S., National Institue of play.
(2) Play is more than just fun (2008), Brown, S., TED.
(3) Why it’s good for grown-ups to go play (2017), Jennifer Wallace, Washington Post.
(4) Why I Made a GIF Every Day (And You Should, Too!) (2018), Kristen Myers, IDEO.
(5) The Benefits of Play for Adults (2021), Helpguide.