Lưu ý
Bài viết là góp nhặt từ kinh nghiệm chủ quan của FME Blog về định giá doanh nghiệp. Việc định giá nhằm phục vụ bất cứ hoạt động nào nên tư vấn chuyên gia định giá. Mong nhận được góp ý, bổ sung từ mọi người. Mọi thông tin xin gửi đến [email protected]. Xin cảm ơn!

Có bao nhiêu phương thức định giá doanh nghiệp?

Tưởng tượng bạn đang là chủ một doanh nghiệp, sáng vào công ty lúc chưa có người, đang nhâm nhi ly cà phê đọc báo điểm tin thấy một công ty cùng ngành mới vừa bán cho một tập đoàn Nhật Bản với định giá triệu triệu đô. Bạn tự hỏi, công ty mình giờ bán thì định giá bao nhiêu tiền nhỉ. Mà giờ muốn định giá công ty mình thì mình làm sao ta?
Tốt nhất thì nên tìm một chuyên gia để giúp bạn định giá doanh nghiệp. Mà thường thì chuyên gia định giá phí cao lắm, chỉ khi nào cần thiết mới tìm các chuyên gia này. Còn nếu chỉ muốn tìm hiểu khơi khơi để biết định giá cho vui, thì bài viết này là phù hợp để bắt đầu.
Định giá doanh nghiệp tựu trung có 3 cách chính:
1. Định giá theo giá trị nội tại của doanh nghiệp (Intrinsic-based Valuation), hay mô hình chiết khấu dòng tiền (Discounted Cash Flow - DCF) 2. Định giá dựa trên thị trường (Market-Based Valuation) 3. Định giá dựa trên giá trị tài sản (Asset-Based Valuation)
<i>Chiết khấu dòng tiền là mô hình ưu việt nhất, nhưng định giá dựa trên thị trường cũng là một cách tiếp cận dễ hiểu, dễ bắt đầu.</i>
Chiết khấu dòng tiền là mô hình ưu việt nhất, nhưng định giá dựa trên thị trường cũng là một cách tiếp cận dễ hiểu, dễ bắt đầu.

Nếu các phương pháp khác nhau cho ra kết quả khác nhau thì nên chọn kết quả nào?

Phải hiểu rằng định giá doanh nghiệp phụ thuộc và nhạy cảm cao với các giả định đầu vào.
Với mô hình chiết khấu dòng tiền (DCF – Discounted Cash Flow) dựa vào rất nhiều giả định về doanh thu, chi phí, dòng tiền trong tương lai. Trong đó có thể ví dụ các yếu tố như tốc độ tăng trường doanh thu, chi phí, cấu trúc vốn và chi phí vốn... Việc thay đổi các giả định liên quan sẽ tác động nhiều vào giá trị doanh nghiệp.
Với mô hình dựa trên thị trường, việc chọn nhóm công ty tương tự, nghiệp vụ tương tự sẽ quyết định đến định giá doanh nghiệp.Ngoài ra giá trị doanh nghiệp còn phụ thuộc vào kỳ vọng của chủ sở hữu (yếu tố tâm lý).
Cho nên kết quả của quá trình định giá sẽ là xác định vùng giá (định giá thấp nhất, và định giá cao nhất), chứ không là một định giá cố định duy nhất.
Thông thường định giá theo chiết khấu dòng tiền là mô hình được tham chiếu đầu tiên với vùng định giá là +/- 15% tính từ giá trị định giá. Định giá dựa theo thị trường sẽ đóng vai trò là xác minh tính hợp lý của mô hình chiết khấu dòng tiền.

Vài thảo luận khác về định giá doanh nghiệp

1. Giá trị doanh nghiệp (Enterprise Value) vs. giá trị vốn chủ sở hữu (Equity Value)

Hình dung bạn định mua nhà, bạn có 4 tỷ để dành, mượn người thân 1.5 tỷ. Sau một hồi tìm kiếm thì bạn mua được căn nhà ưng ý với giá 5 tỷ, dư ra 0.5 tỷ bạn tạm để ngân hàng. Một năm sau, thị trường bất động sản tốt lên, căn nhà của bạn có giá là 7 tỷ. Câu hỏi hiện giờ thì tài sản của bạn đang sở hữu là bao nhiêu.
Hình dung bạn định mua nhà, bạn có 4 tỷ để dành, mượn người thân 1.5 tỷ. Sau một hồi tìm kiếm thì bạn mua được căn nhà ưng ý với giá 5 tỷ, dư ra 0.5 tỷ bạn tạm để ngân hàng. Một năm sau, thị trường bất động sản tốt lên, căn nhà của bạn có giá là 7 tỷ. Câu hỏi hiện giờ thì tài sản của bạn đang sở hữu là bao nhiêu.
Tổng giá trị tài sản bạn đang có là 0.5 tỷ tiền gửi NH + căn nhà 7 tỷ = 7.5 tỷ. Nhưng khoan, vì 0.5 tỷ tiền gửi dư ra đang là một phần từ tiền vay 1.5 tỷ, nên sau khi trả 0.5 tỷ tiền vay thì giá trị tài sản thực tế sẽ là 7 tỷ. Tổng khoản đang vay là 1 tỷ (sau khi trả 0.5 tỷ tiền vay). Giá trị tài sản bạn đang sở hữu là: 7-1 = 6 tỷ.
Trong ví dụ trên, 7 tỷ tương ứng giá trị toàn bộ doanh nghiệp (enterprise value), 6 tỷ là giá trị phần vốn chủ sở hữu (equity value). Trên thị trường chứng khoán, định giá doanh nghiệp và giá cổ phiếu đang thể hiện cho giá trị vốn chủ sở hữu, không phải là giá trị toàn bộ doanh nghiệp.
Một vài thông tin thêm về so sánh và cách tính của giá trị doanh nghiệp và giá trị vốn chủ sở hữu được trình bày bên dưới

2. Muốn tự định giá doanh nghiệp bắt đầu từ đâu?

Nếu mô hình chiết khấu dòng tiền là quá phức tạp và bạn không có kiến thức nhiều về tài chính thì sau đâu là một vài cách tiếp cận dễ để có thể bắt đầu ước tính giá trị của doanh nghiệp (chính xác hơn là giá trị vốn chủ sở hữu):
Dựa trên tỉ lệ P/E (Price/Earnings):  ý tưởng là dựa trên định giá của thị trường xác định giá trị doanh nghiệp của công ty mình.
Bước 1: tìm kiếm các công ty cùng ngành đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Bước 2: tìm kiếm tỷ lệ P/E của các công ty này. Bước 3: lấy tỉ lệ P/E nhân với lợi nhuận sau thuế của năm vừa qua để xác định giá trị vốn chủ sở hữu (equity value)
Dựa trên doanh thu: Bước 1: tương tự với tỷ lệ P/E, tìm các công ty cùng ngành (và nếu có thể là các công ty có doanh thu tương tự với công ty mình cần định giá). Bước 2: thu thập thông tin tổng vốn hóa thị trường (equity value), nợ vay, trừ số dư tiền, để tính tổng giá trị doanh nghiệp (enterprise value). Bước 3: tính tỷ lệ giá trị doanh nghiệp/doanh thu (bội số doanh thu). Bước 4: dựa trên bội số doanh thu của thị trường nhân với doanh thu doanh nghiệp cần định giá để tính ra tổng giá thị doanh nghiệp. Bước 5: đem giá trị doanh nghiệp trừ khoản vay, cộng số dư tiền để tính giá trị vốn chủ sở hữu.
Cảm ơn đã đọc hết bài viết. Nếu có góp ý hoặc có câu hỏi cho FME Blog, xin liên hệ [email protected].
Để xem bài viết gốc và tải file excel ví dụ minh họa, các bạn theo link bên dưới nhe.