Tôi đã vỡ mộng như thế nào khi lên đại học ?
Có những sự thật ngỡ ngàng, ngơ ngác, đến bật ngửa
Sau 12 năm học ròng rã, trong đó có hơn một năm miệt mài ôn thi, tôi đã chính thức hoàn thành kỳ thi và có một kết quả tốt, vào được ngôi trường mơ ước. Cứ nghĩ, từ sau hôm hoàn thành kỳ thi THPTQG, tôi sẽ chẳng cần phải mệt mỏi vì việc học hành như 12 năm qua nữa. Nhưng sự thật đã vã vào mặt tôi, đúng là tôi sẽ chẳng cần phải học như những ngày ấy mà là phải học nhiều hơn gấp 10 lần hoặc có thể 100 lần.
Ngày xưa, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi mệt mỏi vì những bài tập thầy cô giao, những điều thầy cô phàn nàn. Đến khi lên đây, tôi chẳng còn mệt mỏi vì những điều đó, mà tôi ước giảng viên làm những điều đó với tôi. Chẳng một ai nhắc nhở tôi học, chẳng một ai giao bài tập cho tôi, tôi không học cũng chẳng ai nói, cứ thế tôi đã buông thả bản thân mình, cho đến khi nhận được kết quả thi kết thúc học kỳ I. Đúng là một kết quả ngoài dự đoán của tôi, trước đó, tôi đoán kết quả sẽ không quá tệ đâu và thật sự là tệ không thể tưởng. Học kỳ I "trung bình", đó như là một đòn chí mạng vào sự tự tôn của một học sinh giỏi, tôi chết lặng, phải rất lâu tôi mới lấy lại được tinh thần. Tôi không thể trách ai và lấy bất cứ lý do gì, vì ngay từ đầu khái niệm về " đại học" của tôi hoàn toàn sai.
1. ĐẠI HỌC KHÔNG DÀNH CHO NGƯỜI LƯỜI.
Sẽ chẳng ai nhắc nhở việc học hành, cũng chẳng ai quan tâm tôi học như thế nào. Bố, mẹ cũng vậy, khoảng cách địa lý chính là ranh giới khiến cho bố mẹ không thể nắm bắt được việc học tập của tôi, khiến tôi lười nhát, ham chơi hơn. Và như đã nói ở trên, sẽ chẳng một giảng viên nào đi quan tâm việc học của từng sinh viên, tôi cũng vậy, tôi có thể lựa chọn học hoặc không học. Nếu đi học, tôi có thể lựa chọn nghe giảng hoặc ngủ, cũng chẳng ai nói gì, đúng giờ thì về nhường phòng cho khóa khác. Lúc đó tôi nghĩ: "Sao học đại học lại sướng như vậy nhỉ, đúng là sau 12 khổ cực cũng được đền đáp". Đến khi thi kết thúc học phần, tôi hoàn toàn "vỡ mộng". Dù cho học có hết giáo trình thì điểm thi của bạn chỉ dừng lại ở mức 4 điểm, 6 điểm còn lại sẽ dựa vào kiến thức ở trên lớp mà bạn học được, những gì mà bạn nghe và nhớ, nhưng lúc đó tôi đang ngủ hoặc đi đâu đó chơi thì làm sao có kiến thức mà thi. Đúng như vậy, cuối cùng điểm thi tôi chỉ dừng lại ở mức 5, 6 điểm. Nên tôi muốn dành lời khuyên cho những ai sắp lên đại học hãy tích cực học tập như những ngày ôn thi đại học và hơn thế nữa, có thể sẽ cực khổ, nhưng nếu hình thành và giữ gìn nó, biến nó thành thói quen thì sẽ không còn mệt mỏi và có kết quả cuối kỳ thật tốt.
2. HỌC ĐẠI HỌC PHẢI CHỦ ĐỘNG.
Không chủ động thì đừng học đại học! Chẳng có điều gì tự nhiên mà đến cả, phải chủ động đăng ký học phần, chủ động tự học, chủ động liên hệ giảng viên xin tài liệu, chủ động đến thư viện tìm sách, chủ động đưa ra bài tập, nhiệm vụ, chủ động ôn tập, chủ động rèn luyện sức khỏe... Chẳng ai nhắc nhở nên bản thân phải tự động làm, nằm yên một chỗ sẽ chẳng có bất cứ điều gì tốt đẹp tìm đến. Việc săn học bổng cũng vậy, nếu có ước mơ được bay xa thì đừng ngại ngừng tìm kiếm học bổng khắp nơi, chủ động học ngoại ngữ càng sớm càng tốt, phổ cập các kiến thức từ cơ sở đến chuyên ngành để mình có một nền tảng tốt. Cũng nên thử chủ động làm ban cán sự nhé, bạn sẽ tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm cho sau này đó.
3. ĐẠI HỌC KHÔNG THỂ HỌC ĐẠI.
Không phải như cấp học phổ thông, cứ trước khi thi ôn vài đề là được, nếu muốn kết quả cao bạn phải trau dồi kiến thức từ những ngày đầu học đại học, từ những kiến thức cơ bản đến nâng cao, học từ giáo trình cho đến học từ giảng viên lẫn cả bạn bè, những ai mà bạn học được hãy học hết đi, nhưng nhớ là phải thống kê và chọn lọc thông tin vì đây không phải là "học đại". Không thể sơ sài lên nghe giảng rồi về, mà hãy đọc trước bài mỗi khi lên lớp, lên lớp hãy ghi lại những kiến thức quan trọng, những kiến thức mà chưa được đề cập trong sách, về nhà dành thời gian để tổng kết lại để in sâu vào trí nhớ mình hơn. Trước khi ôn thi hãy dành thời gian đọc lại giáo trình cũng như những gì mình đã ghi được bấy lâu, sau đó dành thời gian làm đề của các anh chị năm trước, đây không phải là học tủ mà là để làm quen với cách thầy cô ra đề, vậy nên đừng lạm dụng quá nhiều đề các năm trước.
4. ĐẠI HỌC KHÔNG PHẢI CHỈ ĐỂ HỌC.
Đại học chính là cánh cửa để tôi bước ra đời, tôi không những xem đây là nơi để học mà còn là nơi để tôi giao lưu, kết bạn, trải nghiệm những thứ mới mẻ. Khi vừa mới chập chững những tháng ngày đi học ở nơi xa lạ không có bạn bè, tôi đã khá sốc vì khác biệt văn hóa, ngôn ngữ các vùng miền, có lúc tôi còn chẳng thể hiểu cô bạn xa lạ ngồi cùng bàn mình đang nói gì, nhưng tôi vẫn cười và tỏ ra thấu hiểu. Nhưng sau nhiều lần như vậy, tôi đã quyết định kết bạn nhiều hơn, giao lưu nhiều bạn hơn để có thể nghe, hiểu nét đặc sắc từng vùng miền. Tôi có thể nghĩ sai về cách học ở đại học nhưng tôi không nghĩ sai về sân chơi ở đại học, tôi đã tích lũy được hàng tá kỹ năng mềm, tìm ra được những điểm mạnh bản thân, khắc phục được điểm yếu. Ở đây có rất nhiều câu lạc bộ lớn nhỏ, nhiều phong trào, hoạt động, giao lưu khoa và giữa các khoa, sân chơi này đúng là thiên đường dành cho tôi, tôi nghĩ dù là người năng động hay trầm tính cũng sẽ không cưỡng lại sức hút của những hoạt động này. Việc tham gia năng nổ các hoạt động như thế sẽ giúp bạn đến gần với nhà trường, bạn bè hơn, trau dồi được nhiều kỹ năng cho bản thân, có khi lại còn "hời" được cả người yêu. Nên là, đừng ngại ngần tham gia các CLB, phong trào trường, khoa, lớp nha, bạn sẽ tích góp được rất nhiều điểm rèn luyện đó. Lúc đó thành tích học tập không khả quan lắm, nhưng mà điểm rèn luyên rất tốt luôn.
Tôi mong rằng những chia sẽ của tôi sẽ cảnh tỉnh được những bạn đang nghĩ lên đại học sẽ "nhàn", đó là những kinh nghiệm mà tôi rút ra được sau một mùa non nớt, mong rằng các bạn đừng đi vào vết xe đổ này. Một lời khuyên muốn dành cho các bạn chuẩn bị vào đại học: Hãy học ngoại ngữ càng sớm càng tốt, thời kỳ "hội nhập quốc tế", không có vốn liếng về ngoại ngữ sẽ cản trở các bạn rất nhiều, nên hãy học ngay bây giờ!
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất