Dạy con trai về kinh nguyệt có khác biệt gì so với dạy con gái? Đâu là thời điểm thích hợp để nói với con những điều này? Nói sao cho cả ba mẹ và con đều không cảm thấy ngại ngùng?

Khi nào nên bắt đầu giải thích về kinh nguyệt cho con trai? 

Mình không thể nói đâu là thời điểm thích hợp hay chính xác để bắt đầu. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào bạn nhưng nếu bạn càng nói về tuổi dậy thì sớm thì điều này sẽ dễ dàng hơn. 
Có một số trường hợp như này: Bạn đang thay băng vệ sinh trong phòng tắm thì thằng cu con chạy vào và nhìn thấy. Thằng bé sẽ hỏi là: tại sao mẹ lại bị chảy máu? Hoặc cu em 5 tuổi hay khó chịu vì chị lớn của nó thỉnh thoảng đóng cửa nhà vệ sinh và không cho nó vào (vì chị lớn đang thay băng vệ sinh). Hoặc đứa con 7 tuổi của bạn tìm thấy đồ dùng kinh nguyệt trong ngăn kéo phòng tắm, và thằng bé sẽ hỏi mấy thứ đó là gì. 
Tận dụng tất cả tình huống này, bạn hoàn toàn có thể cung cấp cho con mình những thông tin cơ bản để thỏa mãn trí tò mò của chúng. Bạn không phải lo lắng vì sợ con không “tiêu hóa” những gì chúng nghe. Bất cứ điều gì con không hiểu sẽ bị lãng quên vì đối với con, những điều đó không có ý nghĩa gì cả. 
Nếu con bạn lớn hơn thì sao? Nếu con đang ở tuổi dậy thì thì chẳng phải nói ra sẽ khiến hai mẹ con ngại ngùng ư? 
Bạn hãy xem việc giải thích kinh nguyệt tương tự như việc tâm sự thường ngày thôi. Nếu con hỏi, bạn có thể nói: mẹ đang đến tháng nên hơi mệt. Nếu ngày bạn đến tháng trùng với ngày đi picnic hàng tháng của gia đình, bạn cũng có thể nói: mẹ đang tới tháng nên không muốn di chuyển nhiều. 
Không nhất thiết mẹ phải nói cụ thể từ đầu đến cuối, tùy thuộc vào tình huống và hoàn cảnh mà mẹ quyết định nói với con bao nhiêu. 
Nguồn ảnh: @Robert Collins
Nguồn ảnh: @Robert Collins

Con trai cần biết gì về kinh nguyệt? 

Con trai cần biết rằng con gái cũng trải qua tuổi dậy thì. Một số thay đổi sẽ xảy ra với người này nhưng sẽ không với người khác. 
Vì thế sẽ hữu ích nếu con biết rằng: 
- kinh nguyệt là máu chảy ra từ âm đạo của phụ nữ 
- không có kinh nguyệt thì không thể sinh sản 
- phụ nữ có khả năng sinh sản kể từ khi có kinh 
- kinh nguyệt sẽ xảy ra mỗi tháng một lần, và thường kéo dài tầm 1 tuần
- kinh nguyệt sẽ kết thúc khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh, thường ở độ tuổi 50 
- khoảng thời gian có kinh nguyệt, cơ thể bạn nữ thường không thoải mái, thậm chí là đau đớn 
- có nhiều sản phẩm dùng trong kỳ kinh nguyệt nhưng điển hình nhất là băng vệ sinh 
- kinh nguyệt không có gì xấu và nó là một phần bình thường của phụ nữ 
- có nhiều từ/tiếng lóng để chỉ kinh nguyệt. Ví dụ: tới tháng, rụng dâu, bà dì tới thăm,... 
- kinh nguyệt chỉ xảy ra với người có tử cung. Điều này có nghĩa là người chuyển giới nam (từ nữ chuyển sang nam) có thể có kinh nguyệt vì họ vẫn còn tử cung 
- nhiều bạn nữ có thể cảm thấy xấu hổ về kì kinh của mình. Và điều quan trọng là đừng trêu chọc các bạn nữ 
- Đôi khi kinh nguyệt có thể làm bẩn quần áo vậy nên hãy thông cảm cho các bạn nữ, nếu có thể hãy nhắc nhở và che chắn giúp các bạn 

Làm thế nào để bắt đầu giải thích về kinh nguyệt? 

Cách tiếp cận tốt nhất khi giải quyết về kinh nguyệt cho con trai là nói về kinh nguyệt giống hệt như cách bạn dạy con về bất kỳ thứ gì khác. 
Vì vậy, hãy nói với tông giọng bình thường. Bằng cách này bạn đang gửi đến con thông điệp rằng, kinh nguyệt là một phần tự nhiên và bình thường của phụ nữ. Chúng không có gì đáng xấu hổ và chỉ là một phần trong cuộc sống. 
Có rất nhiều cách để bạn có thể bắt đầu. Có thể đưa con cùng đi mua sắm với bạn, cùng nhau đi đến gian hàng “đồ dùng cho kỳ kinh” và hai mẹ con có thể bắt đầu trò chuyện nhiều hơn về nó. Hoặc đôi khi có thể nhờ con mua hoặc cầm giúp các sản phẩm cho kỳ kinh. 
Nói chuyện cởi mở về kinh nguyệt của chính bạn (nếu bạn có) hoặc việc phụ nữ có kinh nguyệt. Nếu bạn cảm thấy thoải mái, bạn cũng có thể nói về kinh nguyệt trước mặt những người đàn ông khác trong gia đình. Trẻ sẽ học được nhiều điều qua những gì chúng ta làm hơn là những gì chúng ta nói. Vì vậy hãy cố gắng trở thành tấm gương tích cực cho con. 
Nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi nói về kinh nguyệt, bạn cũng có thể giải thích điều này với con. Nói về lý do tại sao bạn lại có cảm giác như thế, và giải thích cho con về thông điệp tiêu cực mà bạn đã nhận trong quá khứ. 
Nếu có thể, hãy lôi kéo cả ba vào cuộc trò chuyện này nhé. Dù sao thì cả gia đình cùng nhau thảo luận về một vấn đề cũng thú vị hơn mà. 
Nguồn tham khảo: