Than, “độc tố”, và những thứ vô nghĩa khác chính là trụ cột của tổ hợp sức khỏe-công nghiệp.
Tác giả Jen Gunter 
Ngày 1, tháng 8, 2018


Trước khi đào sâu hơn, tôi muốn làm rõ một điều: Sức khỏe [wellness] không đồng nghĩa với y học [medicine].
Y học là khoa học giảm tử vong và bệnh tật, và tăng cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh.
Sức khỏe từng có nghĩa là một sự kết hợp giữa hạnh phúc và khỏe mạnh. Một thứ làm ta dễ chịu hoặc đem lại cho ta niềm vui, và không gây hại về sức khỏe — chẳng hạn như một buổi mát-xa hoặc một cuộc đi dạo bên bờ biển. Nhưng nó đã trở thành một phương thuốc hư cấu cho nỗi sợ sống và chết của hiện tại.
Ngành công nghiệp sức khỏe lấy các thuật ngữ y khoa, như “viêm” hay “gốc tự do,” và nhào nặn chúng đến mức người ta không hiểu được. Sản phẩm được tạo ra là một thứ y học tự chế vì mục tiêu sống thọ với mức độ tự tin mà khoa học có nằm mơ cũng không đạt được.
Chẳng hạn như trào lưu thêm một chút than hoạt tính vào đồ ăn hoặc thức uống. Trong khi cái màu đen tuyền đó thật sự vô cùng bất ngờ và quyến rũ, nó lại được bán dưới cái mác “detox.”
Đoán thử xem, nó có công dụng y như phép thuật của một bà phù thủy thôn làng.
Có thể đó là vấn đề thẩm mĩ. Các loại thuốc nước cho sức khỏe trong những chiếc lọ xinh đẹp với những nguyên liệu chưa được kiểm định và không ai dám chắc về độ vệ sinh của nó về cơ bản là được đóng gói dành cho Instagram.
Tôi cũng muốn làm rõ độc tố thật sự là gì: đó là những chất độc hại do một số loài động thực vật hoặc vi khuẩn tạo ra (và đối với chúng thì than chẳng có tác dụng gì đâu).
“Độc tố,” theo định nghĩa của những kẻ bán rong các phương thuốc đáng ngờ này, là xú khí độc hại của cuộc sống hiện đại hoành hành trong cơ thể ta, gây chướng bụng và đờ đẫn, như một Emmanuel Goldstein nhỏ bé trong tiểu thuyết “1984” của George Orwell.
Không có những độc tố này thì sẽ không có bất kì cuộc tìm kiếm sự tinh khiết nào hết — tampon “sạch”, thực phẩm “sạch”, đồ trang điểm “sạch”. Ngoài ra còn có những hành vi và nghi thức thiêng liêng cần tuân thủ, và nếu ta đạt đến một mức thành tích nào đó, ta sẽ giải phóng nữ thần bên trong mình.
Y học và tôn giáo từ lâu đã trộn lẫn với nhau, và chúng chỉ mới tách nhau ra gần đây thôi. Tổ hợp sức khỏe-công nghiệp lại muốn hồi sinh mối liên kết đó. Việc này giống như một bước thụt lùi về y học, như thể những ngày êm ả của sức khỏe là từ 5 ngàn năm trước vậy. Các nghi lễ thanh tẩy cổ đại với một chút biến tấu hiện đại — thực phẩm bổ sung, các sản phẩm vô bổ và những thí nghiệm bị khoa học bác bỏ.
Thực phẩm chức năng – trụ cột của ngành công nghiệp sức khỏe – tạo nên một ngành kinh doanh trị giá 30 tỉ đô mỗi năm bất chấp các nghiên cứu chỉ ra chúng không có giá trị gì đối với việc sống thọ (chỉ một vài loại vitamin chứng minh được lợi ích y tế, chẳng hạn như acid folic trước và trong thai kì, và vitamin D cho người cao tuổi có nguy cơ té ngã). Y học hiện đại khuyến khích người ta lấy nguyên tố vi lượng từ chế độ ăn, thứ vốn rõ ràng là nguồn nguyên tố vi lượng tự nhiên nhất.
Nhưng tổ hợp sức khỏe-công nghiệp lại thành công trong việc diễn giải sai lệch cách nhìn nhận đó và biến thực phẩm bổ sung thành một công cục cần thiết cho những hành động vô nghĩa, chẳng hạn như tăng cường hệ thống miễn dịch hoặc chống viêm nhiễm.
Dòng nước tiểu màu vàng huỳnh quang do những viên multivitamin gây ra có thể cho ta một cảm giác sai lầm về hiệu quả của nó, nhưng sự thật không phải vậy (và nó là kết quả của lượng vitamin B2 quá cao không thể được hấp thụ hết).
Vậy tiêu tiền vào than hoạt tính vì những độc tố không tồn tại hay vitamin cho nước tiểu sang chảnh hoặc ra trải giường dưới đất để tiếp xúc tốt hơn với điện tử trái đất thì có tác hại gì?
Câu trả lời đây: hiệu ứng thành công giả của cái trò “thử thứ gì đó tự nhiên” có thể khiến những người bệnh nặng trì hoãn chăm sóc y tế hữu hiệu. Mọi bác sĩ tôi quen đều có ít nhất một câu chuyện về một bệnh nhân chết vì chọn cách cố gắng kiềm hóa máu hoặc đặt cược vào các loại vitamin tĩnh mạch thay vì được điều trị ung thư. Ngày càng có nhiều dữ liệu cho thấy bệnh nhân ung thư lựa chọn phương thức chữa trị thay thế, mà phần nhiều được các công ti bán sản phẩm có giá trị đáng ngờ giới thiệu, sẽ có khả năng tử vong cao hơn.
Để bán được loại hình sản phẩm gây ảo vọng của tổ hợp sức khỏe-công nghiệp, cần có một dòng sợ hãi và thông tin sai lạc liên tục. Nhìn kĩ hơn vào hầu hết các trang sức khỏe và phần lớn các thầy thuốc đối tác của họ, và bạn sẽ thấy hàng đống thuyết âm mưu y học: Vaccine và bệnh tự kỉ. Mối nguy hại từ việc lọc nước bằng fluor. Áo nịt ngực và ung thư vú. Điện thoại di động và ung thư não. Nhiễm độc kiêm loại nặng. AIDS là một sản phẩm cho các hãng dược lớn dựng lên.
Phần lớn chúng ta đều nghĩ mình sẽ miễn dịch trước những ý tưởng ngoài lề này, nhưng khoa học chứng minh điều ngược lại. Chúng ta đều lầm rằng lặp lại chính là chính xác, một hiện tượng gọi là hiệu ứng sự thật hão huyền, và kiến thức về lĩnh vực đó không nhất thiết sẽ bảo vệ bạn. Chỉ cần một lần tiếp xúc với một thông tin nghe có vẻ có lí thôi cũng có thể tăng nhận thức về độ chính xác.
Niềm tin vào thuyết âm mưu y học, chẳng hạn như ý nghĩ các hãng dược lớn đang chèn ép các phương thức chữa bệnh “tự nhiên”, làm tăng khả năng một người sẽ uống thực phẩm bổ sung. Vì vậy để duy trì doanh số thực phẩm bổ sung và đệm tiếp đất và bộ dụng cụ pha cà phê và các sản phẩm tạo lợi nhuận khác, người ta không chỉ cần châm ngòi cho sự sợ hãi. Họ còn cần phải duy trì nó liên tục.
Không có thuyết âm mưu y học sẽ không thể có nền công nghiệp sức khỏe.
Kể cả khi bạn xa lánh những trang web này vì sự xảo ngôn của nó, những người lỡ tin vào thông tin sai sự thật có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng thông qua việc không tiêm vaccine và bỏ phiếu chống lại các chính sách y tế dựa trên bằng chứng xác thực.
Hơn nữa, là một bác sĩ, tôi đau lòng mỗi khi nghe tin về đợt bùng phát dịch sởi mới nhất hoặc khi một người bạn tiêu tiền vào một liệu pháp vô tác dụng. Khi bệnh nhân đề nghị một xét nghiệm không được khuyến khích — chẳng hạn như kim loại nước tiểu hoặc nồng độ hormone trong nước bọt, thường được giới thiệu trên các trang sức khỏe — tôi phải giải thích rằng tôi không thể đường hoàng đi chỉ định một xét nghiệm vô ích.
Và tôi cũng không muốn mọi người chết.
Vậy tại sao người ta lại quay sang giữ gìn sức khỏe?
Có những triệu chứng mà tôi tin rằng đã ở bên ta từ thuở hồng hoang, quá phổ biến đến mức chúng trở thành một phần của trải nghiệm cuộc sống con người: mệt mỏi, sưng tấy, lãnh cảm, đau từng cơn, mất sinh lực. Khi y học chỉ có thể cung cấp một liệu pháp, chứ không phải phương thuốc chữa dứt điểm, hoặc khi bác sĩ đưa ra một câu trả lời không mong muốn — chẳng hạn như khuyên bệnh nhân chú ý đến vệ sinh giấc ngủ — không khó để thấy làm thế nào sự tự tin và màn trình diễn điên rồ của sức khỏe dang rộng vòng tay đón lấy người bệnh.
Hơn nữa đau ốm y tế cũng đáng sợ. Ai lại không muốn uống vitamin IV thay vì hóa trị?
Tôi thừa nhận rằng các bác sĩ có thể học được một vài điều từ chăm sóc sức khỏe. Rõ ràng có người đang tìm người chữa trị, vậy thì chúng ta nhất định phải tìm cách để thỏa mãn nhu cầu phù hợp với đạo đức nghề y đó.
Giới bác sĩ chúng ta cũng có thể làm nhiều hơn nữa để cung cấp thông tin thực tế về những chất độc hại, như các chất gây ung thư và các hóa chất phá hoại nội tiết, trong các sản phẩm trong môi trường, từ các trang web không bán sản phẩm, chẳng hạn như Viện Ung thư Quốc gia và Hiệp hội Nội tiết.
Nhiều người — đặc biệt là phụ nữ — từ lâu đã bị y học gạt ra bên lề và phủ nhận, nhưng câu trả lời không nằm ở các thuyết âm mưu cơ hội, một tôn giáo giả mạo, hay một ma thuật đắt tiền.
Như thực tế hiện nay, chăm sóc sức khỏe không chỉ điền vào những chỗ trống bị y học bỏ lại. Nó đang khai thác chúng.
Jen Gunter là một bác sĩ sản khoa và phụ khoa công tác tại California. The Cycle, một mục về sức khỏe sinh sản của phụ nữ, xuất bản thường xuyên trong Styles.

Bài dịch của Quan Le tại group Quora Việt Nam.