Nhấp từng viên thuốc vào miệng, cổ họng tôi đắng lên đầy giận dữ. Chắc nó cũng chẳng ngờ được tại sao tôi lại hành hạ nó nhiều đến vậy, như một sự đáp trả, từng bộ phận bên trong đình công và cố đẩy từng viên thuốc ra. Sau một hồi thỏa hiệp và có cả đấu tranh, cuối cùng chúng cũng phải nhượng bộ và tiêu hóa hết số thuộc đắng ngắt đó.
Tôi, một chàng trai 19 tuổi, đang ở độ tuổi sung sức nhất của tuổi trẻ, ở cái giai đoạn mà người ta gắn liền với đại học, với những hoạt động ngoại khóa hay những câu lạc bộ. “Đời người có bao nhiêu chứ, sức khỏe cũng chẳng nhiều nên cứ tận dụng những khoảng thời gian thế này thôi.” - tôi nghe mọi người bảo nhau thế và trong một khoảng thời gian, tôi cũng mơ mộng, cũng hết mình đấu tranh cho “tuổi trẻ” ấy. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra, những điều ấy chỉ đẹp khi bạn có đủ năng lực hoặc “năng lực” để người khác công nhận bạn. Tôi từng rất tự tin vào bản thân nhưng rồi tất cả đổ sập, không phải cùng một lúc mà từng khoảng, từng khoảng một. Những lá đơn bị từ chối, những cái lắc đầu của HR hay những thành công của bạn bè dần găm vào tâm trí tôi hai chữ “thất bại”.
Những suy nghĩ đó cứ đeo bám tôi giờ qua giờ, ngày qua ngày và làm tôi héo úa. Tôi chẳng thể chịu nổi nữa! Thật sự, tôi muốn được thoát ra.
“Nực cười ghê, chẳng ai lại tự làm đau mình bằng chính suy nghĩ của mình”
những dòng cảm xúc tiêu cực ấy cứ vậy luẩn quẩn trong tâm trí tôi sau một ngày dài chìm đắm trong sự hạ thấp bản thân mình. Nó cứ tiếp diễn như vậy, một cách đau đớn cho đến một ngày…..
Đêm hôm đó, vẫn như thường lệ, tôi nằm dài trên chiếc giường mình để cơn buồn ngủ kéo tôi đi khỏi thực tại này. Nhưng không, lần này người đến lại là một người hoàn toàn khác lạ, một giọng nói. Nó nói với tôi rằng tôi thật vô dụng, tôi chẳng xứng đáng với sự quan tâm của mọi người và cũng thật phí phạm công sức nuôi dạy của bố mẹ. Thật khó chịu khi phải nghe những điều đó từ một người hoàn toàn xa lạ. Nó thì hiểu gì về tôi? nghĩ vậy nên tôi chẳng thèm để ý và cứ kệ giọng nói ấy mặc sức gàn giọng. Nhưng sau một thời gian, tôi nhận ra rằng nó hiểu tôi hơn tôi nghĩ và những lời nó nói, đáng buồn thay, đúng hơn tôi tưởng tượng. Và dần dần, khi tần suất xuất hiện của giọng nói ấy nhiều hơn, nó thậm chí còn xen vào cả những cuộc đối thoại thường nhật của tôi, cắt đứt mạch suy nghĩ của tôi ngay giữa những kỳ thi và cũng không tha cho những giấc mơ - nơi tôi nghĩ là an toàn nhất. Tôi ngày càng chìm sâu vào trong nó, chìm đắm trong nỗi đau tình thần mà nó gây nên và thậm chí là cảm thấy dễ chịu với những vết thương ấy. Cho đến một ngày, cái giọng nói ấy thủ thỉ vào tai tôi, nhẹ nhàng bảo rằng mạng sống của tôi thật vô ích, rằng tôi chỉ đang tồn tại và là một sự thừa thãi. Để rồi bằng một cách nào đó, nó đã thuyết phục được tôi chấm dứt cuộc sống của mình.
Ngày hôm sau, tôi vẫn tới trường như thường lệ, vẫn cười nói với bạn bè vui vẻ và hỏi han họ. Với tôi đó là những điều tốt đẹp cuối cùng tôi còn dành lại được cho những người trước giờ vẫn ở bên một đứa vô dụng. Về đến nhà, tôi nhốt mình, khóa trái cửa phòng dù biết sẽ chẳng ai làm phiền. Nhìn quanh căn phòng một lượt, tôi muốn tìm kiếm một thứ gì đó đủ sắc nhọn, tôi không muốn phải kéo dài tình trạng đau đớn quá lâu. Hèn thật, đến lúc gần chết nhưng tôi vẫn sợ đau. Cổ họng tôi nhạt dần, khát khô chút hy vọng tồn tại cuối cùng, bên tai ầm ì những tiếng động vô thường, đầu óc trống rỗng, đen kịt không chút ánh sáng. Tôi nhớ ký ức lúc đấy của tôi chỉ còn là ánh mặt trời chói rạng chiếu qua song sắt cửa sổ, tấm song sắt chia cắt tôi với những gì hiện hữu. Tôi muốn được cảm nhận hơi ấm của nắng, tôi muốn được tắm mình trong nó, lần cuối. Nhưng đồng thời, tôi cũng tự nhủ mình rằng tôi chẳng thể xứng đáng với hơi ấm đó, có chăng sự biến mất của tôi sẽ giúp mọi người xung quanh hưởng thụ thêm một chút ánh nắng, mong là vậy. Khi cánh cửa sổ dần khép lại là thế giới tôi quay về với sự bao bọc của màn đêm, âm u, tăm tối nhưng đầy giải thoát. Màn đêm đưa tôi một mảnh kính vỡ và bảo tôi được phép làm những gì tôi muốn. Phải chăng đây chính là sự tự do tôi hằng mong ước? Giọng nói ấy vẫn văng vẳng ở đó, nó chỉ tôi cách làm, từng bước, từng bước một cách tỉ mỉ. Tôi chăm chú lắng nghe và khi giọng nói ấy biến mất, lần đầu sau một khoảng thời gian dài, tôi quyết định kề mảnh kính kia gần bàn tay mình. “Phải đúng cổ tay” - tôi tự nhủ - “Một lần và sẽ không còn thấy đau đớn nữa”.
Mảnh kính rơi xuống, vỡ vụn ra. Từng mảnh li ti hòa lẫn với dòng máu đỏ đang chảy ra trong lòng bàn tay tôi. Tôi không thể, tôi không thể làm thế vì tôi sợ đau. Nỗi đau thể xác đang xâm lấn mạnh mẽ hơn cả nỗi đau về tinh thần khiến tôi chẳng thể xuống tay với bản thân.
“Yếu đuối thật đấy!”
Tôi tự nhủ và cười trừ trong sự mỉa mai bản thân. Bây giờ tôi nên làm gì, tôi chẳng biết, chẳng có một con đường sống cho tôi. Thế rồi, tôi nhớ đến lời nhắn nhủ trong một bộ phim: “Nếu bạn có dấu hiệu bất ổn về tâm lý, hãy trò chuyện với những người thân hoặc liên hệ với trung tâm y tế. Tôi thì không thể nói chuyện này với người nhà tôi được, những người thân cũng không. Ai mà nghĩ được một đứa như tôi lại có bộ dạng này chứ, vậy nên tôi lựa chọn đến bệnh viện tâm thần gần nhà.
Sau một buổi chiều thăm khám, làm một đống xét nghiệm rắc rối hơn tôi tưởng, tôi được kê đơn thuốc để uống. Thật sự rất khó khăn vì thuốc rất đắng và giọng nói trong đầu tôi cứ liên tục từ chối nó. Để rồi tôi thỏa hiệp với nó và ngưng uống. Tuy nhiên, đáp trả lại sự nhượng bộ của tôi là những cơn đau đầu liên miên và những đêm thức trắng. Tôi kiệt quệ về tinh thần lẫn thể xác nên đã quay lại với phương án uống thuốc.
Nhấp từng viên thuốc vào miệng, cổ họng tôi đắng lên đầy giận dữ. Thuốc rất đắng nhưng tôi muốn dập tắt những giọng nói bên trong đầu mình.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất