Tiên tri và bói toán vô dụng như thế nào?
Tiên tri mà không nói rõ sự kiện, không biết đường nào mà lần thì lời tiên tri nó vô dụng. Hoặc chỉ có tác dụng là giúp các bạn suy diễn ra sự màu nhiệm, huyền bí hơn thôi
Trước hết hãy làm rõ xem con người có khả năng nhìn trước tương lai hay không nhé. Câu trả lời là có, hiển nhiên luôn. Nhưng nó không phải là tiên tri bói toán kiểu huyền bí, tâm linh.
Chúng ta có khả năng phán đoán tương lai. Ta biết ngày mai Mặt Trời sẽ mọc, ta biết rằng ngày nào đó ta sẽ chết, ta biết rằng vào ngày 30 tháng 4 năm nay một số quốc gia ở Nam Mỹ sẽ quan sát được Nhật Thực một phần. Hay có những khả năng dự đoán có thể kém chính xác hơn như dự báo thời tiết, dự báo thị trường, dự báo xem ngày mai mưa hay nắng, dự báo xem giá xăng dầu sẽ tăng hay giảm trong tuần tới, giá vàng sẽ giao động bao nhiêu,...vv.
Các kiểu dự báo kiểu này là dự báo theo khoa học, nó có thể không chính xác tuyệt đối, nhưng nó có cơ sở, và nó thực sự hữu ích.
Dự báo bằng cách tính toán
Chúng ta dự báo bằng cách hiểu được quy luật vận hành của thế giới, một hiện tượng diễn ra càng tuân theo quy luật đơn giản, thì nó càng dễ đoán. Như kiểu trọng lực và lực hấp dẫn chẳng hạn, bạn dễ dàng tính ra vận tốc chạm đất của viên bi khi biết độ cao mà nó được thả, vì sự rơi của nó hoàn toàn tuân theo quy luật của lực hấp dẫn. Các nhà thiên văn tính toán được quỹ đạo các thiên thể ngoài vũ trụ, dự đoán trước đường đi của nó, vì các yếu tố ảnh hưởng tới quỹ đạo của chúng chỉ có mỗi lực hấp dẫn (hoặc có thể nhiều hơn trong phạm vi nắm bắt được)
Thứ 2 là yếu nguyên nhân có thể ảnh hưởng. Đôi khi kết quả dự đoán bị sai, vì ta không lường trước được những yếu tố ảnh hưởng tới chuỗi sự kiện, tức là tính quy luật thì vẫn không phá vỡ, nhưng điều kiện cho trước trên giấy tờ lại khác điều kiện thực tế. Chẳng hạn trên giấy tờ ta tính được viên bi sẽ chạm đất với tốc độ x, nhưng thực tế nó lại chạm đất với tốc độ khác x. Điều đó không có nghĩa là lý thuyết sai, cũng không có nghĩa là ta tính toán sai, mà có thể là do thực tế có cái gì đó đã can thiệp và làm kết quả bị khác đi so với dự đoán. Chẳng hạn ta chưa tính tới lực cản không khí, một cơn gió vô tình thổi vào đường rơi của viên bi, hay có động đất, địa chấn gì đó,....vv Và những yếu tố can thiệp ảnh hưởng tới kết quả mà ta không thể thông kê trên giấy tờ, không thể lường trước được thì người ta gọi là hiệu ứng cánh bướm.
Tóm lại, càng thống kê được nhiều dữ kiện, và càng nắm bắt rõ quy tắc vận hành của hiện tượng thì dự đoán tương lai càng chính xác.
Các bạn có thể thấy, dự báo thời tiết luôn kém chính xác hơn dự báo thiên văn học. Các nhà thiên văn học có thể tính toán được 5 tỷ năm nữa Mặt Trời sẽ phình to ra, hay 4 tỷ năm nữa thiên hà Andromeda và Milky Way sẽ va chạm với nhau (nếu như không có gì khác can thiệp vào các chuỗi sự kiện này). Nhưng dự đoán xem mai mưa hay nắng, đề về bao nhiêu thì lại khó khăn hơn rất nhiều. Mai mưa hay nắng có thể dự đoán thông qua việc đo đạc khí tượng, quan sát các đám mây từ vệ tinh ngoài không gian, độ ẩm không khí. Hay muốn biết đề về bao nhiêu thì bạn phải xem xét cái máy quay xổ số, đo đạc trọng lượng từng viên bi, vị trí của mỗi viên, kích thước, cách cái máy đó xáo trộn. Có tất cả dữ liệu đó cộng với kiến thức vật lý chuyên sâu thì may ra bạn cũng tính toán được xác suất những viên bi được chọn sẽ là bao nhiêu.
Hành vi con người cũng có thể dự đoán được, theo dõi dữ kiện về thái độ, quan điểm sống, sở thích, thói quen của crush bạn, các chuyên gia tình yêu có thể dự đoán được bạn có tỏ tình thành công hay không. Các nhà tâm lý học cũng dự đoán được phản ứng của người dân đối với một hiện tượng, sự việc sẽ thế nào bằng cách nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, và tín ngưỡng phổ quát tại nơi đó. Từ đó họ áp dụng để làm chiến dịch quảng cáo, kinh doanh hiệu quả hơn chẳng hạn.
Các bạn thấy hầu hết các tòa nhà chung cư đều không có tầng 13, mà người ta toàn thay thành tầng 12A không? Có phải vì ban quản lý tòa nhà, hay các lãnh đạo cũng mê tín và sợ con số 13 đem đến xui xẻo?? Không đâu, họ không sợ con số 13, ít nhất là không phải ai cũng thế, mà lý do chính có thể là họ sợ các căn hộ ở tầng 13 sẽ bị ế vì người dân mê tín, sẽ không ai dám mua, thuê ở tầng 13. Nên họ mới phải đổi 13 thành 12A. Đó là dự đoán hành vi nhờ hiểu tâm lý khách hàng.
Có thể sẽ có vài bạn cảm thấy điều mình nói thật thừa thãi, bạn đang mong chờ mình nói tới khả năng dự báo kiểu huyền bí hơn? Kiểu không cần logic khoa học gì cả, một khả năng nhìn thấy tương mà chẳng cần phải thống kế số liệu tính toán, chẳng cần xem xét các quy luật tự nhiên? Kiểu dự đoán đó liệu có chính xác không?
Có lẽ đọc tới đây sẽ có bạn chuẩn bị rục rịch đi tìm link về tiên tri Vanga, rồi thần đồng tiên tri Ấn Độ, tiên tri trong kinh thánh, rồi tiên tri kinh phật,....bla bla.
Những câu chuyện về dự báo tương lai một cách thần kì.
Quả thực là rất khó phủ nhận tính huyền bí về các câu chuyện tiên tri, hoặc có thể là khó để phá bỏ cảm giác huyền bí trong thế giới quan của những người thực sự cảm thấy vậy.
Thay vì để các bạn phải đi kiếm link thì mình sẽ dẫn vài ví dụ vào đây luôn, đồng thời phân tích về mánh khóe xây dựng cảm giác huyền bí của chúng để chúng ta hiểu.
Về vụ khủng bố 11/9
Năm 1989, Vanga thốt lên: “Đáng sợ! Đáng sợ! Anh em sinh đôi của nước Mỹ sẽ ngã xuống sau khi bị những con chim sắt tấn công. Sói sẽ hú trong bụi rậm, máu thiện lương sẽ đổ".
Và lịch sử diễn ra như Vanga dự đoán ngày 11 tháng 9 năm 2001, tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới bị máy bay của không tặc tấn công và sụp đổ hoàn toàn gây ra cái chết của nhiều người và đến nay vẫn được coi là thảm họa kinh hoàng nhất của thế kỷ 21.
Hãy xem xét lại lời tiên tri của bà. Bà ấy không hề nói rõ thời gian, địa điểm của sự kiện, cũng không rõ đối tượng. Trước vụ 11/9, không ai biết bà ấy đang nói tới cái gì cả. Chẳng ai biết 2 con chim sát sẽ là 2 chiếc máy bay, 2 anh em sinh đôi là tòa tháp đôi. Sau khi sự kiên 11/9 xảy ra người ta mới bắt đầu suy diễn ra rằng "à, 2 con chim sắt thì ra là máy bay khủng bố".
Nhưng lỡ giả sử vụ 11/9 không xảy ra, mà thay vào đó tự nhiên có 2 quả tên lửa đâm sập 2 tòa nhà ở TQ và thời điểm khác thì sao? Người ta cũng sẽ nói "à, lời tiên tri của bà Vanga đã ứng nghiệm". 2 con chim sắt là 2 quả tên lửa, 2 tòa nhà sập là 2 anh em sinh đôi.
Vì lời tiên tri đó đâu có nói rõ sự kiện sẽ xảy ra khi nào, ở đâu, đối tượng chính xác là gì đâu, nên nó có thể ứng với bất cứ sự kiện nào trên thế giới, miễn ta suy diễn nó nghe sao cho lọt tai là được.
Vậy chiêu thức chung ở đây tuyên bố những lời nói mơ hồ, không rõ nghĩa. Và công việc con lại là để cho hậu thế tự suy diễn, tự gán nghĩa vào cho khớp với thực tế, từ đó sẽ tạo cảm giác màu nhiệm, huyền bí cho người nghe. Ngoài tác dụng tạo cảm giác huyền bí ra thì nó chẳng còn công dụng nào nữa cả, nó không giúp ta tránh rủi ro, không giúp được gì nữa hết. Nó vô dụng.
Thực tế các tôn giáo cũng dùng trò này để tạo ra cảm giác huyền bí. Các lời tuyên bố mơ hồ trong kinh thánh cũng được diễn giải thành những ý nghĩa sao cho nó khớp với những trải nghiệm đời sống của các tín đồ, để họ cảm giác rằng thực sự kinh thánh là cuốn sách dẫn dắt đời mình. Các cơn dịch bệnh trên thế giới cũng được các tôn giáo tuyên bố là "đó, kinh thánh của chúng tôi đã có đoạn văn tiên tri trước cơn đại dịch này". Còn đoạn văn đó tiên tri như nào thì các tín đồ bắt đầu suy diễn và tự diễn giải ý nghĩa từ những lời nói hết sức mơ hồ.
Các phật tử phật giáo cũng lợi dụng điều này để vẽ ra cái trò "đức Phật đã nhìn thấy vi trùng trước các nhà khoa học cả mấy nghìn năm", hoặc "đức Phật tiên đoán được trước là vũ trụ này có nhiều hành tinh trước khi khoa học khám phá ra các hành tinh khác". Nhưng khi trích dẫn câu văn tiên đoán thì nó lại chẳng hề đề cập gì tới khái niệm hành tinh, và mô tả khái niệm đó để mà so sánh với mô tả hiện đại.
Các tôn giáo, cả Hồi giáo, Kito, Phật, hay bất kì tôn giáo nào cũng thế, họ đều lấy những lời dạy mơ hồ trong kinh sách của họ và bắt đầu suy diễn với những diễn biến của thế giới hiện tại để vẽ ra một thế giới tiên tri đầy huyền diệu. Các bạn lên google search "đức phật tiên đoán đại dịch Covid", hay "Muhamed tiên đoán Covid", hoặc "chúa tiên đoán covid" mà xem, kiểu gì các trang cũng tự vơ lấy con covid về phần mình để diễn giải :v
Và cũng vì sự mơ hồ của những lời tiên đoán, rồi các tín đồ lại diễn giải theo cách mà họ tự hiểu nên một tôn giáo lớn ban đầu mới phân ra thành nhiều tôn giáo khác nhau. Điển hình là sự ly khai khỏi chính thống giáo ở châu Âu.
Rằng tôi cũng tin vào kinh thánh và chúa, nhưng tôi không tin vào cách diễn giải ý nghĩa kinh thánh của anh, tôi diễn giải và hiểu theo cách của tôi, và thế là mâu thuẫn nhau, đấu đá nhau rồi tách nhau ra. Phật giáo cũng vậy chứ không riêng gì các tôn giáo độc thần. Tôn giáo nào cũng thế, ban đầu tạo được niềm tin chung, tư tưởng chung, nhưng về sau lại tách ra do sự mơ hồ của giáo lý gốc.
Các bạn thấy những lời tuyên bố dự đoán dưới cơ sở khoa học nó sẽ khác. Mai mưa hay nắng, nói rõ luôn, xác suất kết quả là bao nhiêu, con số tiềm năng là bao nhiêu, sự kiện sẽ diễn ra vào ngày nào, ở đâu, diễn ra thế nào. Mặc dù kết quả dự đoán có thể sai, không phải lúc nào cũng đúng. Nhưng nếu sai thì họ sẽ tự nhận luôn là mình sai, rồi sau đó lại tìm hiểu xem tại sao lại sai. Liệu có phải ta đang hiểu sai quy luật của hiện tượng, hay ta hiểu đúng, nhưng ta làm phép tính bị sai?? Hoặc quy luật đúng, phép tính đúng, nhưng có yếu tố của hiệu ứng cánh bướm nên mới sai? Nguyên nhân dự đoán sai là do đâu? Như vậy, khoa học tự đưa mình tiến bộ hơn.
Còn trò dự đoán của tiên tri, bói toán không những mơ hồ, thiếu rõ ràng, mà còn chẳng biết đúng sai như nào để mà lần. Đúng hơn là nó chẳng thể sai, vì có nói rõ kết quả để kiểm tra đâu mà sai.
Những người không theo tôn giáo nào cả thì lại có thầy bói, bà đồng, chiêm tinh, tarot,....vv
Mánh khóe thì cũng tương tự thôi. Ví dụ như sau:
Mình đoán tương lai bạn sẽ gặp một người
thay đổi cuộc sống của bạn, giúp bạn hạnh
phúc, nhưng đôi khi cũng khiến bạn phiền
lòng. Nhưng bạn sẽ không hối tiếc về quá
khứ,....vV
Nghe thì có vẻ rất văn vở, cao siêu, nhưng thực ra mấy lời nói đó chỉ là nói bừa, kiểu gì cũng trúng với một vài câu chuyện mà bạn sẽ gặp trong cuộc sống, rồi nếu bạn tin tưởng mình, bạn sẽ cảm thấy lời nói trên nó huyền bí và kì diệu. Tiên tri kiểu này hoàn toàn vô dụng, nó là trò lừa của ngôn từ cả. Tiếc là những người thực sự tin rồi thì nhìn đâu cũng thấy hiệu nghiệm, sẽ bảo vệ niềm tin của mình và lờ đi những mánh khóe.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất