Tôi là một người chịu bạo hành gia đình trong nhiều năm
Xin chào mọi người! Câu chuyện mình sắp kể ra sau đây xuất phát từ những gì mình giữ kín suốt nhiều năm, nhưng đến hôm nay mình đã...
Xin chào mọi người! Câu chuyện mình sắp kể ra sau đây xuất phát từ những gì mình giữ kín suốt nhiều năm, nhưng đến hôm nay mình đã kìm nén không nổi nữa. Mẫu người như mình không thích đem chuyện phiền muộn của bản thân kể cho người khác, mình chỉ có cuốn nhật kí để chia sẻ mỗi khi buồn thôi, thật may là spiderum lại là nơi mình có thể viết ra suy tư của mình cho người khác mà họ lại không biết mình là ai.
Mình chưa bao giờ kể cho ai nghe những câu chuyện về mảng tối trong gia đình mình. Đối với mình, những câu chuyện ấy mỗi lần nghĩ đến việc kể cho ai nghe để nhẹ bớt lòng mình thì mình lại thấy ấy là một sự nhục nhã mà rút ngay lại.
1. Tuổi thơ.
Khi mình còn bé, bố mình là một người theo nhận xét của bà ngoại (vì mình cũng chưa có đủ nhận thức để đánh giá) là khá chịu chơi với con, tương đối là chiều chuộng. Tuy nhiên bố khá độc lập về tài chính với mẹ và cũng chính nguyên nhân này về sau đã dẫn đến nhiều hậu quả và sự thiếu đoàn kết trong gia đình.
Đến khi mình học tiểu học, nhà mình bắt đầu có biến cố. Bố mẹ bất đồng ý kiến trong việc xây nhà, gia đình xô xát. Mình bắt đầu tiếp nhận tổn thương bắt đầu từ lúc này. Đây là khoảng thời gian khủng hoảng rất lớn với mình, may mắn là khi ấy mình cũng còn bà ngoại bên cạnh an ủi và khích lệ.
Tuy nhiên từ ấy trong mình hình thành sự mặc cảm về gia đình. Sự chia sẻ của mình với thế giới bên ngoài dần dần bị đóng chặt lại. Mình bắt đầu tự tập cười với bản thân và mọi người xung quanh, lấy sự hài hước vốn có để che đi sự buồn tủi (thực sự là quá sức cho một đứa trẻ con khi ấy).
Sau biến cố ấy, bố mình có nhận thức thêm ít nhiều về việc làm của bố có ảnh hưởng như thế nào đến con cái.
2. Khi mình bắt đầu dậy thì và có sự nhận thức rõ ràng hơn.
Ở đây các bạn có thể hiểu gia đình mình chỉ ở mức trung bình khá, bố mẹ cũng có học thức và trình độ nhất định.
Bước vào tuổi dậy thì, mẹ mình bắt đầu sát sao hơn trong việc giáo dục anh em mình, mình dần dần nhìn nhận được các vấn đề của gia đình và mọi người (đặc biệt là về bố mình). Mình nhận thấy bố có cả ưu điểm và nhược điểm. Bố có thái độ hào sảng khi kết giao với mọi người, cư xử khá và về mặt chuyên môn nghề nghiệp bố khá giỏi. Tuy nhiên, vì là con nên mình cũng nhìn thấy được cả những mặt còn lại, bố mình là người gia trưởng, không biết chia sẻ gánh nặng gia đình với vợ, đối nhân xử thế không thực sự tốt, thường đem áp lực ngoài xã hội về nhà và xả sự tức giận lên đầu gia đình, đặc biệt là hay uống rượu và hút thuốc nên sức khỏe yếu.
Những ngày tháng cấp 2 của mình, bố có sự quan tâm nhưng ít chia sẻ và dần chìm vào sự phụ thuộc với rượu. Đỉnh điểm là vào thời gian mình ôn vào 10, lúc ấy mình ngày cắm đầu vào học, còn bố chỉ suốt ngày đi nhậu với bè bạn không đâu, có một vài lần bố lôi mình đi cùng thì mình thấy toàn loại người ba chậng ba chạo, học thức ít nhưng có tiền nên hay ra vẻ ta đây. Lúc ấy mình đã thấy bực rồi, những đồng tiền mà đáng ra là học phí cho mình thì lại dùng cho mấy cái cuộc nói chuyện vô bổ ấy, lũ người ấy bố còn chả được lợi lộc gì dù là tiền bạc hay tinh thần.
Lúc ấy mình ôn, chi phí cho mình đi học tuy không nhiều nhưng với sức cáng đáng của mẹ thì cũng hơi quá nhưng tuyệt nhiên bố không biết ấy là đâu, đến cả việc cho mình đi học thêm (duy nhất môn Toán) cũng là mẹ mình đưa đi và chi trả. Trong tình cảnh ấy mình có 2 lựa chọn: 1 là thi vào trường chuẩn của huyện, hoặc là thi vào trường chuyên của tỉnh để tránh đi những ảnh hưởng tiêu cực của bố và tìm kiếm cơ hội lớn hơn cho tương lai đại học của mình. Thật khó hiểu là tại sao lúc ấy mới có 14 tuổi mà mình đã lại có những suy nghĩ ấy. Và rồi mình quyết định ôn thi vào chuyên mà không cần đi luyện lò thi, mình tự leak đề của các cô giáo dạy thêm, đi mua sách cũ về luyện, đi hỏi đề các năm từ mấy đứa đi luyện lò thi và học nhóm với chúng nó. Sau một tháng ôn tập miệt mài, mình đã đỗ chuyên và số điểm của mình nó cao ngoài mong đợi. Có sự thành công này là do trong năm mình cũng đã được học đội tuyển và có kiến thức nhất định.
Lúc ấy mình đã đạt được 2 mục tiêu mà mình đã đề ra như ở trên. Bố mình thì trong thời gian mình thi cử có xảy ra sự cố - bị xuất huyết dạ dày và phải nhập viện. Nguyên nhân thì chắc các bạn cũng thừa hiểu: rượu bia, ăn uống kiểu nhậu nhẹt nhiều và sinh hoạt giờ giấc không khoa học. Sau đợt ấy bố mình vẫn còn cái kiểu không biết sợ và không coi ai ra gì, về nhà thì mắng mỏ chửi bới những người chăm sóc mình, nhưng khi đưa mình đi một số chỗ chơi (chủ yếu là khoe mình đỗ chuyên 😃😃😃 nực cười) thì lúc nào cũng nói là cháu nhà tôi nó thế này thế kia, abc, ... Nhiều khi mình nghe mình thấy tức á :)))))))) công sức của mình và mẹ và bố cứ làm như là đẻ nó ra nó tự lớn tự khôn.
Rồi bắt đầu sau ấy là một chuỗi các sự việc dẫn đến giai đoạn khủng hoảng thứ hai của mình. Bố mình sau khi ốm dậy thì cũng bắt đầu biết quan tâm sức khỏe của bản thân, và rồi bằng một cách nào đó, một ông bạn giời ơi đất hỡi từ hồi đại học của bố mình tìm đến và quảng cáo thực phẩm chức năng cho bố mình để sử dụng sau hậu phẫu. Gã đó thì tự giới thiệu là tiến sĩ ở Mĩ về, mang sản phẩm về Việt Nam bán và chia sẻ với bà con :))). Gã này hào nhoáng lắm, đi xe Hummer (Uwu luôn), lúc nào cũng hội thảo với hoa và người đẹp bên cạnh, xài tiền Biden.
Hồi đó là vào năm 2016 thì phải, đang rộ lên mấy cái đa cấp gì đấy, mình xem thì thấy thằng cha này giống lắm, mình sợ là bố sẽ bị sa đà vào nên còn đi cùng lên mấy cái hội thảo của chúng nó để theo dõi. Sau đó thì mình thấy cái hình thức dạy làm giàu thì chả khác gì :)))). Bố mình đợt đấy thì mới u mê như từ cơn say ra, nghe theo chúng nó rót vào cái hàng đa cấp ấy phải đến gần 200tr. Mình thì mình thấy đa cấp không xấu (trừ mấy ông biến tướng) nhưng những người tham gia vào nó không có hiểu biết, không đủ năng lực tài chính dễ bị mất mát nhiều và tiếc rằng bố lại trong nhóm này. Từ đây, mình bắt đầu quá trình đấu tranh lại sự gia trưởng và thiếu suy nghĩ trong việc chăm lo con cái của bố.
