Có một thời gian, Hà Nội mà tôi từng quen biết bỗng hóa thành một hành tinh xa lạ. Đường phố, nhà cửa bỗng như thay màu. Tôi nhìn vào đám đông muôn đời bí ẩn đang chen lấn, xô đẩy vượt qua tôi và bỗng có cảm giác họ đã xa cách tôi hàng triệu năm ánh sáng. Những công viên chật chội, những khu đất hoang vu, những cột điện, những tấm biến quảng cáo treo đầy đường, những tòa nhà bê tông gớm ghiếc, thành phố này, cũng như tâm hồn tôi, thoáng một cái biến thành một nơi chốn trống rỗng – thực sự trống rỗng.

Những con phố nhỏ dơ dáy; mùi khó chịu bốc lên từ những thùng rác không nắp, những lối đi lên, đi xuống, những lỗ thủng trên vỉa hè, toàn bộ sự mất trật tự, hỗn mang ấy; sự xô đẩy chen lấn làm cho Hà Nội trở thành Hà Nội – và chúng làm cho tôi tự hỏi không biết có phải thành phố này đang trừng phạt tôi vì dã làm gia tăng tình trạng bẩn thỉu chỉ duy nhất bởi việc tôi đang có mặt ở đây.
Và khi nỗi buồn của thành phố len lén chui vào tâm tư của tôi, hay là từ tôi, nỗi buồn len lén chui ra nhập vào thành phố, tôi bắt đầu nghĩ chẳng làm được gì hết; cũng giống như thành phố, tôi thuộc về một cái gì tuy đã chết mà còn sống, tôi là một cái xác vẫn đang thở, một kẻ khốn khổ khốn nạn, bị kết án phải lang thang trên đường phố, trên những vỉa hè, chúng nhắc nhở tôi về sự đen tối và thất bại của tôi.

Ngay cả khi tôi chăm chú nhìn giữa những tòa nhà bê tông bề thế mới được xây lên, mỗi tòa nhà như thế là một cú vò xé linh hồn tôi. Hay như bắt gặp một thoáng lung linh của thành phố vào những dịp đặc biệt có đèn hoa giăng mắc, ngay cả vào giây phút tuyệt vời như thế, vẫn có cái gì đó như hy vọng cũng trượt ra khỏi tay tôi. Nỗi buồn đen tối nhất, sát thương nhất, đích thực nhất trườn tới từ những con phố ở tít mãi phía xa kia, không sao nhìn rõ – giống hệt như một cư dân thừa kinh nghiệm của thành phố chỉ từ những đám mây vẩn lên cuối trời hay từ lớp không khí oi nồng bất thường vào một buổi tối mùa thu mà ngửi ra được một trận bão sẽ tới. Và cũng giống như bất kỳ ai cũng muốn chạy vội về nhà để trú ẩn trận bão ấy, tôi cũng cũng mong muốn làm sao được đóng sầm cửa trốn vào bốn bức tường nào đó của riêng mình.
Tôi đặc biệt ghét những buổi chiều tan tầm, khi mặt trời bỗng nhiên tràn đầy sức mạnh, xói mãi không chút xót thương vào mọi nỗi cơ cực, bát nháo, thất bại. Nó làm lộ rõ hơn những tàn tích của một thành phố đã bị biến đổi quá nhiều do những cuộc tranh chấp phân chia từng khoảng đất công tư mà bị cắt vụn xé lẻ mãi ra, từ đó mọc lên những căn nhà tồi tệ với những gia đình, những cuộc sống nghẹt thở, tàn tạ, nát bấy.

Những buổi chiều tan tầm đó, vừa thiếu khí thở, vừa làm não lòng người, tôi có cảm tưởng bất cứ một bà cô nào, từ khung cửa sổ nhìn ra, đều chẳng có tí thiện cảm gì với người qua đường như tôi, và bất cứ một ông chú già, với bộ râu bộ ria, đều ghét tôi – họ có quyền thù ghét như vậy! Tôi ghét phố Chùa Bộc, với những cửa tiệm quần áo, phố Thái Hà với những cửa hàng điện tử vi tính điện thoại. Lại còn những người rửa xe, sửa chữa phụ tùng phía đường Láng, khiến cho cả đoạn đường trở nên bẩn thỉu vì bọt xà phòng và nước thải. Tôi ghét họ cũng như tôi ghét những chiếc taxi và xe tải nhẹ sử dụng đoạn đường cho tới tận quãng Trường Chinh làm bãi đáp, thường xuyên gây nạn kẹt xe.
Tôi nhìn họ và một sự giận dữ bừng bừng ở trong tôi, nó khiến tôi thù ghét thành phố như thù ghét chính mình. Sự thù ghét càng tăng thêm khi nhìn những tấm bảng hiệu sặc sỡ ở trên có ghi tên tuổi, chức tước, địa vị, nghề nghiệp, bằng cấp, sự thành công của những đấng tên tuổi, những ông nọ bà kia cho tới những kẻ lắm tiền nhiều của. Tất cả tên tuổi những giáo sư, bác sĩ, nhà giải phẫu, cố vấn tài chính đặc biệt có giấy chứng nhận của nhà nước, luật sư được phép hành nghề tại tòa án, chủ quán, tiệm tạp hóa, cửa hàng; ngân hàng, hãng bảo hiểm, nhãn hiệu thuốc, những tấm quảng cáo đồ uống, những cửa tiệm nơi bạn có thể mua đồ giải khát và xổ số vietlott; kết hoa cùng với tên của họ qua những hàng chữ lớn thật hãnh diện – chúng khiến tôi choáng váng, chẳng biết đâu mà lần, thật buồn và cảm thấy tốt nhất là trở về với góc tối của mình, trong căn phòng nhỏ, trước khi bị cái khối khổng lồ bát nháo này đè bẹp.
Làm sao? Làm sao để trốn thoát những đám đông gây hãi hùng, cái mớ hỗn độn không ngớt, và ánh nắng gay gắt lúc cuối ngày bày ra lồ lộ sự trơ trẽn của mọi thứ? Nhưng cho dù đã hoàn toàn mệt mỏi và chán nản, cái máy đọc ở trong đầu tôi vẫn nhớ như in từng tấm bảng hiệu từ mọi con phố và lặp lại chúng, cùng một lúc, chẳng khác chi một tiếng thở dài của thành phố.