Sự tương quan giữa trao đổi thị trường và trao đổi xã hội
(The relationship between effort and payment: monetary and social) I, Nghịch lí giữa quan hệ thị trường và quan hệ xã hội. ...
(The relationship between effort and payment: monetary and social)
I, Nghịch lí giữa quan hệ thị trường và quan hệ xã hội.
Hãy cho tôi hỏi các bạn một câu: “Các bạn có chắc chắn bản thân mình là một người đủ tỉnh táo và lí trí trong mọi tình huống không?”. Ý tôi là, chắc chắn là bạn không bao giờ về nhà và đưa cho vợ của mình 50 đô la để thỏa mãn nhu cầu sinh lí của bản thân, đúng chứ? Và bạn cũng sẽ chẳng bao giờ mong muốn có một tình yêu công khai và vĩnh cửu với một cô gái đứng đường hay một kẻ hoạt động mại dâm phải không? Trong các trường hợp như vậy chúng ta quả là người sáng suốt và lý trí khi đã phân biệt được rõ ràng ranh giới của mối quan hệ thị trường và mối quan hệ xã hội! Bởi lẽ những kẻ kém may mắn và không đủ tinh tế để nhận ra sự phân chia giữa hai thái cực hoàn toàn khác nhau này sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Hãy chú ý đến câu hỏi đầu bài, nhưng khoan, các bạn đừng vội trả lời, hay để tôi đưa ra những ví dụ sau.
Một anh chàng nọ được vinh hạnh có mặt trong buổi lễ Tạ Ơn ở nhà bố mẹ vợ, có sự góp mặt của đông đủ của gia đình bên ấy với cô chị gái của vợ anh ta và lũ trẻ tinh nghịch. Nửa đầu bữa tiệc diễn ra vui vẻ với rau thơm kèm thảo mộc được nhét vào trong bụng của một con gà tây vàng ruộm, thứ mà anh chàng kia rất thích, kẹo dẻo thì được trang trí cạnh khoai lang và món bánh ngô của cô vợ thì ngon tuyệt. Họ nói chuyện với nhau vui vẻ cho đến khi anh chàng kia nhìn gia đình nhà vợ và cất giọng:
“Mẹ, con rất cảm kích vì bữa tiệc này, nó thực sự tuyệt vời và con phải trả mẹ bao nhiêu tiền cho việc này nhỉ?”. Lúc bấy giờ căn nhà được bao trùm bởi một không khí im lặng, ngột ngạt và nặng nề đến khó tả. Anh ta rút ví, lôi ra một xấp tiền, tiếp tục: “Chắc là 300 đô la là đủ? Không, con sẽ trả cho mẹ 400 đô la!”
Ly rượu trên mặt bàn thì đã đổ lúc nào không hay, bà mẹ vợ mặt đỏ bừng bừng vì tức giận, cô chị gái thì không quên ném cho anh ta một cái nhìn khó chịu, lũ trẻ thì bắt đầu khóc. Anh ta không hiểu chuyện gì vừa xảy ra, nhưng có lẽ hơn ai hết anh ta chắc chắn là anh ta sẽ có một bữa tối lạnh lẽo trước Tivi vào ngày lẽ Tạ Ơn năm sau.
Bạn có thể không tin nhưng một vài năm trước, AARP-một nhóm lợi ích có trụ sở tại Hoa Kỳ tập trung vào các vấn đề ảnh hưởng đến những người trên năm mươi tuổi- đã ngỏ lời hỏi các luật sư liệu họ có cung cấp dịch vụ miễn phí cho những người nghỉ hưu gặp khó khăn không. Các luật sư trả lời có. Nhưng họ, tức tổ chức AARP, sẽ nhận được kết quả ngược nếu họ đề nghị đến vấn đề tiền, cụ thể là yêu cầu các luật sư giảm giá tư vấn xuống còn 30 đô la một giờ. Tại sao hầu hết các luật sư lại từ chối thực hiện khi họ có thể được trả 30 đô la cho một giờ tư vấn trong khi họ lại đồng ý tình nguyện làm không công với cùng một đối tượng, đó là các người đã về hưu gặp khó khăn?
II, Tiền bạc và động lực
Một thí nghiệm được thực hiện vào 1992 tại trường Đại học St. Thoanas bởi một nhóm các nhà khoa học và hiệu trưởng James Heyman, trong đó một vòng tròn được thiết kế nằm ở góc trái trên cùng màn hình máy tính và một hộp vuông thì góc phải dưới cùng. Nhiệm vụ của những sinh viên tham gia là sử dụng con chuột máy tính, kéo vòng tròn thả vào bên trong hình vuông. Ngay khi vòng tròn được thả đúng vào hình vuông, nó sẽ biến mất khỏi màn hình và một vòng tròn mới hiện ra ở điểm xuất phát. Họ yêu cầu những người tham gia kéo được càng nhiều vòng tròn càng tốt và họ sẽ đếm số vòng các sinh viên kéo được trong vòng 5 phút. Mục đích của thí nghiệm là kiểm tra các sinh viên bỏ ra bao nhiêu nỗ lực và cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ.
Những người tham gia được chia là 3 nhóm. Và các nhóm khác nhau thì sẽ nhận được các khoản tiền thưởng không giống nhau cho việc bỏ chút thời gian tham gia thí nghiệm này. Cụ thể là nhóm thứ nhất được trả 5 đô la, nhóm thứ hai thấp hơn rất nhiều, 50 xu là số tiền họ có được sau thí nghiệm, trong khi nhóm thứ ba không được nhắc nhở hay gợi ý đến khoản tiền thưởng ở đây, tất nhiên nhóm này làm vì tư cách xã hội. Sau 5 phút, họ thống kê lại trung bình nhóm thứ nhất được trả cao là 159 vòng/5 phút, nhóm thứ hai thấp hơn, đúng như dự tính, họ chỉ được 101 vòng/ 5 phút. Về cơ bản số tiền thưởng chênh lệch nhau 10 lần đã kích thích nhóm được trả cao hơn bỏ ra gần 60% nỗ lực hoàn thành mục tiêu. Sẽ chẳng có gì đáng nói nhưng mà kết quả thí nghiệm bất ngờ cho thấy rằng nhóm thứ ba, nhóm làm free vì cộng đồng, đã hoàn thành công việc với 168 vòng trong 5 phút, tức hơn nhóm thứ hai khoảng 70% năng suất, và hơn nhóm thứ nhất khoảng 6%. Có thể dễ dàng hiểu được nhóm thứ hai làm việc kém năng suất hơn nhóm thứ nhất đơn giản là vì họ cảm thấy việc được trả quá thấp so với giá trị thực sự mà họ kì vọng có được sau thí nghiệm đã làm trì trệ và không kích thích họ làm công việc đó. Còn nhóm thứ ba thì không nằm trong cuộc chơi, họ không được nhắc đến vấn đề tiền bạc nên không phải chịu sức nặng của đồng tiền mà làm theo quy chuẩn xã hội.
Thí nghiệm này có vẻ chưa thuyết phục nên đã có một sự điều chỉnh nho nhỏ trong cách thức vận hành ở một thí nghiệm tương tự không lâu sau đó. Vẫn có ba nhóm sinh viên thực hiện thí nghiệm trên, nhưng thay vì nhận trực tiếp 5 đô la, nhóm thứ nhất nhận được một hôp sô-cô-la Godiva. Nhóm thứ hai nhận được được một thanh Snickers cho 50 xu và nhóm thứ ba vẫn là các tình nguyện viên không công và tuyệt nhiên cả ba nhóm không được nhắc nhở đến vấn đề tiền hay giá trị món quà mà họ sẽ nhận được. Xét về khía cạnh kinh tế thì nhóm thứ nhất vẫn được ưu ái hơn nhóm thứ hai tuy nhiên kết quả cho thấy rất khác biệt. Cả ba nhóm đều làm việc chăm chỉ và năng suất mặc cho họ có cảm nhận được giá trị món quà mình sẽ nhận được là bao nhiêu đi chăng nữa. Kết quả sau 5 phút thu được nhóm thứ nhất là 169 vòng/ 5 phút, nhóm thứ hai là 162 vòng/ 5 phút, nhóm thứ ba là 168 vòng/ 5 phút.
III, Giải thích
Phân biệt hai kiểu quan hệ: xã hội và thị trường Trong việc anh chàng kia, anh ta đã đề nghị trả tiền việc mà sẽ khiến bà mẹ vợ sẽ nhớ cho tới lễ Tạ Ơn năm sau, việc mà anh ta có thể giải quyết một cách hợp lí hơn chỉ bằng việc tặng bên nhà vợ một chai rượu vang để bày tỏ lòng cám ơn. Chúng ta có thể thấy tác dụng của việc thay thế các khoản tiền mặt bằng những món quà như là thanh Snicker và hộp socola ở trên đã kích thích và là nguồn động lực khiến cho người được nhận muốn thực hiện việc chúng ta yêu cầu hơn. Hãy tưởng tượng bạn đang cần di chuyển một chiếc ghế sofa cồng kềnh từ ngoài đường vào trong nhà, và bạn chắc chắn sẽ cần đến sự trợ giúp của ai đó, có thể là anh hàng xóm đang tưới cây cạnh nhà hay một người tình cờ chạy bộ ngang qua đó. Bạn sẽ mở lời đề nghị anh ta như thế nào? Khi bạn không đề cập đến vấn đề tiền nong, người kia sẽ vẫn vui vẻ giúp bạn như đang đóng góp một vai trò trong việc xây dựng mối quan hệ trao đổi xã hội. Điều này xảy ra tương tự khi việc bạn tặng cho anh ta một món quà nho nhỏ cho chiếc ghế. Nhưng khi bạn đề cập đến vấn đề tiền nong thì phải hết sức cẩn thận với giá trị số tiền bạn bỏ ra so với giá trị thực sự đánh giá công sức của người kia, ở đây là việc bạn nhờ di chuyển một chiếc ghế. Nếu số tiền bạn đề nghị đưa ra một mức giá quá nhỏ hoặc quá lớn so với công sức mà người kia bỏ ra thì rất có thể họ sẽ từ chối giúp bạn hoặc thậm chí họ sẽ quay ngoắt không thèm đoái hoài gì, để lại bạn bơ vơ ở đó với chiếc ghế kia. Việc này cũng sẽ xảy ra tương tự với việc bạn tiết lộ mức giá của món quà mà bạn định tặng anh ta cho việc di chuyển. Hãy chú ý đến hai mối quan hệ này. Khi bạn không đề cập đến tiền, người tiếp nhận sẽ tự động đặt mình vào mối quan hệ trao đổi xã hội, mọi hành động của họ thực hiện lúc đó dựa trên nguyên tắc cộng đồng và xã giao. Tùy vào các tình huống cụ thể mà bạn hãy áp dụng nguyên tắc sao cho hợp lí, bởi bạn chỉ có thể nhờ người khác thực hiện giúp bạn một số chuyện nhỏ như là di chuyển đồ vật hay nhờ điện thoại mà thôi. Còn khi bạn áp dụng nguyên tắc trao đổi xã hội để nhờ người khác thực hiện những việc mà họ coi là quá sức hay vô lí như: “Bạn gì ơi, bạn có thể vui lòng xách giùm hai thùng sơn này lên căn hộ của mình ở tầng 34 khung chung cư này không?” thì hậu quả chắc chắn là bị từ chối rồi. Việc này sẽ khiến họ nghĩ như họ đang bị lợi dụng. Ngược lại khi bạn muốn áp dụng nguyên tắc thị trường cho việc này thi hãy coi chừng! Lúc bạn đưa ra một mức giá quá thấp, thấp hơn những gì họ cho là tối thiểu để thực hiện một công việc bạn yêu cầu, thì họ sẽ nghĩ là bạn đang cố gắng xâm phạm đến vùng an toàn của họ, và coi họ như một trò giễu cợt của bạn.
Có nên để hai loại hình trao đổi này va chạm với nhau không? Chúng ta đan sống trong một thế giới mà ở đó tồn tại hai hình thức trao đổi đó là: trao đổi xã hội và trao đổi thị trường. Việc chúng ta đang làm là học cách áp dụng các quy chuẩn và thái độ khác nhau cho từng kiểu quan hệ trao đổi khác nhau. Nếu chúng ta đưa các quy chuẩn thị trường vào các trao đổi xã hội, thì chúng sẽ phá vỡ các chuẩn xã hội và làm tổn thương các mối quan hệ. Khi đã mắc lỗi, thì việc hồi phục mối quan hệ xã hội là rất khó. Hãy lấy một ví dụ sau.
