Làm việc hiệu quả - Hiểu thế nào cho đúng?
Sau khi bị tụt mất 5kg bởi stress và thiếu ngủ, mình cuối cùng cũng nhận ra rằng khái niệm Productivity mình đang giữ trong đầu là sai lầm và độc hại.
Mình của hiện tại là một người rất thích khái niệm của từ Productivity. Đối với mình, “A productive day” là một ngày mà mình làm việc hiệu quả, tạo ra được nhiều giá trị tích cực và cảm thấy thỏa mãn vào cuối ngày.
Tuy nhiên, mình của quá khứ lại là một người bị ám ảnh với hai chữ “năng suất”.
Trong khi theo đuổi ý nghĩa của từ Productivity, mình đã để cho công việc nuốt chửng bản thân. Mọi thời gian trống mình đều muốn được nhận một việc gì đó để làm và đúng là mình đã làm ra rất nhiều giá trị, khách hàng cũng hài lòng về tính “năng suất” của mình và họ thường xuyên bonus thêm cho mình.
Ấy vậy mà, đến cuối ngày, thứ mình cảm nhận được đang chảy khắp người mình không phải là sự thỏa mãn, hay thậm chí là niềm vui; mà là sự mệt mỏi, căng thẳng, lo âu, sợ hãi và cuối cùng là kiệt sức.
Sau khi bị tụt mất 5kg bởi stress và thiếu ngủ, mình cuối cùng cũng nhận ra rằng khái niệm Productivity mình đang giữ trong đầu là sai lầm và độc hại.
Câu chuyện quá khứ của mình cũng chỉ là một ví dụ nhỏ trong số vô vàn ví dụ khác của một tình trạng mà mình tin rằng cũng đang ám ảnh nhiều người trẻ, đó chính là Toxic productivity.
Ngày hôm nay mình muốn giới thiệu với các bạn một cách hiểu mới về các từ như “Productivity”, “Năng suất”, hay “Hiệu quả”.
Đây cũng là cách hiểu đã giúp mình loại bỏ được những ảnh hưởng tiêu cực của Toxic productivity nơi bản thân mình và đạt được ý nghĩa của từ Productivity mình mong muốn, bao gồm có làm việc hiệu quả, tạo ra nhiều giá trị tích cực và sự thỏa mãn vào cuối ngày.
Trước tiên, mình muốn thử phân tích khái niệm “làm việc hiệu quả” mà mình của quá khứ, cùng với nhiều bạn trẻ khác có lẽ cũng vẫn còn đang tin vào.
Mình từng tin rằng “làm việc hiệu quả” có nghĩa là mình làm được nhiều đầu việc nhất trong những khoảng thời gian ngắn nhất.
Hay nói cách khác:
Tính năng suất = Thành quả : Thời gian
Mình tin rằng đây là cách hiểu mà chúng ta bị ảnh hưởng bởi trường lớp và môi trường làm việc truyền thống.
Ví dụ như, ở trường thì chúng ta thường phải làm được ít nhất 4/5 bài toán trong vòng 90 phút thì mới có được điểm cao trong bài kiểm tra và được đánh giá là “học tập hiệu quả”. Ở chỗ làm thì họ cũng sẽ giao việc cho bạn, yêu cầu bạn làm càng nhiều càng tốt trong khoảng thời gian được giao phó.
Nếu như bạn cũng đã từng làm việc trong các khu công nghiệp thì có lẽ bạn sẽ hiểu ý mình muốn nói ở đây, sự “năng suất” hay “hiệu quả” sẽ được đánh giá dựa trên số việc mà một người công nhân có thể hoàn thành trong 1 khoảng thời gian nhất định.
Lối suy nghĩ phải làm được nhiều nhất trong những khoảng thời gian ngắn nhất chính là nguồn cơn gây nên stress và tình trạng kiệt sức ở cá nhân mình.
Giờ đây, sau khi đã có thể nhìn nhận hai chữ “năng suất” dưới một góc nhìn mới, mình cũng đã có thể tiếp cận được với sự năng suất một cách hiệu quả và dễ dàng hơn.
Chia sẻ với các bạn, với mình của hiện tại, “Năng suất” hiểu cho đơn giản chính là sử dụng thời gian hợp lý.
Bằng cách học các phương pháp sử dụng thời gian hợp lý, mình đã có thể làm được nhiều hơn trong khi vẫn có thể thưởng thức vẻ đẹp vô thường của cuộc sống mà mình bắt gặp hằng ngày.
Khi mình nói “mình đã có thể làm được nhiều hơn”, ý mình cụ thể ở đây là “làm được nhiều việc có ý nghĩa với mình hơn”.
Vậy nên, mình sẽ không từ chối những cuộc hẹn đi cà phê với bạn bè hay đi siêu thị với cha mẹ nữa, bởi lẽ dù cho đó không phải việc làm, nhưng chúng đều có ý nghĩa quý giá với mình, và mình hạnh phúc khi được tham gia vào những hoạt động đó.
Cũng sẽ thật là vô trách nhiệm nếu như mình chỉ có thể chia sẻ với các bạn lời khuyên là “hãy sử dụng thời gian hợp lý hơn” và bỏ mặc các bạn tự giải quyết tình trạng Toxic Productivity mà các bạn đang phải đối đầu trong cuộc sống cá nhân.
Tới đây, có thể nhiều người sẽ khuyên các bạn nên bỏ việc hoặc tìm tới với một công việc khác. Đó cũng có thể là một lựa chọn, nếu như bạn cảm thấy nó phù hợp với bản thân bạn.
Nhưng vì mình hiểu rằng với rất nhiều người trong chúng ta, bao gồm cả những bạn trẻ, chuyện bỏ việc để tìm một công việc khác đôi khi có thể là rất khó khăn, hay thậm chí là không khả thi.
Vậy nên, mình có thêm 3 lời khuyên nữa để cho các bạn tham khảo.
3 lời khuyên này sẽ tương đương với 3 yếu tố để bổ sung vào công thức của “Tính năng suất” mà mình vừa trình bày phía trên, cũng chính là 3 yếu tố mà các bạn có thể thêm vào cuộc sống hằng ngày để giúp cho sự “năng suất” của các bạn bớt toxic hơn.
3 yếu tố đó chính là:
1. Sự tập trung
Các bạn hãy thử hình dung nhé. Trong nhà chúng ta có những căn phòng được thiết kế để dành riêng cho 1 hoạt động cụ thể nào đó, khi nghĩ đến cái phòng đó thì chúng ta sẽ chỉ có cảm giác muốn làm 1 số việc cụ thể duy nhất mà thôi.
Ví dụ như nhà tắm là để tắm, nhà vệ sinh là để đi vệ sinh, phòng ngủ là để ngủ,...
Phương pháp tăng cường sự tập trung mà mình đang áp dụng cũng dựa trên nguyên lý tương tự.
Mình thiết kế ra 1 góc làm việc, nơi mà mình chỉ tuyệt đối dùng để làm việc mà thôi. Mình không cho phép bản thân làm bất cứ thứ gì khác ở góc làm việc đó, về lâu về dài thì não bộ của mình cũng sẽ hình thành nên mối liên hệ tương tự như giữa việc đi tắm và nhà tắm vậy, nhờ đó mà tại góc làm việc này, mình sẽ không phải mất nhiều thời gian để lấy động lực làm việc nữa, sự tập trung cũng sẽ trở nên hiệu quả hơn.
Dù vậy, thỉnh thoảng mình cũng thích được thay đổi không khí làm việc. Cá nhân mình thường lựa chọn quán cà phê quen hoặc sang nhà đứa bạn để tận dụng góc làm việc của nó, hehe.
2. Sự lên kế hoạch
Phương pháp lên kế hoạch hiện tại mình đang sử dụng cũng không có gì quá đặc biệt hết, đó chính là phương pháp Blocking kết hợp với Google Calendar.
Chỉ có một lời khuyên nho nhỏ mà mình muốn gửi gắm ở đây thôi. Đó là khi các bạn lên kế hoạch để dành thời gian cho 1 công việc nào đó, thì bạn cũng nên lên kế hoạch cho cả phương pháp làm công việc đó và cụ thể hóa công việc đó nữa.
Ví dụ như bạn muốn ôn giải toán từ lúc 8h sáng tới 10h sáng chẳng hạn, thì các bạn cũng nên nghĩ xem bạn nên ôn dạng toán nào (giải tích, đại số, hình học, lượng giác…) và cả dạng bài tập nào nữa.
Dành thêm vài giây để lên được một kế hoạch chi tiết hơn chút xíu đã giúp cho mình tiết kiệm được rất nhiều thời gian vì không còn phải nghĩ xem “giờ mình phải làm việc gì đây?”
3. Sự vui thích
Đây là yếu tố mà mình tin là sẽ khó để tất cả chúng ta có thể bổ sung được vào “công thức của tính năng suất” nhất.
Mình của hiện tại cũng có nhiều lúc không thành công trong việc tìm ra được niềm vui trong công việc. Nhưng rồi mình nhận ra rằng có lẽ bản chất của học tập và làm việc nó chính là như vậy, rằng không phải lúc nào cũng tồn tại niềm vui trong những thứ mà chúng ta làm.
Dù vậy, chúng ta đều đã biết hiệu quả thúc đẩy năng suất của niềm vui nó cao đến nhường nào. Mình tin rằng không ít người trẻ chúng ta đều đã từng trải qua những ngày nhờ niềm vui mà ta làm gì cũng thấy vui, mọi mệt mỏi như phai mờ đi; hoặc có những ngày ta vui đến nỗi càng làm, càng mệt, càng thấy vui.
Vậy nên, lời khuyên mà mình muốn gửi gắm ở đây là: Hãy cứ tiếp tục tìm kiếm niềm vui trong những gì mà bạn làm. Đôi khi niềm vui chỉ đơn giản là một câu nói mà mình tự động viên bản thân trước khi bắt tay vào làm việc, mình tự nhủ rằng “Vụ này sẽ vui đây.”
Phương pháp tìm kiếm niềm vui trong công việc viết lách và thiết kế của mình khá là “dị”, nhưng mình cũng vẫn muốn chia sẻ để các bạn tham khảo.
Mình thường tìm kiếm niềm vui bằng cách hình dung như mình đang giảng lại phần kiến thức đó cho người khác.
Khi phải giảng lại cho người khác thì chúng ta sẽ tự động có bản năng tìm ra các phương hướng tiếp cận vấn đề thật đơn giản và dễ hiểu, đồng thời cũng phải giải thích nó sao cho thật thú vị và hấp dẫn nữa.
Một trong những hình mẫu mình ngưỡng mộ nhất chính là chú Simon Sinek. Mình luôn tưởng tượng mình được như chú ấy, diễn thuyết về một chủ đề tâm huyết nào đó trước cả nghìn thính giả. Mình sẽ đứng lên giường hoặc ghế sô pha, đi qua đi lại, mình đọc lên thật to, thật diễn cảm những bài viết của mình và cũng khua tay múa chân như thật vậy. Nhờ sự ảo tưởng sức mạnh này mà niềm vui luôn tự động tìm đến với mình, và ý tưởng thì cứ tiếp tục tuôn trào một cách tự nhiên.
Bật mí là bài viết này cũng được mình viết bằng phương pháp "ảo tưởng" tương tự như trên, hehe.
***
Mình tin rằng có không ít những bạn trẻ ngoài kia đang có mong muốn được cải thiện năng suất học tập và làm việc của bản thân. Bởi lẽ khái niệm “năng suất” của mỗi người mỗi khác, nên mình cũng tin rằng nếu bản thân chúng ta không chủ động đi tìm kiếm năng suất, thì nó cũng sẽ không thể tìm ra được chúng ta đâu.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút: Tom.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất