Tình yêu là gì?
Là một người theo chủ nghĩa lãng mạn nhưng mình vô cùng bài xích tính lãng mạn trong việc lý tưởng hóa tình yêu, bởi lẽ theo quan điểm...
Là một người theo chủ nghĩa lãng mạn nhưng mình vô cùng bài xích tính lãng mạn trong việc lý tưởng hóa tình yêu, bởi lẽ theo quan điểm cá nhân khắc nghiệt của mình, tình yêu vô cùng đơn giản.
Tình yêu của chủ nghĩa lãng mạn ngày nay vốn không được tạo hóa sinh ra. Nó được định nghĩa bởi những con người có tính cá nhân nhất trong xã hội.
Đối với khoa học, cảm xúc yêu được phát sinh bởi một quá trình tạo thành đầy phức tạp trong tiềm thức – nơi chứa đựng thông tin nhiều gấp 10 lần so với ý thức, vậy nên lẽ hiển nhiên, con người khó lòng kiểm soát được cảm xúc yêu. Tiến sĩ, nhà nhân chủng học Helen Fisher là người đã đánh giá rằng cảm xúc yêu chỉ là dấu vết của “sự di truyền cơ bản, đã được tiến hóa hàng triệu năm” mà theo đó mục đích của chúng là để duy trì nòi giống.
Để sự vận hành được trơn tru nhất có thể, là sự bùng nổ của hàng loạt các hormone. Bước đầu với sự cộng hưởng của hai loại nội tiết tố testosterone và estrogen có ở cả nam và nữ, chúng khiến con người cảm thấy khát thèm và ham muốn. Sau đó thông qua quá trình sàng lọc các đối tượng thích hợp, người ta bị thu hút bởi những đối tượng mang tới nhiều cảm xúc tích cực nhất, được kích hoạt bởi norepinephrine, dopamine và adrenaline – tổng hợp các chất kích thích của não bộ - chúng hoàn toàn có khả năng gây nghiện và dĩ nhiên việc cai nghiện cũng không dễ dàng mấy, đây có lẽ là giai đoạn chủ chốt nhất để con người hình thành quan niệm về tình yêu và dẫn tới sự ra đời của chủ nghĩa lãng mạn. Sau cùng, như một lẽ thường tình trong tự nhiên, để bảo vệ cho sự ra đời và phát triển của “con non”, neuropeptides oxytocin và vasopressin được vận hành để tạo ra các mối liên kết bền chặt, đáng ngạc nhiên hơn, não bộ con người phân chia rõ ràng giữa các loại hormone trong từng giai đoạn, ngăn chặn sự phát sinh cảm xúc không đáng có giữa những cá nhân có ràng buộc về huyết thống.
Điều cuối cùng cũng là một bằng chứng rõ ràng với luận điểm “mục đích của tình yêu là duy trì nòi giống”, bởi dẫu có sự phân chia từ não bộ nhằm giảm thiểu khả năng cận huyết mà nghe ra vô cùng có tính đạo đức, thì thực tế không có sự phân chia nào để giảm thiểu khả năng con người ngoại tình cả. Về cơ bản, tự nhiên không cấm con người giao phối với nhiều đối tượng.
Nhưng nếu nói rằng “mục đích của tình yêu là để duy trì nòi giống”, thì cũng không sai, chỉ là thiển cận.
Hãy nhìn vào Freud, trong cuốn sách “Beyond the Pleasure Principle” (Vượt ngoài Nguyên tắc lạc thú), Freud đã xếp tình yêu vào hành vi thuộc “bản năng sống”.
Chúng là những bản năng liên quan đến sự sinh tồn cơ bản, sự thỏa mãn nhu cầu và sự sinh sôi nảy nở, là những bản năng cần thiết để duy trì sự sống của một con người cũng như giống nòi. Nói cách khác, tình yêu không tồn tại chỉ để phục vụ cho sự ra đời của thế hệ tiếp, mà còn để duy trì sự tồn tại của thế hệ đương thời, vâng, nói một cách khác, con người sống là để yêu – đấy là một bản năng sinh tồn đúng nghĩa.
Nói rằng góc nhìn của khoa học là thiển cận thì cũng hơi tự mãn, nhưng đúng là như thế.
Bởi lẽ tạo hóa không vận hành theo một mục đích duy nhất, mà tạo hóa vận hành theo một chu kỳ. Sự sống sẽ đi kèm cái chết, tất cả những sinh vật được sinh ra để có thể chết đi. Việc tạo ra sự sống là để phục vụ cho cái chết của sự tồn tại, đây chính là sự vận hành – mà ở đó, tình yêu phục vụ cho sự vận hành chứ không phải là sự sinh sản. Tình yêu tồn tại để vận hành cho một chu kỳ sống và chết.
