Thomas Edison từng nói rằng: “Thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh, còn 99% là do khổ luyện.” Câu nói này hẳn đã ăn sâu trong tiềm thức biết bao người hàng ngàn năm qua. Vậy thiên tài là gì? Chúng ta học được gì từ câu nói này trong đời sống học tập hàng ngày? Nếu bạn cũng đang hoang mang trên con đường phát triển thì bài viết này chắc chắn dành cho bạn!

Khái niệm về thiên tài

Thiên tài: "thiên" là trời, là tạo hóa, là bản năng tự nhiên; "tài" là tài năng. Vậy thiên tài có thể hiểu là những người sinh ra đã có tài năng bẩm sinh.
Theo lý giải thiên tài của Wikipedia, thiên tài là một danh từ, nói về ai đó thông minh một cách xuất sắc, làm việc một cách xuất sắc hoặc đạt được thành tựu vĩ đại trong một lĩnh vực, ngành nghề nhất định. Minh chứng cho điều này được thể hiện thông qua nhiều nhà triết học vĩ đại trên thế giới như Aristotle, Socrates, Platon, Khổng Tử...Hay những nhà toán học lừng danh, có thể kể đến tên tuổi của Isaac Newton, Blaise Pascal,...Thực sự để mà kể về các thiên tài trên thế giới từ trước đến nay nhiều vô kể...Vậy lý do gì kiến tạo nên sự xuất chúng của họ?

Bàn luận về câu nói của Thomas Edison

"Thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh, còn 99% là khổ luyện" - không thể không phủ nhận việc dù bản chất bạn có tài năng đi chăng nữa, nhưng nếu không rèn giũa hay khổ luyện thì lấy cái chất liệu gì để nói lên năng lực thần thông quảng đại mà bạn sở hữu. Có lẽ câu nói này của Thomas Edison vẫn luôn có ý đúng ở bất cứ thời điểm hay hoàn cảnh nào.
Có khá nhiều câu nói mang nội dung có ý nghĩa tương tự. Chúng ta có thể nhớ đến câu nói của Lỗ Tấn: "Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi"; hay câu tục ngữ của Việt Nam" Có công mài sắt có ngày nên kim"...Vâng, hầu hết đều mô tả cái quá trình khổ luyện kiên trì không ngừng mới có được một cái kết tốt đẹp nhất.
Vậy tại sao trên thế giới này, những người được mệnh danh là thiên tài họ lấy đâu cái gọi là động lực để rèn giũa, luyện tập mỗi ngày theo đuổi cái mà họ cho lý tưởng? Câu hỏi này chắc ai trong số chúng ta đều không khỏi thắc mắc? Nhìn nhận một cách khách quan là cuộc sống hiện tại của chúng ta quá an nhàn, quá được bao bọc bởi gia đình và xã hội. Rằng chúng ta chưa thực sự đặt mình vì người khác, mà chỉ nghĩ cái lợi trước mắt về mình. Tất nhiên đã là con người thì cái bản năng đó khó lòng mà dịch chuyển, và không phải ai cũng có cơ hội để nhận ra. Có câu nói hay mà chắc ai trong chúng ta cũng đã từng nghe vài lần " Người không vì mình trời tru đất diệt". Cũng vì lẽ đó mà chúng ta khó có thể thoát khỏi sự bó hẹp về mặt tư duy để có thể vùng vẫy thoát ra cái gọi là 2 chữ "an toàn" .
Chúng ta đều biết rằng hầu hết các thiên tài không tự nhiên mà họ trở thành thiên tài về một ngành, lĩnh vực nhất định. Tất cả họ ít hay nhiều đều trải qua những cái gọi là "biến cố" của cuộc đời, hay chí ít họ cũng đã từng nếm trải cái gọi là tận cùng của sự đau khổ về một thứ gì đó. Có lẽ vì vậy, mà cái động lực bên trong họ cực kỳ mạnh mẽ và việc có mục tiêu lý tưởng nên họ cứ thế bám theo đến tận cùng.
Ngày nay, thiên tài thực sự không thiếu, với kỷ nguyên của kỹ thuật công nghệ, con người lại càng trở nên xuất chúng hơn bao giờ hết. Sự sáng tạo bứt phá luôn có mặt ở khắp mọi nơi và chỉ cần có cơ hội là nó sẽ bùng nổ, lan tỏa một cách mạnh mẽ.

Chúng ta học được gì sau câu nói này?

"Thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh, còn 99% là khổ luyện" - Thực sự chúng ta không thể mơ mộng nhiều về cái gọi là năng khiếu bẩm sinh. Thay vào đó chúng ta nên tập trung vào vế sau đó là dành toàn bộ khả năng sức lực cho việc "khổ luyện". Khổ luyện - 1 từ rất hay đầy ý nghĩa, nhưng để khổ luyện mỗi chúng ta cần vạch ra được mục tiêu hướng đi cho sự phát triển của bản thân. Nếu không chúng ta sẽ thực sự mất thời gian, mất phương hướng cũng như không thực sự toàn tâm toàn sức được với một cái gì đó. Giống như câu thành ngữ " Đứng núi này trông núi nọ" là thế.
Khổ luyện chứa đựng tính cách của con người, là sự bền bỉ nhiệt huyết, là tính kỷ luật của bản thân, là quãng thời gian dài mà ta phải dành cho nó. Cuộc đời của mỗi chúng ta là hữu hạn, nếu không thực sự đặt tâm suy nghĩ và hành động rất có thể trong tương lai khi ngoảnh lại chúng ta sẽ cảm thấy hụt hẫng, nuối tiếc rất nhiều.
Bài viết này ra đời không chỉ nhắc nhở chính bản thân tôi, mà nó còn là sự nhắn nhủ những ai đọc được dòng chữ này. Hãy sống và làm việc hết mình để tận hưởng cái thành quả mà chúng ta đã và đang cố gắng vun đắp cho cuộc sống này.
Và hơn hết, chúng ta đừng áp đặt vấn đề thiên tài vào chính bản thân mình. Thay vào đó hãy sống và làm việc sao cho tốt nhất trong khả năng của mình, đó cũng được xem là 1 loại thành công đáng để cho ta tự hào.