Từ hai tuần nay, mình bắt đầu làm việc ở nhà. Cả nước Pháp bị đặt trong tình trạng giới nghiêm, nghĩa là mọi người hạn chế đi lại, chỉ được di chuyển vì nhu cầu thiết yếu như đi chợ hoặc khám bệnh, các công ty đều phải để nhân viên làm việc ở nhà,.... Lướt fb, xem show mãi cũng chán, chợt nghĩ tới công việc mình đang làm và con đường đưa mình đến với vị trí này không hề dễ đi tí nào, mình tranh thủ lưu lại vài dòng. 
Đầu tiên sẽ nói sơ qua về công việc của mình hiện tại. Mình đang thực tập tại vị trí quản lý dữ liệu lâm sàng (clinical data manager) của Sanofi, một trong mấy anh lớn ngành dược trên thế giới. Chắc cũng nhiều người đã ít nhiều nghe đến khái niệm Thử nghiệm lâm sàng nhất là trong thời gian gần đây, khi mà các thử nghiệm lâm sàng về thuốc điều trị COVID-19 đang được báo chí nhắc đến rất nhiều. Đơn giản chỉ là thử thuốc trên một số lượng người bệnh nhất định để đánh giá hiệu quả và an toàn của thuốc trước khi thuốc được phê duyệt và lưu hành trên thị trường. Mỗi thuốc có rất nhiều chỉ định và mỗi chỉ định để được FDA phê duyệt phải trải qua kha khá thử nghiệm lâm sàng. Có rất nhiều nhân tố tham gia vào một thử nghiệm lâm sàng trong đó bác sĩ và người bệnh là 2 đối tượng then chốt. Những số liệu về thử nghiệm sau khi được thu thập bởi các điều phối viên nghiên cứu sẽ được gửi về công ty tổ chức nghiên cứu. Nhưng làm sao để đảm bảo số liệu đó là chính xác và phản ánh đúng hiệu quả của thuốc thì sẽ cần một cơ số những người đứng sau màn hình máy tính làm việc nhịp nhàng với nhau. Từ giám đốc y khoa, data manager, giám sát viên, thống kê viên, lập trình viên dữ liệu, local-regional-global study manager.... đến những người phụ trách cung ứng (supply chain), phụ trách vendor. Theo mình tìm hiểu, một nghiên cứu lâm sàng tiêu tốn trung bình khoảng 19 triệu $. "The $19 million median figure represents less than one percent of the average total cost of developing a new drug, which in recent years has been estimated at between $2 to $3 billion."(Johns Hopkins Bloomberg School of Public Health) Để phát triển một thuốc cần sơ sơ 2-3 tỉ đô thôi :)
Mình cảm thấy khá may mắn khi được thực tập ở nhóm miễn dịch dị ứng nơi phụ trách những thử nghiệm về nhóm thuốc mà bây giờ hay được gọi là thuốc sinh học. Một thuốc trong nhóm  mình đang được SANOFI ưu tiên chạy thử nghiệm liên quan đến COVID-19. Hơi không may là mình không được tham gia nghiên cứu đó vì mình còn non choẹt à nhưng mà cũng thấy vui lây. Ngoài ra còn một nghiên cứu khác đánh giá hiệu quả của Plaquenil trên bệnh nhân COVID-19 cũng đang được khẩn cấp tiến hành, trong đó sếp trực tiếp của mình là global study manager. Oách phết nhỉ. Đến tầm này thì chắc các bạn cũng hiểu sơ sơ vai trò quan trọng của thử nghiêm lâm sàng rồi đúng không. Mà kể cả khi không có COVID-19 thì rất nhiều thử nghiệm lâm sàng vẫn đang được các tập đoàn dược tiến hành. Thế nên nhu cầu nhân lực của ngành này khá là cao. Thế thì câu hỏi đặt ra là ở đâu đang cần nhiều nhân lực trong ngành này và Việt Nam có công việc liên quan đến ngành này hay không?
Câu trả lời hơi buồn một tẹo là ở Việt Nam có đặt địa điểm nghiên cứu NHƯNG chỉ là đặt địa điểm mà thôi còn những bộ phận chịu trách nhiệm xử lý dữ liệu, bộ phận y khoa, thống kê, cung ứng,.. những bộ phận mà mình liệt kê ở đoạn trên thì chỉ đặt ở Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc (đối với Sanofi). Đặt địa điểm nghiên cứu nghĩa là nơi đó bác sĩ tham gia nghiên cứu sẽ chịu trách nghiệm tuyển đủ số lượng bệnh nhân cần thiết. Và vì ở VN chỉ đặt địa điểm nghiên cứu nên nhu cầu về nhân lực cho thử nghiệm lâm sàng ở VN chỉ yêu cầu 2 vị trí: 
1. điều phối viên (study coordinator, y tá hoặc bác sĩ có thể làm được): 6,5-8 triệu
2. giám sát viên (clinical research associate CRA): 700-1000$.
Và ở mỗi công ty dược nếu có bộ phận thử nghiệm lâm sàng ở VN thì sẽ cần một người giám sát tất cả CRA hay còn gọi là local lead study manager. Theo mình biết thì chỉ có mỗi hai bạn AstraZeneca và Novartis có bộ phận này ở VN thôi. Mà mỗi CRA có thể đảm nhiệm nhiều nghiên cứu một lúc, nhiều địa điểm nghiên cứu một lúc. Thế nên chắc các bạn cũng đoán được nhu cầu ở VN cho các vị trí trên "nhiều" như thế nào rồi đúng không, không những thế còn đòi hỏi có kinh nghiệm. Còn về nguồn cung: hàng năm có khoảng 550 sv Dược tốt nghiệp từ trường mình (ĐH Dược HN), còn ti tỉ các khoa Dược ở các trường khác (Y Thái Bình, Y Hải Phòng, khoa Y dược ĐH Quốc gia, Quân y, Y Huế, Y dược Cần Thơ, Y dược TPHCM,...). Kể hết chắc đến khuya mất. Thế nên đa phần dược sĩ đại học ở VN bước chân ra trường sẽ lao vào đời kiếm tiền bằng con đường Trình dược viên. Mình cũng không phải ngoại lệ. Mình cũng không biết bắt đầu từ khi nào, trình dược viên của hãng nước ngoài ở VN lại yêu cầu dược sĩ đại học, một số công ty còn yêu cầu GPA>7.0, à vâng trường dược kiếm điểm 7 dễ quá ha. Đối với mình lúc này, những kiến thức và kĩ năng học được trong trường như kiểu một trang nhật kí vậy. Viết ra rồi để đấy. Để lưu lại một hồi ức đẹp thời đại học chứ không hề, thật sự không hề dùng đến nữa. Dùng để nói chuyện với bác sĩ ư? /e lệ, cười mỉm/. Cũng không thể phủ nhận rằng, mức lương trình dược là một mơ ước đối với rất nhiều sinh viên mới ra trường và không quá áp lực như 2 vị trí TNLS mình kể trên. Lúc mình ra trường, T6/2016, tìm mỏi mắt cũng không thấy nổi công ty nào tuyển điều phối viên TNLS trong khi khá nhiều post tuyển trình dược. Mình đi làm trình khoảng 1 năm rưỡi, va vấp thật nhiều để rồi nghĩ lại con đường mình đang đi. Mình sẽ làm nó cả đời ư? Rồi 2 năm sau đủ vốn liếng rồi thì yêu ai đó, lấy chồng sinh con ư? Tất nhiên là không nhưng nếu không thì mình sẽ làm gì? Có chút vốn tiếng Pháp học từ nhỏ và tìm hiểu khá kĩ các chương trình master ở Pháp cũng như sinh hoạt, học phí, mình quyết định ra đi tìm đường cứu........................................................................................ đời mình :)
 Sau khi sang Pháp, học tập và làm việc trong công ty dược của Pháp, mình phải thừa nhận một hiện thực rõ ràng rằng: Ngành dược của Pháp đã đi trước VN một quãng đường rất dài. Như ngành học của mình, clinical data management, đã bắt đầu được giảng dạy cách đây hơn 20 năm. Nghĩa là Thử nghiệm lâm sàng đã xuất hiện ở Pháp từ những năm 80-90. Khi mà VN hồi ấy vẫn đang vật lộn với công cuộc đổi mới, với tetracyclin (ai còn nhớ hàm răng tetra hay đã quên) và penicilin. Tổng nhân sự trong bộ phận nghiên cứu lâm sàng của Sanofi ở châu Âu và Trung Quốc cộng lại bằng tổng nhân sự của Sanofi ở VN (phần lớn là bộ phận kinh doanh). Chắc bạn đã hình dung được cán cân cung cầu trong nhân lực RD ở các công ty dược ở VN rồi đúng không? Y tế VN có rất nhiều tiến bộ nhưng ngành dược VN trong con mắt mình hình như vẫn chưa xứng tầm với ngành y. Tuy vậy, mình luôn hi vọng một ngày mũi tên này sẽ quay chiều. 
Quay lại chủ đề chính, TNLS nói riêng và Nghiên cứu & Phát triển (RD) ngành dược nói chung nằm chủ yếu ở châu Âu, Mỹ và người hàng xóm TQ. Trong bài viết trước mình cũng đã giải thích sơ sơ tại sao TQ lại là địa điểm nghiên cứu yêu thích của các TNLS trên người châu Á rồi. Còn lý do tại sao bộ phận RD cũng đặt ở TQ thì thú thật mình.........cũng chưa rõ. Mình đoán vì các tập đoàn dược muốn hướng vào thị trường 1,4 tỉ dân của TQ, cộng với việc thuê nhân sự và mặt bằng bên này không mất nhiều chi phí như ở Nhật Bản hay Singapore. Nguồn nhân lực ở TQ dồi dào và cũng được đào tạo rất tốt. Các bạn đừng nhầm việc đặt địa điểm nghiên cứu với đặt trung tâm RD nha. Địa điểm nghiên cứu có thể đặt ở mọi nơi, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, châu Phi, Úc,... nhưng RD chỉ đặt ở một số nơi thôi. Thế nên ngoài học tiếng Anh ra, có thêm tiếng Pháp hay tiếng Trung cũng là một lợi thế khá lớn đấy mà biết cả 2 thì càng tốt. Hi vọng trong tương lai, mình có thể bay vèo một cái 2 tiếng về nhà ăn tết rồi ăn Trung Thu mà không cần xin nghỉ phép thì tốt biết mấy. Viết đến đây thấy nhớ HN những dịp Trung Thu quá :)
Tiếp theo, sinh viên Dược có thể tham gia vào vị trí nào trong một thử nghiệm lâm sàng? 
- Medical writer: Viết protocol, viết study report, newletter. Nói chung là tìm, đọc, tổng hợp, viết. Protocol trong nghiên cứu như bản vẽ công trình trong xây dựng ấy, làm gì cứ theo nó mà làm. Vi phạm nó thì phải lập biên bản :)
- Pharmacovigilance: ngành này không phải nằm trong TNLS nhưng 2 bạn này bổ trợ rất nhiều cho nhau. Bạn này tên là Cảnh giác dược, nơi lưu giữ hồ sơ an toàn của thuốc, của thử nghiệm, của quy trình.
- Biostatistics: thống kê sinh học, nếu bạn yêu thích thống kê vd SAS, SQL, R, STATA thì nên chọn học thêm master về ngành này vì internship nhiều lắm, không thiếu việc đâu. Thống kê không chỉ dùng trong TNLS mà còn các nghiên cứu post-market, real-world data nữa
-Clinical research/data coordinator: vị trí này thích hợp cho các sv mới ra trường nè, giúp bác sĩ thu thập số liệu, thực hiện các quy trình thăm khám trên BN, đặt lịch hẹn cho BN. Nhờ một thời gian làm nghề này mà mình được làm quen với protocol, với các hệ thống cơ sở dữ liệu trong TNLS và các tài liệu hồ sơ cần thiết của một thử nghiệm
-Clinical research associate: giám sát viên TNLS, đảm bảo dữ liệu thu thập trong database là chính xác, giám sát các quy trình trong TNLS, liên lạc với bác sĩ để đảm bảo tuyển bệnh đúng tiến độ.... Cao hơn của CRA là local lead study manager  rồi đến regional study manager, và trùm cuối là global study manager. 
- Regulatory affair: đăng kí cấp phép thử nghiệm, rồi nộp hồ sơ thử nghiệm, tất tần tật liên quan đến submit và approval.
- Và cuối cùng là clinical data manager: nếu protocol là cái rễ thì data như quả của cây vậy. Để quả chín mọng, thơm, đẹp, không sâu mọt thì data manager như người trồng cây vậy á, đầu tiên set up một cái giàn thật cứng cáp để cây leo lên (hệ thống database). Định kì kiểm tra giám sát xem cây phát triển như thế nào (regular data validation, data review). Khi quả bắt đầu chín thì thu hoạch nhẹ nhàng, cẩn thận từng quả một (database prelock, lock). Rồi những quả này sẽ đi được gửi đến bộ phận kiểm dịch (FDA, EMA) nếu đạt yêu cầu sẽ cho xuất xưởng và đến tay người tiêu dùng (bệnh nhân).
Và những công việc mình kể trên chỉ liên quan đến TNLS thôi nha. Ngành dược còn rất nhiều ví trị khác nữa như marketing dược, quality control,... Còn một nghề rất quan trọng, chính là Dược sĩ, tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân và bác sĩ. Chỉ là cơ hội ở VN không nhiều mà thôi. Thực ra là rất cần nhưng thực sự những dược sĩ đứng nhà thuốc ở VN được bao nhiêu phần trăm là dược sĩ thực chất? Tại sao lại có hiện tượng cho thuê bằng mở nhà thuốc và người đứng tên bằng thì đang loanh quanh đi làm công việc khác? Có thể các bạn sẽ có câu trả lời cho riêng mình. Còn mình, mình lại hi vọng vậy, hi vọng rằng mỗi người dân bước vào nhà thuốc sẽ được tư vấn thuốc một cách hợp lý như cách những anh chị dược sĩ người Việt đang sinh sống ở Mỹ, Canada mà mình theo dõi trên mạng đang làm, hi vọng rằng trên mỗi đơn thuốc của bệnh nhân, dược sĩ và bác sĩ sẽ cùng thảo luận và lắng nghe ý kiến của nhau để bệnh nhân là người được hưởng lợi nhiều nhất. Thực ra mình chưa có ngày nào là một dược sĩ thực thụ từ khi bước chân ra khỏi trường, mình chỉ thỉnh thoảng tư vấn cho người nhà hoặc bạn bè mình, đôi lúc mình đã là người bệnh và được bác sĩ kê đơn. Và tất cả những lần mình đi khám đó, không lần nào mình mua hết số thuốc được kê. Chắc bạn hiểu lí do vì sao rồi đấy.