"Tôi không muốn là một người hùng"
Từ khi còn là một đứa trẻ, nam giới đã được mặc định là “phái mạnh" và không liên quan đến việc bộc lộ cảm xúc như nữ giới. Thằng nhỏ...
Từ khi còn là một đứa trẻ, nam giới đã được mặc định là “phái mạnh" và không liên quan đến việc bộc lộ cảm xúc như nữ giới. Thằng nhỏ cạnh nhà tập xe đạp bị tông vào cột điện té trầy một mảng da ở đầu gối, nó đau nên khóc mếu máo. Bà mẹ chạy đến dỗ một hồi không xong thì nói “Nín chưa? đàn ông con trai ai lại khóc như con gái thế kia.” (?!) Ở trường học, một bàn tay định kiến vô hình áp đặt nam giới vào định nghĩa về sự “nam tính", khi một vài đứa con trai trong lớp thay vì tham gia đội bóng đá, đá cầu hay...“đập lộn" mà xin vào đội tuyển chuyên Văn hay Anh thì lập tức bị phần lớn tụi còn lại gắn mác “ẻo lả; mọt sách; bê đê…”

Không thể phủ nhận Millennials (những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980-1998) là thế hệ "vàng" vì họ được chứng kiến và tiếp cận sự phát triển của các phương tiện xã hội. Nhưng cũng chính vì là thế hệ chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ, giữa những suy nghĩ cũ và tư duy mới mà millennials phải chịu nhiều ảnh hưởng từ các thế hệ đi trước.
Đặc biệt là trong xã hội phần nào còn nặng tư tưởng Nho giáo như của chúng ta, các bé trai sinh ra ít nhiều đã được kỳ vọng trở thành “trụ cột” hay ít ra cũng phải “ra dáng đàn ông". Áp lực từ xã hội và gia đình sẽ lớn dần khi trưởng thành và dẫn đến nhiều hệ quả mà trong đó phụ nữ cũng là nạn nhân.
Theo một thống kê ở Anh năm 2012(*), trong 5981 vụ tự tử thì hơn 3/4 là nam giới. Còn với 38,000 ca tự sát ở Mỹ năm 2010 thì 79% là nam. Phụ nữ được ghi nhận mắc bệnh tâm lý và nghĩ đến tự sát nhiều hơn nam, nhưng nam giới lại có xu hướng tự kết thúc cuộc đời nhanh hơn nữ. Khảo sát của Mỹ(**) cho thấy đàn ông sẽ dễ cảm thấy hung hăng và có xu hướng bạo lực khi phải chịu áp lực về sự nam tính (masculine discrepancy stress), dẫn đến nhiều vụ bạo lực gia đình và lạm dụng chất gây nghiện. Ở một nơi mọi người coi việc thể hiện cảm xúc là đặc quyền của phụ nữ thì những lời nói (không rõ vô tình hay hữu ý) như “đàn ông mà mít ướt" hay “mày là con trai mà học ban Xã hội à?" ép buộc người đàn ông phải gồng lên để che giấu cảm xúc của mình và sống sau chiếc mặt nạ “nam tính" để phù hợp với “nhãn mác" mà xã hội đặt ra.
Cuộc đấu tranh nữ quyền hơn trăm năm qua cuối cùng đã thu về nhiều tín hiệu tích cực trong khi cuộc giải phóng con người khỏi những định kiến xã hội nhiều thế kỷ đến nay vẫn còn đang bỏ ngỏ. Định kiến xã hội là những xiềng xích vô hình ngăn cản cá nhân bộc lộ bản thân và khả năng thực sự của mình. Không phải ai cũng muốn trở thành người hùng. Họ chỉ muốn chiến đấu như những người khác.
Let me go
I don't wanna be your hero
I don’t wanna be a big man
Just want to fight like anyone else…
(*) Số liệu tham khảo từ bài Why are men more likely than women to take their own lives? của The Guardian
(**) Tham khảo từ bài viết Pressure to be ‘manly’ may lead to violence của Reuters
Ảnh: Behance

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Mr. Ngoan
Bài viết của bạn hơi rối, ý trên thì nói là do ảnh hưởng nho giáo, ý dưới liệt kê ra số liệu bên Anh bên Mỹ, câu cuối thì chốt về việc đấu tranh của nữ quyền có nhiều tín hiệu, còn định kiến xã hội thì còn dang dở gì đó ko thuyết phục được mình.
Mình muốn góp ý là vai trò của đàn ông hay phụ nữ trong xã hội nó hình thành từ cái thời săn bắt hái lượm, qua thời đồ đá rồi abc tới hiện đại. Nam hay nữ đều có 1 vai trò nhất định trong cuộc sống. Hiểu nhau để sống cùng nhau. Còn muốn công bằng, bình đẳng gì đó....thực tế không bao giờ có, chỉ có hiểu nhau, yêu thương nhau mới sống được cùng nhau.
Lại xét về bình đẳng phụ nữ, hãy nhìn vào công việc là rõ ràng nhất. Tai sao y tá nữ nhiều hơn y tá nam? vì nữ cảm xúc hơn, họ dễ đồng cảm vs nỗi đau của bệnh nhân = biết cách chăm sóc = bệnh nhân hài lòng. Tại sao quan toà là nam nhiều hơn quan tòa nữ? vì nam nghĩ đơn giản ko phức tạp hóa vấn đề, có tội thì xử theo luật pháp, ko có vụ tình cảm/ cảm xúc gì trong việc phán xử, nếu có thì dựa theo pháp chế = tạo nên sự công bằng.
Định kiến xã hội là định kiến đặt ra cho số đông, còn sống sao là chuyện của cá nhân :)
P/S: tui ko thích xem đá banh, ko thích đá banh, cũng chẳng thích đánh lộn với ai. Tui thích tập gym, tôi thích đọc sách/ manga, thich uống cf, thích con gái, thích bàn luận về nhân sinh hơn là MAN xanh Man đỏ đá với ai chấp nhau mấy trái gì đó, ko quan tâm đợt chuyển nhượng mùa đông này có gì hot....thì có gọi là đờn ông ko ? heheh
- Báo cáo

Huy Lê
Well done!!
- Báo cáo

Trần Lâm
Không biết từ bao giờ, việc con trai không xem bóng đá hoặc chơi bóng đá bị coi là thằng bê đê cùng cái cười nhếch mép. Cũng có ít người hiểu được như bạn lắm. Đáng quý.
- Báo cáo

khongdau_khongduoi

- Báo cáo

Công Thành Vũ
Cái gì cũng lôi ảnh hưởng của Nho giáo ra để nói rất chung chung cho có vậy? ảnh hưởng đó là gì và có đúng là của Nho giáo không vậy? Nhất là khi dẫn chứng bài viết đưa ra là tỷ lệ tự sát ở Anh và Mỹ =))
Phóng tác từ 1 cmt trên spiderum: "định kiến xã hội chỉ có tính định hướng của số đông, định kiến của bản thân mới là ái kìm kẹp cuộc sống của mỗi người"
- Báo cáo

JusTrang
Nho giáo mình nói ở đây không là gì đao to búa lớn, mà nó nằm trong tư tưởng của những người đi trước và cũng hiện hữu trong chính cuộc sống của mình. Có đúng của Nho giáo hay không thì bạn tham khảo thêm nhé http://tapchikhxh.vass.gov.vn/anh-huong-cua-nho-giao-trong-van-hoa-viet-nam-n50206.html">http://tapchikhxh.vass.gov.vn/anh-huong-cua-nho-giao-trong-van-hoa-viet-nam-n50206.html. Còn dẫn chứng về tỷ lệ tự sát của Anh Mỹ mình đưa ra thêm để thấy định kiến về giới có thể ở bất kỳ nơi nào chứ không riêng VN bạn ạ. Câu bạn trích dẫn "định kiến xã hội chỉ có tính định hướng của số đông, định kiến của bản thân mới là ái kìm kẹp cuộc sống của mỗi người" thì nói lúc nào cũng dễ hơn làm. Mình nghĩ định kiến cá nhân ít nhiều xuất phát từ định kiến từ xã hội. Biết đâu trong "số đông định kiến" ấy là người thân và những người xung quanh bạn thì không biết bạn có dễ dàng vượt qua không?
- Báo cáo

Công Thành Vũ
có dễ vượt qua hơn thì mình không dám nói, nhưng nếu không vượt qua được thì mình chấp nhận là do bản thân mình, trách được ai. Muốn đi theo giá trị của bản thân mình thì hãy chấp nhận sự khác biệt với giá trị chung chứ đừng cố chứng minh giá trị của mình là hợp lý và cả xã hội nên hài lòng vs sự khác biệt này. Khi đó, vấn đề là ở định kiến của bạn: "mình nên phù hợp với định kiến xã hội".
Như ví dụ bạn nêu trong bài, tại sao bị/được gọi là mọt sách, ẻo lả lại là 1 vấn đề nếu như mình đang hài lòng với cách sống hiện tại?
- Báo cáo

Công Thành Vũ
không bênh vực gì nho giáo cũng không ns nho giáo không ảnh hưởng đến VN cũng như định kiến của xã hội, nhưng bài viết kia về nho giáo cũng không thấy đóng góp gì cho ý của bạn cả. Và mình chỉ không thích việc nói đi nói lại 1 thứ mà không thử xét lại xem nó đúng đến mức nào
- Báo cáo

JusTrang
Những dẫn chứng của mình trong bài đều xuất phát từ chuyện trường lớp đã trải qua của mình và của người thân. Nếu những đứa trẻ vị thành niên và ở trong giai đoạn dậy thì nghĩ được như vậy thì đã không có gì để nói rồi bạn à. Ở tuổi đó tâm lý có nhiều biến động và thế giới chỉ xoay quanh gia đình và trường lớp thì sao mà không bị ảnh hưởng và có thể tự "đi theo giá trị của bản thân" được hả bạn?
- Báo cáo

Công Thành Vũ
ở đâu mà trẻ vị thành niên không xoay quanh gia đình và trường lớp
và giá trị bản thân thấy đúng, chấp nhận cũng chính là giá trị của bản thân đấy. Khi còn vị thành niên thì không nghĩ được nhiều nhưng không phải như thế thì phải được nâng niu, nuông chiều đến khi nghĩ được nhiều. Mình thấy 1 đứa không mạnh mẽ (theo định nghĩa mạnh me của mình) thì mình nói nó không mạnh mẽ, nếu nó không tự có định nghĩa "mạnh mẽ" của riêng mình(đứng lên tranh luận hoặc không), cũng không tự nghĩ "tao k cần mạnh mẽ" thì nó phải chịu thôi. Định kiến cũng chỉ là 10, 20 người như mình (trong ví dụ) thôi

- Báo cáo

Thomas_NGUYỄN
BOYHOOD [OST] - Hero by Family of The Year 

- Báo cáo