Hãy suy nghĩ một chút về cái chết. Tôi dám chắc ai trong chúng ta trong đời cũng hơn một lần nghĩ về cái chết, tưởng tượng cái bóng tối vĩnh hằng bao trùm lấy bạn khi đôi mắt nhắm dần. Đừng ngủ, nhưng cũng đừng mở mắt, cố gắng tập trung vào cái bóng tối trước mắt bạn. Hãy vờ như cố gắng mở mắt nhưng có một cái gì đó dán chặt mắt bạn lại. Đừng chìm vào những suy nghĩ, đừng tưởng tượng (cũng như giấc mơ, bạn có thể sống một cuộc sống khác chỉ bằng cách tưởng tượng, và bạn có thể kéo dài cái thế giới thứ 2 trong tưởng tượng đó nếu bạn không cần thức dậy để đáp ứng những nhu cầu của cơ thể hữu cơ). Chỉ tập trung vào cái thứ bóng tối đặc quánh xung quanh mình. Hoặc bạn có thể suy nghĩ, nhưng chỉ với một suy nghĩ duy nhất. Mình sẽ chết sao, mình đang chết dần. Tôi thật sự muốn biết được bạn cảm thấy như thế nào. Hối tiếc hay thanh thản, dũng cảm hay sợ hãi…là cảm xúc tích cực hay tiêu cực. Nếu chỉ toàn cảm xúc tích cực. Xin chúc mừng, bạn đã sống một cuộc đời thật trọn vẹn và hạnh phúc.
"Trăm năm có ngắn không?”
Chắc chắn đa phần chúng ta đều muốn sống, kéo dài sự sống và xa hơn nữa bất tử luôn là giấc mơ tối thượng của loài Homo Sapien. Mỗi người có thể đưa ra hàng tá lí do cho việc đó. Tuy nhiên có một lí do mà tôi nghĩ không phải ai cũng nghĩ tới vì nó vốn dĩ nó không hiện hữu hàng ngày xung quanh ta. Và chúng ta thường quên nó đi trong cuộc sống hàng ngày. Đó là con người không biết cái sự chết là gì. Các cơ quan trong cơ thể ngừng hoạt động ư, điều đó quá là hiển nhiên. Trí nhớ bị xóa sạch ư, tưởng tượng cũng thấy khá ghê rồi đấy (tôi không nhớ trước đây tôi là ai, con người trước kia của tôi như chưa từng tồn tại, tôi sống theo kí ức của người khác, đó có vẻ như không phải là tôi lắm nhỉ, tôi chưa từng tồn tại). Linh hồn ra khỏi bản thể và luân hồi (khoa học chưa tìm ra cái gọi là linh hồn nó ở đâu trong cơ thể, còn về tôn giáo thì…hm, tôi không phải là một fan của thần thánh). Vậy câu trả lời là “Trăm năm là ngắn” các bạn nhỉ.
Chúng ta đến với lần giả chết thứ 2 nào. Lần này chúng ta hãy thực hiện khi đã lên giường vào buổi tối và chuẩn bị đi ngủ (chỉ có một mình bạn giữa căn phòng tắt hết đèn là lý tưởng nhất). Trước khi vào giai đoạn tự ám thị mình sẽ/đang chết, tưởng tượng bạn là một người đã già 100 tuổi chẵn, hãy nghĩ về những người thân yêu, bạn bè xung quanh mình mà chúng ta muốn ở bên cạnh, muốn được nói chuyện, thấy họ vào ngày mai. Nghĩ về điều bạn ưa thích nhất vào ngày mai như là đi chơi với người yêu. Làm một việc mình ưa thích nhưng còn dang dở, dành cả ngày để chơi game, coi bộ phim ưa thích. Tiếp theo, hãy để hối tiếc xâm chiếm bạn. Hãy nghĩ về những kỷ niệm trong quá khứ, nhưng sai lầm mà bạn chưa kịp sửa, những ước muốn mà bạn chưa thể thực hiện, sự nghiệp lẫy lừng mà bạn chưa chạm tới, những người mà bạn muốn gặp lại một lần trong đời... Bây giờ hãy nhắm mắt lại và chìm dần vào bóng tố, ở giai đoạn này chúng ta có thể đi dần vào giấc ngủ nhưng hãy tự ám thị rằng mình sẽ không bao giờ mở mắt vào ngày mai nữa, mình đang chết, mình không được gặp người thân, không còn thấy ánh nắng ngày mai nữa. Trong lần này, lý tưởng nhất là khi chúng ta đang hơi buồn ngủ, lúc này chúng ta đang mơ màng giữa hiện thực và thế giới hỗn loạn khi não bộ cố gắng sắp xếp thông tin và sửa lỗi (thường là dưới dạng xây nên một thế giới thứ hai gồm những chi tiết rời rạc mà lý trí không phận biệt được giữa thực và mơ). Nuối tiếc đã xâm chiếm bạn chưa? Bạn có sợ hãi đến mức bừng tỉnh không dám ngủ không? Nếu chưa, hoặc là bạn chưa đủ tưởng tượng, hoặc là chúc mừng bạn, bạn đã có một cuộc sống thật trọn vẹn và hạnh phúc. Thật đáng ghen tị, tôi chỉ toàn có những trải nghiệm khủng khiếp khi chơi trò giả chết này. Và càng chơi tôi càng nhận ra mình “muốn” làm rất nhiều thứ và trăm năm thì ngắn như là một chớp mắt vậy, một chớp mắt để tôi mở mắt và thoát khỏi cái “chết".
Chúng ta có thể đúc kết được gì sau khi đã mơ hồ trải nghiệm một khía cạnh giả lập bé tí của sự “chết” và sự ngắn ngủi của một trăm năm chẵn? Tôi dám chắc là trong tiềm thức của các bạn sẽ xuất hiện những câu nói nghe thì hay nhưng dần già nó đã thành những khẩu hiệu sáo rỗng nhờ sự lan truyền của truyền thông. Một số câu như: sống chậm, hãy sống vì chính bản thân mình đừng để ý tới lời hoặc suy nghĩ của người khác, hay “You only live once”, làm những gì mình thích, sống xanh sống sạch sống vui sống khỏe sống có ích, thương yêu hơn chia sẻ hơn, hãy quý trọng thời gian, hãy dành thời gian cho người thân và nhiều câu sáo rỗng khác nữa. Không, tốt nhất là khi những câu đó xuất hiện. Hãy xem nó như một cơn gió thoảng. Không giác ngộ, không "aha moment", không thức tỉnh. Những câu nói ấy đối với tôi nó cực kì nguy hại với loài người giống như là sách self help được truyền thông ca tụng vậy (sách "self help" sẽ thực sự “ help" bạn hơn nếu bạn tình cơ tìm được nó trong lúc bạn tuyệt vọng hơn là thông qua truyền thông) . Chúng ta không còn sống như thời xa xưa, khi mà con người chỉ quan tâm đến việc vật lộn với thiên nhiên để kiếm ăn và duy trì nòi giống một cách bản năng nữa. Qua thời gian, bằng bộ não xuất chúng của “loài vượn thành tinh", con người đã tô vẽ lên "hạt nhân" của mình bằng những thứ mà số đông cho là tốt đẹp đến mức chúng ta không còn thấy được ánh sáng của "hạt nhân" bên trong chúng ta nữa. Vì sao lại tôi xem điều đó là nguy hại, vì những câu nói đó không phải xuất phát từ chính bản thân của mỗi người và mục đích sâu xa của những câu nói đó không hẳn đúng như những gì thể hiện trên từ ngữ của nó. Nó có thể là một câu hô hào kêu gọi cho một phong trào, một chiến dịch truyền thông, một mục đích thương mại, một tác giả self help nghĩ ra một câu thật kêu... Chữ viết và tiếng nói là trừu tượng và tương đối, không gì có diễn đạt được suy nghĩ của não bộ loài Homo Sapien (bạn có thể thấy được điều đó thông qua những cãi vả do hiểu lầm trong câu từ hàng ngày). Do đó nếu chúng ta hành động theo những "thông điệp" bề mặt đó mà nó không đúng với "hạt nhân" của chúng ta, nó sẽ gây ra sự mâu thuẫn ngầm. Và qua thời gian, sự mâu thuẫn càng ngày càng lớn (là bạn sống ngày càng giả tạo ấy) cuối cùng nó sẽ đi đến điểm collapse. Chúng ta sẽ sụp đổ. Một vấn đề khác, là nó có thể sẽ tạo ra sự lệch lạc, thiên kiến trong nhận thức của chúng ta đối với những con “vượn thành tinh" khác. Và lịch sử đã chứng mình, đến lúc loài người mất đi "hạt nhân" của mình, chiến tranh sẽ xuất hiện và giúp con người lấy lại "hạt nhân" của mình (nói cho kêu là “chiến tranh hạt nhân” hoặc là “chiến tranh để dành cái hạt có nhân").
Vậy chúng ta phí công chơi trò kinh dị kia làm gì?
Ồ, để xả stress thôi.
Như cách tôi gọi, chơi trò “giả chết” và hãy tận hưởng nó. Enjoy!!!. Hãy tận hưởng cảm giác kinh hoàng và tuyệt vọng nó mang lại. Tôi tin là nếu bạn thật sự tận hưởng nó, bạn sẽ phần nào nhận ra được ánh sáng le lói của “hạt nhân” bên trong mình khi “hồi sinh”. Có một điều mà tôi tin chắc chúng ta đều chia sẻ với nhau sau khi chơi trò này đó là cảm giác về sự may mắn. May mắn vì chúng ta còn sống, và nếu số năm bạn còn nhiều (một trăm trừ đi số năm bạn đã sống) thì bạn càng may mắn. Bạn còn cơ hội để sửa sai, để yêu thương và được yêu thương, để tiếp tục tìm kiếm danh tính của bản thân trong vũ trụ này (nói một cách không màu mè là thích gì làm đó đấy). Chúng ta càng trân trọng sự may mắn ấy chúng ta càng trân trọng từng phút giây hiện tại hơn. Chúng ta càng nhận ra rõ hơn bản chất trong từng hành động của mình dù cho hành động đó được gắn mác đúng hoặc sai (về đề tài này thì trong quyển “Phải trái đúng sai” mổ xẻ khá hay). Và khi càng gần hơn đến bản chất của sự việc, sự vật chúng ta sẽ gần hơn với “hạt nhân” của con người. “Just enjoy the game”.
Và hãy chơi trò này mỗi khi bạn yếu đuối, ghen tuông, thù hận, tham lam, ích kỷ. Tôi tin là nó sẽ giúp bạn được phần nào. Mong bạn hãy nhớ:
“Trăm năm còn ngắn"
Đừng sống trong hối tiếc…
Kết:
Tôi có một giả thuyết. Mỗi cá thể “vượn thành tinh" chúng ta đều nên ghi lại nhật ký hành trình của cuộc đời mình, những trải nghiệm về nghèo khổ và xa hoa, khổ đau và hạnh phúc, chiến tranh và hòa bình, vô thần và tôn giáo. Một cách chân thật nhất. Không dấu diếm, chân thật với bản thân là chân thật với nhân loại. Những câu chuyện đó sẽ được tập hợp vào một thư viện mà mọi con người trên thế giới này đều đọc được. Qua từng thế hệ, những câu chuyện rất “đời” đó sẽ được gột rửa từng lớp đất cát, và cuối cùng chúng ta sẽ có được cái “hạt nhân” tinh khiết trong bản chất của con người. Như bài thơ “For whom the bell tolls" của nhà thơ người Anh John Donne:
For whom the bell tolls
No man is an island,
Entire of itself.
Each is a piece of the continent,
A part of the main.
If a clod be washed away by the sea,
Europe is the less.
As well as if a promontory were.
As well as if a manor of thine own
Or of thine friend’s were.
Each man’s death diminishes me,
For I am involved in mankind.
Therefore, send not to know
For whom the bell tolls,
It tolls for thee.
Tạm dịch:
Không ai là hòn đảo
Hoàn toàn chỉ riêng mình
Mỗi người là một mẩu của lục địa
Một mảnh của đại dương.
Nếu một hòn đất bị biển khơi lấy mất
Châu Âu sẽ nhỏ hơn.
Và cũng vậy, nếu đó là một dải đất;
Nếu đó là thái ấp của anh
Hay của bạn của anh.
Mỗi cái chết đều khiến tôi hao hụt
Bởi tôi là một phần của loài người.
Cho nên đừng hỏi
Chuông nguyện hồn ai,
Nguyện hồn anh đấy.
Có thể đến lúc ấy chúng ta sẽ chơi trò chơi "giả chết" với nụ cười nhẹ nhàng. Lúc ấy có lẽ một trăm năm là quá dài. Và lúc ấy loài người có lẽ đã đạt được ước mơ tối thượng của mình.
CC: Viết theo yêu cầu của một Ta-Junger với bí danh “Capitalism Child”, kẻ thù của giai cấp công nhân và nông dân vô sản.