Bởi thế nên Freud đã thêm vào “bản năng chết” đi kèm cùng “bản năng sống”, theo đó “Mục đích của tất cả mọi sự sống đều là cái chết”, ông cho rằng bản năng chết là nơi mà tất cả mọi sinh vật sống đều có một “niềm thoả mãn đối với cái chết”. Đó là lý do mà nếu tìm đến lý luận của nhà Viện sử hàn lâm Pavel Simonov, người đã dành cả đời mình tìm hiểu về khoa học thần kinh – và tâm lý, chúng ta sẽ biết được rằng hành vi của con người đều phỏng theo nhu cầu của cảm xúc – và đó là khi một cơ thể không thể tự điều chỉnh để cân bằng vì sự khuyết thiếu hormone nào đó (điều này cũng có thể xem như là bước đầu của việc cai nghiện các hormone tích cực) thì cơ chế thần kinh sẽ tự động sản sinh ra cảm xúc tiêu cực để cân bằng. Cộng hưởng cùng với Freud chúng ta có thể lý giải rằng, cơ chế tự hủy của Pavel Simonov chính là sự nghiên cứu sâu hơn về bản năng chết, khi mà tiềm thức phát sinh năng lượng hướng vào trong dẫn đến những hành vi tự kết thúc chính mình. Và một lần nữa, đáng ngạc nhiên thay, cả hai bản năng được duy trì từ trong tiềm thức này, được não bộ điều khiển khéo léo để luôn cố gắng cân bằng lẫn nhau, lý thuyết về sự sang chấn và hành vi tự hại có thể lý giải cho điều này.
Như vậy, về cơ bản, tình yêu là một công cụ của tạo hóa để phục vụ cho sự vận hành cho chu kỳ sống còn.
Vậy thì, tình yêu trong từ điển hiện tại từ đâu mà có?
Có lẽ đến tạo hóa (giả dụ là một sự tồn tại vô hình có ý thức) cũng không thể tin được là một công cụ được sử dụng để thúc đẩy quá trình sinh sôi lại có thể tạo ra nhiều hệ quả về mặt tâm lý, sinh lý và tinh thần đến mức đó.
Bởi tình yêu bị ảnh hưởng bởi mức tăng giảm hormone và nội tiết tố trong từng thời kỳ sinh trưởng, nên tâm sinh lý của con người sẽ biến đổi phụ thuộc vào điều đó, tạo ra sự khác biệt trong yêu cầu lựa chọn bạn đời, gia tăng tính cá nhân trong cộng đồng; con người cũng sẽ tùy theo mà có những ý thức riêng về hành vi của mình, khiến cho tình yêu trở nên đa dạng và vượt qua khỏi chức năng nguyên thủy. Dần dần đã tạo ra những khái niệm tinh thần mới.
Bắt đầu bằng việc đặt tên cho phần ý thức là “lý trí” và phần tiềm thức cùng siêu tiềm thức là “phi lý trí”, Plato chính là người đã rạch ngang giữa lý trí và tinh thần, khởi đầu cho những khái niệm về tính tự chủ của con người – nơi mà lý trí có khả năng chi phối các yếu tố phi lý trí. Đó chính là tác phẩm Phaedrus với hình ảnh cỗ xe được kéo bởi những con ngựa trắng tượng trưng cho cảm xúc và những con ngựa ô tượng trưng cho lòng ham muốn. Kẻ đánh xe là con người đại diện cho phần lý trí mềm yếu và bất toàn, sẽ cầm cương kiềm giữ lũ ngựa trắng và quất roi vào đám ngựa ô. Phần lý trí được phác họa nên dưới dáng hình của nhân loại trong khi những phần còn lại của phi lý trí được dựng nên dưới hình dáng của xúc vật. Quan điểm về tình yêu trước khi có sự phát triển của khoa học thuộc về sự bảo toàn của cảm xúc, trong khi đó tính dục thuộc về phạm trù hành vi của ham muốn. Đối với Plato, cảm xúc là thứ cần được điều hướng, và ham muốn là phần cần phải kiềm giữ.
Với sự ra đời của khái niệm "lý trí" mà từ đây tình yêu bằng cách nào đó đã không còn dành riêng cho nhu cầu sinh sản.
Có lẽ thứ khiến cho con người trở nên khác biệt so với phần còn lại của giới động vật, chính là khả năng tự định hướng và tạo ra khuôn mẫu, không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả xã hội – cũng chính là sự lý trí mà Plato đã đề cao. Con người đã mang khái niệm về tình yêu lên một bậc cao mới, bất chấp các bản năng còn lại của tạo hóa.
Từ Plato con người đã có sự tự nhận thức về việc làm chủ hành vi, từ đó không ngừng tạo ra và định hình các khái niệm chuẩn mực cho xã hội, sau đấy là nhà triết học Kant – người đã mạnh mẽ ủng hộ chế độ một vợ một chồng bởi ông cho rằng đấy mới chính là sự tự do chân chính. Ở đây, sự chung thủy hiện hình như yếu tố lý trí trong tình yêu, bởi nếu một con người để mặc bản thân mình bị chiều chuộng theo các ham muốn và cảm xúc, điều đó cũng không khác gì chuyện người đánh xe bị chính những con ngựa của mình dắt đi mà không thể kiểm soát – vậy nên anh ta hoàn toàn không có được tự do đúng nghĩa. Theo Kant, một con người tự do phải kiểm soát được những “bản năng động vật” còn sót lại trong mình. Bản năng duy trì nòi giống là một sự di truyền, nhưng tình yêu là sự hình tượng hóa của tự do. Từ đó mà các chuẩn mực đạo đức đã xuất hiện thêm yếu tố mới, sự chung thủy, thứ đã góp phần đánh bóng khái niệm tình yêu.
Tình yêu trong chủ nghĩa lãng mạn hoàn toàn không tồn tại trong thế giới này, nó là một sản phẩm được tạo nên bởi tính cá nhân của con người.
Xin hãy lùi thêm một chút về phía chủ nghĩa hiện sinh – một trường phái với vô vàn nhánh nhỏ, nhưng không sớm thì muộn đều hướng về sự tự do. Chủ nghĩa hiện sinh cổ vũ cho việc mở rộng phạm vi tự do của nhân loại, bằng cách chối bỏ định nghĩa mang tính đại chúng về Con Người, và phủ định khả năng Con Người có thể định nghĩa. Nó đặt câu hỏi “Tôi là ai?” thay vì “Con Người là gì?”, bằng cách này chủ nghĩa hiện sinh tô đậm hơn cho tính chủ thể thay vì tính khách thể, bởi một cá nhân không thể được định nghĩa từ việc sử dụng khái niệm chung dành cho nhân loại. Mỗi con người đều là một vũ trụ riêng.
Và bởi vì mỗi cá nhân là sự tồn tại mang tính tự do, nên quan niệm về sự phi lý của chủ nghĩa hiện sinh đã ngụ ý rằng, không có một ý nghĩa cuộc sống nào là có ý nghĩa, ngoài trừ những ý nghĩa mà chúng ta đặt cho nó. Vì nếu con người không là con người, con người không có tự do ý thức, thì chúng ta chẳng khác gì động vật, chúng ta không cảm nhận được giá trị nào. Vậy nên chúng ta không cần phải sống để đuổi theo một mục đích nào đó cho sự tồn tại của con người, vì điều đó chẳng hề tồn tại.
Từ sự tác động của chủ nghĩa hiện sinh, con người bắt đầu hình thành những khái niệm mới bao quát cả tạo hóa. Tình yêu không còn đơn thuần là dục vọng và sinh sản, tình cảm và lý trí, mà tình yêu là bao quát cả khái niệm “xấu” và “tốt” – mà theo chủ nghĩa hiện sinh thì tạo hóa cũng chẳng tạo ra cái gì là tốt hay cái gì là xấu cả, chỉ có con người mới tập hợp lại và gọi tên của chúng.
Có lẽ vì sự ra đời vô cùng “nhân tạo” này mà đối với nhiều người, tình yêu quá “tự do” và phức tạp, thế là người ta lại cố gắng định nghĩa tình yêu thêm một lần nữa, họ lý tưởng hóa tình yêu và điểm tên mọi điều tốt đẹp của nó bằng sự lãng mạn. Chủ nghĩa lãng mạn được sinh ra với niềm tin những điều có ý nghĩa thì sẽ luôn tốt đẹp.
.
Tựu chung lại, đấy là cái nhìn của mình về tình yêu, tình yêu đối với mình là sự tự do, nhưng nó không chỉ lãng mạn, nó là tất cả những sự mâu thuẫn mà nó đi cùng. Tình yêu là cảm xúc và ham muốn, là tự do và gắn kết, nó nằm dưới bất kỳ dáng hình nào miễn là lúc đó các chất hormone trong ta vẫn còn hoạt động.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất