Tôi đang dần trở thành người lớn.
Quy luật là vậy.
Cho dù có muốn hay không.

Như rất nhiều người từng-là-một-đứa-trẻ-khác, ai rồi cũng phải có một ngày lớn lên. Càng đi, càng gặp, càng làm việc, và càng phải sống ở độ tuổi đã trên đôi mươi, ta chợt nhận ra câu “Lớn rồi phải thế” trở thành cửa dẫn ta vào thế giới của người trưởng thành. Cái mốc mà ai cũng cho là tốt đấy, rốt cuộc là gì.

Thử search google, định nghĩa người lớn được hiểu theo rất nhiều khía cạnh và được diễn giải ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Về mặt sinh lý, người lớn là người đã trưởng thành về mặt sinh lý, cơ thể phát triển đầy đủ tất cả bộ phận và đã có thể bước vào quá trình sinh sản. Trong xã hội loài người, người lớn còn gắn với xã hội và trách nhiệm pháp lý. Dưới góc độ này, người lớn sẽ phải tự nuôi sống bản thân, có quyền hạn (như quyền kết hôn, bầu cử, có việc làm hay quan hệ tình dục tự nguyện,..), thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của bản thân đối với xã hội. Ở nhiều nước trên thế giới, trưởng thành như một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời họ, làm tiệc rất lớn để chúc mừng cho ngày đó. Ở Việt Nam thì ngày này ít trang trọng hơn, nhưng thường đánh dấu trưởng thành bằng việc làm tiệc “đi học đại học”. Lễ trưởng thành có thật là ta “trưởng thành”.

Tôi có khuôn mặt khá trẻ. Phong cách ăn mặc cũng vậy. Khi bạn bè chạy theo phong cách ăn mặc công sở hoặc trưởng thành hơn cho “phù hợp với lứa tuổi” thì tôi vấn sắm babydoll, váy xòe rồi muôn kiểu áo rộng thùng thình đi kèm với quần baggy. Mẹ tôi vẫn thường chửi rằng con gái lớn đầu vẫn ăn mặc như con nít. Tôi vẫn cười bảo ăn mặc như vậy cho trẻ. Tính cách của tôi cũng đôi phần chưa lớn lắm, tôi vẫn thích hát mấy hát thiếu nhi, hay vừa ăn cơm vừa xem hoạt hình. Và bên cạnh sách giấy, tôi vẫn đều đặn mua Conan về đọc mỗi khi ra tập mới vì đó vốn là sở thích từ ngày ấu thơ. Thường thì khi một người lạ (người quen của bố mẹ) đến nhà gặp tôi, họ thường nhầm tưởng tôi vẫn còn là học sinh cấp 3. Thậm chí có đợt đi Đà Nẵng với gia đình, vì một vài việc nên tôi ở lại khách sạn vài đêm nữa. Bác lễ tân thấy làm lạ còn khen tôi gan, nhỏ vậy đã tự đi một mình. Bác bảo chắc tầm lớp 9 chứ mấy mà tôi phá lên cười. Nhưng những người tiếp xúc với tôi lâu hơn, hiểu rõ về tôi, thì hiểu những suy nghĩ của tôi không dừng lại ở một đứa trẻ lớp 9. Đương nhiên thì tôi vẫn vui vì “được” ăn gian kha khá tuổi. 




Khi đi làm ở một môi trường cứng cáp hơn, tôi bắt đầu nhìn vào những người xung quanh mình. Họ ăn mặc chững chạc, cư xử cũng hết mức khéo léo. Họ không còn nói về những chuyến đi phượt bụi bặm như tôi nữa, mà thay vào đó là câu chuyện sinh con, du lịch cùng con, chuyện cưới xin vân vân và mây mây. Để hòa hợp hơn, tôi cũng ngây thơ nghĩ là mình phải lớn bằng cách thay đổi cách ăn mặc. Tôi mua về blazer, áo dạ dáng dài, váy ôm dài như một sự chứng minh trưởng thành. Tôi cố gắng tỏ ra trông thật người lớn ở bề ngoài. Tôi bắt đầu nhớ lại hồi mới lên đại học, có người “lớn” dạy tôi rằng đừng có nhìn quá lâu vào mặt người khác, rồi phải để ý đến từng lời nói của mọi người, phải đánh giá họ để bảo toàn mình. Không nói nhiều, không gây sự chú ý, phải khôn ngoan hạ người khác nâng mình lên mới tiến xa được. Họ nói như thế mới lớn được. Tôi bắt đầu nghĩ mình phải để tâm đến lời nói của người khác, rồi phải nói năng khéo léo nghĩ suy hơn, phải thay đổi tính cách của bản thân đi, phải thích những thứ mà người lớn thích đi. Nhưng may mà tôi dừng đúng lúc, khi mọi thứ còn chưa đến mức quá tệ.




Sống như vậy thực sự rất mệt. Cảm giác hàng ngày phải khoác lên mình một chiếc áo xa lạ để che đậy bản thân thật sự bên trong, tôi thấy rất mệt. Đó vốn là bộ quần áo chẳng hợp với tôi, sao tôi cố tình khoác lên làm gì? Tại sao tôi lại phải thể hiện ra là mình lớn qua bộ quần áo bên ngoài mà thay vào đó không chăm chút cho cái giá trị “lớn” thật sự ở bên trong mình. Và rồi, cư xử khôn khéo hay lối sống thực dụng có phải là “lớn” thật sự hay chỉ là họ đang phỉnh lừa cho cái lối sống tiêu cực của họ và đánh đồng nó với thế giới của toàn bộ người lớn.
Hóa ra, thế giới trưởng thành của mỗi người đều có chuẩn mực riêng của họ. Hình thức, độ tuổi hay vẻ bề ngoài không liên quan đến nhận thức của một con người. Ta có trưởng thành hay không vốn không phụ thuộc cách độ tuổi, ăn mặc, đi đứng hay tính cách. Có những người đã 30 hay 50 đã bước vào tuổi trung niên, vốn đã trưởng thành về mặt sinh lý, nhưng nản chí khi thất nghiệp, sống phụ thuộc ăn bám bố mẹ, vô trách nhiệm với mọi thứ, thì vẫn chưa trưởng thành. Thậm chí, ở Nhật, tình trạng này vô cùng nghiêm trọng khi có khoảng 613.000 người Nhật không đi làm, không ra ngoài, chỉ ở nhà ăn bám bố mẹ vì sự thất bại khi còn trẻ. Vậy thì họ có phải là người trưởng thành. Không, vì về mặt tâm lý, họ vẫn chưa trưởng thành.

Con người chúng ta không có một cái mốc tuổi nào nhất định để trưởng thành. Không phải cứ đủ 18 tuổi là buộc bạn phải biến mình trở thành con người khác. Nước phải mất một khoảng thời gian để chuyển từ thể lỏng sang thể rắn, thì con người cũng luộn cần một khoảng thời gian nào đó để học hỏi và trưởng thành. 18 tuổi chỉ là độ tuổi trưởng thành về mặt sinh lý, còn về mặt tâm lý thì phải tùy thuôc vào con người đó.

Một người trưởng thành thể hiện qua tâm lý. Trưởng thành về mặt tâm lý thực sự rất khó. Nó đòi hỏi con người ta phải trải nghiệm nhiều và cứng cáp dần trong cách suy nghĩ, cách ta tư duy, nhìn nhận một vấn đề và từ đó cư xử một cách đúng mực. Trưởng thành về tâm lý là ta biết cách đối nhân xử thế, cách ta sống có trách nhiệm với chính bản thân mình và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống một cách độc lập. Phần đa tôi thấy rằng, độ trưởng thành “thật sự” của một con người được tác động nhiều bởi ngoại cảnh. Ngoại cảnh khó khăn hay êm đềm sẽ đẩy nhanh hoặc chậm lại quá trình “lớn” ở một người. Nói như vậy không có nghĩa là đánh đồng tất cả mọi người, tôi chỉ thấy phần lớn. Còn trong cuộc sống, vẫn có những kẻ gặp gian nan thử thách đã chùn bước và sống cúi đầu, và vẫn có những người có điều kiện sống tốt nhưng vẫn luôn nỗ lực hết mình.




Nếu bạn cùng là một người trẻ đang dần trưởng thành như tôi, nếu bạn vẫn còn thích mặc váy xòe, vẫn thích đọc truyện tranh hay xem phim hoạt hình, thì đừng xấu hổ vì điều đó. Bạn vẫn đang trưởng thành đúng hướng nếu bạn sống thật với bản thân mình. Đối xử tốt với mọi người, chăm chỉ học hỏi, tiếp thu các kiến thức và kỹ năng trong đời sống cũng như trong công việc. Nổi loạn, sống hết mình cho bản thân nhưng vẫn phải cống hiến cho đời. Tự tin về bản thân nhưng phải biết khiêm nhường, không tự kiêu, lễ phép và tôn trọng với những người cần phải làm vậy. Không thủ đoạn lợi dụng, sống chân thành với người xung quanh. Rồi thì bạn vẫn sẽ trưởng thành.
Cuộc sống là do ta làm chủ. Không ai có quyền ép ta hay bắt ta phải sống thế này thế kia, càng không cần quá mỏi mệt với những tiêu chuẩn của người khác hay những lời người ta áp đặt về mình.

Tôi thì, vẫn đang sống như một đưa trẻ, với chiếc tâm hồn “dần trưởng thành”