Một thí nghiệm nọ được thực hiện ở một nhà trẻ Israel để thống kê tỉ lệ đón con muộn nơi đây và cân nhắc về sự ảnh hưởng của các khoản phạt của nhà trường cho các cha mẹ như thế có thực sự cần thiết hay không. Tất nhiên, trước khi đưa ra khoản phạt, giáo viên và phụ huynh đã ngầm “ký” với nhau một bản hợp đồng xã hội, thứ mà sẽ khiến các phụ huynh cảm thấy bứt rứt và có lỗi mỗi lần có chẳng may họ đón con muộn. Nhưng một khi mức phạt được áp dụng, nhà trẻ đó đã vô tình thay thế các quy chuẩn xã hội bằng các quy chuẩn thị trường. Các bậc phụ huynh vô trách nghiệm nay có thể lựa chọn giữa việc đi sớm hoặc đi muộn để rồi đóng một khoản phí phạt. Điều này làm tăng thêm tỉ lệ đón con muộn ở các bậc phụ huynh. Tất nhiên đây là điều mà các nhà trẻ không hề mong đợi.
Điều đáng nói ở đây là, sau một vài tuần áp dụng chính sách này, nhà trường bỗng quyết định xóa hết các khoản phạt với mục đích khôi phục lại mối quan hệ trao đổi xã hội cũ kia, đồng thời với mong muốn giảm tỉ lệ đón con muộn trên. Vậy là các bậc phụ huynh sẽ không có cái cớ để viện vào và cảm giáo tội lỗi lại ùa về mỗi lần đón con trễ? Không hề! Họ tiếp tục đến đón con muộn và thực tế, số lần đón muộn của phụ huynh còn tăng lên. Điều này cho thấy sự ra đi của các khoản phạt thị trường không có tác dụng trong việc hàn gắn mối quan hệ xã hội.
Thí nghiệm trên cho thấy một điều rằng: khi chuẩn xã hội va chạm với chuẩn thị trường, nó sẽ ra đi trong một thời gian dài. Nói cách khác, sẽ rất khó để thiết lập lại một mối quan hệ ngầm quy ước vốn đã đổ vỡ từ lâu.
Cái nhìn tổng quát về thực tếRanh giới mong manh giữa hai kiểu quan hệ trao đổi trên cũng thể hiện rõ trong lĩnh vực kinh doanh. Trong vài thập kỉ trở lại đây, các công ty đang cố gắng xây dựng thương hiệu của mình như một người bạn với khách hàng, mục đích của họ là thiết lập một mối quan hệ trao đổi xã hội với người tiêu dùng. Hãy coi đây là một ý tưởng táo bạo và tuyệt vời. Bởi lợi ích to lớn mà mối quan hệ này mang lại cho doanh thu của các công ty là không thể đong đếm được. Họ có thể tăng giá một sản phẩm và áp đặt một mức tăng nhẹ với tỉ lệ bảo hiểm. Nhìn chung mối quan hệ này coslucs thăng lúc trầm, nhưng xét tổng thể nó vẫn có lợi cho lợi ích công ty. Và hơn hết, sự trung thành chính là yếu tố cốt tử mà mối quan hệ trên có thể mang lại.
Đó chính là ưu thế to lớn mà các công ty sẵn sàng chi trả hàng tỉ đô la cho các ngành tiếp thị và quảng cáo nhằm gây dựng mối quan hệ trên, có vẻ vẫn tồn tại đâu đó những nhược điểm chết người cho những công ty dám vung mạnh tay cho việc này, và tất nhiên là có vẻ hầu hết các công ty đều không lường trước được hậu quả từ điều đó. Hãy xét tới các ngân hàng, khi đã áp dụng mối quan hẹ xã hội thì một tấm séc của khách hàng được trả ngược là điều bất khả thi. Khi các ngân hàng giữ mối quan hệ thị trường để hoạt động, thì một khoản phí phạt cho việc nộp quá muộn là điều đương nhiên, khách hàng thì có vẻ khó chịu về khoản phạt này nhưng đó là lỗi của họ nên có thể chấp nhận được. Nhưng những khoản phạt này sẽ là một nhát dao đâm sau lưng cho những khách hàng mà gắn bó với công ty trên nguyên tắc trao đổi xã hội. Họ sẽ tức giận như phản ứng của một người vừa bị xúc phạm hay sỉ vả và đùng đùng quay về. Sau đó là hàng giờ phàn nàn của họ với bạn bè về những ngân hàng như trên. Cho dù ngân hàng đó có gửi đi bao nhiêu thông điệp, phát đi bao nhiêu khẩu hiệu và biểu hiện thế nào, chỉ một vi phạm về trao đổi xã hội đó thôi cũng đồng nghĩa với việc đưa người tiêu dùng quay trở lại với trao đổi thị trường.
Vì vậy kết luận là khi bạn sở hữu một công ty, bạn chỉ có thể chọn một chứ tuyệt nhiên chớ có áp dụng cả hai nguyên tắc về trao đổi thị trường và trao đổi xã hội. Điều ngu ngốc này sẽ khiến bạn sẽ hối hận vì sự sụp đổ của các mối quan hệ bạn đã dày công vun đắp bao lâu. Đơn giản mối quan hệ xã hội bạn gây dựng qua việc quảng cáo hay tiếp thị sẽ khiến cho khách hàng nghĩ họ lúc này và bạn là người một nhà, nhưng vào một lúc khác thì bạn lại lạnh lùng cư xử với họ và coi họ là một mối phiền toái của bạn trong mối quan hệ trao đổi thị trường, điều đó là không thể chấp nhận được trong con mắt của một khách hàng trung thành. Nếu bạn muốn một mối quan hệ xã hội, thì hãy nhớ rằng bạn phải duy trì nó trong bất cứ tình huống nào. Hãy tuân thủ nghiêm ngặt một khái niệm đơn giản về giá trị: tuyên bố những gì bạn cho đi và những gì bạn trông đợi được đáp trả.
Đấy là phần đối ngoại, còn cách mà các công ty đang cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhân viên của mình thì sao? Trước đây, ở một nước tư bản như Mỹ thì vấn đề này không được các công ty thường xuyên để ý đến. Có vẻ như một xu thế chung là mối quan hệ trao đổi thị trường được diễn ra nhiều hơn và với quy mô rộng hơn các mối quan hệ xã hội. Tất nhiên điều này vẫn xảy ra ở một số các quy mô lao động dầy chuyền gồm các công nhân hay thậm chí là các nhân viên văn phòng ở Việt Nam hiện tại. Các công nhân thì làm việc từ bảy giờ sáng đến năm giờ chiều, các nhân viên làm từ tám giờ sáng đến bốn giờ chiều và cuối tháng đều đặn nhận lương. Họ đang thực hiện các mối quan hệ này như thế đấy, tức là sáng đến đúng giờ làm, chiều hết việc thì đi về uống bia, chém gió cùng đồng nghiệp và bắt đầu hôm sau y chang như vậy. Honaf toàn không có chỗ cho sáng tạo hay đột phá ở các mô hình lao động như thế này. Khi tiếng chuông hết giờ làm việc cất lên cũng là lúc hợp đồng giữa người lao động và công ty chấm dứt, công ty chỉ còn lại một số các công nhân hoặc nhân viên làm thêm giờ nhằm phụ giúp gia đình hoặc một mục đích gì đó. Đây là điển hình cho kiểu quan hệ trao đổi thị trường.
Ngày nay một số các công ty nhận ra được lợi ích to lớn của kiểu quan hệ trao đổi xã hội này mang lại. Nhân viên được các sếp truyền cho một động lực và sức mạnh vô hình, sự sáng tạo luôn được chào đón trong các mô hình công ty như này. Như ta thấy trong mô hình trao đổi thị trường, các nhân viên tuyệt nhiên không có khái niệm vui chơi hay giải trí khi đang làm việc. Nhưng trong các công ty có mối quan hệ trao đổi xã hội với nhân viên thì ranh giới giữa làm việc và giải trí trở nên mờ nhạt. Hơn nữa sự sáng tạo là thứ kích thích các nhân viên thậm chí khi hết giờ làm việc như đang lái xe, khi đi tắm, hay đang quẹt điện thoại. Họ xóa nhòa khoảng cách giữa nhân viên và công ty bằng việc cung cấp điện thoại để liên lạc, xe công ty cho việc di chuyển và laptop phục vụ cho nhu cầu làm việc sáng tạo.
Mặc dù một số công ty thành công trong việc tạo ra các quy chuẩn xã hội đối với các nhân viên của mình, nhưng nỗi ám ảnh về lợi nhuận ngắn hạn và việc cắt giảm chi phí đe dọa phá hoại tất cả những điều này. Rõ ràng khi một khoản phúc lợi vốn có như y tế có thể dễ dàng chuyển kiểu quan hệ trao đổi xã hội và kiểu quan hệ trao đổi thị trường. Rất có thể việc cắt giảm lợi ích của nhân viên trong lĩnh vực như thời gian làm việc linh hoạt và lương hưu sẽ phá hủy mối quan hệ xã hội mà công ty đã xây dựng và làm giảm đáng kể năng suất lao động của họ.
Rõ ràng những công ty quan tâm đến phúc lợi cá nhân nhân viên như Google (ngoài mức lương hậu hĩnh cho những con người tài năng và xuất sắc nhất thì nơi đây một nhân viên Google qua đời trong khi đang làm việc, vị hôn thê còn sống hoặc người thân cận nhất của người đó sẽ nhận được séc trị giá 50% lương hàng năm của người đã mất trong suốt 10 năm) sẽ không bao giờ làm nhân viên thất vọng mà đánh mất sự trung thành tuyệt đối với họ. Điều đó cho thấy rằng việc vun đắp các quy chuẩn xã hội là cần thiết để kích thích năng suất và sự sáng tạo của nhân viên. Việc các công ty đòi hỏi mức khấu trừ cao trong các kế hoạch bảo hiểm, đồng thời tiến hành giảm quy mô phúc lợi sẽ làm các mối quan hệ kiểu này trông giống kiểu quan hệ trao đổi thị trường hơn. Nếu một công ty áp dụng mối quan hệ xã hội như thế này họ sẽ nhận ra rằng những quy chuẩn này tạo dựng lòng trung thành và, quan trọng hơn là động lực cho mọi người tự vươn mình tới cấp độ mà các công ty ngày nay đang rất cần: sự linh hoạt, quan tâm và không ngại lăn xả thậm chí là hi sinh cả tính mạng. Bởi chỉ cần suy ngẫm lại một chút, chúng ta sẽ thấy những động lực mà các công ty truyền cho nhân viên của họ thông qua đồng lương sẽ không bao giờ khiến cho những người này có động lực trong việc hoàn thành công việc của mình không màng đến tính mạng. Các nhân viên làm trong quân đội nhà nước hay công an hoặc lính cứu hỏa sẽ không bao giờ muốn và giám hi sinh cho một khoản tiền thưởng của tháng. Mà chính vì các quy chuẩn xã hội - niềm tự hào nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm - đã tạo động lực để họ từ bỏ mạng sống và hy sinh sức khỏe của mình.
IV, Lời kết của tác giả
Vậy làm như thế nào để thay đổi tinh hình này, ý tôi là việc các công ty nên xây dựng các kiểu quan hệ dưa trên các nguyên tắc xã hội? Đầu tiên, chúng ta có thể nâng mức lương lên để khiến nhân viên hải quan sẵn sàng mạo hiểm mạng sống của mình cho công việc. Mức tăng như thế nào? Thực ra đây là tùy vào các ngành, những công an thực hiện chuyên án ma túy từ Thái Lan qua Việt Nam qua đường biên giới sẽ khác với mức lương để tăng gấp rưỡi năng suất lao động của một công nhân nhà máy. Hoặc, chúng ta có thể nâng chuẩn xã hội, làm cho các nhân viên cảm thấy rằng sứ mệnh của mình giá trị hơn mức lương cơ bản - rằng chúng ta tôn vinh họ. Việc xã hội chúng ta đang làm là tôn vinh các bác sĩ như một nghề danh giá để khiến họ có trách nghiệm hơn cho từng đơn thuốc được kê ra và những vết cắt chuẩn xác trong phòng phẫu thuật, những người cầm trong tay mạng sống của người bệnh.
Lời kết: Xin cám ơn những bạn thực sự bỏ công sức đọc đến dòng cuối cùng này của tôi, và tôi chúc tất cả các bạn có thêm kiến thức để phân biệt hai kiểu quan hệ phổ biến này.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất