Ngày 22/05/2017 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã có chuyến thăm lịch sử, trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tới Bức tường phía Tây (còn gọi là Bức tường Than Khóc), nơi linh thiêng nhất mà người Do Thái thường xuyên tới để cầu nguyện. Ông Trump đội mũ kippah – mũ kính sợ Thiên Chúa – và đặt một mẩu giấy ghi thông điệp cầu nguyện vào khe đá có niên đại khoảng 2.000 năm.
Bức tường Than Khóc là thánh địa của người Do Thái, được xây dựng vào đầu thế kỷ 1 Trước Công Nguyên trên một đoạn đường của ngôi đền do vua Salomon xây dựng cách đây gần 3000 năm. Vào năm 70 Sau Công Nguyên, người La Mã đã phá hủy ngôi đền. Trải qua nhiều biến cố trong lịch sử, người Do Thái tin rằng Bức tường Than khóc là nơi họ có thể tạ ơn Thượng Đế và cầu nguyện cho số phận của dân tộc mình.
Trước đó, tổng thống Mỹ cùng gia đình cũng đã ghé thăm Nhà thờ Mộ thánh ở gần Bức tường Than khóc. Nhà thờ này được cho bao gồm cả đồi Sọ, nơi Chúa Jesus bị đóng đinh vào thập giá, và ngôi mộ nơi Chúa được chôn cất. Công trình này đã trở thành địa điểm hành hương quan trọng với các tín đồ Ki-Tô Giáo từ thế kỷ 4.
Toàn cảnh Bức tường Than Khóc

Các bạn có lẽ sẽ giật mình khi biết rằng: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo với số liệu thu thập từ 172 quốc gia trên thế giới cho biết cứ 40 giây lại có một người tự tử trên thế giới, số người chết vì tự tử còn nhiều hơn tất cả nạn nhân của các cuộc chiến tranh và thảm họa tự nhiên hàng năm. Đặc biệt, với con số hàng triệu người tự tử hàng năm, người ta thống kê cho biết tỷ lệ tự tử của giới nghệ sỹ tăng gấp 18 lần người bình thường. Lý do chính của việc tự tử thường là cảm thấy bất lực trước những nghịch cảnh của cuộc sống.
Thế kỷ 21 chứng kiến những bước tiến vũ bão của khoa học kỹ thuật, kéo con người vào “cuộc chơi” của nó. Có nghĩa là, nếu lỏng tay, con người sẽ bị điều khiển bởi chính những sáng tạo của mình. Đó là một nghịch lý có thật. Thêm vào đó, chưa bao giờ con người lại phải đương đầu với hiện trạng đạo đức xã hội xuống cấp như ngày nay: khủng bố, bạo động, giết người, hôi của, vô cảm, loạn luân, cưỡng hiếp, ly hôn, phá thai, … Hằng ngày hằng giờ có không biết bao nhiêu cảnh tượng đau lòng, bại hoại diễn ra trên thế giới mà chúng ta hoặc trực tiếp chứng kiến hoặc được báo chí truyền hình truyền tin đăng tải.
Cứ 40 giây lại có một người tự tử trên thế giới.

Chính những sức ép này đã thôi thúc con người tìm một con đường giải thoát. Bởi con người không thể sống trong khủng hoảng niềm tin, mất cân bằng giữa vật chất và tinh thần và thiếu vắng những giá trị đạo đức căn bản. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew (PRC) Hoa Kỳ, thế giới ngày tăng thêm niềm tin “tôn giáo” hơn khi số lượng những người vô thần không tín ngưỡng tôn giáo đang xu hướng bị thu hẹp so với dân số toàn cầu. Khoảng 84% dân số thế giới đang gắn bó với một tôn giáo nào đó; chỉ có khoảng 16% là không tôn giáo. Đặc biệt, Ki-Tô Giáo, tức Cơ Đốc Giáo (Christianity) là tôn giáo có số lượng tín đồ lớn nhất thế giới, khoảng 2,3 tín hữu, chiếm 1/3 dân số toàn thể nhân loại.

Với số lượng tín hữu đông đảo như vậy, có nghĩa là cứ 3 người bạn gặp sẽ có 1 người có đức tin Ki-Tô Giáo, quả thực việc nhận biết các giá trị văn hóa của Ki-Tô Giáo trở nên thực sự cần thiết. Có thể không ép buộc, nhưng chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, nơi các giá trị văn hóa được giao lưu và học hỏi giữa các dân tộc. Việc hiểu biết về đức tin của một cộng đồng giúp chúng ta tôn trọng và thông cảm với nhau hơn, làm tiền đề quan trọng cho sự phát triển nhận thức của cá nhân. Thêm vào đó, hiện nay những dòng sách thị trường về Ki-Tô Giáo có quá nhiều sai lạc so với Kinh Thánh, làm nhiều người ngoại đạo hiểu sai vấn đề. Có thể kể đến cuốn sách “Đối thoại với Thượng Đế” của Neale Donald Walsch, một cuốn sách viết nhằm mục đích thương mại đánh vào tâm lý đám đông nhiều hơn là về mặt đức tin.
Do Thái Giáo và Ki-Tô Giáo có mối liên hệ với nhau như thế nào? Đức tin cơ bản của Thiên Chúa Giáo là gì? Liệu Kinh Thánh có thể giải quyết được tất cả vấn đề trong xã hội hôm nay hay không? Chuyên đề Tìm hiểu đức tin Ki-tô Giáo sẽ giải đáp các câu hỏi này. Các dữ liệu trong chuyên đề được dựa trên nền tảng Kinh Thánh – cuốn sách Thánh được lưu truyền hơn 2000 năm, những dữ kiện lịch sử đã xảy ra và những kiểm chứng đã được các nhà khoa học xác thực.
Chúng ta bước vào Kỳ 1 của chuyên đề: Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa.


Đức tin vào Thiên Chúa của người Israel

Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất ; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa ; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta.
Công vụ tông đồ 17, 26-28
Từ thời cổ đại, tại Lưỡng hà địa (Mesopotamia), đã xuất phát nhiều tín ngưỡng của con người, tin vào các thần linh mang tính hữu hình và thiên nhiên như mưa, gió, sấm sét, tinh tú hay phồn thực của mùa màng và sinh nở. Ví dụ người Maya thờ thần mặt trời, mặt trăng, thần mưa. Kế đó là niềm tin đa thần, tức là có nhiều vị thần cai quản vũ trụ và trừu tượng con người không thể tưởng tượng được như thần Zeus, người đứng đầu đỉnh Olympus của Hy Lạp. Nhưng vấn đề là những vị thần này quá trừu trượng nên con người đã thế tục hóa nó đi, thần Zeus được mô tả rất có “tính người” (hay chơi bời, có con ở nhiều nơi, lật đổ cha mình để lên nắm vị…), đa thần nhưng mỗi người chỉ cai quản trong một giới hạn nhất định, con cái có thể đánh nhau với cha để tranh quyền lực. Chính niềm tin này đã ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Hy Lạp với thể chế chính trị cộng hòa đầu tiên trên thế giới.
Bản thân các nước Á Đông cũng tin vào Thượng Đế, một Đấng Tạo Hóa duy nhất và quyền năng vượt trên vạn vật. Đơn cử các hoàng đế Trung Hoa khi viết chiếu thư đều có câu “thuận thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết” – tức là trên thuận ý Trời, dưới hợp lòng dân, hoàng đế ban chiếu chỉ. Hay tục ngữ Việt Nam có câu “Cha mẹ sinh con, ông Trời sinh tính” ; “Ông Trời có mắt” …Niềm tin này đưa cấu trúc xã hội phương Đông đến sự tập trung quyền lực, vua là Thiên Tử (Con Trời), đại diện Thượng Đế cai quản nhân gian. Tuy nhiên, sự khát khao quyền lực đến “thiên thu vạn đại” đã làm các hoàng đế phương Đông vì lợi ích cá nhân và dòng họ đã diễn giải hình ảnh Thượng Đế theo ý riêng của mình và lâm vào cảnh chém giết, huynh đệ tương tàn để củng cố ngôi vị.     
Khác với những cách suy nghĩ trên, Abraham – tổ phụ của người Israel – tin vào một Thượng Đế duy nhất, vô hình và con người không thể suy lường hay hiểu được đường lối của Ngài. Tất cả những vật mang tính hữu hình như mặt trăng, mặt trời chỉ là tác phẩm trong Đôi Tay Chí Thánh của Ngài và những suy nghĩ phân định điều Thiện và Ác trong tâm trí con người về Ngài chỉ là những tà thần. Cách duy nhất để hiểu về đường lối của Ngài là được ban cho thông qua những mặc khải chứ không phải nhờ nỗ lực suy tưởng của bản thân.
Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự. Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất ; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa ; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói : 'Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người.'
Vậy, vì là dòng giống Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng thần linh giống như hình tượng do nghệ thuật và tài trí con người chạm trổ trên vàng, bạc hay đá.
Công vụ Tông Đồ 17 : 24 - 29


Chủ nghĩa vô thần

Thực tế ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, rất nhiều người đặt niềm tin vào khoa học và sự vĩ đại của con người và theo chủ nghĩa vô thần (hay thuyết vô thần, vô thần luận). Chủ nghĩa vô thần bác bỏ niềm tin vào Đấng Tạo Hóa và tin rằng con người chế ngự và làm chủ được thiên nhiên. Nhiều người vô thần cho rằng niềm tin vào Thiên Chúa là một điều gì đó phản khoa học, phi logic và tin vào thuyết “Vụ Nổ Lớn – Big bang” - mọi sự trong vũ trụ được khởi đầu từ một vụ nổ lớn khoảng 13,7 tỷ năm trước và vũ trụ được mở rộng, làm lạnh từ đó đến nay.
Tuy nhiên, gần như tất cả các nhà khoa học đặt nền móng cho ngành khoa học hiện đại đều tin vào sự hiện hữu Đức Chúa Trời. Có thể kể đến Isaac Newton, Blaise Pascal, Gregor Mendel, Louis Pasteur, Albert Einstein, Werner Heisenberg, … Thêm nữa người Israel được xem là những người thông minh nhất thế giới. Dân số người gốc Do Thái trên thế giới hiện nay vào khoảng gần 13,8 triệu người (khoảng hơn 0,19% dân số thế giới – số liệu năm 2013), tức là cứ khoảng 517 người thì có 1 người Do Thái. Nhưng vào khoảng giữa thế kỷ 19, 1/4 các nhà khoa học trên thế giới là người Do Thái, và tính đến năm 1978, hơn một nửa giải Nobel rơi vào tay người Do Thái. Như vậy, có đến 50% đóng góp cho sự tiến bộ của loài người chỉ do 0,19% dân số đảm nhiệm. Thế thì theo các bạn đức tin của người thông minh nhất thế giới có thể xem là phi logic được không? 
Và thuyết Big bang có một yếu điểm. Đó là nếu vũ trụ - toàn bộ vật chất chúng ta thấy được hiện tại - có một điểm khởi đầu từ Vụ Nổ Lớn thì nó không tồn tại trước đó, mà những thứ không hề tồn tại trước đó thì phải được Sáng Tạo nên, hay được một Phép Màu biến thành nên. Hư không không thể tạo ra hư không! Hay nói một cách khác phải có một Đấng Tạo Hóa – Vị Thần Tối Cao tạo dựng nên vũ trụ vượt trên con người và vạn vật.
Chúng ta hãy tự đặt cho mình những câu hỏi? Trái Đất chúng ta sinh sống có trước con người hay con người có trước? Vũ trụ và Trái Đất được sắp xếp trật tự hay vô trật tự? Con người có cảm xúc và tình cảm không? Liệu những vật chất vô tri vô giác có thể có cảm xúc và tình cảm không? Vậy những cảm xúc, tình cảm đến từ đâu? Đến từ một Vụ Nổ Lớn hay đến từ Đấng Tạo Hóa tạo dựng nên nhân loại với Tình Yêu và Lòng Trắc Ẩn trong Thánh Tâm Ngài? Tất cả đều được bắt đầu bằng 2 chữ: đức tin.


Thiên Chúa ban dấu chỉ với loài người

Liệu Thiên Chúa có dấu chỉ và phép lạ nào dành cho nhân loại để chúng ta tin vào Sự Hiện Hữu của Ngài hay không? Thưa có, Ngài đã ban cho nhân loại Lời của Ngài qua Kinh Thánh và nhiều dấu chỉ, phép lạ để nhân loại tin vào Sự Hiện Hữu của Ngài.
Kinh Thánh (Holy Bible) được viết trong khoảng 12 thế kỷ, từ năm 1250 trước công nguyên đến năm 100 sau công nguyên, gồm phần Cựu Ước và Tân Ước. Mặc dù con người qua các thời kỳ coi Kinh Thánh là thần thoại và nhiều chủ đề trong Kinh Thánh gây tranh cãi. Tuy nhiên không một ai đủ sức bác bỏ những lời ghi chép trong Kinh Thánh, mà qua thời gian các kiến thức khoa học chứng minh rằng Kinh Thánh là Sự Thật. Đây là Lời của Thiên Chúa Hằng Sống – Đấng Tạo Hóa nên Vũ Trụ chứ không phải do người phàm viết nên. Đức Chúa Trời của người Israel là vị thần duy nhất, chân thật và là Đấng tạo dựng nên vũ trụ. Trong khi đó, các thần linh của các dân tộc khác như Ai Cập, Ấn Độ, Hy Lạp, La Mã ngày càng mờ nhạt và gần như chỉ là câu chuyện hư cấu được dựng lên khi không có bằng chứng đối chất để chứng minh qua các thế hệ.

8 bí ẩn của Thiên Chúa Giáo khoa học chưa thể giải thích
Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất ?" Đức Giê-su đáp : "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : " Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.
Tin mừng Thánh Matthew 22 : 36-40
Chúng ta tạm thời kết thúc Kỳ 1 của chuyên đề Tìm hiểu đức tin Ki-Tô Giáo tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong các kỳ sau. Thân ái!