I. Lời dẫn:
Đọc sách là giúp con người phán đoán, tư duy, suy nghĩ và quán chiếu lại bản thân, để làm cho đời sống tinh thần trở nên ngày càng khỏe mạnh, tam quan vì thế trở nên ngày càng sâu sắc. 
Ấy là cái lợi ích của đọc sách, nhưng cách đọc sách sao cho đúng, cho thông tuệ thì mấy ai biết tới. Cũng giống như việc học, trước đó, còn phải biết học cái phương pháp để học, nhờ đó mà việc học trở nên bổ ích và thuận lợi hơn.
Nay xin được tường thuật lại những cách đọc sách theo ý hiểu của bản thân được trích nguồn và tóm tắt từ nội dung cuốn sách " Thuật tư tưởng " của tác giả Thu Giang - Nguyễn Duy Cần; một học giả nổi tiếng của Việt Nam vào những năm 50-60 của thế kỷ trước.
II. Vậy phải đọc sách cách nào?
1. Trước khi đọc sách, phải trong mình một tâm thế, một trái tim và tâm lý thiện cảm và hy vọng về cuốn sách.
Nhờ vậy mà nảy sinh niềm đồng cảm với tác giả và trân trọng nỗ lực của họ trong việc viết lách cũng như trân trọng tác phẩm. 
" Thật cũng đã lao tâm khổ tứ trong đó không phải ít"
Bên cạnh đó cũng phải có một chút hiểu biết về chủ đề trước khi đọc cuốn sách mà mình chọn, để bàn luận trong đầu và phê bình văn minh trước tác phẩm.
"Đọc sách, tức là tò mò tìm thêm tài liệu về một vấn đề mà mình đã suy nghĩ hoặc đã hiểu biết trước. Vậy, trước khi đọc sách, ta cần phải ôn lại những điều gì ta đã hiểu đã biết, hoặc đã suy nghĩ về vấn đề của quyển sách ấy đang đề cập"
2. Đọc sách phải đồng hóa với nó và phản động lại nó.
Trong tâm tưởng của người viết bao giờ cũng muốn người đọc bàn lại và suy luận về tác phẩm của mình, phần nhiều cũng muốn hướng tới cái ý niệm cá nhân.
Vậy nên, hãy luôn tự đặt ra những câu hỏi để quán chiếu và lập luận cho mình khi đọc sách.
Đọc sách nhưng không chạy theo sách , ý là để nói, đọc sách nhưng vẫn mang tư duy, óc phán đoán lý trí chứ không u mê, mù quáng mà tin hết mực tất cả mọi quan điểm, lý lẽ mà tác giả viết tới. Đọc như vậy mới thật khôn ngoan, tinh tường.
nếu muốn hưởng ứng cùng tác giả một cách thân mật, độc giả phải đem tư tưởng của tấc giả đối chiếu với kinh nghiệm của mình"
3. Đọc sách phải đọc chánh văn.
Đọc sách của tác giả nước ngoài, nếu được, nếu có thể, hãy đọc chánh văn. Qua tay biên dịch thì áng văn đã ngấm phần ít chút tư tưởng của người biên dịch, do đó áng văn ấy không phải là cái gốc, cái cốt lõi nguyên bản.
Vậy để hiểu rõ cái ý vị của nguyên bản ta nên tìm những tác phẩm gốc để nghiền ngẫm thì sẽ tốt hơn.
4. Lựa sách mà đọc.
"Đọc sách, ta nên đọc những quyển sách cao hơn trình độ tư tưởng của mình, nhiên hậu ta mới mong mau tiến bộ trên con đường trí thức"
Một cuốn sách hay là " khi nào ta đọc đi đọc lại nó chừng nào, ta càng cảm thấy nó sâu xa rộng rãi chừng ấy", qua ngày qua tháng, giá trị của cuốn sách hay vẫn không hao mòn.
5. Đọc sách cần đọc đi đọc lại nhiều lần.
Đọc đến khi nào ngẫm hết ý, lựa hết lời. Nếu sách đã có giá trị trường tồn thì rốt cục đọc mãi cũng chả bao giờ hết nghĩa mà lại còn giúp tầng ý thức cá nhân ngày một thâm sâu và sắc bén. 
Tại sao đọc một quyển sách ta mãi không hiểu, dù đọc lại rất nhiều lần?
"Kinh nghiệm ta còn ít, tư tưởng ta còn nông ... muốn hiểu biết ý nghĩa của nó, ta cần đến thời gian"
Cho nên, phàm là con người, ai ai cũng cần thời gian để trưởng thành về mặt nhận thức, để phát triển và thấu hiểu được những bài học cuộc đời cũng như trên những trang giấy.
6. Cần đọc trước bản mục lục
Nắm trước nội dung bao quát và hiểu rõ những thông tin nào có ý nghĩa cho mình để chiêm nghiệm và nghiên cứu. Từ đó, rất hữu ích cho việc lựa sách. 

III. Lời kết:
Cũng như bất kì thứ phương pháp nào trên đời, không có điều gì là mang giá trị tuyệt đối hữu dụng, hãy thông thái và áp dụng linh hoạt cho bản thân để bồi đắp giá trị trí tuệ.
Điều cuối cũng là lời quan trọng nhất, nếu đọc sách để bản thân thoát khỏi việc phải suy nghĩ, suy luận.. điều đó chả khác gì đang tự hủy hoại tinh thần mình.
"Tư tưởng theo kẻ khác không phải là tư tưởng, mà người không có tư tưởng chưa phải là con người".