Ảnh: Cartoon Movement
Ảnh: Cartoon Movement
Mỗi năm cứ đến Ngày Quốc tế Phụ nữ, các câu hỏi cũ – mà nhiều câu đã đi vào meme – lại được đặt ra: ngày lễ này liệu có đang phụng sự tốt mục đích thúc đẩy bình đẳng giới của nó, hay đây chỉ là dịp để đàn ông thể hiện?
Thi thoảng lại rộ lên làn sóng yêu cầu đàn ông đừng chúc phụ nữ xinh đẹp và trẻ trung nữa vì hành động ấy khắc sâu khuôn mẫu phụ nữ phải coi trọng ngoại hình. Nhưng đến đây nảy sinh thắc mắc là phải chúc gì mới được, biết rằng chúc thành công gây áp lực với người thích bình lặng, chúc vui vẻ gây áp lực với người trầm cảm? Phải chăng làn sóng này chỉ đang đi từ khuôn mẫu này sang khuôn mẫu khác?
Đối với tôi, tất cả những điều này chỉ là một sự nổi loạn trong một khuôn khổ đã được thiết lập, do đó nó không giải quyết được vấn đề, thậm chí càng củng cố cho trật tự xã hội cũ thêm vững chắc. Đây cũng là ý tưởng về “nghi lễ nổi loạn” trong nhân học.
Và khi đối chiếu với những gì xảy ra trong Ngày Quốc tế Phụ nữ thời nay, tôi thấy kiến thức nhân học giải thích được các vấn đề hiện hữu của ngày lễ này ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

I. LỊCH SỬ ĐẤU TRANH VÀ HIỆN TẠI ẢM ĐẠM

Có thể nói lịch sử của Ngày Quốc tế Phụ nữ trên khắp thế giới từ thế kỉ XX trở về trước là một lịch sử của đấu tranh và cách mạng.
Năm 1910 là dấu mốc lần đầu tiên ý tưởng về Ngày Quốc tế Phụ nữ được thành lập, dưới sự đề xuất của các nữ đại biểu từ nhiều quốc gia trong Hội nghị Phụ nữ Xã hội chủ nghĩa Quốc tế được tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch. Lúc bấy giờ Ngày Quốc tế Phụ nữ ra đời với sứ mệnh tập trung vào thúc đẩy quyền bầu cử của phụ nữ, và không được ấn định một ngày cụ thể.
Năm sau, 1911, Ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức chính thức lần đầu tiên ở Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ. Nối tiếp là Nga vào năm 1913. Lần đầu tiên Quốc tế Phụ nữ được tổ chức vào ngày 8 tháng Ba là ở Đức năm 1914, nhưng có thể chỉ vì nó trùng vào Chủ nhật. Tuy không có ngày ấn định nhưng các quốc gia thường tổ chức vào cuối tháng Hai và đầu tháng Ba, và vẫn với mục đích đòi quyền bầu cử cho phụ nữ.
Đến năm 1917, một sự kiện lớn nổ ra ở Nga, ngày 8 tháng Ba (ngày 23 tháng Hai theo lịch Julian bấy giờ Nga dùng) các nữ công nhân xuống đường biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh, nạn đói, và chế độ Sa hoàng. Đây là ngày đầu tiên đánh dấu sự ra đời của Cách mạng tháng Hai, một trong hai cuộc cách mạng của nước Nga, cuộc cách mạng sau chính là Cách mạng tháng Mười. Những người Bolshevik quyết định ấn định ngày 8 tháng Ba làm ngày kỉ niệm Quốc tế Phụ nữ, và các nước Xã hội chủ nghĩa khác cũng mau chóng học theo.
Ảnh: Bousiko
Ảnh: Bousiko
Có thể thấy từ nguồn gốc ra đời đến hoàn cảnh thực tế, Quốc tế Phụ nữ là ngày lễ chủ yếu ở các quốc gia Xã hội chủ nghĩa. Sau khi nó lan rộng toàn thế giới thì một huyền thoại bắt đầu được hình thành ở Mĩ, nói rằng nguồn gốc của nó bắt đầu từ cuộc biểu tình của các nữ công nhân ngành dệt may vào ngày 8 tháng Ba năm 1857 ở New York. Nhưng theo nghiên cứu của Kandel và Picq (1982) thì không có bất kì tài liệu cùng thời nào nhắc đến cuộc biểu tình này dẫu ở Mĩ hay các nước khác. [1] Tin tức về nó chỉ bắt đầu lan truyền trên mặt báo vào những năm 1960, vậy nên các nhà nghiên cứu nghi ngờ huyền thoại này được sáng tác nhằm tách Ngày Quốc tế Phụ nữ khỏi nguồn gốc Xã hội chủ nghĩa trong thời kì Chiến tranh Lạnh đang lúc gay gắt.
Như mọi lần, các trang tin tiếng Việt tiếp tục thể hiện xuất sắc đặc tính cái gì cũng thiếu, trừ rác. Bằng chứng là nếu tìm nguồn gốc Ngày Quốc tế Phụ nữ bằng tiếng Việt, bạn sẽ thấy tất cả đều đăng lại tin giả bên trên, và không hề có trang nào đính chính, trừ Wikipedia. Khá là trớ trêu khi một nước Xã hội chủ nghĩa như Việt Nam lại ăn từng thìa tin giả do các nước tư bản bón cho, với mục đích hạ thấp vai trò của Xã hội chủ nghĩa.
Những năm 1960 cũng là thời điểm Ngày Quốc tế Phụ nữ phổ biến khắp thế giới nhờ được làn sóng nữ quyền thứ hai tiếp nhận. Và dĩ nhiên nó tiếp tục là ngày của đấu tranh. Nhưng thực ra sự gặp gỡ của Ngày Quốc tế Phụ nữ và phong trào nữ quyền đã xuất hiện từ năm 1910 ở Hội nghị tại Copenhagen khi làn sóng nữ quyền thứ nhất còn hoạt động, tuy nhiên vì có một vài bất đồng giữa hai bên mà mãi đến những năm 1960 sự gặp gỡ này mới đi đến kết quả tốt đẹp. Năm 1977, Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố mùng 8 tháng Ba là ngày lễ chính thức của Liên hợp quốc vì quyền của phụ nữ và hòa bình thế giới.
Như chúng ta đã thấy, từ khi ra đời cho đến nửa cuối thế kỉ XX, Ngày Quốc tế Phụ nữ mang đặc trưng là ngày của những cuộc cách mạng cho nữ giới, từ việc đấu tranh cho điều kiện làm việc của giới công nhân nữ ở một số quốc gia, nó đã phát triển đến mức tạo nên cuộc cách mạng đòi quyền bầu cử cho tất cả phụ nữ ở mọi quốc gia. Ngày Quốc tế Phụ nữ cũng không đứng tách khỏi các cuộc đấu tranh của phụ nữ khác, chẳng hạn phong trào nữ quyền. Đặc biệt ở làn sóng nữ quyền thứ hai, Ngày Quốc tế Phụ nữ không chỉ dùng để đấu tranh về quyền chính trị, mà còn được mở rộng ra các quyền phổ quát như bình đẳng việc làm, tiền lương, giáo dục, v.v.
Trái ngược với lịch sử sôi nổi này, Ngày Quốc tế Phụ nữ từ thế kỉ XXI trở đi trở nên ảm đạm hơn nhiều dẫu các vấn đề về bình đẳng giới và các phong trào vị nữ vẫn chưa bao giờ thôi nóng bỏng. Chúng ta ngày nay rất ít thấy Ngày Quốc tế Phụ nữ gắn liền với các sự kiện mang tính cách mạng của phong trào bình đẳng giới, thay vào đó ngày này trở thành dịp để các bên tuyên ngôn một cách chung chung và kém thiết thực về phụ nữ. Cạnh đó là sự tham gia của chủ nghĩa tiêu thụ nơi các nhãn hàng tận dụng Ngày Quốc tế Phụ nữ để kích thích mua mĩ phẩm từ phụ nữ, mua quà và hoa từ đàn ông.
Nước Nga, cái nôi sinh ra ngày ấn định cho ngày lễ này, tuy bây giờ vẫn coi Quốc tế Phụ nữ là ngày lễ chính thức nhưng yếu tố cách mạng của nó đã bị lãng quên gần hết. Người Nga ngày nay kỉ niệm ngày lễ này bằng cách mua hoa, tặng quà, gửi lời chúc đến phụ nữ, truyền thông lên bài vinh danh những phụ nữ thành công, đôi khi đàn ông xung phong làm việc nhà cả ngày, nhưng các phong trào đấu tranh cho phụ nữ thì vắng bóng. [2]
Nước Đức, quê hương của Clara Zetkin, một trong những đại biểu đưa ra ý tưởng về ngày lễ này tại Hội nghị năm 1910 ở Copenhagen, cũng để chủ nghĩa tiêu thụ xâm lấn Ngày Quốc tế Phụ nữ và làm nó trở nên mờ nhạt. Alice Schwarzer, biên tập viên cho tạp chí nữ quyền Emma ở Đức, từng chỉ trích rằng ngày lễ này bị tổ chức một cách hời hợt thay vì là dịp để tạo ra những thay đổi xã hội thực sự. [3]
Chỉ có một ngoại lệ hiếm hoi là nước Tây Ban Nha nơi mà Ngày Quốc tế Phụ nữ là một dịp để phụ nữ biểu tình vì quyền lợi của mình. Hoạt động này diễn ra thường niên vào mùng 8 tháng Ba ở quốc gia ấy kể từ năm 2018 và vẫn được duy trì đến giờ.
Nhìn chung, việc Ngày Quốc tế Phụ nữ bị thương mại hoá và giải trí hoá đến mức bây giờ ngày lễ ấy trở nên gần như tách biệt khỏi các phong trào vị nữ là điều phổ biến trên cấp độ toàn thế giới, và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ trước xu thế này.

II. THỰC TRẠNG ĐÁNG BUỒN Ở VIỆT NAM

Ở Việt Nam, trong khi chúng ta chưa ghi nhận từng có cuộc đấu tranh lớn nào liên quan đến Ngày Quốc tế Phụ nữ, và dẫu không phải ngày lễ chính thức của quốc gia nhưng ngày này từ lâu đã được người dân, truyền thông, và nhiều tổ chức khắp cả nước hưởng ứng. Các sự kiện thường thấy ở Việt Nam trong ngày này là đàn ông mua hoa và quà tặng phụ nữ, các công ti thì tổ chức minigame hoặc teambuilding để vui chơi giải trí, truyền thông đăng tin tức về phụ nữ theo hướng chúc mừng và tích cực. Giống với nhiều quốc gia khác, Ngày Quốc tế Phụ nữ bị gắn liền với chủ nghĩa tiêu thụ nhiều hơn là với nguồn gốc ra đời của nó: đấu tranh vì quyền của phụ nữ.
Người Việt dường như coi đây là một ngày lễ của niềm vui và ăn mừng, đến mức mà chuyện buồn hoặc mâu thuẫn phải tránh nhắc đến. Vậy nên tuy hiện tượng bạo lực với phụ nữ hay khuôn mẫu trọng nam khinh nữ vẫn nhức nhối trong xã hội, nhưng tuyệt không thấy người dân hay truyền thông nhắc đến, thay vào đó chúng ta chỉ nghe thấy những lời chúc và những bản tin tôn vinh phái nữ. Người ta tin rằng bằng việc kỉ niệm ngày lễ này, phụ nữ trong xã hội sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng rất khó để lí giải sẽ tốt đẹp hơn bằng cách nào khi cuộc sống thực tế của phụ nữ trong 364 ngày còn lại bị tách biệt hẳn khỏi ngày này và những gì diễn ra trong ngày này có rất ít tính thiết thực với đời sống.
Cánh đàn ông vẫn hay nói rằng sẽ lo chuyện nội trợ suốt mùng 8 tháng Ba để phụ nữ được rảnh rang nghỉ ngơi cả ngày, hay trong Ngày Quốc tế Phụ nữ các chị em được quyền đòi những món quà mà bình thường chắc chắn sẽ bị gạt đi hoặc bị đánh giá về nhân phẩm. Những điều này là tốt nhưng nó trái ngược với ngày thường nhiều đến mức khiến người ta phải hỏi 364 ngày còn lại phụ nữ trong tình trạng như thế nào để mà ngày 8 tháng Ba họ được “nổi loạn” như vậy?
Ảnh: Stano
Ảnh: Stano
Nhờ có báo cáo Tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam 2021 của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) [4] mà chúng ta có được cái nhìn bao quát và khả tín về mức độ bình đẳng giới ở Việt Nam. Sau đây là vài số liệu đại diện.
Vấn đề bình đẳng trong an toàn, an ninh: “Cụ thể, số liệu năm 2010 cho thấy 58% phụ nữ Việt Nam đã từng kết hôn từng bị bạo lực về thể xác, tình dục hoặc bạo lực tinh thần bởi chồng/bạn tình của họ ít nhất một lần trong đời.” Và “Cuộc Điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ lần thứ hai vào năm 2019 […] gần 2/3 phụ nữ (62,9%) đã từng kết hôn đã từng trải qua ít nhất một trong năm hình thức bạo lực bởi chồng hoặc bạn tình của họ trong đời.” (UN Women, 2021, tr168).
Vấn đề bình đẳng trong đời sống hôn nhân và gia đình: “Tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đặc biệt cao và được đánh giá là tồi tệ thứ ba trên toàn cầu với 111,5 trẻ trai trên 100 trẻ gái. […] Nghiên cứu năm 2020 cho thấy một tỷ lệ cao đáng kể - 56,5% - nam giới Việt Nam tin rằng có con trai là thành công quan trọng nhất của một người đàn ông. Cơ sở chính cho quan điểm thiên lệch này là giá trị biểu tượng của nam giới so với nữ giới trong cả thờ cúng tổ tiên lẫn duy trì dòng dõi.” (UN Women, 2021, tr194).
Và, “Mặc dù việc đối xử bình đẳng giữa con trai và con gái được quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình nhưng phong tục truyền thống về phân chia tài sản trong gia đình đã cản trở con gái được thừa kế nhà cửa và đất đai. Do đó, phụ nữ chưa lập gia đình thường không có nhà riêng mà phải sống với và chăm sóc gia đình anh, em trai của họ. Nhiều phụ nữ ly hôn cuối cùng không có nơi ở vì sau khi kết hôn, họ sống với gia đình chồng và không còn hộ khẩu ở nhà của cha mẹ đẻ.” (UN Women, 2021, tr195).
Chúng ta có thể thấy rằng những tình trạng bất bình đằng giới nêu trên có nguồn gốc sâu xa đến từ hệ thống xã hội. Chẳng hạn, tư tưởng đặt nặng việc thờ cúng tổ tiên và chỉ con trai mới được thờ cúng sinh ra tư tưởng trọng nam khinh nữ, và tư tưởng trọng nam khinh nữ dẫn đến sự thiên vị trong việc để lại tài sản thừa kế, và khi phụ nữ không có tài sản thừa kế, sự lệ thuộc của họ vào nhà chồng tăng lên, điều này dẫn đến thái độ coi thường và dễ xảy ra bạo lực đối với vợ. Bất ổn từ hệ thống chỉ có thể giải quyết bằng cách sửa chữa từ hệ thống, thế nhưng việc “đổi vai” trong một ngày không phải là yêu cầu thay đổi ở hệ thống, mà chỉ là thay đổi ở con người.
Như vậy chúng ta đã thấy thực trạng ở Việt Nam như sau: Hiện tượng bất bình đẳng giới vẫn còn và thậm chí ở mức độ rất đáng đấu tranh; Ngày Quốc tế Phụ nữ thì lại tách biệt khỏi cuộc đấu tranh này để tập trung vào giải trí, mua sắm, và “đổi vai”; Ngày lễ này nhận được sự ủng hộ từ cả đàn ông lẫn phụ nữ, với suy nghĩ nó khiến xã hội tốt lên theo một cách nào đó, biết rằng chưa ai giải thích được “cách nào đó” ấy là như thế nào.
Tất cả điều này rất tương đồng với “nghi lễ nổi loạn” mà Max Gluckman miêu tả.

III. MỘT HÌNH THỨC CỦA NGHI LỄ NỔI LOẠN

“Nghi lễ nổi loạn” (ritual of rebellion) là thuật ngữ được Max Gluckman đưa ra trong nghiên cứu Rituals of Rebellion in South-East Africa (Các nghi lễ nổi loạn ở Đông Nam châu Phi) [5] nhằm chỉ đến hai điển cứu được ông khảo sát trong đó: phần đầu là nghi lễ Nomkubulwana của người Zulu nơi phụ nữ được phép thống trị đàn ông, và phần sau là nghi lễ Incwala của người Swazi nơi người dân được phép hát lên bài ca xúc phạm nhà vua, đều trong khuôn khổ thời gian của nghi lễ. Do chủ đề của bài viết này, ở đây chúng ta sẽ chỉ tham khảo đến phần đầu của nghiên cứu ấy.
Nomkubulwana là nghi lễ tôn vinh vị thần Nomkubulwana (nghĩa là Bà chúa của Bầu trời) được tổ chức bởi riêng phụ nữ Zulu vào thời điểm vụ mùa bắt đầu, với mục đích cầu may cho mùa màng tươi tốt. Nghi lễ này yêu cầu đàn bà và con gái hát lên những bài hát dâm tục, trái với hành vì thường ngày của họ. Nữ giới được mặc trang phục của nam giới, được chăn thả và vắt sữa gia súc, đây đều là những điều mà bình thường họ bị cấm. Trong khi đó đàn ông phải tránh mặt, không được lại gần phụ nữ.
Để thấy rõ tính chất “nổi loạn” của nghi lễ này, chúng ta phải biết rằng người Zulu đang duy trì một xã hội phụ hệ, mà như Gluckman miêu tả thì “có thể nói ngắn gọn rằng họ [phụ nữ] nằm dưới sự giám hộ chính thức của đàn ông trong mọi lĩnh vực. Về mặt luật pháp phụ nữ luôn là người chưa trưởng thành, luôn nằm trong sự chăm nom của cha, anh em, hoặc chồng. Nhìn chung họ không thể trở thành người có thể nắm quyền lực chính trị. Họ được gả đi khỏi cộng đồng họ hàng của họ để vào nhà của người dưng, nơi họ phải chịu nhiều hạn chế và cấm kị.” (Gluckman, 1963, tr115).
Và ngay cả trong công việc hành lễ, phụ nữ cũng không phải đối tượng lí tưởng và thường trực để làm điều này, vì “Trong nghi lễ, vai trò của họ không chỉ là người lệ thuộc mà còn chứa nhiều mâu thuẫn và thường là xấu xa. […] Trong tôn giáo, phụ nữ luôn bị đàn áp như thể một cái ác tiềm tàng. […] Họ không, như đàn ông, trở thành những linh hồn tổ tiên chuyên phù hộ cho con cháu để đổi lấy lễ vật hiến tế. Bởi vì các linh hồn nữ rất xấu xa và thất thường: tổ tiên nam thường không tiếp tục hành hạ con cháu sau khi được hiến tế, nhưng các linh hồn nữ có thể tiếp tục gây ra những căn bệnh nguy hiểm.” (Gluckman, 1963, tr115).
Ảnh: Dahdouh
Ảnh: Dahdouh
Tuy đàn ông vắng mặt trong nghi lễ Nomkubulwana nhưng đây là hành động hợp tác và chủ động. Tất cả người dân Zulu đều tin rằng nghi lễ này, cùng những hành động đổi vai của phụ nữ, là thứ sẽ khiến cho vụ mùa tốt tươi. Sự tránh mặt của họ là hành động chủ động, nhưng đồng thời họ cũng trông chừng sát sao để sao cho nghi lễ được diễn ra suôn sẻ và đúng chuẩn nhất. Gluckman chia sẻ, “những người đàn ông cao tuổi Zulu phàn nàn với tôi vào năm 1937 rằng việc bỏ bê buổi lễ là nguyên nhân dẫn đến vụ mùa thất bát ngày hôm nay.” (Gluckman, 1963, tr114). Tuy nhiên, điểm hạn chế của nghiên cứu là Gluckman chưa lí giải rõ ràng cơ chế tâm lí và sinh lí nào thúc đẩy người Zulu tin rằng những hành động nổi loạn trong nghi lễ ấy dẫn đến sự tốt tươi cho mùa màng.
Một vấn đề đáng lưu ý khác, nghi lễ nổi loạn ở cả hai điển cứu mà Gluckman khảo sát đều diễn ra ở những xã hội mà trật tự xã hội được thiết lập vững chắc và không có bất kì mối đe doạ nào nhằm thay đổi trật tự cũ ấy. Phụ nữ Zulu rất có thể cảm thấy khó chịu vì vị thế xã hội bị lệ thuộc của mình, nhưng không phụ nữ nào muốn thúc đẩy một trật tự bình đẳng nam nữ, thay vào đó họ vẫn tôn thờ bổn phận sống là phải lấy chồng và lệ thuộc vào chồng. Nếu có vấn đề gì với chồng, điều họ muốn là có một người chồng tốt hơn, chứ không phải một trật tự xã hội bình đẳng hơn. Nói cách khác, với phụ nữ Zulu thì trật tự là cái thiêng liêng không thể thay đổi, cái thay đổi được có chăng là con người. Cũng tương tự với điển cứu thứ hai, người Swazi tuy có những bất đồng với nhà vua và có thể đã xảy ra nổi loạn, nhưng tất cả đều tin vào sự thiêng liêng của vương quyền, không có ai muốn thay thế nền quân chủ bằng một nền cộng hoà cả.
Đây cũng chính là lí do mà ở những xã hội như của người Zulu, các xung đột được tự do và công khai bộc lộ trong nghi lễ chính thức của cộng đồng. Họ dùng cách công khai xung đột để xoa dịu xung đột, mà không sợ xung đột có thể làm dấy lên cách mạng, các xung đột càng rõ nét trong nghi lễ thì càng củng cố sự vững chắc của trật tự xã hội mà thôi. Bởi vì người Zulu không có những nhà cách mạng, chỉ có những người nổi loạn, mà cái những người nổi loạn cần là một nơi để phóng xả những uất ức của họ. Nghi lễ là một điều lí tưởng để giải quyết vấn đề ấy, bởi trong nghi lễ các uất ức vừa được xả ra trong sự ghi nhận của cộng đồng, lại vừa được chính cộng đồng kìm giữ trong giới hạn để các uất ức ấy không được xả quá trớn gây hại đến trật tự xã hội. Nghi lễ nổi loạn hoạt động như một cái “van an toàn” trong những xã hội đơn giản nơi người dân được kiểm soát tốt nhằm tránh nổ ra cách mạng.
Ở Việt Nam, đầu tiên chúng ta dễ nhận thấy là các phong trào vị nữ luôn có những tiếng nói phản đối, nhưng Ngày Quốc tế Phụ nữ thì nhận được sự đồng thuận lớn đến đáng ngạc nhiên từ mọi giới tính trong xã hội, biết rằng Ngày Quốc tế Phụ nữ cũng duy trì các diễn ngôn về đấu tranh bình đẳng giới (chủ đề của Ngày Quốc tế Phụ nữ 2013 là “Lời hứa là lời hứa: Đã đến lúc hành động để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ”; của 2014 là “Bình đẳng cho phụ nữ là tiến bộ cho tất cả”). Điểm mấu chốt ở đây chính là bởi người ta đã hiểu rằng bản chất của Ngày Quốc tế Phụ nữ là tính phi cách mạng, nên bất chấp những diễn ngôn mang đầy tính cách mạng của nó, người ta không tin rằng có một sự thay đổi nào thực sự diễn ra trong ngày này và nhờ ngày này cả. Giống như đàn ông Zulu tin rằng nghi lễ Nomkubulwana không thể khiến phụ nữ Zulu tạo nên một làn sóng nữ quyền ở châu Phi, những người đàn ông kỉ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ theo hướng thương mại hoá và giải trí hoá cũng tin rằng sẽ không có một sự thay đổi nào trong 364 ngày còn lại, sau khi việc “đổi vai” kết thúc.
Với những người hưởng ứng Ngày Quốc tế Phụ nữ theo phong cách thời nay, tất cả đều có một viễn cảnh mường tượng mơ hồ rằng việc kỉ niệm ngày này sẽ mang đến điều tốt đẹp cho phụ nữ và cho toàn xã hội. Nhưng qua việc mua hoa, quà, tổ chức minigame và teambuilding thì sẽ khiến xã hội tốt lên theo cách nào và như thế nào thì có lẽ không ai trả lời cụ thể được. Suy nghĩ ấy được xây dựng bằng niềm tin nhiều hơn lí trí, và niềm tin càng nhiều thì chúng ta càng đến gần với đặc điểm của một nghi lễ hơn, thay vì một phong trào xã hội.
Dẫu biết rằng nguyên nhân của sự “pha loãng” Ngày Quốc tế Phụ nữ này đến từ chính sự gia tăng bình đẳng giới trong xã hội hiện đại, nó khiến cho vấn đề bình đẳng giới không còn quá nhức nhối như hai thế kỉ trước, nên các bên đã đến lúc để nghỉ ngơi và giải trí. Nhưng có sự khác biệt giữa cất một biểu tượng vào vị trí trang trọng trong viện bảo tàng, với việc mang biểu tượng ấy vào phòng vui chơi để tô vẽ lên nó bằng chủ nghĩa tiêu thụ và bằng sự giải trí hoá những điều cần nhìn nhận nghiêm túc.
Bởi không ai có thể kết luận được xã hội hiện tại đang là lí tưởng và trong tương lai không cần một cuộc thay đổi nào nữa. Sẽ ra sao nếu khi ấy nhìn lại chúng ta thấy ra biểu tượng của đấu tranh ngày nào, nay trở thành một món đồ chơi vô hại?
Hay nếu nói theo ngôn từ của Gluckman thì lúc ấy chúng ta thiếu những nhà cách mạng, mà chỉ có những người nổi loạn, hoặc tệ hơn: chỉ có những chú hề.

Tài liệu tham khảo

[1] Kandel, Liliane; Picq, Françoise. “Le Mythe des origines à propos de la journée internationale des femmes.” La Revue d'en face, no. 12, 1982, pp. 67–80. [2] “March 8th - International Women’s Day - Russian Holidays.” Masterrussian.com, masterrussian.com/russianculture/womens_day_march8.htm. [3] “What You Should Know about Frauentag in Germany.” The Local Germany, www.thelocal.de/20220308/what-you-should-know-about-frauentag-in-germany. Accessed 2 Mar. 2023. [4] UN Women Việt Nam. Tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam 2021 (CGEP), 2021. [5] Gluckman, Max. “Rituals of Rebellion in South-East Africa.” Order and Rebellion in Tribal Africa, London, Cohen & West, 1963, pp. 110-36.
TORNAD
6/3/2023