3. Bắt đầu đấu tranh để lập lại thái độ trong gia đình
Những ngày tháng đi cùng bố vào cái chỗ đa cấp ấy, mình đã nhất quyết là phải lôi bố ra. Khi về đến nhà mâu thuẫn giữa bố với mình và mẹ bắt đầu nổ ra, người ra sức khuyên, kẻ ra sức đâm đầu. Quanh chỗ mình có mấy tấm gương cũng đâm đầu vào cái đa cấp này rồi, kẻ khánh kiệt, người mất cũng không phải là ít. Rồi chuyện gì xảy ra cũng đã phải xảy ra, lần này bố đánh, không phải là mẹ như những lần trước nữa mà là mình. Trong một lần mình can ngăn bố đánh mẹ, bố trong cơn nóng giận đã cầm chiếc dao rọc giấy làm mình bị thương ở cằm, còn giựt đứt chiếc dây truyền của mình.
Sau lần ấy mình tổn thương ghê gớm, đi học giữa ngày hè nóng nực mình vẫn phải mặc áo có cổ để che đi vết dây truyền hằn lên và cố gắng không để mọi người nhìn thấy vết xước trên cằm. Tất nhiên là chả giấu mãi đươc, mình cũng đã chuẩn bị sẵn lời nói dối với mọi người rồi, mình bảo là mình bị ngã xe mà ai cũng tin mới lạ chứ :))). Vì mình học xa nhà nên khoảng 1 tuần mới về nhà một lần, nhưng riêng đợt ấy 1 tháng mình mới về. Lúc mình về nhà là một bầu không khí lạnh nhạt, chỉ là lần này mình sẽ là người quyết định mọi chuyện sẽ đi về đâu. Mình vẫn cư xử như một đứa con theo đúng lễ nghĩa nhưng tuyệt đối không nhìn vào mặt bố, vẻ mặt của mình lúc nào cũng tỏ ra bất cần. Những ngày tháng sau đó mình bị ảnh hưởng đến chuyện học hành nặng nề, không tập trung nổi vì cứ ngồi vào bàn học thì những hình ảnh đáng sợ ấy lại ập đến, mình bị rơi vào trạng thái mất ngủ trong một thời gian khá dài. Bố có vẻ hiểu là đã gây ra điều gì cho mình, lúc thì vào bảo cho mình đi chơi lúc thì mang đồ ăn vào cho mình, bản thân mình thì tất nhiên là không đón nhận những điều ấy. Lúc mình học cấp 3, mình vào ở với họ hàng nên có lúc bố vào thì họ hàng khuyên là ra với bố thì mình ra, còn gọi điện thoại gọi mình ra thì không bao giờ mình nghe máy. Mặc dù hành động nhiều như thế nhưng tuyệt nhiên mình không nghe được một câu xin lỗi nào từ miệng bố.
Sau lần ấy mình kiên quyết giữ nguyên thái độ nhưng sai lầm là đã không quyết đoán yêu cầu nói chuyện đàng hoàng với bố về những vấn đề đang tồn tại. Mình đã tha thứ cho bố trong im lặng, đã chấp nhận nói chuyện lại bình thường sau đó nửa năm. Đây thực sự là sai lầm của mình. Sau lần ấy bố có vẻ để ý đến con cái và có trách nhiệm hơn trong việc nuôi dưỡng anh em mình. Tính tình cũng có chút đổi thay. Mình đã mường tượng về việc bố biết suy nghĩ hơn, bớt gia trưởng và quan tâm đến suy nghĩ của mọi người hơn.
Trong suốt thời gian trước khi vào đại học, mình luôn tích cực góp ý cho bố về những thói quen xấu và cố gắng thay đổi những điều ấy. Nhưng sau khi mình lên ĐH được 2 năm, mọi thứ đang dần trở về quỹ đạo cũ: bố lại hay uống rượu. Thời gian học đại học mình không thường xuyên về nhà được như trước, bố lại hay đi giao du bạn bè (tuy không còn gặp mấy kẻ như trước đây) và thường xuyên uống rượu.
Dạo gần đây, do ảnh hưởng của Covid nên mình phải ở nhà học online, thực sự mình thấy bố lại chứng nào tật nấy, lại uống rượu nhiều lại nói năng "loạn ngôn". Đỉnh điểm là một lần khi đi rửa cục nóng điều hòa, lúc ấy mình còn đang dở tay tí việc và chưa thể đứng đạy làm ngay cùng bố, bố thì lại đang say, thế là bắt đầu chửi bới. Sau khoảng 10 phút, mình đã phải dừng việc mình đang làm lại và đứng dậy làm cùng bố, lúc này vẫn đang say và chửi nhiều. Do cũng chưa hiểu cách rửa như nào nên mình có hỏi và cái kết mình nhận được không phải là hướng dẫn mà là một tràng phụ khoa dội vào lỗ tai và kèm câu sỉ vã: " T** cho m** ăn học đại học đến năm 2 rồi mà có cái cục nóng điều hòa cũng không biết rửa hả? Học như cái *beep*!!!". Sốc vãi mèo các bạn ạ. Mình bắt đầu không kiềm chế nữa, đáp lại nhưng vẫn còn đủ tỉnh táo để không buông lời hỗn xược. Và sau hàng loạt những câu nói lí của mình thì bố trừng mắt lên nhìn mình (vì không cãi lí lại với mình được) và mình cũng nhìn thẳng mắt bố mình. Và sau đấy là hàng loạt lí lẽ cùn của một người say buông ra: "T** không cần phải nói chuyện với cái loại như m**", "Đây là nhà t**, t** đuổi m** đi lúc nào mà chả được." Nhiều bạn đọc những lời này lên thành tiếng có thể sốc, nhưng đối với đứa đã quá quen như mình thì mình hoàn toàn chả bất ngờ mấy, mình bắt đầu tỉnh táo và phản pháo lại tất cả những cái ngôn ngữ ấy. Mình hiểu kết cục của lần xô xát từ ngữ này nó có thể sẽ đưa mình đến việc thay đổi gia đình hay mất tất cả, nhưng mình sẽ không hối hận, sẽ chẳng phải cố gắng cho người ngoài thấy hạnh phúc giả tạo trong khi mình không hạnh phúc.
Mình sẽ cố gắng thiết lập lại tất cả những thái độ trong gia đình mình. Để mẹ, em mình và mình không phải chịu cảnh phải bị bạo hành về tinh thần cũng như là thể xác. Mình sẽ nhất quyết đến cùng để loại bỏ đi những cái thói xấu của bố hoặc chí ít là làm cho nó không còn tiêu cực như trước. Mình sẽ bắt bố phải xin lỗi về sự tổn thương mà bố tạo ra. Để mỗi lần sau mình về nhà nó sẽ thực sự là về nhà.
Đôi lời nhắn nhủ đến các bạn đã và đang có hoàn cảnh giống hoặc tương tự như mình:
+ Các bạn phải không ngừng đấu tranh cho hạnh phúc của bản thân và những người các bạn yêu thương.
+ Phải có một cái đầu lạnh kèm theo một trái tim nóng khi đương đầu với mọi tình huống.
+ Hãy học tập để không ngừng nâng cao giá trị bản thân nhưng đừng quên trân trọng những người thân của mình. Đừng như bố mình, trên con đường đi tìm tri thức mới có vẻ như bố đã bỏ quên mất sự ủng hộ về tinh thần của người thân của bố.
+ Và đừng quên, cố gắng ăn ngủ, tập thể thao khỏe mạnh để bản thân có đủ sức khỏe và tinh thần chống chọi lai sóng gió cuộc đời.
Ký tên: Cậu trai nhờ tổn thương mà lớn.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất