Nghèo là có thật! Ra ngoài cửa là thấy!
Năm 1994 tôi ra đời ở bệnh viện Thanh Nhàn, nhà tôi hồi đó ở một nơi mà theo văn hiện nay được gọi là "khu ổ chuột" - Mai Động. Theo...
Năm 1994 tôi ra đời ở bệnh viện Thanh Nhàn, nhà tôi hồi đó ở một nơi mà theo văn hiện nay được gọi là "khu ổ chuột" - Mai Động. Theo lời kể của bố và mẹ, nhà tôi hồi đó là một túp lều tranh theo đúng nghĩa đen, bố làm nghề "tự do" và mẹ làm nghề cũng "tự do" nốt.
Đến khi tôi nhận thức được sự tồn tại của bản thân, chắc tôi cũng tầm 3 tuổi gì gì đó, thì vang vảng bên tai luôn là loa đài nhắc nhở người dân đừng tiêm, hút, chích. Ngày ấy huyền thoại "xóm liều" cách nhà chúng tôi chẳng mấy bước chân. Và chuyện đi bộ trên đường nhìn thấy mấy cái "x.á.c" la liệt khắp ngõ cũng là chuyện bình thường.
Năm 2000 nhà tôi chuyển sang Bồ Đề, Gia Lâm (hồi đó Long Biên chưa tồn tại, mới chỉ có huyện Gia Lâm) và lần này mọi thứ khá khẩm hơn chút, tôi không sống ở khu ổ chuột nữa, lần này nhà tôi sống giữa "xóm liều".
Chốc chốc lại thấy cáo phó, chốc chốc lại thấy có một cái "x.á.c" nằm giữa ngõ. Nỗi ám ảnh đến từ những kẻ ngồi ngoài cổng nhà lúc 3h sáng để "nghịch kim tiêm" nó khiến gia đình tôi nhiều lần mất ngủ. Mọi bụi cây đều có kim, mọi góc khuất đều có người nằm.
Ngày ấy trên cầu Chương Dương vẫn còn nhiều em nhỏ, vai còn đeo ba lô, miệng còn chưa sạch và lưng đôi khi còn bồng thêm em nhỏ chạy khắp nơi, vừa chạy vừa reo "Kết quả đê!". Tôi nghe nhầm, nhiều lần còn trêu "Chết cả đê!" ám chỉ những đứa trẻ con mà cứ lao ra đường như thế rất dễ bị xe tông.
Đường lên cầu Chương Dương từ phía Hà Nội qua có mấy ông già nằm dưới chân cầu thang đi qua đường đê. Hàng ngày khi đi học về tôi vẫn hay nhìn xem ông có ai đưa bát cháo bát cơm cho để ăn không. Và một ngày nọ, ông biến mất, chỉ còn lại bát hương.
Tôi vẫn nhớ thời chuyển trường từ Nguyễn Hiền 18 Hàng Quạt về Ngọc Lâm trường làng, đường đi học của tôi luôn có một ông bơm xe, vô gia cư, chỉ có cái bơm tay kiếm tiền và cái ghế để ngủ qua ngày. Và cũng một ngày nọ, ông biến mất.
Văn vẻ mà nói, nạn hút chích cứ như thế cho đến gần 2005, nói thẳng ra thì ai nghiện đều bị lôi đi hoặc bị "kéo xuống" hết rồi. Cuộc sống cơ cực của những người nghèo nó nằm ngay ngoài cửa nhà, từ khi tôi còn chưa biết chữ cho đến khi tôi học Đại Học.
Nghèo là một thứ thuốc phiện mà kẻ mắc vào rất khó cai. Nó khiến người ta tìm mọi cách để thoát nghèo, một số đi cướp giật, một số đi hút chích để lên tiên sớm, đỡ khổ...một số khác đi tìm đến cơ hội làm giàu ở đầu ngõ mang tên lô đề.
Càng nghèo càng đốt tiền ác, và khi còn 5 ngàn lẻ trong túi họ sẽ tìm cách lừa, giật của ai đó nốt 5 ngàn để mua được một tờ xổ số. Xong rồi không trúng, rồi lại túng, rồi lại đi cướp, rồi lại đánh, rồi lại trượt, rồi lại cướp, rồi bị bắt, rồi trốn, rồi vô gia cư.
Đến tầm 2008 - 2010, những đứa trẻ chạy trên cầu ngày nào đã biến mất, có thể đã đi xuống khu chợ Long Biên để làm việc gì đó khác mà kiếm sống vì lúc đó không ai cần mấy tờ kết quả đó nữa rồi.
Nghe có vẻ xa xôi nhưng đó là Hà Nội cách đây 10 năm có lẻ. Và những ai ở quanh khu phố cổ, khu đê Long Biên đều biết ở ngóc ngách nào, cửa nhà nào là có người đang nằm.
Đến tận hôm nay, khi đi quanh khu trung tâm, đặc biệt là các khu ngã tư lớn như Ngã Tư Sở đều có thể dễ dàng bắt gặp những người vô gia cư nằm la liệt chờ được giải thoát.
Bạn hoàn toàn có thể hỗ trợ những người này bằng cách đến các tủ đồ miễn phí ở khắp Google để gửi cho họ những bộ quần áo mình không còn mặc nữa. Hoặc nếu rảnh thì bạn có thể đi quanh Tràng Thi tầm 3h sáng, để gửi cho những số phận cơ cực giữa lòng Big City Mọi những miếng cơm nho nhỏ.
Nghèo là có thật, ra ngoài cửa là thấy!
Tôi viết bài này là vì vô tình nhận ra một sự thật thú vị là đến nay còn nhiều người chưa bao giờ đặt chân đến khu ổ chuột, chưa bao giờ biết thế nào là cuộc sống cơ cực không có nổi một cái gì để đút vào miệng con nhỏ.
PEACE!
Các bài viết khác
Hoặc bạn có thể xem Youtube
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất