Tôi thấy người bạn Kiểm toán đăng hình 2h sáng tại văn phòng công ty (Phần 1)
"2h sáng khách hàng gọi em vẫn bắt máy!!" Ơ mà... 2h sáng làm gì có khách hàng nào gọi nhỉ, nhưng nếu bạn gọi cho ai làm nghề kiểm...
"2h sáng khách hàng gọi em vẫn bắt máy!!"
Ơ mà... 2h sáng làm gì có khách hàng nào gọi nhỉ, nhưng nếu bạn gọi cho ai làm nghề kiểm toán giờ này thì vẫn bắt máy đấy.
Lướt một lượt các bài đăng về kiểm toán trên Spiderum mình thấy khá nhiều nội dung nói về tính chất công việc, giải mã nghề làm kiểm toán và đính chính các hiểu lầm thường thấy về nghề kiểm toán. Nhân dịp cuối "mùa" kiểm toán báo cáo tài chính 31.12, mình xin phép chia sẻ cảm nhận cá nhân của mình sau khi rút chân ra khỏi "ngành" và đứng ngoài quan sát.
Đã hai hôm liên tiếp, những người bạn cùng lứa intern (thực tập) năm ấy của mình tại công ty Z - Big4 trong ngành kiểm toán, đăng các tấm hình check-in ở văn phòng lúc 2h sáng. Khuôn mặt, ánh mắt các bạn đã thấm mệt, tiều tụy hơn so ngày thường, nhưng mình thấy được trách nhiệm và sự hi vọng trong ánh mắt ấy.
Chợt nhớ lại mới vài tháng trước mình vẫn là dân trong nghề, vậy mà giờ cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn khác sau khi rút chân. Thực ra, ai cũng biết rằng 95% sau khi rời khỏi công ty kiểm toán sang một công ty ngành khác, cuộc sống của người đó sẽ thoải mái hơn về nhiều mặt. Nhưng tại sao mọi người vẫn bám trụ ở công ty kiểm toán, vẫn 2h sáng phản hồi email và 1 tiếng sau nhận lại email từ cấp quản lí bảo rằng: "Anh đã xem qua, còn các điểm này cần sửa lại, em hoàn thành cho anh trong sáng nay nhé!"
Nhiệt huyết
Đa phần các bạn nhân viên kiểm toán là sinh viên mới ra trường. Các bạn có sự nhiệt huyết, trách nhiệm, tò mò và sẵn sàng lăn xả học hỏi. Kiểm toán tạo cơ hội cho các bạn tiếp xúc với nhiều thông tin kinh doanh, từ chứng từ kế toán đến kế hoạch kinh doanh của các phòng ban, điều mà nếu làm một vị trí cụ thể ở một công ty khác khó mà tiếp cận được. Nội bộ công ty kiểm toán thì có đủ thứ các tài liệu về quy trình kiểm toán, phát hiện sai sót, rủi ro ở các quy trình để các bạn tiếp thu, học hỏi.
Đam mê
Nhìn chung, chúng ta cần 1 năm ở bất kỳ công ty nào để hiểu các quy trình và hòa nhập với văn hóa của công ty đó. Mình xem nó như là một chu kỳ mà một người đi làm nên cho mình cơ hội để trải nghiệm công ty đó để có đánh giá toàn cảnh và xác định mình nên gắn bó tiếp. Với các bạn kiểm toán sau một năm làm việc, hay ít nhất 1 mùa bận, các bạn đã phần nào hiểu được công việc và vai trò của mình trong các cuộc kiểm toán, trong công ty. Biết được 3 tháng, 6 tháng tới mình sẽ làm các công việc gì để chuẩn bị tâm thế. Tại thời điểm này, có người thấy mình vẫn còn sự nhiệt huyết, hợp nghề thì tiếp tục gắn bó với công ty kiểm toán. Ngược lại, một số người lựa chọn chuyển công việc vì thấy sự không phù hợp.
Hi vọng
Từ lứa đàn anh, đàn chị đi trước, rất nhiều người đã thành công sau khi bước chân ra ngoài công ty kiểm toán. Nhiều người thì vài năm sau trở thành finance manager công ty K, người thì founder của công ty T mới nổi, người trở thành CFO công ty M.
Mức lương trên 24 triệu đồng/ tháng từ các chia sẻ của người đi trước tựa như một điều dễ dàng và khả dĩ sau 3 năm làm việc ở công ty kiểm toán với vị trí trưởng nhóm kiểm toán. Và đó sẽ là mục tiêu thực tế nhất nhiều người hướng đến.
Sự thành công của người đi trước được xem như phần nào là thành quả hứa hẹn mà mình sẽ nhận được nếu mình tiếp tục công việc này thêm 2 năm nữa, tại thời điểm tròn 1 năm làm việc tại công ty. Kỹ năng, chức vụ, kinh nghiệm, kiến thức, mọi thứ đều quá rõ ràng để chúng ta khó tìm được điểm nào phải từ chối.
Đánh đổi
Cùng sự hứa hẹn về thành quả tương lai đáng mong đợi, các nhân viên kiểm toán đã phải đánh đổi nhiều mặt trong cuộc sống mà chắc chỉ người trong nghề mới cảm được.
Thời gian làm việc
Về mặt lý thuyết được nhiều người nói đến, kiểm toán có mùa bận cho báo cáo tài chính 31.12, sau hạn nộp báo cáo tài chính vào cuối tháng 3 thì sẽ rảnh rỗi.
Về mặt thực tế, hiện tại với sự gia tăng nhanh chóng của các công ty FDI, nhiều công ty với niên độ 31.03, 30.06 và 30.09 có như cầu kiểm toán để báo cáo về công ty mẹ. Nếu nói về rảnh rỗi thì chẳng còn sự rảnh rỗi nào ở đây cả, sau tháng 3 chúng ta có mùa báo cáo 31.03, soát xét báo cáo bán niên cho các công ty niêm yết 30.06 và thậm chí lỡ bạn xui thì sẽ được phân công kiểm toán cho khách hàng 30.09.
Sức khỏe
Đúng là nghề này cần các bạn có sức khỏe ở mức bình thường trở lên, nếu có tiền lệ về bất cứ bệnh gì thì thực sự bạn nên cân nhắc. Không nhiều nhưng đã có trường hợp nhân viên A ngất xỉu trên đường từ khách hàng về văn phòng công ty, nhân viên B nhập viện truyền nước vì làm quá sức, nhân viên C đau dạ dày vì chỉ uống cafe sáng mỗi ngày, làm xuyên trưa không buồn ăn. Mọi người cỗ vũ nhau làm việc đến tận 12h đêm, 1h sáng và xem đấy như là một chiến tích.
Thậm chí thỉnh thoảng mình có nhận được tin: "anh G trưởng phòng, nhân viên xuất sắc của năm, phát hiện bệnh ung thư" hay "chị L trưởng phòng 32 tuổi rồi vẫn chăm chăm làm việc chưa gia đình".
Có trời mới biết được nguyên nhân ung thư của anh G đến từ hoạt động nào nhưng liệu vài năm trước ăn uống điều độ, ngủ và tập thể dục đều đặn có làm thay đổi thực tại. Sự lo lắng từ gia định của chị L về lập gia đình liệu có được quan tâm, nếu ở một mình có chuyện gì thì ai sẽ chăm sóc.
Cuộc sống
Chẳng ai bảo với bạn rằng: "Này, hoàn thành công việc tốt thế nhưng ngoài kia vẫn còn nhiều điều đáng để tận hưởng lắm. Đừng làm việc cuối tuần và cày đêm một cách thiếu khoa học như thế".
Tất nhiên, thỉnh thoảng lướt trên các diễn đàn sẽ có các chia sẻ như: "Người trẻ đừng ngại việc, hãy cống hiến", "Thời điểm ấy, tôi làm việc 12 tiếng/ ngày, kể cả ngày cuối tuần",... Nhưng hãy đặt mình vào tình huống cụ thể hơn trong ngành kiểm toán, 7h30 sáng bạn phải tranh thủ ra khỏi nhà để kịp đến khách hàng đúng 8h làm việc. Kết thúc ngày vào 18h và bạn về văn phòng tiếp tục làm việc, về nhà vào 21h hoặc thậm chí ở lại công ty đến 2 3h sáng để làm việc. Cuối tuần, thời gian có thể thoải mái hơn, bạn thức dậy lúc 9h sáng vì đêm qua thức khuya, nhưng lại tiếp tục làm việc đến 12h đêm thứ 7 và chủ nhật.
Không phải thời điểm nào cũng thế và người nào làm kiểm toán cũng trải nghiệm vậy, tuy nhiên, đa phần sẽ như thế và không có gì đảm bảo bạn sẽ không thuộc nhóm này chỉ nhờ vào niềm tin tương lai và sự may mắn của mình.
Thế thì thời gian cho gia đình, cho sức khỏe bản thân, cho những hoạt động yêu thích, sở thích năm đó của bạn liệu còn đảm bảo?
Tạm kết
Vấn đề không phải là đúng hay sai, nên hay không nên. Vì mỗi người sẽ có hoàn cảnh và trải nghiệm khác nhau, mấu chốt là bạn đã cảm nhận gì vào thời điểm đó và sự chấp nhận, đồng ý của bạn để tiếp tục con đường hiện tại.
Với mình, mình thấy sự thỏa mãn, đạt được thành tựu và niềm hy vọng trong tấm hình những người bạn đăng lên lúc 2h sáng tại văn phòng. Nhưng bên cạnh đó, mình thấy hiện lên sự cam chịu, cô đơn và tìm kiếm sự công nhận từ mọi người - "Này mọi người ơi, chúng mình đã và đang cố gắng hết sức cống hiến cho công việc kiểm toán. Chúng mình thực sự mệt lắm rồi, giờ đã 2h sáng, ngoài kia có ai thấy và thấu hiểu công sức này không?"
Lúc mình xem tấm hình ấy thì đã bước ra ngoài và sống một cuộc sống khác. Thoáng buồn khi thấy những người chiến hữu năm ấy đang cố gắng cùng niềm hi vọng về tương lai hứa hẹn. Nội dung phần 2 sẽ nói về cuộc sống ở thế giới bên ngoài công ty kiểm toán, cám ơn các bạn đã đọc đôi dòng chia sẻ của mình đến đây.
Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ nhé!
Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất