Trần Trọng Kim - Dùng cái khoa học "Tây" bổ khuyết cho cái tâm học "Ta"
Trong lúc Đông - Tây gặp gỡ, cái mới và cái cũ giao thoa với nhau, số người theo Tây học rồi quay lại chê cái cổ học là lạc hậu, là...
Trong lúc Đông - Tây gặp gỡ, cái mới và cái cũ giao thoa với nhau, số người theo Tây học rồi quay lại chê cái cổ học là lạc hậu, là bảo thủ thì nhiều vô kể. Kẻ bảo thủ ôm khư khư lấy cái cổ học, chờ đợi một ngày phục sinh cũng chẳng ít. Chẳng được mấy người tìm cách dung hòa cả hai.
Trần Trọng Kim là một gương mặt tiêu biểu trong số ít đó. Là một trong những du học sinh thế hệ đầu tiên của Việt Nam, cụ đã mang cái Tây học về để chiếu rọi cho cái cổ học. Mong muốn của cụ là: “gây lấy cái tâm học của ta, để làm cái gốc, rồi nhân cái gốc chắc chắn mạnh mẽ ấy, mà dùng các ngành khoa học để theo người mà tiến hóa. Ta tiến hóa như thế, thì ta không bỏ mất cái đặc tánh của ta, mà những sự tiến hóa của ta có nghĩa lý và chắc chắn, không đến nỗi hồ đồ hỗn độn, không biết gốc ở đâu, ngọn ở đâu.” [*]
Du học sinh thế hệ đầu
Trần Trọng Kim, hiệu là Lệ Thần sinh năm 1882, tại đất học Hà Tĩnh, nơi đã sinh ra Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ và rất nhiều những danh nhân khác. Cụ lại còn xuấtt thân trong một gia đình có truyền thống học tập, không lạ gì khi cụ cũng sớm trở thành một học bá. Ngay từ năm 6 tuổi, cụ đã bắt đầu học Hán văn.
Cụ sinh ra và lớn lên trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ. Những cái nếp cũ đang dần bị dỡ bỏ, thay thế bởi lối sống phương Tây. Nền khoa cử, vốn là cơ hội “đổi đời” cho giới tri thức nước nhà, cũng đã đến hồi kết. Sống trong buổi giao thời tranh tối tranh sáng như vậy, có người vẫn giữ lấy cái cổ học, chờ đợi một ngày những giá trị cũ sẽ được phục hưng, có người thì lại chủ trương tân học, muốn dứt hẳn khỏi cái Nho học, thứ mà họ coi như cái bóng ma ám lấy nước Nam cả ngàn năm nay, là thứ đã đẩy dân tộc vào cảnh tủi nhục như lúc bấy giờ.
Trần Trọng Kim chọn một con đường khác, khởi đầu bằng Tây học, nhưng rồi lại quay về với Đông phương. Năm 14 tuổi, cụ học chương trình Pháp lại trường Pháp - Việt Nam Định, Năm 1900 thi đỗ trường thông ngôn, 3 năm sau thì tốt nghiệp hạng ưu tú, được bổ nhiệm làm quan tại Ninh Bình.
Chưa hết, cảm thấy giáo dục trong nước chưa đủ thử thách với mình, nhân cơ hội được sang Pháp để dự hội chợ Marseille Pháp trong phái bộ Việt Nam, cụ đã xin vào học tại khoa Sư phạm tại trường Thuộc địa (Ecole Colonial), bắt đầu hành trình du học của mình. Năm 1909 học trường Sư phạm Melun. Năm 1911 cụ tốt nghiệp về nước, dạy ở trường trung học Bảo Hộ (chính là trường Bưởi), trường Hậu Bổ và trường nam Sư Phạm.
Sau đó sự nghiệp của ông cũng lẫy lừng không kém, làm Thanh tra các trường tiểu học Pháp-Việt (1921), Trưởng ban Soạn thảo Sách giáo khoa Tiểu học (1924), giáo viên Trường Sư phạm thực hành (1931), Giám đốc các trường nam tiểu học tại Hà Nội (1933). Ngoài ra ông còn là Phó trưởng ban Ban Văn học của Hội Khai trí Tiến Đức và Nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ. Về hưu năm 1942 khi vừa tròn 60 tuổi.
Dùng khoa học “Tây” để bổ khuyết cho cái tâm học “Ta”
Ngay từ rất sớm, cụ thể là vào năm 1914, cụ đã bắt đầu áp dụng tư tưởng Nho học vào việc biên khảo các tài liệu giáo dục cho nước nhà: Cuốn Sơ học luân lý ra đời, trình bày theo chương trình giáo khoa hiện đại, nhưng tư tưởng, tinh thần vẫn là các giá trị truyền thống Đông phương. Năm 1916, cụ lại tiếp tục kết hợp cả tính hiện đại phương Tây và truyền thống phương Đông, trình bày trong cuốn Sư phạm khoa yếu lược.
Với đường lối như vậy, cụ cho ra đời rất nhiều các tác phẩm. Có thể phân ra thành 5 lĩnh vực là: Sử học, triết học, luân lý học, ngôn ngữ và văn học.
Về sử học, thì đó chính là tác phẩm Việt Nam sử lược mà được các nhà sách in đi in lại, tái bản rất nhiều lần trong thời gian gần đây. Đây chính là quyển thông sử đầu tiên được viết bằng chữ quốc ngữ. Tuy còn nhiều hạn chế, nhưng bộ sử này đánh dấu sự thay đổi từ cách viết sử biên niên truyền thống sang phương pháp hiện đại, có phân kì, mạch lạc và rõ ràng hơn.
Về triết học. Tuy du học Tây về, nhưng cụ Trần Trọng Kim lại dồn công sức và tâm trí để khảo cứu về triết học phương Đông, trên 3 nền tư tưởng lớn chi phối xã hội Việt Nam thời tiền cận đại là: Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo.
Những giá trị truyền thống cũng được cụ đưa vào các chương trình học mới, theo những cách diễn đạt mới, phát triển đi lên mà không quên đi cái gốc gác của mình. Các bạn có thể tìm đọc tác phẩm Sơ học luân lý của cụ, nay cũng đã được in lại.
Trần Trọng Kim cũng là một trong những người đặt nền tảng cho việc nghiên cứu ngôn ngữ học ở Việt Nam. Nhờ những tri thức thu nhận được từ bên Tây, cụ đã áp dụng hệ thống lý thuyết và phương pháp ngôn ngữ học của phương Tây để khảo cứu, hệ thống hóa tiếng Việt, ngữ pháp Việt và trình bày trong Việt Nam văn phạm (cùng soạn với Phạm Khiêm và Bùi Kỷ).
Ngoài ra, cụ còn có những khảo cứu về văn học như: Truyện Thúy Kiều chú thích (cùng Bùi Kỷ), Hạnh thục ca chú thích (của bà Lễ Tần Nguyễn Nhược Thị), Đường thi và Việt thi.
Đi mà không quên cái gốc. Tiếp thu cái mới để sửa sang, phát huy cái cũ. Đó là một tinh thần đáng trọng.
“Một cơn gió bụi”
Xin được mượn tiêu đề cuốn hồi ký của cụ Trần Trọng Kim để gọi phần cuối của bài viết.
Người đời thường được cái này thì mất cái kia. Văn của Vương An Thạch thì hào hùng chí khí, có thể truyền đời, nhưng thơ lại làng nhàng. Đại gian thần Thái Kinh, một nhân vật phản diện nổi tiếng trong Thủy Hử, tàn ác là vậy, nhưng chữ ông lại rất đẹp, là một trong bốn đại thư pháp gia thời Tống. Hay như Tô Đông Pha, một trong những tài tử, nhân vật lãng mạn hàng đầu trong lịch sử Trung Hoa. Thư pháp, hội họa, văn thơ ông đều đạt được thành tựu rất lớn, là một nghệ sĩ tài hoa, nhưng ông không hợp tham gia vào chính trường. Sự nghiệp chính trị của ông đầy sóng gió, bị đày ải đến nơi xa, sống trong bần hàn, mộng lớn không thực hiện được.
Thế mới biết rằng nhân vô thập toàn. Là con người thì sẽ có điểm mạnh điểm yếu, chẳng thể nào cái gì cũng giỏi được. Cụ Trần Trọng Kim cũng vậy. Trên phương diện giáo dục, học vấn, không ai là không nể phục cụ, nhưng chuyển sang làm chính trị thì cụ lại dở tệ.
