Hà Nội đã chuyển sang thu, thế nhưng tiết trời vẫn còn oi bức nóng nực. Thế nhưng, chúng tôi vẫn hẹn nhau đi uống “trà nóng” của ông chủ Thưởng Trà – Nguyễn Việt Bắc. Nép mình trong một khu tập thể cũ trên phố Tông Đản, anh đón chúng tôi bằng vẻ ngoài giản dị, tự tay kê ghế, xếp ra bàn trà giản lược của anh. Anh giải thích “Tôi ưa giản dị nên chỉ bày ra những vật dụng quan trọng nhất để uống trà thôi: đó là ấm, tống, chén quân và bồn trà”. Chậm rãi trong từng thao tác, anh vừa pha trà, vừa bắt đầu câu chuyện của mình.

Sứ mệnh tự trao

Cách đây chừng 5 năm, vì yêu mến những vùng đất lạ, những chuyến chơi xa  mà Việt Bắc đã ghé thăm Tà Xùa. Cũng trong lần đi chơi ấy, anh được dịp chứng kiến những vùng trà Shan Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở nơi đây. “Vùng tôi đi qua có những cây chè cằn cỗi, có cây bị mối mọt, gốc trắng xóa. Đối với những người thu mua trà, nhìn những cây cổ thụ như thể hẳn sẽ rất thích.” Anh trầm ngâm chia sẻ. Nhưng với Nguyễn Việt Bắc đó là nỗi ám ảnh, day dứt khi nhìn cây trà bị thu hái, chăm sóc không đúng cách, dẫn tới suy kiệt về chất và lượng. Đó là chưa kể tới quy cách chế biến trà của bà con dân tộc còn vô cùng thô sơ, khiến trà làm ra không phát huy được hết phẩm cách quý giá của mình.

Mang trong lòng những trăn trở ấy, Nguyễn Việt Bắc quyết định phải làm một - cái - gì - đó. Những công việc khác cứ thế lui dần. Anh bắt đầu những chuyến đi dài ngày lên Tà Xùa nhằm phục hồi và phát triển cây trà cổ thụ; đồng thời giúp cải thiện đời sống kinh tế của người dân vùng cao. Để rồi từ ấy, bà con tộc Mông dần quen thuộc với hình ảnh một chàng trai trí thức miền xuôi, cùng ăn uống sinh hoạt, cùng chăm sóc, thu hái và chế biến trà… Ròng rã hơn 5 năm trời, kiên nhẫn lặp đi lặp lại những thao tác tưởng chừng như vô cùng đơn giản, rốt cuộc lòng mong mỏi của Việt Bắc cũng dần dà được đáp lại. Bà con dân tộc giờ đây tuy chưa thạo nghề, nhưng đã có phần quen thuộc với việc thu hái và chế biến lá trà cổ thụ trăm năm - món quà quý giá của Đất - Trời.

Trà nguyên liệu do bà con thu hái được Việt Bắc mua lại với giá rất cao. Đổi lại, người dân phải tuân thủ những nguyên tắc do anh đặt ra - những yêu cầu có vẻ như chẳng-giống-ai. Nào thì, trà Tà Xùa chỉ được thu hái một năm tối đa ba lần vào vụ xuân, thời gian còn lại dành cho cây phát triển tự nhiên. Nào thì, trên một đồi trà luôn phải chừa lại 10% cây không thu hái, và thu hoạch gối đầu theo từng năm. Nào thì, những cây gieo trồng, còn non tuổi, cũng không được thu hái. Và rất rất nhiều những yêu cầu xem chừng kỳ quặc như vậy, nhưng cũng chỉ nhằm đảm bảo cây trà Shan Tuyết cổ thụ sẽ được duy trì và phát triển bền vững cho nhiều thế hệ sau.

Không chỉ vậy, Việt Bắc còn hướng dẫn bà con nhân giống trà hoang Tà Xùa bằng hạt, tạo ra những nương trà mới bằng phương pháp do anh xây dựng nên. Những cây trà ấy sinh ra nơi đỉnh núi cao, hứng nắng chịu gió trước tất thảy những nương trà khác, vậy mà vẫn phát triển mạnh mẽ, bất luận yếu tố thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là trận tuyết lạnh vào mùa đông 2015. Cũng trong đợt bĩ cực ấy ở Tà Xùa, các nương trà canh tác hầu như đều suy kiệt và tàn lụi. Trong trường hợp ấy, thay vì tiếp tục thu hái như những nương trà xung quanh, Nguyễn Việt Bắc lại chủ trương chặt cành, đốn gốc. Nhờ vậy, phần củ gốc và rễ vẫn vẹn nguyên dưới mặt đất. Để rồi khi tiết xuân ấm áp trở về, những mầm non sẽ lại tái sinh từ tận gốc rễ, mà phát triển như thường. Chỉ có điều, người làm trà như anh phải chấp nhận chịu thiệt chừng đôi ba năm không thu hái, để chờ cây trưởng thành.

Ước muốn mong mỏi


Trở về từ Thưởng Trà  của Việt Bắc, tôi vẫn quẩn quanh nghĩ về ước nguyện tha thiết của anh về nghề trà nói riêng và nghành trà nói chung “Cái tôi mong muốn là tôi có những người đồng nghiệp, những người làm nghề giống tôi có thể chơi được với nhau. Điều này tôi vẫn đang tìm kiếm. Đúng là, khó một người làm nghề nào có thể ngồi với nhau để chia sẻ câu chuyện nhà nông!”. Quả thực, những câu chuyện anh kể, nếu không “mắt thấy tai nghe", hẳn sẽ vô cùng khó biết, cũng thật khó tin. Khi nhấp trên môi một ngụm trà ngon, chúng ta nào có thể hình dung hàng trăm năm trước đây, những cây trà đã mọc lên để ngày nay ta có dịp thưởng thức. Cũng như, làm sao ta có thể hình dung được lại có những con người đã yêu mến và tha thiết với cây trà, nghề làm trà tới vậy. Lại càng khó tưởng tượng hơn, để có được chén trà nhỏ bé trên tay, là bao nhiêu công sức, tâm huyết và câu chuyện của cả đời người đã dồn vào trong ấy.

Có thể sau câu chuyện của Việt Bắc, Tà Xùa sẽ không chỉ được nhắc tới như một vùng đất “Thiên đường mây" nữa, mà còn là “Thiên đường trà", nơi ghi dấu một chàng trai tên Việt Bắc sẵn sàng tìm lên để ươm-trà-trên-mây.

Ngọc Linh - Nhược Lạc, viết cho tạp chí Roll Royce số tháng 9/2016