Tôi viết tiểu thuyết như thế nào
Viết tiểu thuyết khác với viết luận. Khi viết luận, người ta tranh đấu với một điều gì đó. Viết luận thì phải lập luận và tát nước qua hai bờ đúng sai.
Bài viết đầu tiên chào tháng 10
Báo chí nước nhà và tôi có một mối quan hệ trên tình bạn dưới tình yêu nhưng mà lại còn part-time. Chúng tôi thường gặp nhau vào một số thời điểm, tôi thường là người được mời, làm vedette kiểu một người trẻ thế hệ mới có thể đại diện cho một lãnh vực gì đó, cùng mấy bạn văn nổi trội khác. Vấn đề là họ cũng chẳng cần tôi lắm: tôi đâu có năng khiếu kéo view được cho bất kỳ ai. Mối quan hệ ấy hệt như một căn tập thể cũ với người thợ sửa điện của nó. Chúng tôi đến với nhau vì một cái việc cần phải được hoàn thành, chứ không mang lại lợi ích thực thụ.
Trong cuộc sống, các mối quan hệ của chúng ta cũng nhiều khi như thế. Ngay cả thương trường, ngay cả tình yêu. Ta đầy những người không thật sự là bạn, chỉ tìm đến khi cần, nhưng cũng không phải là quá cần, chỉ vì chúng ta là lựa chọn dễ dàng và tiện lợi cho nhau. Không bao giờ thành kẻ thù cho nổi. Trong tiếng Việt, ta có một từ tuyệt vời để tả điều ấy: tình nhân hờ. Hờ nhưng mà quan trọng lắm, nếu khéo nhìn ra giá trị của nó thì sẽ sống ổn.
Mỗi lần viết tiểu thuyết, vợ tôi là người nhận ra đầu tiên. Vợ tôi thường chuẩn bị cho tôi nước, hoa quả, chủ động cắt giảm việc nhà (lãnh vực mà tôi đã kiên trì lên mức senior). Vợ tôi thường ngồi im lặng xem tôi viết và nàng chuyển từ một người ban đầu có nhiệm vụ đọc bản thảo đầu tiên, sang lĩnh vực tuyên truyền: ủng hộ mọi lý lẽ và tin chắc rằng quyển sách đó hay. Cái yêu của nàng đặc biệt đúng đắn, cái yêu của hoà quyện thiếu nữ và của người mẹ.
Viết tiểu thuyết khác với viết luận. Khi viết luận, người ta tranh đấu với và cho một điều gì đó. Viết luận thì phải lập luận và tát nước qua hai bờ đúng sai. Những kẻ viết luận giỏi và thu hút thường thông minh và lắm nỗi niềm, là người có sự minh mẫn điều khiển được kẻ nổi loạn bên trong, sai bảo hắn đi đúng đường trong một bài luận. Kẻ viết luận thường chống lại một cái gì đấy: sự chống lại kéo đám đông về phe và tạo ra một đám đông khác phe; kết quả ta có hẳn hai đám đông. Với tình trạng của nền xuất bản của chúng ta bây giờ, những nhà biên tập luôn có lựa chọn mới là tìm đến những người có nhiều đám đông vây quanh như vậy để dễ bán sách hơn. Ta lại có một cặp tình nhân hờ mới.
Nhưng khi cuốn sách đầu tiên được ra đời, người viết luận sẽ đứng trước mấy thử thách không nhỏ. Thứ nhất, cái cảm giác làm cách mạng ban đầu sẽ vơi đi nhiều, nếu cuốn sách thành công về thị trường. Giờ còn gì để chiến đấu nữa? Hoặc ta sẽ đi tiếp con đường vì một cuốn sách thì chưa đủ. Hoặc ta bỗng trở thành người lương thiện. Cả hai đường đều tất yếu dẫn đến những quyển sách khác không thoát được cái ban đầu. Dẫu sao, sự thay đổi bên trong tinh thần sẽ là rất lớn, gần như có cái gì đó đổ vỡ. Người viết luận đến một thời điểm chỉ còn ngôn ngữ là người bạn chân thành bên cạnh. Lúc đó văn chương mới thực sự hiện ra, không phải là lúc đọc sách.
Người viết luận đi tìm chân lý đúng sai trong luận cứ và luận điểm. Nhưng người viết tiểu thuyết quan tâm đến… giả lý (từ này chắc không có thật, nhưng đã đành). Cái giả lý là cái khoảng nghịch lý tối tăm tất yếu của đời sống sinh động, mà bên trong nó, hay bên cạnh nó, chân lý vẫn sống được nhưng theo một cách luồn lách. Nhưng không có giả thì cũng không bao giờ có chân. Ta thường bực mình với nội dung self-help không phải vì nó sai, mà vì nó… quá đúng. Đúng như thế thì còn nói làm gì nữa. Đời ngoài cái thật, cái thực chiến còn phải có cái giả. Cái giả cũng phải chỉnh tề và trang trọng chứ. Tiểu thuyết phát hiện ra giả lý cũng có giá trị, ta chỉ có thể cười và bao dung với nó thôi, và đôi khi nhìn chính xác vào nó, dụng công làm nó đẹp hơn. Nhìn chung, người viết luận đấm thẳng vào mặt vấn đề, trong khi người viết tiểu thuyết - nếu có vấn đề (vì không phải lúc nào cũng cứ phải có vấn đề gì đó mới viết) - thì sẽ chơi khăm hoặc bảo ban nó theo cách của một người già.
Người viết luận tách hoặc bị tách khuôn mặt và tiếng nói khỏi câu chữ, một điều cần thiết và lành mạnh. Nhưng viết tiểu thuyết thì khác, câu chữ phải gồm khuôn mặt và lời nói của anh ta, theo một cách nào đấy. Mỗi kiểu có một cái dở. Nhưng với tiểu thuyết, ta phải sống nhiều hơn những bài luận, phải đủ khả năng lý giải được những cay đắng đã qua một cách thản nhiên, phải cố gắng dàn xếp, cư xử công bằng với tất cả trừ cái tôi cá nhân. Câu chữ của tiểu thuyết là câu chữ của văn chương, ngoài tính thông tin, nó phải có năng lực ngồi chờ, giống như những người đến sớm trước nhất của một cuộc hẹn lớn, vì nó coi độc giả là những người bạn và nó cần tình bạn.
Khi vợ chồng tôi dọn về căn nhà mới, tôi nhận ra ở đâu có gia đình mình thì ở đó có thiên đường. Đấy chính là ngôi nhà bay lên trong những giấc mơ tuổi nhỏ. Vợ tôi mua đủ các loại dầu gội, nước rửa chén, đổ đầy nước giặt vào chai lọ, sắp xếp mấy lọ thuỷ tinh mới đựng bột canh, hạt nêm. Chúng tôi trồng khoai lang ngoài ban công. Mầm khoai kéo lên bí mật và kiêu hãnh, nhưng không bất hợp tác như trường hợp giá đỗ. À thì mày rồi cũng mất đời trong răng chuột. Chúng tôi dọn vợi những thứ linh tinh mua được trong các blackfriday mà Trung Quốc sáng tạo ra: máy gãi lưng, cây lau nhà bằng tay… Mặc dù vậy, tôi vẫn rất ngưỡng mộ những phép màu vô dụng ấy mà suýt tôi viết thành một câu chuyện thiếu nhi. Nước thấm vào tường trong những trận mưa tháng tám khiến tấm giấy A0 đã dán lên trước đó hãy còn phải chờ được bóc ra lần nữa, trước khi trở thành một storyboard đúng theo đam mê của đời nó.
Những tờ giấy màu loại có thể dán được đã được chuẩn bị để tôi viết các nhịp truyện lên đấy, theo đúng sáu hồi. Một nồi khoai xương reo trong bếp đòi được quan tâm, hơi khói xua con thạch sùng bỏ chạy. Máy tăng áp nước (trên tầng cao các nhà tập thể) rin rít khó chịu vì chiếc tủ lạnh thi thoảng ợ hơi. Nhưng con mèo đi tuần xung quanh lại không thấy vấn đề gì. Nó không hài lòng với cảnh an nhàn chán chường của cõi Đào nguyên nên chui thử vào gầm sofa, ở chỗ đó: một con kiến ăn gian truyền nhầm thông tin khiến cả đám chạy loạn xạ. Đuôi của đàn kiến lao lên chỗ bàn của tôi ngồi đúng lúc tôi đang nghĩ đến cách để mở đầu câu chuyện.
Khi viết tiểu thuyết, ta vừa nhớ đến người đọc, lại phải vừa quên họ. Vừa nhớ lời khen của quyển trước, lại vừa đánh song đánh nga mường tượng ra những bạn đọc mới. Thông điệp phải hợp thời nhưng phải đi xa hơn thời: nó cũng nên phản biện những điều sắp được xã hội phản biện. Đồng thời, ta phải đủ hài hước. Nhân vật trong truyện thì cần ăn nói cộc lốc một chút, vì người Việt ta họ như vậy. Tốt nhất nếu có đối thoại thì một người phải nói chuẩn chỉnh, rất dài và một người hay nói cộc. Kẻ nói chuẩn chỉnh thường là kẻ nhiều manh tâm, còn kẻ nói cộc thì là người tốt, nhưng người tốt đó là một kẻ khó chịu. Viết tiểu thuyết ở Việt Nam, nhất là ngồi giữa thủ đô ngàn năm văn hiến, ta dễ quên đi rằng đất nước mình quá đa dạng, quá nhiều cộng đồng, nhóm người, văn hoá. Ở một số nơi, thơ không hề tồn tại, tiếng nói của dân tộc ấy đã là thơ rồi. Đại chúng là cụm từ dành cho độc giả Hà Nội và Sài Gòn mà thôi.
Tôi nói với vợ tôi rằng chúng ta cần một bí mật mà đến cuối truyện mới được giải đáp. Nhưng ngoài trời cứ mưa mãi, mưa mãi. Khối lạnh sừng sững tiến vào cửa nhà như một tay thợ sửa bình ga cau có. Nồi khoai xương và máy tăng áp ngừng kêu, và trời cho một khoảng dừng.
Khi viết, ta thường có một hình ảnh kết nối sâu thẳm với bên trong: hình ảnh đó đặc biệt ở chỗ nó không có đường để tìm thấy bằng giác quan thông thường. Nó trực tiếp nằm ở khu vực não bộ giống như một con ông cháu cha trên trung ương và giác quan không có tác dụng gì. Ta không biết nó là gì: ta thường thấy nó trong mơ và ta được nó ban cho một cảm giác hạnh phúc. Khi thì ta thấy nó thân thuộc như một quãng đường tuổi thơ, khi ta thấy nó là một cảnh xa lạ. Khi viết, tôi nghĩ đến một cành cây ướt đẫm buồn bã dưới mưa lập thu, cành cây ấy theo nếp run của nó, kéo nhũn thời gian xung quanh và ta thấy thì giờ cũng có thể bốc hơi như nước quanh nó.
Trong căn nhà và trong tình yêu của gia đình, tôi thấy hạnh phúc. Nhưng cuốn tiểu thuyết nhất định phải bắt đầu bằng tình yêu - thứ đã vắng bóng quá lâu ở văn học ta, nơi đã nhiều tổn thương, ma quỷ, kỳ án và hằn học. Có lẽ không nên nhìn vào chân lý, mà phải từ giả lý
Tôi mới bắt đầu gỡ tấm phông giấy A0 xuống, cuộn nó lại. Trang giấy trắng hiện lên hình ảnh một nơi hẹn hò. Một đôi tình nhân hờ. Người con gái nhỏ bé, gầy quắt, khôn lanh, xinh đẹp yêu một người đàn ông có tuổi. Nhưng lại không phải vì tiền, mà là vì ông có thể giúp cô về chuyên môn sổ sách kế toán, cô này con nhà danh giá, nhưng làm ở một nơi sản xuất thực phẩm chức năng. Người đàn ông - đã trải qua quá nhiều vinh nhục - mở lòng với tình cảm ấy, không hẳn quá yêu, không thấy hấp dẫn về tình dục mà chỉ mến cái thân hình yếu đuối mà thú vị. Đôi tình nhân hờ ấy chỉ gặp nhau mỗi tháng một lần, họ không bao giờ đến muộn, tôn trọng thời gian của nhau. Họ đã kịp yêu nhau trước khi câu chuyện đích thực mà tôi định kể bắt đầu.
Đức Anh Kostroma
Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất