(Ảnh: Sưu tầm)
Một lần, tôi nghe các bà chị nói với nhau: “Tại sao miền Nam dùng từ “trái” thay cho “quả” mà không gọi là “trái trứng” thay vì “quả trứng” luôn đi?”. Tôi bật cười nhớ đến đứa cháu ở nhà mỗi lần nó bắt gặp một câu khác với mẫu ngữ pháp tiếng Anh nó đã học rồi mang đi bắt bẻ cô giáo.

Một người thầy của tôi từng dạy, ngôn ngữ sinh ra và “trưởng thành” theo đời sống, mọi nỗ lực “công thức hóa” nó bằng từ điển hoặc ngữ pháp đều chỉ nhằm mục đích tạo ra một hệ thống chung tương đối đơn giản dễ nhớ cho nhiều người cùng học. Tiếng nước ngoài hay tiếng nước mình cũng vậy, kẻ viết từ điển và kẻ dịch chỉ cố gắng tìm hai từ có ý nghĩa tương đương ở hai nơi, đặt dấu bằng ở giữa rồi ghi vào sách để người không biết có thể tham khảo chứ những từ ấy không đợi đến lúc người ta “cho phép” mới tồn tại trên đời. Người dịch giỏi hơn sẽ tìm được từ thể hiện sắc thái nghĩa cụ thể hơn, phù hợp với người bản địa hơn. Công thức hay quy luật nào cũng chỉ thể hiện được đa số và luôn tồn tại một vài trường hợp ngoại lệ mà đại diện tiêu biểu là bảng động từ bất quy tắc của tiếng Anh.

Thế nên, rất nhiều câu hỏi bắt bẻ tại sao ngôn ngữ ở nơi này nơi kia không cấu tạo theo quy tắc ta biết mới nghe qua có vẻ “tư duy phản biện” nhưng ngẫm kỹ thì rất có vấn đề.