Bạn thân mến, ban đầu mình có 2 ý tưởng. Một là viết Spiderum. Hai là viết bài tặng bác. Mình tỉ mẩn vạch dàn ý cho từng bài một. Thực ra chúng rất khác nhau. Nhưng càng gần ngày 29/10/2023, mình càng cảm thấy, lửa của mình không đủ, món của mình không ngon, nên mình không nghĩ đến sẽ đem bày biện mời bác. Mình chỉ muốn viết lên Spiderum như tri ân bác, tri ân chương trình, và ít nhiều có thể đóng góp một chút gì đó cho cộng đồng. Nhưng vào ngày 26/10/2023, kết thúc buổi chiếu Hà Nội mùa đông năm 46, là một bộ phim có thể liệt vào danh sách mình thích nhất, sau Bao giờ cho đến tháng Mười, chị Lan Nguyên xuất hiện, và nói rằng, bác rất mong được biết các bạn trẻ nghĩ gì sau khi xem phim bác. Mặc dù có sẵn chất liệu, nhưng để thảo một bài viết hơn 5000 chữ trong vòng một ngày, rồi sau đó đi in các kiểu, đối với bản thân mình, vẫn là kỳ tích. Kỳ tích hơn là mình nhận được lời khen từ bác Đặng Nhật Minh. Vốn là mình định sửa sang lại bài viết này để đăng lên, theo đúng như ý tưởng ban đầu. Nhưng thực sự là không sửa nổi. Cho nên đành để nguyên thể thức viết ban đầu gửi đến quý bạn. Mong các bạn có thể đọc và cảm nhận được đôi điều.

Thương gửi bác Đặng Nhật Minh,

Mong rằng bác cho phép cháu dùng “Thương gửi”, mà không phải là “Kính gửi”, vì cháu hy vọng có thể bắt đầu câu chuyện của mình bằng một cảm giác thân thiết hơn là xa xôi.
Cháu sẽ không ngại ngần bày tỏ rằng: lần đầu tiên trong cuộc đời mình, cho đến tận năm hai mươi lăm tuổi, cháu mới thực sự hiểu rõ, hóa ra không phải là cháu không phù hợp để xem điện ảnh, mà là vì cháu chưa gặp được điện ảnh của bác.
Bằng cách nào đó, cháu thực sự đã trầm mình trong câu chuyện của Bao giờ cho đến tháng Mười rất lâu, và nếu như không phải là các anh chị mời sang phòng chung để nghe bác chuyện trò, có lẽ cháu thực sự sẽ ngộp thở trong cảm xúc của chính mình mất!

Có lẽ, điều đó bắt nguồn từ việc cháu cũng là một người Việt Nam, và thêm nữa, một người Việt Nam yêu lịch sử.

Phần cảm xúc bị đánh động lớn nhất trong cháu có lẽ từ lúc biết chồng của Duyên đã ra đi mãi mãi (thực ra cháu đã biết trước khi xem phim, vì dù sao đây cũng là một bộ phim kinh điển mà đúng không ạ?), sau đó nâng cấp thành người anh trong nhà đã từng hy sinh trên chiến trường, và cuối cùng thành vị Thần làng cũng là một người ra đi đầu không ngoảnh lại. Mỗi một nhân vật, mỗi một ngắt nghỉ, thực ra lại là một sự kéo dài đằng đẵng trong lịch sử dân tộc, từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, cho đến tận hôm nay. Lịch sử của Việt Nam, là chưa bao giờ ngừng tranh đấu, chưa bao giờ ngừng đao binh, cũng chưa bao giờ nguôi nước mắt.