Năm 1942, sau 31 năm công tác trong ngành giáo dục và học thuật, cụ về nghỉ hưu. Tưởng vậy là đã được an hưởng tuổi già, nhưng một cơn bão lớn hơn đang chờ đón cụ phía trước.
Lúc đó, tình hình thế chiến căng thẳng, Nhật đã vào Đông Dương được vài năm. Người Nhật cũng chuẩn bị cho mình những quân cờ mới, để có gì thì còn liệu mà tùy ý sử dụng. Để vừa gây dựng được uy tín, vừa dễ cho việc sử dụng, Nhật chọn những nhà trí thức, những người làm công tác chuyên môn - vốn xa lạ với việc chính trị, lại không thuộc đảng phái nào thì càng tốt. Cụ Trần Trọng Kim là một người rất phù hợp.
Ngay từ khi mới đến Việt Nam vào năm 1940, người Nhật đã cố gắng thiết lập những mối quan hệ với cụ Trần Trọng Kim thông qua việc: “giáo sư ở những trường Cao đẳng bên Đông Kinh sang khảo cứu về văn hóa thường đến tìm tôi hỏi về lịch sử và tôn giáo v.v…” [Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi].
Cụ bị người Nhật đưa đi vào cuối tháng 10 năm 1943. Ban đầu, người ta chuyển cụ đến Singapore. Ở đó chẳng có việc gì làm, cụ mang thơ Đường dịch sang tiếng Việt làm thú tiêu khiển cho qua ngày. Sau những bản dịch thơ này cũng được tập hợp lại, in thành quyển Đường Thi, rất có ý nghĩa cho nền học vấn nước nhà.
Ở Singapore đến ngày 16 tháng 01 năm 1945 thì người Nhật chuyển cụ sang Bangkok. Cụ hi vọng ở đó sẽ có thể liên kết với các thế lực, lực lượng người Việt bên đó, từ đó để gây dựng sức mạnh chính trị. Đáng tiếc là: “..ở xa nghe nói, tưởng là các ông ấy có tổ chức, có thế lực, kỳ thật chẳng có gì đáng kể.” [Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi]. Cụ lại ngồi không ở Thái Lan.
Thế chiến đi đến hồi kết, phe Trục đang trên đà thua trận. Sợ quân Đồng Minh đổ bộ lên Đông Nam Á, Nhật phải đảo chính Pháp. Đã đến lúc sử dụng các quân cờ mà người Nhật chuẩn bị từ trước đó.
Cuối tháng 3 năm 1945, người Nhật đưa cụ về nước. Các thành viên trong chính phủ cũ đã từ chức hết cả, cụ được giao nhiệm vụ lập một chính phủ mới. Chính phủ mới lập cũng là một tập hợp của các trí thức, học giả. Chính phủ mới hoạt động bế tắc, không tạo dựng được sự thay đổi. Đến Cách mạng tháng 8 thì chính phủ giải tán.
Sau đó, cụ sang Trung Quốc, rồi qua cả Campuchia. Người Pháp cũng liên hệ với cụ để lập chính phủ mới, nhưng lần này cụ đã cự tuyệt. Cuối đời, cụ về nước, lui về ở ẩn. Cụ mất năm 1953 tại Đà Lạt, thọ 71 tuổi.
Không có thế lực, vốn do người khác dựng lên, không lạ gì khi nội các của cụ không làm được gì nhiều, dù rất muốn. Không phải là không muốn độc lập, tự chủ, tự cường, nhưng sức không chiều lòng, thế thời thế, thôi thì thế. Chính trường cũng đâu phải là vùng đất của cụ. Đặt mình vào chỗ không dành cho mình, thôi thì đành chịu thanh danh bị vấy bẩn.
Nay, người đời chỉ còn nhìn thấy một chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim mà quên đi rằng cụ từng là một học giả lớn thế nào.
---[*] Trần Trọng Kim (1930), "Mời Phan Khôi tiên sanh trở về nhà học của ta mà nói chuyện", Phụ nữ tân văn, số 71 (25.9.1930); số 72 (2.10.1930); số 74 (16.10.1930), Sài Gòn.
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất