There are only two kinds of men: the righteous who think they are sinners and the sinners who think they are righteous.
Blaise Pascal
Đầu tiên, mình nghĩ mình cần giải nghĩa cho tiêu đề gây khó hiểu này của bản thân. Tại sao tội ác lại ở trong "lồng kính thủy tinh"?
"Lồng kính thủy tinh" mà mình nhắc tới, chính là chiếc lồng của sự vô nhiễm, của sự trong sạch và thiện lương. Con người, như Pascal đã nói, được chia thành 2 loại:
Kẻ thiện lương nghĩ mình như tội đồ và kẻ tội đồ ngỡ mình thiện lương.
Đã là con người thì ai chẳng phải có lúc "đen đục" chứ nào ai sạch trong cho được, vì như Phật thích ca mâu ni đã giác ngộ: con người thì sẽ luôn bị trói buộc bởi ham muốn (dần dà sinh đau khổ), đã còn muốn thì chắc chắn là còn tội.
Ai ai trên đời, tuy không chung một trí óc cùng kiến thức, nhưng đều chắc hẳn hiểu rằng: một khi đã là người, thì sẽ luôn có tội. Con người vì cùng chung một loài với nhau nên sẽ luôn hiểu được bản chất sơ khai của nhau, rằng chẳng ai là thiện nhân hoàn chỉnh.
Nhân chi sơ, tính bản ác
Tuân Tử
Như vậy, ta có thể hiểu được nhận định ban đầu như sau:
Rằng tội ác sẽ luôn là điều mà không một con người nào có thể chạy trốn được, không một ai có thể thoát khỏi nó. Nhưng ta vẫn có thể giam cầm nó lại bằng sự lồng kính của sự trong sạch đó, giam cầm nó lại bằng sự kiềm chế của đạo đức bồi dưỡng qua thời gian.
Con người tuy ác, tuy sẽ là sinh vật mãi không thể thay đổi bản tính, nhưng có được sự bao bọc đạo đức và nhân cách thì sẽ giam cầm được tội ác.
Cách hiểu trên là cách hiểu thứ nhất. Giờ ta hãy đến với cách hiểu thứ hai nhé.
Đến với kẻ tội đồ, những con người đã nhuốm tay mình trong đau khổ của người khác, chắc chắn sẽ không bao giờ làm tiêu tan đi những tội ác hay gột sạch được nó. Tội ác sẽ còn mãi đó, đổ vấy những khổ đau lên người khác, nhuộm đen tâm hồn của họ khiến họ sống từng khắc trong nỗi đau, không xé lòng thì cũng âm ỉ.
Có thể kẻ đó không bao giờ bị vạch trần, không bao giờ phải chịu lấy hình phạt, sự thật cứ tưởng sẽ bị chôn vùi. Nhưng không đâu. Sự thật vẫn sẽ còn đó, dấu vết của tội ác sẽ còn, dù những dối trá có được bọc lớp áo "sự thật" và trở thành niềm tin mới cho quần chúng thì tội ác vẫn sẽ lưu dấu.
Những kẻ ẩn mình ngoài xã hội kia, đi xung quanh cùng chiếc lồng trong suốt khiến ai nhìn vào cũng tưởng kẻ chân thiện, nhưng thực ra lại đang bảo vệ cho tội ác giấu bên trong. Dùng cái thiện để bảo vệ cái ác.
Cách hiểu (theo mình) thứ ba, chính là những kẻ thực thi tội ác nhưng lại huyễn hoặc hay bao biện cho bản thân rằng mình làm điều này vì lẽ phải.
Ta nên lấy ví dụ thế này cho dễ hiểu nhé: Có một kẻ sát nhân hàng loạt nói trước tòa rằng bản thân giết trẻ em vì muốn giảm thiểu gia tăng dân số, bảo vệ thế giới khỏi những tác động của con người.
Những kẻ này không khoác lên tội ác của mình tấm kính trong vì muốn che giấu, mà là vì chứng minh rằng bản thân làm điều này vì đây là điều nên làm. Tội ác, lần này, được bảo vệ bởi cái thiện được đem ra làm lá chắn, chắn đi tầm nhìn, tầm hiểu của người xung quanh. Họ không nhìn vào hành động của một người, mà lại nhìn vào động cơ để hợp lí hóa cho hành động đó, đồng cảm với kẻ phạm tội kia, và rồi nhiều con ác ma lại được sinh ra.
Theo một khía cạnh nào đó thì cách hiểu thứ 2 giống cách hiểu thứ 3, chỉ khác là một kẻ dùng lồng kính để giả làm người thiện, một kẻ dùng lồng kính để chứng minh là người thiện. Cái thiện được dùng để bào chữa cho cái ác.
Nghe đau lòng thật nhỉ, khi ta nhận ra cái thiện và cái ác đã luôn song hành cùng nhau theo cách này. Chúng gần nhau đến nỗi nhiều khi không ai nhận ra ranh giới mong manh ngăn cách chúng, ngăn cách người thiện với kẻ ác.
Tuy nhiên, như Bertrand Russell luôn đau đáu về "tốt" và "xấu" trong tư tưởng triết học của mình, không ai có thể đánh giá ai là "tốt" hay "xấu" được.
Nhưng mình vẫn luôn tin tưởng vào con người, dẫu niềm tin có cứng đầu thì đến khi loài người tuyệt chủng hoàn toàn, mình vẫn sẽ luôn tin. Tin rằng con người còn "tốt" theo đúng nghĩa của chính nó chứ không phải điều gì khác.
Cảm ơn.