Tiết lộ hành trình viết lách để chữa lành là gì và có thực sự tốt?
Bạn trông chờ vào một ai đó hiểu mình nhưng chính bạn lại không dám lột c...
Bạn có tin nhắn đến:
- Mày chọn thất nghiệp thì có tính toán thời gian sắp tới chưa? - Tao tính học viết… nhưng cũng không chắc nữa. - Nếu không chắc thì đừng làm, đi làm công ty đi!
Sau khi tốt nghiệp Đại học vào ba tháng trước với tấm bằng loại giỏi, mình từ chối thư nhận việc tại nhiều công ty để dừng lại chỉ để... nghỉ ngơi và học viết. Có lẽ vì thế đã gây “hoang mang dư luận” từ bạn bè. Nhưng lý do đằng sau nguyên nhân từ chối nhận viết đến từ căn bệnh tâm lý - mang trên người đã tám năm.
Chúng ta dành cả tuổi trẻ để sống và làm việc vì muốn được mọi người xung quanh công nhận. Chúng ta lo sợ đi ngược lại với đám đông và "răm rấp" tuân theo quy tắc chuẩn của xã hội. Chúng ta “làm bạn” với chính mình bằng những câu nói trách móc, nuối tiếc về quá khứ không hoàn hảo.
Bạn phải thừa nhận thôi nào, ta thành công từ việc học tập đến những lời tán thưởng từ nhiều người khác nhưng ta vẫn không thể điều khiển tâm trí quên được quá khứ u buồn và đầy mát mát. Chỉ có bạn - duy nhất là bạn - mới có thể hiểu rõ bạn nhất.
Nên đừng cố gắng chứng minh người khác không hiểu mình là họ sai. Vì họ hay bạn đều mang trên mình những chiếc mặt nạ mang khái niệm: hạnh phúc, vui vẻ, tự tin, tích cực… mà khi tháo xuống khái niệm ấy lại đổi thành: buồn bã, tự ti, tiêu cực…
Nhấn xem để có thể thấy vấn đề của chính bạn trong bài viết này:
1. Viết cho chính mình trước khi viết cho người khác
Mình viết về những bộ phim, những bài quảng cáo, những bài tổng hợp… Càng viết, tâm lý mình càng hoang mang và trống rỗng. Mình sống hệt như câu nói Dr. Farrah Gray - “Nếu bạn thức dậy mà không có mục tiêu, tốt hơn là nên quay trở lại giường ngủ”.
Quả thật mình quay lại giường ngủ suốt ngày, giống như đang sống tách biệt với “thế giới”, không biết hiện tại là mấy giờ, cứ tỉnh rồi lại ngủ. Những âm thanh mang tiếng trách cứ, dằn vặt, hoài nghi, nỗi sợ về mọi thứ… đang vang trong đầu mình mỗi ngày. Tâm trí đầu tiên bảo mình viết đi, tâm trí thứ hai lại bảo mình nhớ đến quá khứ.
Mình quên mất rằng trước khi “yêu lấy người khác thì phải yêu lấy chính mình đầu tiên”. Mình hiểu ra bản thân cần phải chữa lành. Nếu không ngày mai báo chí sẽ đưa tin một cô gái trẻ bị phát điên khi nói chuyện một mình trong lúc viết.
Bạn muốn viết lách để động viên cho ai đó nhưng chính mình vẫn còn nhiều tổn thương thì sao có thể chắp bút viết hoàn chỉnh.
Mình muốn kể cho bạn nghe về câu chuyện có thật từ người đàn ông có tên là James W. Pennebaker. Sau cuộc đổ vỡ hôn nhân, ông đã rơi vào nỗi tuyệt vọng, trầm cảm, chán nản. Cho đến khi ông chắp bút viết một cách tự do và nỗi niềm khó nói về hôn nhân, về gia đình, về công việc, về sắc dục và cả về cái chết. Pennebaker cảm thấy như được giải phóng vì ông nhận ra đã thoát ra khỏi trầm cảm và cuối cùng là hàn gắn lại được cuộc hôn nhân bên bờ vực đổ vỡ của mình nhờ viết lách.
Cuối cùng ông đã dành gần 40 năm cuộc đời để nghiên cứu chuyên sâu về tác động tích cực của việc viết trị liệu (expressive writing therapy). Ngặt nỗi, người đàn ông ấy chính là Tiến sĩ Tâm lý học vẫn có đoạn thời gian rơi vào tuyệt vọng. Huống chi chúng ta không xuất phát từ ngành Tâm lý học lại phải dằn vặt chính mình là khác biệt với những người xung quanh.
Thế nên mình muốn nói rằng:
Viết lách có sức mạnh cho phép chúng ta chữa lành trái tim và kết nối sâu sắc hơn với chính bản thân mình.
2. Các chủ đề để viết chữa lành
Hãy đưa bạn trở về quá khứ mà chính bản thân bạn đã che dấu, trốn tránh và coi nó là bí mật mà nghĩ rằng cuối đời này sẽ mang theo đến cuối đời. Viết về một quá khứ không hoàn hảo, đầy rẫy những tổn thương, tiếc nuối hay thậm chí là những uất hận, căm ghét mà bản thân đã gây ra hoặc đang gánh chịu.
Bạn có thể viết về hiện tại đó là nỗi sợ phải đi làm, phải thức dậy mỗi ngày. Viết về những thứ làm bản thân không hài lòng, cứ viết ra hết đi đừng sợ hãi và chối bỏ cảm xúc lúc đó là giả tạo. Tóm lại hãy viết xuống những thứ tiêu cực đang đeo bám đứa trẻ bên trong bạn và tận hưởng sự nhẹ nhõm khi đã buông bỏ được bản ngã chính mình.
Sau đây là quá trình viết chữa lành hàng ngày của mình:
Mỗi buổi sáng thức dậy: Viết đầy ba trang giấy về những câu chuyện, những điều làm mình đau khổ, tiêu cực, không hài lòng của ngày hôm qua.
Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ: Viết hơn mười điều về sự biết ơn của ngày hôm đấy. Cụ thể là: biết ơn mình vẫn lành lặn, biết ơn bản thân mạnh mẽ, biết ơn cuộc cãi nhau với người bạn đã giúp mình nhận ra bản thân còn nhiều nóng giận...
Xem thêm: Bạn có gặp vấn đề này trong tình yêu?
Trong quá trình viết chữa lành, bạn có thể sẽ khóc rất nhiều nhưng hãy mặc kệ nó đi vì đó chính là cảm xúc chân thật nhất của bạn khi đã buông bỏ “mặt nạ phòng bị” với thế giới. Sau khi viết xong, bạn hãy ôm “chính mình” vào lòng và cảm ơn bản thân đã can đảm, không còn trốn tránh quá khứ.
3. Trải nghiệm viết chữa lành tinh thần
Những ngày bắt đầu “Viết chữa lành cho chính mình”, mọi thứ dễ dàng hơn mình tưởng. Dễ gì? Dễ khóc. Mình nghĩ suốt cả quãng đời này sẽ chôn dấu nỗi buồn quá khứ cho tới khi chết. Ai dè đến khi bắt tay vào viết, mình đã viết một cách thoải mái những uất ức, nỗi hận, xấu xa, tham lam… của bản thân ra.
Viết tới ngày thứ ba, thật không tin nổi khi mình đã hoàn toàn thoát ra khỏi quá khứ gần 60 phần trăm. Mình đã một phần tha thứ cho những cái sai ở quá khứ và biết cách dịu dàng hơn với bản thân. Có lẽ sẽ có ai đó nghi ngờ vì nếu viết mà bản thân khỏi bệnh tâm lý thì đã không cần tìm đến chuyên gia tâm lý.
Thật ra, mình nghĩ mỗi người sẽ có cách điều trị riêng để phù hợp với hoàn cách hiện tại của mình. Nếu mình chấp nhận bỏ công việc để chọn viết chữa lành để cứu rỗi cho tâm hồn thì ai đó sẽ chọn phương pháp như yoga, thiền, tham khảo ý kiến bác sĩ… Nhưng dù làm cách nào, mình cũng mong bản thân mỗi người phải nghiêm túc và tin tưởng bản thân sẽ vượt qua.
Mình đã từng nghe chia sẻ của một bạn đã trị liệu tại bệnh viện đã gần hơn hai năm nhưng bạn ấy vẫn trong tình trạng nặng nề vì chính bản thân bạn ấy không chịu thoát ra quá khứ. Đến cuối cùng, khi cậu ấy tập viết những tâm trạng đã trải qua trong giai đoạn trị liệu tâm lý như đau khổ, suy sụp, mất ăn mất ngủ… thì cậu ấy đã giảm được liều lượng uống thuốc mỗi ngày.
Sai lầm lớn nhất của thầy thuốc là cố gắng chữa trị phần thể xác mà không cố gắng chữa trị tinh thần cho người bệnh; họ đã quên rằng tinh thần và thể xác sẽ đi đôi với nhau.
Trong quá trình “Viết chữa lành”, mình không đặt nặng mục tiêu sau khi viết xong là sẽ “tiêu diệt” căn bệnh tâm lý hay mong chờ mình sẽ có một tương lai tươi sáng. Vì là sai lầm khi viết cho chính mình là: “Nếu bạn hứa trả bằng cái mình chưa sở hữu thì rồi cũng sẽ có lúc bạn mất đi ý chí đạt được nó” nên khi viết bạn đừng trông chờ vào kết quả là sau một đêm viết là lạc quan mà hãy rèn luyện viết mỗi ngày. Vì không biết trước được rằng tương lai liệu bạn có rơi vào hoàn cảnh nào để đau buồn nữa không.
Suy cho cùng “viết chữa lành” giống như một liều thuốc tinh thần để bạn sẵn sàng lao vào “trận chiến” nếu nó lại xuất hiện chống lại bạn. Vì nó không phải chữa trị bách bệnh nên mình muốn đi một cách chậm rãi để “yêu bản thân” hơn là “yêu cái nhìn người khác hâm mộ mình”.
Cuối cùng, hãy bắt tay vào việc viết chữa lành bạn nhé. Chúc bạn có một ngày mai tốt hơn ngày hôm nay.
Thông điệp dành riêng cho bạn:
"Chỉ khi bạn dám đối mặt với những khúc mắc trong sâu thẳm và biến nó thành con chữ thì chúng ta mới có thể thoát ra được".
"Hãy mạnh dạn chia sẻ dưới bình luận về nỗi buồn mà không muốn cho người quen biết để giãi bày nỗi lòng nhé bạn. Mình luôn sẵn sàng hồi âm cùng bạn. Không chê trách và cũng không phán xét những gì bạn nói. Chúng ta ở đây để chữa lành những tổn thương từ quá khứ".
Đây là bài viết được viết ra dựa trên trải nghiệm có thật của mình. Bài viết được gửi đến bạn để lan tỏa những giá trị tích cực của việc viết chữa lành. Nếu nhìn thấy thích hay thấy chính bạn trong bài viết này, hãy thoải mái để lại bình luận và nhấn theo dõi mình. Mình luôn sẵn sàng lắng nghe bạn chia sẻ. Cám ơn vì bạn đã cùng đọc với mình.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất