Nhắc đến thế kỷ XX, ta nhớ về một cột mốc đánh dấu sự chuyển biến to lớn của xã hội Việt Nam. Giai đoạn từ năm 1932 đến năm 1945 được xem là thời kỳ “chín muồi” của bước đầu chuyển biến văn hóa, khi mà những cái tôi cá nhân bắt đầu xuất hiện. Hội họa - một lĩnh vực mà có lẽ là biểu hiện rõ nhất cho sự giao thoa đầy thú vị này, đã ghi nhận một cái tên: Tô Ngọc Vân, cùng với kiệt tác nổi tiếng nhất của ông, Thiếu Nữ Bên Hoa Huệ.
   Tô Ngọc Vân không còn là một cái tên xa lạ trong nền mỹ thuật Việt Nam nói chung và mỹ thuật Việt Nam hiện đại nói riêng. Ông nằm trong “bộ tứ” của hội họa Việt Nam: nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn). Tô Ngọc Vân được ghi nhận là một tài năng lớn trong làng nghệ thuật, là người có công đầu tiên trong việc sử dụng và hoàn thiện chất liệu sơn dầu ở Việt Nam. Qua đó, vẻ đẹp duyên dáng của người thiếu nữ - chủ đề thường xuất hiện trong tác phẩm của ông, đã được thể hiện một cách hoàn hảo, tiêu biểu trong đó chính là bức họa nổi tiếng Thiếu Nữ Bên Hoa Huệ, một kiệt tác có thể đại diện cho hội họa Việt Nam thế kỷ XX.
Bức tranh có chất liệu sơn dầu, được họa sĩ hoàn thành năm 1943. Qua tiêu đề, ta có thể dễ dàng nhận thấy hai chủ thể chính, đó là Thiếu nữ và Hoa huệ. Người Thiếu nữ trong tranh chính là cô Sáu - con gái của chính họa sĩ. Trong tranh, cô mặc một chiếc áo dài trắng, ngồi nghiêng đầu về phía bình hoa huệ, bàn tay nhẹ nhàng nâng niu cánh hoa. Với một hình tượng đơn giản như vậy, làm cách nào mà họa sĩ Tô Ngọc Vân đã đưa bức tranh trở thành một niềm tự hào của hội họa Việt Nam? Để có câu trả lời, chúng ta cần phải nhìn lại những giá trị về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, cũng như thông điệp mà người nghệ sĩ đã dùng nghệ thuật nói lên.
"Thiếu Nữ Bên Hoa Huệ" - Tô Ngọc Vân
"Thiếu Nữ Bên Hoa Huệ" - Tô Ngọc Vân

Về hai hình tượng hết sức tinh tế

Như chúng ta đã biết, bức tranh ra đời trong thời kỳ đầu nước ta tiếp nhận một nền văn hóa mới lạ, hơn nữa lại là văn hóa của những người được xem là “bề trên”. Lối sống thành thị, những thú vui mới đã thổi một làn gió mới vào xã hội Việt Nam bấy giờ. Tuy vậy, làn gió ấy đã có thể trở thành một cơn bão. Đã có không ít những con người ham mê, chạy theo những thói chơi ấy mà lãng quên đi những giá trị nguồn cội của văn hóa dân tộc. Giữa tình cảnh đó, Thiếu Nữ Bên Hoa Huệ đã ra đời, như một lời nhắc nhở đanh thép dành cho những người làm nghệ thuật lúc bấy giờ. Một cô gái trẻ, thướt tha, dịu dàng vận lên người một tà áo dài trắng. Không cách tân, không họa tiết, không màu mè, chiếc áo dài ấy như muốn nói lên tất cả những gì thuần khiết, trong sáng, ban sơ nhất của văn hóa Việt Nam. Hình tượng người con gái mặc áo dài trắng có lẽ là điều đầu tiên xuất hiện nếu như ta phải nói về Việt Nam chỉ qua một hình ảnh. Một biểu tượng quá lớn, thậm chí có thể được dùng để tách bạch với nền văn minh đã có ảnh hưởng cực kỳ lớn đến nước ta: Trung Quốc.
Chủ thể còn lại trong tranh, đối lập với chủ thể đậm đà bản sắc dân tộc nói trên, chính là bình hoa huệ trắng. Hoa huệ tây, hay thường được gọi là hoa loa kèn, hoa bách hợp, là một loài hoa thường nở vào khoảng cuối tháng 3, tháng 4 hằng năm. Đây là một thú chơi tao nhã của người Hà Nội lúc bấy giờ. Tất nhiên, nó được du nhập từ văn hóa phương Tây. Nhưng tại sao tác giả lại chọn hoa huệ mà không phải một điều gì khác? Dù Thiếu nữ và Hoa huệ là hai đại diện cho hai nền văn hóa đối lập nhau, nhưng ta có thể thấy trong hai chủ thể trên một sự đồng điệu rất đẹp. Hình ảnh người con gái Việt Nam thướt tha, duyên dáng lại càng được tô đậm thêm bởi sự mềm mại, uyển chuyển của nhành hoa huệ. Qua đó, ta có thể thấy họa sĩ Tô Ngọc Vân đã tinh tế đến nhường nào trong việc chọn chủ thể mang sự đối lập sắc sảo song lại nhẹ nhàng, thướt tha đến kỳ lạ.
Đặt hai chủ thể trên cạnh nhau đã là một vẻ đẹp của sự tinh tế không tưởng, họa sĩ Tô Ngọc Vân như muốn hai chủ thể vốn đã có sự đồng điệu đặc biệt trên được tiếp thêm sức mạnh thu hút cái nhìn của người xem, ông đã khéo léo để người Thiếu nữ nâng niu cánh Hoa huệ trong một tư thế ngồi rất ấn tượng. Hành động ấy làm cả hai chủ thể cùng tôn lên vẻ đẹp của nhau một cách cực kỳ sống động. Nhờ vậy mà bức tranh không chỉ thu hút cái nhìn của người xem mà còn thu hút cái nhìn của thời đại, minh chứng cho một sự hòa quyện không thể hoàn hảo hơn của hai chủ thể trong tranh, mà rộng ra là sự kết hợp của cả hai nền văn hóa.

Nhận thức đúng đắn về văn hóa của Tô Ngọc Vân

Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hoá Việt Nam.
Trích lời chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở các nhà văn hóa Việt Nam.
Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại phải dựa trên truyền thống văn hóa dân tộc. Đó là quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh về cách thức tiếp nhận văn hóa, cũng chính là điều răn đanh thép cho không chỉ những người làm nghệ thuật mà còn dành cho toàn bộ con người Việt Nam bất kể ở thời đại nào. Một căn nhà không thể xây lên cao nếu như không có móng nhà vững chắc. Sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại cần có sự chọn lọc và tiên quyết là phải từ nền văn hóa dân tộc mà đi lên. Đó cũng chính là điều mà họa sĩ Tô Ngọc Vân muốn nói thông qua tác phẩm.
img_0
Và để thông điệp ấy được truyền tải một cách trơn tru nhất, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã thể hiện tài năng của mình thông qua sự điêu luyện trong kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu. Màu sắc trong trẻo, tươi sáng với tông trắng làm chủ đạo cùng với màu xanh, màu hồng điểm xuyết tạo cho bức tranh một vẻ thanh cao, tĩnh lặng. Sự kết hợp hài hòa các màu sắc, sắc độ và ánh sáng lượn theo các đường cong của bức tranh đã đem lại một hiệu ứng thị giác đặc biệt cho người xem. Không những thế, hiệu ứng trên còn đến từ sự chặt chẽ trong bố cục. Sự chuyển động hình thể hình vòng cung đưa bố cục bức tranh vào đúng tỷ lệ vàng, tạo cảm giác hài hòa thuận mắt. Với tỷ lệ vàng, trọng tâm bức tranh rơi vào khuôn mặt của người Thiếu nữ cùng điểm nhấn là bông Hoa huệ. Hai cánh tay tạo thành hai hình vòng cung như đối ứng âm dương. Tư thế này đã đi vào huyền thoại, là cảm hứng cho biết bao tác phẩm nghệ thuật của lớp trẻ sau này.
Màn tái hiện lại bức họa bất hủ của họa sĩ Tô Ngọc Vân trong MV "Em Xinh" của ca sĩ MONO.
Màn tái hiện lại bức họa bất hủ của họa sĩ Tô Ngọc Vân trong MV "Em Xinh" của ca sĩ MONO.
Danis Nguyễn "cover" và biến tấu lại tác phẩm Thiếu Nữ Bên Hoa Huệ.
Danis Nguyễn "cover" và biến tấu lại tác phẩm Thiếu Nữ Bên Hoa Huệ.
Bức tranh như là một tiếng nói của thời đại, một âm hưởng du dương mà đanh thép của dân tộc giữa thời kỳ đầy biến động. Sức ảnh hưởng của Thiếu Nữ Bên Hoa Huệ không chỉ dừng lại ở mặt hội họa, mà còn ảnh hưởng đến âm nhạc, văn học và hơn cả là tư tưởng. Bức tranh hoàn hảo ở mọi mặt, đưa vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam một kiệt tác mang tính biểu tượng và nêu lên giá trị thời đại bằng những nét cọ thấm nhuần nhận thức rắn rỏi của cố họa sĩ Tô Ngọc Vân.