Cháu nghĩ, nếu như nói Bao giờ cho đến tháng Mười là một cái phóng mắt về quá khứ, thì ngược lại, Hà Nội mùa đông năm 46 lại là một lời khẳng định gửi đến tương lai. Mặc dù trong nửa đầu bộ phim, điều được chú trọng khắc họa là sự “nhân nhượng” của ta, sự nhẫn nhịn của dân tộc ta, cùng với sự yêu quý hòa bình vừa được lập lại chưa lâu, nhưng ở nửa sau bộ phim, dường như mỗi một người dân, từ anh Vệ quốc quân, cho đến mỗi một người dân bình thường nhất, đều sẽ chọn đứng lên, “ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc” để chống lại thực dân Pháp. Và thậm chí cho đến những phân cảnh cuối cùng, khi đứa bé mà cháu còn chưa rõ tên, tất tả chạy theo đoàn người, một hai khẳng định rằng muốn tham gia vào công cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cháu đã hiểu rằng, không chỉ những thế hệ trước đã kiên trì giữ vững đất nước này, mà cả những thế hệ sau, sau nữa, cũng sẽ luôn làm như vậy, dù có phải trả giá bằng bao nhiêu mất mát và đau thương đi chăng nữa…
Nhưng cũng như bác nói, một tinh thần Việt Nam được gói trọn trong mấy câu thơ của Bao giờ cho đến tháng Mười, (cháu vẫn chưa kịp xem hết tác phẩm của bác, nhưng xin phép được cho rằng, đây là mấy câu ý nghĩa nhất cho đến lúc này ạ!), rằng Việt Nam, là một dân tộc tích cực:
“Bao giờ cho đến tháng Mười,
Lúa chín trên cánh đông giông bão,
Ta bỏ lại sau lưng những ngày dài chờ đợi,
Những mất mát, hy sinh, chịu đựng, khổ đau,
Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu.”
Thực ra, cháu càng đọc những bài bình về điện ảnh của bác, cháu càng thấy rất kỳ lạ. Hơn một lần cháu đã tự hỏi rốt cuộc thì điện ảnh của bác gây ấn tượng nhất ở điểm nào? Tại sao mỗi một bài viết mà cháu tìm thấy đều không thể trả lời được cho cháu câu hỏi này chứ? Vậy thì cháu phải là người tự đi trả lời sao?
Vậy là, cho đến hiện tại, với cháu mà nói, sau khi đã xem xong tám tác phẩm của bác (chưa kể Hoa nhài), cháu vẫn chưa tìm được một câu trả lời khiến bản thân hài lòng, một câu trả lời mà cháu hy vọng là sau khi cháu nói hoặc viết xong, có thể đảm bảo hơn một nửa số người nghe hoặc đọc sẵn sàng trải nghiệm điện ảnh của bác. Vậy nên, cháu lại nghĩ, tại sao nhỉ? Tại sao cháu lại vấp phải khó khăn như vậy?
Cháu nghĩ, điều này có thể bắt nguồn từ việc bác có một tâm thế làm điện ảnh là luôn sáng tạo, đổi mới, học hỏi và thể nghiệm.
Chính điều này làm cho điện ảnh của bác mặc dù vẫn rất là “Đặng Nhật Minh” nhưng không có cách nào để tổng kết trong một vài từ ngắn ngủi. Cháu nghĩ, đó là thành công của bác, nhưng ngược lại, cũng có thể nói là sự chưa thành công của cháu.
Có thể điều đó là do mỗi một tác phẩm điện ảnh của bác đều được bác tự tay chấp bút và làm đạo diễn. Làm việc với một tác phẩm trong khoảng thời gian dài đến tận 3-4 năm tùy theo tác phẩm, nếu như cứ làm lại cái cũ, thì thực sự là ngán đến tận cổ mất! (À, đây là cháu mạn phép tự suy diễn một chút thôi!!!)
Nhưng mà cũng không quan trọng lắm, với cháu, điểm chung nhất có thể tổng hợp lại, vẫn nằm trong hai khái niệm: tính Việt Nam và tính lịch sử.
Việt Nam ở cách chọn đề tài, Việt Nam ở bối cảnh, và Việt Nam ở cách diễn xuất của mỗi một nhân vật. Cháu đã thấy như được gặp gỡ những người Việt Nam ở thế hệ trước, những người cha, người anh, người mẹ, người chị, chứ không phải là diễn viên Việt Nam diễn một nhân vật nào lạ lẫm. Cháu đã thấy mình như được chạm tay vào lịch sử.
Nhưng mà, theo ý riêng của cháu, lại có phần khó diễn giải tính Việt Nam trong điện ảnh bác. Cháu nghĩ, có lẽ “tính Việt Nam” là một từ mặc dù mọi người cứ đem ra bàn thảo, cân đo đong đếm, thậm chí mượn danh nghĩa nó để sát phạt lẫn nhau, bất kể lĩnh vực, nhưng lại chưa có một định nghĩa rõ ràng. Trong giai đoạn đương đại này, mỗi một nền văn hóa bên ngoài (như Âu châu, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…) hoặc là lâu đời hơn, hoặc là phát triển nhanh hơn, lại càng đặt ra thử thách đối với văn hóa Việt Nam, và tính Việt Nam. Cháu cũng chỉ có thể cảm nhận được tính Việt Nam từ trong phim bác, mà hoàn toàn không thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt. Có thể, điện ảnh bản thân nó tự có tiếng nói riêng, và cách tốt nhất để hiểu, vẫn là tiếp cận phim của bác, chứ không phải là nhìn “tính Việt Nam” trong phim bác qua lời bình của cháu liền thuyết phục. Cho nên, cháu sẽ để lại một không gian riêng cho người xem có thể tự cảm nhận về tính Việt Nam trong điện ảnh của bác, chứ không tìm cách diễn giải nữa vậy.
Tính lịch sử thì có lẽ không cần cháu phải đề cập quá nhiều. Tính lịch sử mạnh mẽ nhất, thể hiện ngay từ tên của tác phẩm hẳn là Hà Nội mùa đông năm 46. Bao giờ cho đến tháng Mười, Cô gái trên sông, hay Thị xã trong tầm tay cũng không nằm ngoài lịch sử. Còn thán phục hơn nữa, là tính lịch sử, hay có thể gọi một cách chuẩn xác hơn, là tính thời cuộc, được thể hiện bằng chi tiết rất ngắn, rất nhỏ, dường như dễ dàng bị bỏ qua, nhưng lại có tính thiết lập cho toàn bộ câu chuyện. Ví dụ như Mùa ổi. Ví dụ như Trở về.
Hẳn là rất nhiều người đều tập trung vào từng thước tấc của nhân vật Hòa trong Mùa ổi, về những diễn biến tâm lý, hoặc cây ổi, hoặc ngôi nhà, như một ký ức tuổi thơ.
Cháu không quá tập trung vào những chi tiết của ông Hòa sau khi bị thương, mà lại tập trung hơn vào tuổi thơ và ngôi nhà cũ. Hóa ra, việc chuyển đi cũng không phải do thua lỗ, mà là do những chính sách mới của nhà nước sau năm 1954. Khi cháu ở tuổi này, cháu có thể thấy rõ ràng, bất cứ ở thời điểm nào, mỗi một quyết sách của nhà nước, đều có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến mỗi một người dân, hoặc thậm chí, một cuộc chiến từ nơi xa xôi ở Nga-Ukraine chẳng hạn, cũng thế, vì nó làm tăng giá dầu đấy thôi! Nhưng rõ ràng, một quyết sách sờ sờ như vậy, nghe được, chạm được, ảnh hưởng trực tiếp đến nhân vật trong phim, và cả ngoài đời, (vì được biết đây là câu chuyện được bác xây dựng có thực), cháu vẫn không khỏi thấy thật xót xa.
Trong Trở về thì tính thời cuộc lại nằm ở giai đoạn mở cửa, đổi mới, và kinh tế thị trường. Bác đã thành công dẫn cháu đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác với cách lồng ghép chi tiết đầy tính hiện đại khi nói về kinh tế thị trường như bác đã làm. Trong một buổi hẹn hò, Loan lại hỏi Tuấn rằng sau cùng thì cuộc sống chỉ còn lại hàng hóa và dịch vụ ư? Và nhận được một câu trả lời chắc chắn từ phía Tuấn là đúng vậy, cuộc sống chỉ còn lại là hàng hóa và dịch vụ. Rõ ràng, không có bất kỳ sự phản bác có lời nào dù rằng chúng ta đều biết là không phải, Loan chỉ biểu hiện bằng cảm xúc. Mâu thuẫn của thời cuộc vậy là chỉ cần gói gọn trong cuộc chuyện của hai người, trên bàn ăn, rất đơn giản, nhưng cũng vô cùng thuyết phục.
Mùa ổi Trở về cũng là hai tác phẩm mà cháu nghĩ là đã chung thể hiện một chữ “Nhà”. Trong văn hóa Á Đông, Nhà thực sự rất quan trọng. Ở Mùa ổi, thực ra, cái Hòa luyến nhớ không phải chỉ là trái ổi, mùa ổi, mà là căn nhà, là tổ ấm, là ký ức thời bé thơ. Cái kết nối câu chuyện cũng là tại ngôi nhà xưa đó, khi mà những chủ nhân sau của nó cũng gây ảnh hưởng lên cuộc đời Hòa và mạch phim. Mặt khác, mùa ổi cũng là ẩn dụ cho ý niệm Nhà. Được biết, truyện ngắn ban đầu bác chọn để chuyển thể cũng có tên là Ngôi nhà xưa, cháu thực sự cảm thấy, Nhà chính là trọng tâm của tác phẩm này, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Còn trong Trở về, hai lần “Loan” thất tình thì đều tìm về nhà, tìm về người mẹ, và những ký ức tuổi thơ, như đoạn Loan dội nước giếng lên người vậy. Có nhà thì mới có nước, cháu nghĩ, Nhà, cũng xuất hiện trong các bộ phim khác của bác, đảm nhiệm những cấp độ ý nghĩa khác, chẳng qua là không mãnh liệt bằng hai bộ này đấy thôi!
Giờ thì cháu sẽ nói về những đổi mới và thể nghiệm trong điện ảnh bác, hy vọng là tương đối không quá xa rời với những dự định mà bác từng có khi thực hiện tác phẩm.
Sau Bao giờ cho đến tháng Mười, bộ phim tiếp theo được chiếu trong dịp này là Cô gái trên sông. Thú thực, cháu không rõ lắm tại sao lại xếp lịch chiếu như vậy. Ngoại trừ Bao giờ cho đến tháng Mười nên được chiếu đầu tiên vì phù hợp với đặc điểm của một buổi khai mạc, cháu cứ nghĩ các phim còn lại nên chiếu theo trình tự bác thực hiện, hoặc là trình tự lịch sử của bối cảnh, nhưng không phải, bộ phim tiếp theo lại là Cô gái trên sông.
Cháu đã đọc vài thông tin bên lề trước khi đến rạp và ngạc nhiên vì những tranh cãi dẫn đến việc tác phẩm chỉ đoạt Bông sen bạc mà không phải Bông sen vàng.
Quả thực, tại Việt Nam, và tại thời điểm đó, thậm chí, ở thời điểm bây giờ, cháu chưa bao giờ cảm thấy là dễ dàng để biểu đạt cả cảnh nóng trong phim, lẫn ý tưởng ở đâu thì cũng có người tốt kẻ xấu mà bác đặt vào. Cháu thực sự đã kinh ngạc và phải không ngừng xuýt xoa khi bác lựa chọn như vậy. Cháu tin là hoàn toàn không dễ dàng để có thể tạo ra một thành phẩm tốt như vậy, thậm chí là vô vùng khó khăn, từ lựa chọn, đến xây dựng kịch bản, đến dựng phim, và hàng tá những yếu tố khác nữa. Và hơn nữa, khi bộ phim tiến dần về phía kết thúc, cháu đã tò mò, bác sẽ xử lý cục diện trông có vẻ phức tạp này như thế nào nhỉ? Thì bằng cách đơn giản nhất, giác quan thứ sáu của người phụ nữ, Liên đã biết mọi chuyện và lựa chọn ra đi. Có lẽ bởi cháu đã quen với những tác phẩm đương đại, dài ngoằng, và đầy những chi tiết ngớ ngẩn, nên cháu muốn bật cười khi thấy bác xử lý như vậy, cười chính bản thân cháu, khi mọi chuyện đã rành rành như vậy, lẽ nào Liên lại không biết? Cách xử lý đơn giản và đời đến mức cháu đã “không nghĩ ra”!
Đồng thời cháu cũng ấn tượng với phân đoạn tranh cãi của Liên và Thu, đó là đoạn thoại ấn tượng nhất với cháu xuyên suốt tám phim, một đoạn thoại đầy kịch tính, và làm cho cháu hiểu rằng, cũng không có gì mà chúng ta không làm được, khi so sánh với các nền điện ảnh khác.
Một sự khác biệt nữa trong danh mục tác phẩm của bác là phim Thị xã trong tầm tay. Lối kể chuyện đan xen của Thị xã trong tầm tay thực sự thuyết phục cháu. Mặc dù đây không phải là một lối kể chuyện mới, nhưng dẫu sao, trong số các tác phẩm của bác, Thị xã trong tầm tay vẫn có một vị thế riêng, không trộn lẫn. Mà cháu, thì bị ấn tượng bởi bối cảnh chân thật quá mức trong tác phẩm, đặc biệt là cảnh Thanh và Vũ đi dạo trong đêm. Cháu đã từng đi Đà Lạt, và nhìn những nền gạch có độ ẩm ướt nhất định, rồi những ngọn đèn đường xuyên qua cành lá chiếu xuống. Cháu nhìn thấy sự thân quen đó, dù rằng bối cảnh là ở Lạng Sơn.
Cháu cũng đã xem xong Hà Nội mùa đông năm 46. Khá bất ngờ khi tác phẩm không chỉ rộng về mặt bối cảnh mà còn rộng về số lượng nhân vật. Bác đã chọn một lối kể chuyện rộng hơn. Chưa bao giờ là dễ dàng khi phối hợp nhiều nhân vật và nhiều bối cảnh trong một tác phẩm mà vẫn duy trì sự nhịp nhàng như thế. Nhưng nghĩ lại thì nội dung chính của phim là về ngày Toàn quốc kháng chiến. Cách miêu tả mang tính Toàn quốc như vậy thực sự quá phù hợp cho đề tài này.
Cháu chỉ có một nuối tiếc. Cháu cứ nghĩ đoạn Bác Hồ đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến sẽ sôi sục lắm, sẽ có những cảnh xúc động lòng người lắm, nhưng cuối cùng lại khá đơn giản, mặc dù thoại rất tốt so với phim hiện nay, nhưng nói đi nói lại, cháu vẫn thấy tiếc, tiếc lắm ạ, vì không biết phải đợi đến ngày nào tháng nào, mới có lại một đạo diễn mạnh mẽ chọn đề tài này, có diễn viên thể hiện được cảnh này, và có đủ mọi thứ để làm một cảnh tốt hơn cảnh này của bác nữa…
Nhân tiện nói về Hà Nội mùa đông năm 46, cháu cũng muốn chia sẻ với bác, nếu nói riêng đầy đặn về mặt cảm xúc, sau Bao giờ cho đến tháng Mười, cháu sẽ chọn Hà Nội mùa đông năm 46. Tại sao nhỉ, cháu lại tự hỏi chính mình.
Có lẽ là bắt nguồn từ lịch sử.
Có lẽ là bắt nguồn từ bối cảnh lớn rộng của tác phẩm.
Cũng có lẽ là bắt nguồn từ tình cảm lớn rộng nhất mà chúng ta có – tình yêu đất nước.
Dường như có rất nhiều nhân vật xuất hiện trong tác phẩm này, dường như họ rất khác nhau, nhưng dường như tất cả đều chung một mối tình – tình yêu nước.
Mặt khác, nếu nói chuyện chữ nghĩa, Hà Nội mùa đông năm 46 có một đề tài lịch sử, và có nhiều câu chuyện để nói hơn. Viết bình về nhiều tác phẩm đã chỉ cho cháu thấy một điều, có những tác phẩm rất hay, nhưng lại rất khó để bình, và ngược lại. Hà Nội mùa đông năm 46 thì thật hiếm hoi, vừa hay, lại vừa không quá khó bình.
Hà Nội mùa đông năm 46 lần nữa khẳng định một phương thức thành công trong điện ảnh của bác Đặng Nhật Minh. Trước đó, cháu đã nhận định, điện ảnh bác thành công phần là nhờ chuyển thể từ tác phẩm có sẵn, cộng thêm chất liệu đời sống, và cảm quan hun đúc của bác. Bây giờ, cháu xin phép được thêm một yếu tố nữa: đó là Thơ, Nhạc, Họa trong điện ảnh bác.

Cô đọng, tinh túy, dễ khắc ghi, là phần xương sống để đắp nặn thịt bám vào, là những gì mà thơ, nhạc, họa mang lại cho tác phẩm điện ảnh.

Thơ đã xuất hiện, ít nhất là trong Bao giờ cho đến Tháng Mười, Cô gái trên sông Thương nhớ đồng quê. Có lẽ cháu sẽ không bình nhiều về các đoạn thơ này. Cảm quan thì đó đều là những đoạn thơ xuất sắc, còn để nói kỹ, cháu tạm thời cũng không có một cảm xúc tốt, và đủ thời gian.
Nhạc thì ở tất cả mọi nơi, và có lẽ một phần nhờ may mắn, mỗi một bộ phim của bác đều có một tên tuổi cây đa cây đề khác trong làng âm nhạc cùng cộng tác, hoặc là lựa chọn để biểu đạt ý tưởng của phim, ví như nhạc sĩ Phú Quang trong Bao giờ cho đến tháng Mười, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong Cô gái trên sông, nhạc sĩ Phạm Tuyên trong Tháng Năm – Những gương mặt, và âm nhạc Văn Cao trong Hà Nội mùa đông năm 46.
Trong số những tác phẩm này, cháu ấn tượng nhất với cảnh hát Tiến quân ca trong Nhà hát lớn Hải Phòng. Cháu đã sửng sốt khi nghe Tiến quân ca vào lúc này. Đối với cháu đó là một chất liệu hết sức bình thường, và có lẽ sẽ không mấy ai nghĩ đến, bác nhỉ? (Hoặc là chỉ có cháu mới không nghĩ đến!) Nhưng đó là điểm tuyệt vời. Khúc hát là hát tập, nó vừa vặn để được lặp lại nhiều lần, và rất vừa vặn để biểu đạt ý đồ nghệ thuật lúc này, rằng mọi người đang hát, đang vui ca dù hoàn cảnh nhiều gian nguy trước mắt, và gian nguy ngay cả trong cảnh sau nữa.
Mặt khác, cháu cũng hiểu, tại sao phim bác lại được chào đón ở nước ngoài như thế. Tiến quân ca dường như đã rất “cơ bản” ở Việt Nam, nhưng làm cho hay, cho đến cả người Việt Nam cũng bất ngờ, đã là một điều khó, đồng thời, nó cũng là cách tiếp cận tốt nhất với khán giả nước ngoài. Cháu nghĩ, nếu muốn biết về một quốc gia, bài hát đầu tiên của quốc gia đó, có thể không nhất thiết phải nghe, nhưng có thể nghe, có thể hiểu, thì chính là thông điệp rõ ràng nhất của quốc gia đó.
Cháu cũng rất thích bài Chiến sĩ Việt Nam của nhạc sĩ Văn Cao. Ca khúc vang lên ít nhất hai lần, và cháu thực sự ấn tượng bởi câu chữ của bài này. Tại sao mà bây giờ cháu mới biết đến bài hát này nhỉ?
Còn nếu như xét về phần nhạc đệm tốt nhất, cháu nghĩ, cháu thích Bao giờ cho đến tháng Mười. Với một người học khối ngành tự nhiên như cháu, nếu việc phân tích điện ảnh là không đủ chuyên môn, thì âm nhạc cũng không phải là lĩnh vực cháu có thể nói rõ ràng được. Cách duy nhất mà cháu chọn để cảm nhận là tách riêng phần nhạc để nghe lại sau khi thẩm thấu nội dung phim, và cháu nghĩ phần nhạc này đã làm rất tốt, rất có sức gợi. Nó chứa đựng một nỗi đau âm ỉ, lan tràn, nhưng cũng không quá trào lên, một nỗi đau vừa đủ, để hướng tới những điều tích cực hơn.
Cháu cũng chia sẻ với bác về chi tiết cháu rất thích trong Bao giờ cho đến tháng Mười. Thực ra cháu cũng không phân biệt được tuồng với chèo lắm, khi bé cháu toàn xem cải lương thôi! Cháu đã định về nhà lên Google để bổ sung kiến thức, nhưng bác đã bổ sung ngay trong chính tác phẩm của mình. Cháu nghĩ, đó là một điểm rất quan trọng, nó biểu thị một thái độ, điện ảnh không phải là hàn lâm, mà điện ảnh nên là đại chúng. Và vì vậy, cháu tin, điện ảnh của bác, vẫn luôn là một lựa chọn thích hợp với đại chúng.
Cuối cùng là đôi lời về Họa. Họa xuất hiện trong Mùa ổi, và cũng trong Hà Nội mùa đông năm 46.
Nếu như trong Mùa ổi, việc xuất hiện yếu tố Họa gần như là không thể tránh, do nhân vật Hòa được xây dựng dựa trên nhân vật có thật là một người làm mẫu vẽ, thì Hà Nội mùa đông năm 46 lại là một nhân vật được chủ động thêm vào. Ở một khía cạnh nào đó, có lẽ chất Họa không thấm đẫm tính truyền tải được như Thơ và Nhạc, nhưng cháu nghĩ, nó cũng đóng góp một chất thơ nhất định cho Hà Nội nói riêng, và cho điện ảnh bác nói chung vậy.
Vốn là định dừng ở đây, nhưng sao đầu cháu lại nảy ra ý tưởng nữa rồi! Thôi thì cháu sẽ viết thêm mấy dòng, dù chưa hay lắm, thì gọi là cho thỏa cũng được. Cháu nghĩ, cái chuyện cười và chuyện khóc trong phim bác cũng có nhiều điều hay.
Hẳn là chưa ai bình đâu nhỉ, mà chọn viết như thế này, không dưng cháu thấy đây là chương mục khó nhất mà cháu có thể chọn để viết về điện ảnh bác rồi đấy ạ!
Chắc chắn điện ảnh của bác không đặt trọng tâm vào tiếng cười, hoặc nói cách khác, tổng thể điện ảnh của bác gây cảm giác buồn thương nhiều hơn. Kết thúc một bộ phim, bất kể là bác chọn kết thúc vui, buồn, hay kết thúc mở thì đều có nỗi buồn hiện hữu ở đó, nhưng những cảnh cười nhất định vẫn được bác chú trọng ở mỗi tác phẩm.
Tiếng cười trong rạp nhiều nhất có lẽ là ở Thương nhớ đồng quê nhỉ. Cháu vẫn nhớ mọi người trong rạp cười ngặt nghẽo khi bé Minh ăn kẹo cao su, xong lỡ nuốt mất, và bé lo lắng khi nghe nói là không được nuốt. Có lẽ, chúng ta đã cùng trải qua một tuổi thơ, mà ai cũng có một lần nuốt phải kẹo cao su đó. Hoặc là tiếng cười cứ vang lên mỗi khi Minh nói: “Con biết, nhưng mà con không nói”/ “Em biết, nhưng mà em không nói”… Không biết bác có chú trọng không, nhưng cháu nghĩ, niềm vui, dẫu sao cũng nên có trong một tác phẩm, phải không ạ?
Nói về khóc thì có hai cảnh khóc làm cháu ấn tượng hơn cả. Một là Duyên khóc trong Bao giờ cho đến tháng Mười, cảnh này thì có lẽ không cần đến cháu bàn thảo nhiều. Cháu muốn nói đến cảnh Loan khóc khi nghe câu chuyện về Hòa trong Mùa ổi. Cũng có một số cảnh khác, cái khóc của nhân vật nữ đến khá đột ngột, khi chưa có một diễn tiến tâm lý đủ dài. Mặc dù nó không hề giả, nhưng nước mắt đến nhanh như vậy, và cách bác lựa chọn quay như vậy vẫn làm cho cháu hơi tò mò. Nhưng thôi, đó là quyền riêng của bác, cháu chỉ suy nghĩ, liệu rằng nó có đạt được hiệu ứng tối đa với một khán giả khi xem cảnh khóc đó không?
Cháu nghĩ, cháu phải thừa nhận là có, riêng với cháu. Cháu gần như không gặp trở ngại nào khi tiếp nhận cảm xúc này từ Loan.
Có lẽ câu chuyện đã được kỳ công xây dựng từ trước đó, chứ không nhất thiết phải là cảm xúc riêng của nhân vật trong một cảnh này, làm động lòng cháu. Mặc dù nhân vật khóc nhanh và đột ngột, nhưng cảm xúc tích lũy trong cháu từ đầu bộ phim đến giờ tưởng cũng đủ để cháu đồng cảm với nhân vật. Như vậy, ở đây, mạch phim trong bộ phim đối với nhân vật Loan có thể là hơi nhanh để có một cảm xúc đột phát như vậy, nhưng với người xem, có vẻ là mạch phim đã đủ, nhờ các yếu tố tổng hòa khác. Theo ý kiến của cháu, việc nắm bắt điểm rơi của cảm xúc người xem như vậy quả thực là quá kỳ diệu, vì trong số những tác phẩm điện ảnh mà cháu từng xem qua, cũng không thiếu những tác phẩm chỉn chu tới từng khung hình, nhưng sau khi xem xong thì không còn mấy cảm xúc sót lại cả, đó quả thật là đáng tiếc.
Về cơ bản thì ở thời điểm này, cháu thấy đã đủ, đã tận tâm tận sức và không biết giãi bày gì hơn. Có lẽ, biết đâu, sau khi xem Hoa nhài, hoặc một phim nào khác nữa của bác, cháu lại có thêm những điều để nói với bác. Dù sao thì, kể cả lượng lý thuyết sách vở lẫn đời sống mà cháu trải nghiệm đều ít hơn những bộ phim này, nên chắc chắn là vẫn còn nhiều hơn những điều có thể nói, đúng không bác?
Cuối cùng, cho phép cháu được gửi đến bác lời chúc sức khỏe, nhiều niềm vui, và những điều tốt lành nhất trong thời gian tới ạ!
Trân trọng,
./.