Hiệp định thương mại tự do CPTPP biến Việt Nam thành 1 mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị Toàn Cầu. Nhưng quan trọng hơn là chúng ta đang là mắt xích nào trong chuỗi giá trị đó.
(Mình có cộng tác với 1 vài trang báo kinh tế nhỏ, bài này lúc đầu dự định sẽ là bài để đăng vào Tết Dương, tổng kết sau 1 năm. Mà vì 1 số vấn đề, nên cuối cùng không được duyệt, mình tiếc quá nên chia sẻ lên đây. Vì vậy mà văn phong hơi báo mạng 1 tý :D)
Nói 1 cách ví von, chuỗi giá trị Toàn Cầu trong kinh tế cũng giống chuỗi thức ăn trong 1 khu rừng vậy. Nếu Mỹ là sư tử đứng đầu chuỗi thức ăn, chủ nhân của mọi thương hiệu lớn nhất Thế Giới, sở hữu những công nghệ dẫn dắt tương lai. Thì Trung Quốc là con cáo luôn nhăm nhe vị trí đứng đầu của sư tử, với khả năng sản xuất và học hỏi vô địch.
Còn Việt Nam có thể so sánh với con ong trong khu rừng đó, luôn luôn là kẻ chăm chỉ nhất, nhưng thành quả mang về lại chẳng bao nhiêu. Năm 2017, năng suất lao động của chúng ta là 93.2 triệu/lao động/năm tăng gấp đôi so với 10 năm trước, nhưng mới chỉ bằng 7% so với con số của Singapore.
Để hiểu rõ hơn, ta hãy tham khảo mô hình “đường con nụ cười” của Stan Shih - nhà sáng lập tập đoàn Acer.


Chúng ta xuất phát từ đáy
Toàn bộ khâu sản xuất có thể chia vào 3 giai đoạn lớn:
  • Nghiên cứu và thiết kế sản phẩm: Giai đoạn bên trái đường cong nụ cười, bao gồm: Nghiên cứu phát triển, Thiết kế, Chuẩn hoá, v.v.. Cần rất nhiều chất xám, mang lại giá trị lớn.
  • Chế tạo sản phẩm: Giai đoạn dưới đáy đường cong, gồm: Gia công, Lắp ráp, v.v.. Cần rất nhiều công sức, nhưng mang lại giá trị thấp.
  • Bán hàng và dịch vụ hậu mãi: Giai đoạn bên phải đường cong, gồm: Marketing, Bán hàng, Dịch vụ hậu mãi, v.v.. Cần rất nhiều sự tinh tế, mang lại giá trị lớn.
Càng đi xuống đáy của đường cong nụ cười, thì phần giá trị gia tăng, hay nôm na có thể hiểu là lợi nhuận mang về càng thấp. Và đó là tình cảnh của Việt Nam. 
Hãy thử lấy 1 ví dụ: Hiện nay Việt Nam là nơi gia công 41% tổng số giày của Nike, và 44% tổng số giày của Adidas - 2 nhà cung cấp giày thể thao lớn nhất Thế Giới. 
Nike và Adidas là người nghiên cứu và thiết kế những kiểu dáng giày, chuẩn hoá chất liệu, kích cỡ, kỹ thuật may, chất lượng thành phẩm. Sau đó, họ sẽ mua nguyên vật liệu, chuyển cho doanh nghiệp Việt Nam gia công ngày đêm, đảm bảo đạt được những tiêu chuẩn đã chuẩn hoá. Gia công xong, doanh nghiệp Việt sẽ chuyển lại cho Nike và Adidas để họ làm thương hiệu, marketing, phân phối, bán hàng và làm các dịch vụ hậu mãi.
Vì người Việt Nam chúng ta rất khéo tay, những chiếc giày làm ra có chất lượng tuyệt vời. Thế nên khi một khách hàng mua giày, họ sẽ khen: “Nike/Adidas làm chiếc giày này thật tuyệt. Đúng là chất lượng Mỹ/Đức”. 
Vì người Việt Nam chúng ta rất chăm chỉ, rất chịu khó, chúng ta luôn hoàn thành sản xuất trước hạn. Thế nên những nhà bình luận kinh tế trên Thế Giới sẽ trầm trồ: “Nike/Adidas quản lý sản xuất thật xuất sắc. Đúng là năng lực Mỹ/Đức”
Chiếc giày được bán giá 100 USD, Nike và Adidas rút ra 2 USD trả cho doanh nghiệp Việt, doanh nghiệp Việt rút ra 0.2 USD trả cho nhân công - một con số đáng buồn.
Tôi biết có những người mẹ làm thợ may, 7h sáng đến công xưởng, 8 rưới tối mới về, kể cả chủ nhật để có tiền nuôi 2 đứa con ăn học. Và vì tay nghề cao, kinh nghiệm tốt, họ nhận được 200 đồng trên 1 cái cổ áo.
Chúng ta làm mọi thứ, nhưng chỉ được hưởng 1 phần rất nhỏ của lợi nhuận. Bởi vì chúng ta đang đứng ở công đoạn chiếm giá trị thấp nhất trong chuỗi giá trị Toàn Cầu - Gia công và xuất khẩu thô:
  • Chúng ta có trữ lượng dầu mỏ 700 tỷ lít, nhưng chỉ xuất khẩu dầu thô với giá 556,5 USD/tấn, và nhập khẩu xăng dầu với giá lên đến 849 USD/tấn.
  • Chúng ta có gần 1 nửa dân số làm nông nghiệp, nhưng chỉ “bán non” nông sản thô với giá bằng ⅕ giá nông sản có thương hiệu của Thái Lan.
  • Chúng ta có những đôi bàn tay khéo nhất Thế Giới, nhưng gần 2/3 doanh nghiệp Việt làm OEM (gia công).
Theo 1 bài báo trên tờ Người Lao Động 3 năm trước, thì điều đó có nghĩa là: “Ta đang nai lưng làm cho nước ngoài họ hưởng!”
Năng suất chúng ta thấp, không phải do người Việt ta lười, mà vì chúng ta đứng ở vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị Toàn Cầu.
Cặm cụi hành trình leo lên
Không chấp nhận việc đứng ở đáy, chúng ta đang vươn lên trong những năm gần đây. Và năm 2018 đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng:
  • Vinfast ra mắt 3 mẫu xe hơi đẳng cấp Thế Giới: Ô tô là 1 trong những ngành quan trọng nhất của Thế Giới. Những Quốc gia có thương hiệu ô tô nổi tiếng, là những Quốc gia giàu bậc nhất: Đó là Nhật với Toyota, Đức với Volkswagen, Hàn Quốc với Hyundai, Mỹ với General Motors. Vinfast có thể là tấm vé giúp chúng ta đứng chung hàng ngũ này.
  • BKAV chứng tỏ họ có thể duy trì mảng điện thoại với Bphone 3: Khâu gia công chỉ chiếm 30-35% tổng giá trị của chiếc điện thoại, trong khi khâu làm thương hiệu có thể chiếm tới 50% giá trị. Với Bphone, Việt Nam chuyển từ người làm gia công thuê cho Samsung, trở thành người sở hữu 1 thương hiệu điện thoại cận cao cấp.
  • Viettel: Nếu bạn có dịp đến nước Lào sát ngay bên, Haiti ở Nam Mỹ, hay Cameroon ở Châu Phi, thì đừng có quá ngạc nhiên khi thấy đa số người dân ở đó sử dụng mạng di động Unitel, Natcom, và Nextel - tất cả đều thuộc Viettel. Với hơn 10 năm đầu tư ra nước ngoài, Viettel đang dẫn đầu thị trường mạng di động của 5 Quốc gia trên Thế Giới, dự kiến mang về hơn 2 tỷ USD trong năm 2018. Mobifone và VNPT cũng đang tiếp bước Viettel đầu tư ra nước ngoài.
  • Về lĩnh vực thực phẩm, chúng ta cũng có thể tự hào về những thương hiệu Việt đang dần toả rộng trên Thế Giới, như Hảo Hảo, Chinsu, Vinamilk, và Trung Nguyên. Đây là những thương hiệu thực phẩm Việt trong top 1,000 thương hiệu Châu Á 2018, đã và đang nâng tầm giá trị nông sản Việt.
  • Không chỉ những tập đoàn lớn, nói về những công ty khởi nghiệp, ta có Cunon với tham vọng xây dựng thương hiệu đồng hồ xa xỉ hợp túi tiền đầu tiên của Việt Nam. Ta có Abivin với tham vọng giải quyết bài toán tỷ USD về logistic. Và rất nhiều bạn trẻ khác, với hoài bão và sứ mệnh, đưa thương hiệu Việt Nam lan rộng.
Thực tế cho thấy, kinh tế nước ta vẫn đang phải phụ thuộc rất nhiều vào gia công, và xuất khẩu thô trong năm 2018. Trong vài năm tới, mục tiêu thực tế vẫn là xây dựng được quy trình gia công chuẩn cho các ngành. Nhưng giống như mọi hành trình, nếu không có những bước đi đầu tiên, sẽ không bao giờ nhìn thấy được vạch đích.
Vinfast, Bphone, và những doanh nghiệp trên có thể nói là những người đang khai phá vùng đất mới, để đưa dân tộc Việt lên vị thế cao hơn trên chuỗi giá trị Toàn Cầu. Tất nhiên, khi tham gia cuộc khai khẩn với cái gốc là 1 anh gia công, chúng ta phải nhờ đến sự trợ giúp của không ít bên.
Đó là Vinfast sử dụng động cơ của BMW - Đức, sử dụng kiểu dáng của nhà thiết kế của Ý. Đó là Bphone 3 mua linh kiện từ khắp nơi trên Thế Giới, và được lắp ráp ở Nhật. Đó là đồng hồ Cunon được gia công ở Trung Quốc.
Và việc này trở thành nguồn cơn của mọi chỉ trích “Những sản phẩm này đâu phải của Việt Nam, chỉ là mua của nước ngoài rồi gắn nhãn mác Việt vào mà thôi!” 
Nhưng, Vinfast sở hữu thương hiệu và vận hành khâu bán. Bphone 3 sở hữu công nghệ lõi, thương hiệu, khâu thiết kế và chuẩn hoá. Cunon sở hữu khâu thiết kế và thương hiệu. 
Đây là những khâu đứng đầu trên đường cong nụ cười, giá trị gấp nhiều lần khâu gia công. Không phải đây là điều mà chúng ta đã mơ ước từ lâu sao? 
Đúng là có mặt tối, có sai sót, Vinfast không làm chủ được khâu giá trị nhất - công nghệ, R&D, và ý tưởng, Bphone làm thương hiệu mà bị phản đối nhiều hơn ủng hộ.
Nhưng quan trọng là ta đang từng ngày chinh phục các nấc thang của đường cong nụ cười. Và chỉ có theo đuổi những khâu này, năng suất lao động của Việt Nam mới tăng lên được, Việt Nam mới thoát được cảnh làm cho người khác hưởng.
Chúng ta phải nhanh lên. Kinh tế đang biến đổi rất nhanh và đường cong nụ cười sẽ dần lạc hậu, nhường chỗ cho mô hình kinh tế nền tảng 4.0. Đây vừa có thể là thách thức khiến Việt Nam mãi mãi tụt hậu so với Thế Giới, hoặc có thể là cơ hội để chúng ta tạo ra 1 bước nhảy vượt bậc. Tất cả đều bắt đầu từ cuộc hành trình ngày hôm nay.