Cũng như bao bài viết khác, lần này sẽ vẫn là một bài viết chê bai cái định nghĩa lỏng lẻo của khá nhiều người về cách sống. Bởi vì tính trọng vật chất, trọng hình thức của xã hội ngày nay, mà định nghĩa này được suy tôn lên gần như một chân lý, đưa đẩy nhiều cá nhân phải gật gù, mặc dù chả thích một chút nào.
Tôi dám cá rằng trong số các bạn, kiểu gì cũng có một cơ số người phải nghe suốt thời gian nghỉ Tết sắp tới về như thế nào là biết cách sống. Người A, người B sống khéo như thế này, khéo như thế kia mà mình lại không giống họ để "mọi người" được nhờ.



Được mời dự tiệc sinh nhật ái nữ của sếp, bạn sẽ lựa chọn món quà theo tiêu chí nào?
1. Quà to, thùng to, hoành tráng, nội dung bên trong là cái gì cũng chả cần thiết để quan tâm.
2. Hỏi xem các đồng nghiệp đi bao nhiêu, rồi sau đó cũng đi bấy nhiêu; thích chơi lớn thì quất luôn món quà có giá trị gấp rưỡi, rồi ăn mì gói cả tuần.
3. Phong bì.
4. Cả nhóm góp tiền mua chung một món sộp thật sộp, rồi chả biết là món đấy tặng cho cháu bé, hay là tặng cho bố mẹ cháu bé. Nhiều món 2-3 năm sau cháu mới dùng được, thì đã mốc meo và lỗi mốt trong kho mất rồi.
5. Hỏi trực tiếp cháu bé rằng cháu muốn gì cho ngày sinh nhật của mình, và lựa chọn món nào vừa túi tiền của mình.
6. Không đi, cáo bận.
Bao nhiêu trong số bạn lựa chọn phương án 5,6? Và bao nhiêu người lựa chọn phương án còn lại?

Thế nào là biết cách sống?!

Sau bao nhiêu năm bị cho rằng là một kẻ "ít được lòng người khác", có rất nhiều phút giây tôi băn khoăn, rằng liệu mình có nên "mềm hóa" các "chuẩn mực" mà tôi tự đặt ra cho chính bản thân mình để đạt được cái mình mong muốn hay không? Ví dụ như tặng bố mẹ trên danh nghĩa tặng cho con để được hảo cảm trong công việc, lấy lòng nhiều người để tiện bề thăng tiến ấy?
Đã bao nhiêu năm tôi luôn đi theo "chuẩn mực" của mình, tức là:
    -Mời không tới, đuổi không đi: Nếu như tôi cho rằng một người bạn nào đó cần sự giúp đỡ của tôi thì tuyệt không bao giờ tôi bỏ rơi người ấy.
    -Quan tâm một cách thật sự, không phải gợi lên, để rồi kể lể ra vẻ đồng cảm. Nhiều lúc cảm thấy cái cảnh người A than khổ sở rồi người B cũng kể khổ theo cho đồng tâm trạng, kéo cảm xúc mà thấy nó vô nghĩa kinh khủng. Tôi gọi đó là một trick để đồng cảm, để đưa bản thân vào cùng vị trí với một người nào đó nhằm lôi kéo thiện cảm về bản thân. Đối với tôi, một khi trúng vào vấn đề mình có thể nói một cái gì đó, tôi sẽ nói thật. Nếu không thuộc về khả năng giúp đỡ, vốn nhận biết của mình, thì tôi sẽ chỉ nghe. Bạn luôn có quyền bảo rằng mình không biết đủ rõ về vấn đề này để có thể cho một lời khuyên hay ý kiến.
    Và hệ quả là tôi trở thành một kẻ khó ưa, luôn nói những lời khó nghe mà không ai muốn nghe cả. Nực cười một chỗ là sau một thời gian, những người nhận được lời khuyên của tôi lại bảo rằng ừ tôi đã đúng. Nhiều người trong số đó thì làm đúng như những gì tôi đã nói sau một quãng thời gian lòng vòng, và họ vẫn... ghét tôi. 
    À quên, trong ví dụ ở đầu bài, tôi mua cho cháu bé hộp bút màu sáp và kẹp tóc, bởi vì tôi thấy cháu rất thích vẽ mà ở văn phòng thì chẳng bao giờ có nổi hộp bút màu sáp cả, và kẹp tóc thì cháu cho rằng càng nhiều thì càng tốt. Thế là món quà của tôi nhìn lọt thỏm giữa các thùng này thùng nọ một cách thê thảm trong khung cảnh, đổi lại nụ cười thật sự của cháu bé. Tôi cho rằng, điều này rất đáng.

Họ nghĩ gì?

Nhiều người cho rằng biết cách sống là biết nhún, biết nhường, biết co biết dãn, biết im lặng đúng lúc để khỏi thiệt vào thân, biết xoa, biết vuốt, biết bóp biết nặn, biết lên biết xuống. 
Nhiều khi nghe một câu nhận xét về một người nào đó mà tôi bỗng nổi da gà.
Cậu này sống khéo lắm ông ạ.
Nổi da gà căn bản vì cái câu này nó cực kì nhiều sắc thái, và lại xuất phát từ chính những người thân thiết với người "khéo" kia. Khi nào mà họ "khéo" mà cả làng cùng vui, thì người ta vừa cười vừa nói. Còn lúc mà chả ai vui, nhưng ngoài mặt vẫn tươi rói gật gù, thì chữ "khéo" phát âm nghe có vẻ hơi chua chua một chút. Có một thời gian, cái thú vui của tôi là ngồi nhìn những người sống "khéo" tâng bóng với nhau, nghe câu nào mát dạ câu đấy luôn.
Có thể các bạn gặp được nhiều người đàng hoàng tốt tính thật sự, chứ riêng cái phận hẩm của tôi thì 100% những người "khéo" họ hết khéo ngay khi nói chuyện với tôi đến câu thứ ba. Bởi vì đơn giản là tôi không phổng mũi khi được khen, càng không vui khi được nịnh, mà lại chẳng có cái giá trị gì để họ phải xoa xoa bóp bóp cả. Hồi cấp 3, tôi ngồi cạnh một cậu gọi là idol của trường, người mà ai cũng quý, vạn người mê, từ người già đến trẻ nhỏ. Ngồi cạnh 2 năm, tôi nghe được cậu này kể 1001 câu chuyện xấu xí, nghe được 1002 câu hằn học, và chứng kiến cái xấu xí mà 99.99% dân số còn lại không thấy. Ừ, thì chấp nhận vậy, lúc ấy cũng thấy vui vui vì có vẻ như mình được tin tưởng, được tôn trọng. Cậu đấy đi đâu, tôi đi đấy, nghe nhạc gì, tôi cùng nghe nấy, thích nhóm nhạc nào, gu phụ nữ nào, sinh nhật ngày bao nhiêu tôi đều biết. Có thể nói rằng tôi cùng cậu ấy đi qua những mốc thời gian quan trọng những năm cấp 3, để rồi cậu ta hét vào mặt tôi vào năm lớp 12 rằng: Tôi sống như cứt, và cứ hễ đi đến đâu cậu ta cũng gặp phải lời bàn tán, xì xào về phong cách thời trang, về cách nói chuyện, về kiểu tóc, về thứ âm nhạc lập dị, về các môn thể thao khác người mà tôi chơi, từ những người mà thậm chí tôi không biết tên, chưa chạm mặt bao giờ. Lúc ấy nói thật, cảm giác nó giống như mọi thứ định nghĩa về tình bạn trong tôi nó sụp đổ hoàn toàn. Tôi hỏi cậu ta: Thế mày có biết tao thích cái gì, nghe nhạc gì, chơi game gì, đọc sách gì, yêu người phụ nữ như thế nào, sinh tháng nào hay không? Cậu ta không biết bất cứ thứ gì. Những thứ tôi biết, chẳng qua là vì tôi là một cái thùng rác lý tưởng, tôi có nói ra cũng chả ai tin vì bên ngoài cậu ta quá hoàn hảo, và cậu ta nghĩ rằng tôi quá khờ khạo để phải đề phòng. Những lúc được rủ đi đây đi đó, chẳng qua là vì chẳng còn ai khác để lựa chọn. Thật ra tôi biết và hiểu hết tất cả, vì con người mãi mãi là con người, nhưng cứ thử xem nó đi đến đâu, xem lòng người sâu cỡ nào, xem thế gian tráo trở ra sao. Và thế là xong một tình bạn, hoặc là cái tôi đã từng cho là tình bạn. Thà chết khát, còn hơn là uống thuốc độc cho miệng đỡ khô. Nhưng cũng may là nhờ đó mà tôi sống mạnh mẽ đến mức như cỏ dại ngoài đồng, không quan tâm bất cứ thứ gì, chỉ mong hướng bản thân lên cao dù bao thứ dư luận chà đạp, giày xéo.
Tiếp xúc với 10 người trong số những người khéo mà hết 9 người là tôi phải lắc đầu. Họ chỉ khéo với những người mà họ cần phải khéo, họ chỉ nhún với người họ cảm thấy cần phải nhún. Đối với những người mà họ cho rằng không cần thiết để làm điều đó, thì có nằm mơ cũng chả ai có thể tưởng tượng ra cái kẻ sống "khéo" ấy họ "khéo" khéo ra sao. Có một lần tôi gặp vị sư già kia, ông bảo rằng:
Nhìn tâm người đừng nhìn vào trực diện, mà nên nhìn sau lưng.
    Đến tận giờ phút này, tôi vẫn thấy điều này quá đúng đắn. Không ở tầng chót của xã hội thì khó mà thấu được lòng người. Ông trời lấy đi của tôi một nhân cách để "trăm người mến, vạn người mê", đổi lại cho tôi vị trí nhìn tỏ, rõ tường kẻ đứng trước mình. Đến bây giờ tôi vẫn nhiều lúc tự hỏi, không biết đấy là quà, hay đấy là cái quả từ kiếp trước mà tôi nhận được ở kiếp này.

Sống cũng còn có cách?


Câu nói ở trên, tôi xin dành cho nó một dấu "?!" thay vì một dấu "!" chắc nịch, bởi vì chính bản thân tôi nhiều lúc cũng lung lay trước cái mà mình thật sự muốn, trước vị trí mà mình thiết tha, trước ước mơ dang dở, trước người con gái mà mình yêu thương. 
_Anh A công việc ổn định, lại rất biết quan tâm thăm hỏi, ngày lễ tết không bao giờ thiếu quà cáp cho gia đình mình, thế mà lại đi yêu cái thằng vất va vất vưởng học hành nửa chừng xuân, không công không việc thế?!
_Chú A mua quà cho con nhiều ơi là nhiều luôn, lễ Tết nào cũng có mặt hết trơn á. 
    Trước cảnh đó, tôi làm gì? Quà cáp vừa túi tiền, cái nào thực sự có tác dụng, có ý nghĩa thì tôi tặng, chứ không bao giờ làm trò nực cười mang muối đổ ra biển. Trẻ con cần được uốn nắn, dạy dỗ, tôi chỉ cho tụi nhỏ cách học tập, cách tư duy, cách làm một con người tốt đẹp, chứ không nuông chiều bằng vài ba món quà cáp rồi bỏ đấy lên chiếu trên nhậu nhẹt. Tình yêu cần được bồi dưỡng giữa hai đương sự, không phải được bồi dưỡng trên bàn nhậu với các anh em đồng hao. Cảm xúc cần được vun đắp giữa cặp đôi, không phải trên cái đu quay với các cháu. 

Thứ duy nhất giữa người và người, nên là tình cảm.

Làm xong những điều kể trên, tôi chỉ đơn giản là ngồi xuống, rót một cốc trà rồi tự nhủ rằng:"Trời cao chắc có mắt, lòng người chắc tường minh, cái gì thật sự chắc sẽ được hồi báo". 
Và nó đến thật.
Tiệc tàn 2 giờ sáng, có thể người ta sẽ không nhớ đến kẻ làm nhiều trò đùa nhất trong suốt bữa tiệc, nhưng họ sẽ nhớ kẻ ở lại cùng ta dọn dẹp khi mắt đã mờ, tay chân đã chậm, và con người đã quá mỏi mệt để dối gian.
-------------------------------------
Qua bài viết này, tôi hy vọng mình có thể mang lại cho những kẻ giống bản thân tôi chút hy vọng, chút ánh sáng, chút niềm tin nào đó. Tôi không lên án những kẻ sống khéo, chỉ lên án những ai cho rằng đó là cách sống đúng. Suy cho cùng, đúng với sai chỉ cách nhau 1 lằn ranh mang tên đạo đức mà thôi. 
Vienna 12.12.2019