Khi người ta từ chối cải tiến
Nói về chuyện từ chối cải tiến, có hàng trăm hình thức. Đầu tiên thì kể một câu chuyện vui về các trải nghiệm trong nghề dịch vụ. Nhân...
Nói về chuyện từ chối cải tiến, có hàng trăm hình thức. Đầu tiên thì kể một câu chuyện vui về các trải nghiệm trong nghề dịch vụ. Nhân những ngày kỉ niệm cũ đau thương tràn về.
Tưởng tượng công ty bạn nhận được một lời mời chế tạo và vận chuyển mặt hàng A đến giao ở công ty B. Bạn vui mừng vì trước đó đã khảo sát thị trường và kết quả rất thú vị. Vâng, thú vị ở chỗ là hầu hết các đơn vị sản xuất khác khi đến với công ty B đều dùng xe tải với tải trọng 1 tấn để vận chuyển hàng, trong khi (1) mặt hàng A rất nhỏ và gọn, chỉ khoảng 30kg và (2) công ty B nằm trong một đường hẻm rất hẹp, xe cộ lưu thông khó khăn nên chi phí bị đội lên là do xe tải vào hẻm khó. Bạn vui mừng vì công ty mình có thể làm ra sản phẩm nhanh, vận chuyển bằng xe thồ hai bánh chuyên dụng và quy trình công nghệ cũng “chuẩn 4.0”, tiết kiệm đủ đường nên bạn báo giá chỉ bằng 1/2 các công ty trên thị trường, đương nhiên vẫn có khoản lời đến hơn 75% cho project này. Thơm.
Mọi thứ trơn tru, bạn sản xuất đúng hạn, ngon lành đẹp đẽ, bạn vận chuyển mượt mà nhanh chóng món hàng A đến công ty B, và đúng lúc này cao trào của câu chuyện diễn ra: những nhân viên tiếp nhận bốc dở món hàng A không thể và không muốn thực hiện việc lấy món hàng từ xe thồ xuống. Bạn kiểu không tin vào tai mình, hở? cái gì cơ?. “Vâng, chúng tôi đã quen thuộc với việc vận chuyển hàng từ xe tải xuống, và các anh mang đến dây một chiếc xe thồ 2 bánh, không thể được” – Anh đội trưởng bực dọc nói.
Bạn cố giải thích từ nhẹ nhàng đến kiên quyết rằng việc lấy hàng từ xe thồ xuống cực kì dễ dàng, tôi sẽ chỉ anh và chúng ta chỉ mất 2 phút, và rằng xe thồ thì tiện lợi ra sao trong quá trình vận chuyển, và rồi lý do vì sao mặt hàng A chỉ có 30kg nên bạn dùng xe thồ, và vân vân, và vân vân… Người đội trưởng nghe một cách kém quan tâm, rồi chốt hạ rằng “không, vác chiếc tải đến đây rồi tôi nói chuyện tiếp“. Cuộc nói chuyện trở nên căng thẳng và rồi đôi bên to tiếng, công ty B bảo “các anh chị làm dịch vụ, bây giờ các anh chị đến đây dạy khôn khách hàng à?“. Bạn biết bạn thua, vì đó là chiêu cuối.
Phần kết câu chuyện? Ngày hôm đó bạn lủi thủi vác chiếc xe thồ chở món hàng A về lại và tống hàng lên chiếc xe tải 1 tấn, băng qua từng dòng người vội vã nối những chiếc xe dài lê thê, để mang hàng đến cty B một lần nữa, lỗ mất 50% nếu cấn trừ doanh thu/lợi nhuận. Yeah, và đó là một câu chuyện vui rất buồn.
Quen thuộc cũ và Tiện lợi mới – chọn bên nào, bỏ bên nào?
Câu chuyện trên tuy nghe đáng cười và vô lý nhưng lại là một phép ẩn dụ về nhiều trường hợp kém rõ ràng hơn mà các bạn đang gặp trong cuộc sống.
Làm gì có công ty nào mà “chỉ biết chuyển hàng từ xe tải xuống”? và lại còn “từ chối chuyển hàng từ xe thồ”? Phi lý.
Ừ, nhưng đã từng có những người sử dụng giấy tờ hồ sơ để lưu trữ chứ nhất thiết không thích Excel, vì nó khiến ta phiền hà nhập thêm lần nữa. Đã có những người cho rằng chuyện mang một cái điện thoại theo người là lố bịch, vì ai đâu mà gọi. Gần nhất tôi tiếp xúc với những bạn đã quen với công cụ thiết kế cũ, khi được giới thiệu phần mềm mới, một lượng không ít quyết định từ bỏ sau vài giờ thử nghiệm vì …không quen.
Cái gói hàng A, chiếc xe tải hay xe thồ, và những con người từ chối sự cải tiến đó, vẫn đang tồn tại ở mọi nơi và thậm chí đang ở trong chúng ta.
Vì sao người ta xung đột với cái mới?
Cốt lõi nằm ở chỗ bạn đang phải đấu tranh lựa chọn giữa những gì bạn đã làm quá quen tay, với một thứ tiện lợi chưa kiểm chứng. Bạn bỏ vài ngàn giờ luyện tập để thành thục một kĩ năng, chỉ để giờ bạn chứng kiến một công cụ khác xóa nhòa khoảng cách giữa bạn và một kẻ tay mơ khác. Phản ứng chối bỏ là thứ dễ dàng nhất, vì nó bảo vệ cái giá trị ta đã dày công tạo dựng. Điều đó lại càng sống còn hơn nữa, khi thứ bạn quen, lại chính là thứ kỹ năng, công cụ duy nhất bạn có. Chà, nguy hiểm đấy.
Vài năm trước đây khi các bác xe ôm truyền thống xung đột với xe ôm công nghệ, chúng ta cũng có một cái nhìn tương tự. Khi các hiệp đoàn xe ôm, các chuẩn lấy giá và cách bắt khách đã được hình thành và ổn định qua nhiều năm trời, giờ một cái thiết bị ất ơ nào đó đến và bắt ta thay đổi sạch sẽ, thế thì chờ gì nữa mà không đập đổ vứt bỏ nó đi. Còn gì là tôn ti trật tự nữa nếu cứ để vậy?
Nhưng rồi không ai có thể chống lại vòng xoáy của những tiến lên, bạn xung đột mãi rồi cũng nhận ra rằng cái cũ luôn phải nhường chỗ cho cái mới hiệu quả, thích hợp hơn. Tuy nhiên, viễn cảnh không bi quan đến độ ai rồi cũng ruồng bỏ trong một vòng quay phát triển. Ta cần chọn một vị trí đứng cho mình…
Vị trí ta chọn đứng, khi ta rơi vào cuộc xung đột trên?
Khi bạn nghe về câu “chuyện vui rất buồn” ở đầu bài viết, thứ để lại cho các bạn nụ cười là gì? là sự vô lý trong cách nhìn nhận vấn đề của những người bốc dở hàng. “Sao lại ngáo đến thế không biết, xe tải dở được thì xe thồ dở được, làm gì căng?”- bạn nghĩ. Thật may mắn vì bạn, tôi, chúng ta là những kẻ có góc nhìn bên ngoài. Đứng bên ngoài mà trông vào thì sẽ có cảm giác sướng lắm khi thấy chúng nó bem nhau, thế nếu bạn lọt vào bên trong một câu chuyện xung đột như thế, và lợi ích của bạn chịu sự ảnh hưởng ít nhiều? thì bạn nên “đứng” đâu?
Hình dưới đây mô tả vị trí mà người bốc dở hàng trong câu chuyện kia đã nghĩ mình đứng, họ đã nhiều năm bốc dở hàng từ xe tải xuống, nên chuyện thứ chạy đến không phải là xe tải, ngay lập tức họ cảm giác mình là người sẽ bị thay thế vì họ là “người dở hàng từ xe tải” chứ ko phải “người dở hàng”.
Ghép chặt mình vào một công cụ khiến mọi thứ bị sai lệch. Thực tế ra người dở hàng nên hiểu, mình là ai trong cái chuỗi quy trình vận hành này, và việc thay xe tải bằng xe thồ giúp họ được bao nhiêu là việc. Đây là góc nhìn chính xác hơn cho việc đó.
Anh là người dở hàng, không phải là một phần của chiếc xe tải. Anh là một nhà thiết kế, không phải thợ photoshop, một phần mềm khác đến không thể khiến anh mất việc. Cô là một kế toán viên, không phải thợ excel. Bác xe ôm thì là bác tài xế lái xe, bác không phải là “bác xe ôm truyền thống”, và khi bác cài thêm cái app gọi xe vào điện thoại mình, bác vẫn là bác tài xế, hà cớ gì lại tự loại bỏ mình vì có thứ công cụ mới nhảy vào? Cái app nọ là một phần hỗ trợ cho quy trình “đi xe – bắt khách”, nó không tự lái xe. Tương tự, bác tài hãy học cách dùng nó, vì nó hỗ trợ cho công việc của bác chứ không cướp lấy chén cơm từ bác.
Và đấy, chúng ta có câu trả lời cho mình : Hãy đứng tách rời ra khỏi công cụ. Bánh xe của cải tiến lăn đến không phải để húc bạn văng lên, nó đến để bạn có thể chạy nhanh hơn.
Liệu người ta có còn từ chối cải tiến?
Vẫn sẽ còn và luôn còn, vì tách rời ta ra khỏi điều gì ta đã quá quen thuộc vừa khó nhận ra, vừa khó thực hiện. Tuy nhiên đó là điều ta sẽ làm và sẽ thường xuyên phải làm.
Làm việc với nhiều thế hệ, cùng những trải nghiệm khi tiếp nhận công cụ mới, phương pháp mới để lại cho tôi những cảm xúc khác nhau khi người ta tiếp nhận việc thay đổi. Phần đông khi chưa kịp hiểu và hấp thu sẽ thấy cải tiến là điều không cần thiết, và cho dù chúng ta có vẽ ra một bức tranh toàn cảnh để chỉ ra cái lợi thì việc thay đổi một loạt những vận hành vẫn là quá sức đối với họ, và vì thế đôi khi sự thay đổi đến từ ép buộc, bởi những người có tầm nhìn xa hơn.
Với bản thân chúng ta, những người đang phải đối mặt/đồng hành với sự thay đổi cải tiến mỗi ngày, tâm thế cần có là hãy chuẩn bị cho nó. Tôi hay bạn mỗi ngày đều vô tình nhìn thấy một “chiếc xe thồ” mới và đôi khi tự nhủ rằng cái thứ này nó sẽ làm mình bị đào thải mất.
Hãy tỉnh táo lại và xem lại vị trí của ta trong chuỗi công việc đó, và có phải ta đang bị phụ thuộc vào công cụ mà quên mất mình là ai?
Bài viết này tôi viết tại website cá nhân của mình ở nhanluu.com. Đến đó để xem thêm nhiều bài viết và góc nhìn khác :D
Rất cảm ơn và trân trọng bạn vì đã đi đến cuối bài.
Rất cảm ơn và trân trọng bạn vì đã đi đến cuối bài.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất