Em thân,
Sáng dậy chị bật podcast "VnExpress Hôm nay" nghe như mọi ngày. Tập lần này nói về những đứa trẻ gặp áp lực làm "con ngoan trò giỏi" đến mức bị trầm cảm. Và em là một trong những nhân vật được phỏng vấn.
Chị không biết em là ai. Chị chỉ nghe câu chuyện rất ngắn của em qua phỏng vấn mà thấy thương em quá chừng và phải ngồi xuống viết vài lời gửi em.
Em nói em thi trượt trường cấp 3 chuyên mà bố mẹ mong ước. Em kể rằng ngay từ lớp 6 bố mẹ đã la mắng và bắt em tập trung ôn đến khi vào được trường cấp 3 đó thì thôi. Vậy mà em đã trượt, khiến bố mẹ em vô cùng thất vọng và tức giận.
Nghe đến đó chị phần nào mường tượng được những áp lực khủng khiếp em phải chịu đựng trong nhiều năm. Bản thân chị cũng từng phải thi bằng được vào trường chuyên vì mẹ chị công tác ở đó và tất cả con cái đồng nghiệp của mẹ chị đều học ở đó. Việc thi vào trường chuyên nghiễm nhiên được coi là mục tiêu cuộc đời chị, và chị không có quyền ý kiến.
Cả em và chị, chúng ta đều bị đánh giá là thành công hay thất bại dựa trên tiêu chí có đỗ được vào trường cấp 3 mà bố mẹ mong muốn hay không. Nhưng có lẽ chị may mắn hơn em, vì chị thi đỗ và thậm chí là đỗ thủ khoa.
Chị nói ra điều này không phải để em cảm thấy tệ hại về bản thân. Em ạ, chị muốn nói với em rằng: Cho dù em có đỗ, có là thủ khoa của ngôi trường bố mẹ em mong muốn đi nữa thì vẫn không đủ với họ đâu em.
Lúc em đỗ, có thể họ rất vui và tự hào. Họ sẽ đi khoe khắp nơi rằng con tôi đã đỗ trường đó rồi. Nhưng chị e rằng họ vui cho em, vì em sẽ được học trong một môi trường tốt và có một tương lai sáng lạn thì ít, còn họ vui cho chính mình thì nhiều.
Họ sẽ thấy thành tích của em chính là thành tích của họ. Rằng họ là một cha mẹ tốt, một cha mẹ giỏi, biết nuôi dạy con đúng cách - tức là họ thành công trong cuộc sống này - và quan trọng là thành công hơn những người khác.
Họ sẽ có cái cớ để vênh mặt lên với hàng xóm, với người xung quanh. Họ cần cảm giác đó, họ cần em thành công để họ cũng thành công. Nếu không có em và thành công của em, họ chẳng có cái gì khác.
Em phải trở thành một tấm huy chương cho họ treo lên trong nhà và khoe khoang với xã hội. Họ muốn cho người khác thấy rằng "Tôi không phải 1 thất bại - hãy nhìn con tôi đi."
Thật khổ cho em và những đứa trẻ như em khi được sinh ra bởi những bậc cha mẹ như vậy - những bậc cha mẹ chẳng có mấy thành tựu cuộc đời chính mình nên phải vay mượn thành tựu của con cái mà sống.
Và một thành tựu như thi đỗ cấp 3 chuyên là không đủ, họ sẽ cần em liên tục có những thành tựu khác như tìm được việc tốt lương cao, có tiền, có quyền, có nhà, có xe, có gia đình đầy đủ.
Nói tóm lại cuộc đời em phải hoàn hảo, phải thật hoàn hảo - như vậy mới chứng minh được bố mẹ em cũng hoàn hảo. Họ cần em làm vậy, cho họ và vì họ.
Cũng chính vì lẽ đó, khi em thi trượt và không cho bố mẹ em điều họ muốn, họ thất vọng cùng cực. Thất bại của em cũng là thất bại của họ. Em thi trượt không phải là tổn thất của mình em. Em làm bố mẹ mất mặt, khiến họ không thể ngẩng đầu lên nhìn ai khác.
Giống như một sản phẩm được nhào nặn kỳ công nhưng ra lò lại hỏng, em là một "sản phẩm hỏng" trong mắt bố mẹ em. Vì vậy họ cảm thấy mình đã phí công phí sức và trở nên tức giân.
Em kể bố đã dùng một thanh tre to bằng cổ tay ĐẬP THẲNG vào đầu em khi ông không hài lòng với kết quả của em, và chỗ bị đánh sưng vù lên tới 2-3 ngày liền. Nghe đến đó là chị bật khóc.
Chị xót em biết mấy!
Em kể tiếp, bố mắng chửi em bằng những từ chỉ động vật và SÚC VẬT. Khi em nói đến hai chữ "súc vật" có thể nghe thấy giọng em khẽ run lên.
Chị ước mình có thể ôm em và che tai em lại.
Em không xứng đáng phải nghe những lời ấy. Đó là những lời dối trá và độc địa của một tâm hồn xấu xa đang mất lý trí khi không đạt được cái nó muốn. Không ai có quyền đánh em và nhục mạ em là súc vật chỉ vì em không cho ông ta thứ ông ta muốn, kể cả khi người đó đã sinh ra em.
Đó là sự lạm quyền, đó là sự bạo hành. Đó là lỗi của ông ta, không phải là lỗi của em. Nếu sinh ra ở một đất nước văn minh hơn, em có thể đã có quyền kiện bố em ra toà vì xâm phạm đến thân thể và danh dự của em.
Chị cũng mong em sẽ không nghĩ rằng tất cả mọi chuyện là lỗi của mình, do mình không đủ tốt và không đủ giỏi, không đáp ứng được nhu cầu của họ nên mình xứng đáng bị như vậy. Cũng đừng nghĩ rằng mình vô giá trị và đáng chết chỉ vì 1 lần thất bại như vậy.
Làm ơn đừng tin những gì họ nói!
Rồi em nói em thấy mình ngày càng ích kỷ. Trước đây em không so sánh mình với các bạn nhưng bây giờ em thường ghen tỵ với bạn bè giỏi hơn. Em bảo lẽ ra em phải thấy tự hào khi có bạn là hotgirl vừa xinh vừa học giỏi nhất trường, nhưng em lại chọn xa lánh bạn.
Qua chia sẻ của em, chị nhận ra em là một cô bé rất hiểu chuyện. Em biết mình đang thay đổi theo chiều hướng xấu vì những ảnh hưởng của bố mẹ, và em không muốn vậy. Điều đó cho thấy em có một trái tim đẹp mong muốn yêu thương người xung quanh thay vì ganh ghét họ.
Chị không quảng đại được như vậy, chị cũng trải qua áp lực như em nhưng chị thường ghen tỵ và xa lánh những bạn đồng trang lứa có cuộc đời tốt đẹp hơn chị. Thậm chí chị dừng follow tất cả họ trên mạng xã hội để khỏi phải ganh tỵ.
Với chị, em thực sự đáng ngưỡng mộ. Vì vậy, chị càng thấy bất công khi một đứa trẻ hiểu chuyện như em lại bị đánh đập tàn nhẫn và gọi là "súc vật" bởi chính bố mẹ của mình. Em không bao giờ xứng đáng với lời miệt thị đó, em đáng được khen ngợi và yêu thương hơn như thế.
Cuối phần phỏng vấn, em kể rằng em tự thấy bản thân quá thay đổi và có vấn đề nên lên mạng tìm hiểu thì người ta nói em bị trầm cảm. Thế là em biết mình bị trầm cảm.
Em, giống như bao nhiêu đứa trẻ khác, đang phải tự mày mò, tự chẩn đoán, thậm chí tự điều trị, tự chữa lành cho những tổn thương tâm lý khủng khiếp được gây ra bởi sai lầm của người lớn.
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet
Chị có người anh làm bác sĩ tâm lý. Anh chị kể có rất nhiều đứa trẻ 14 - 15 tuổi tự tìm hiểu về bệnh trầm cảm của mình rồi tìm đến anh. Có đứa nói "Chú ơi, cháu tiết kiệm tiền ăn sáng mấy tháng góp được 200 nghìn. Chú khám cho cháu với chú nhé!"
Chúng phải làm vậy vì cha mẹ chúng không hiểu, hoặc từ chối hiểu rằng con mình đang gặp vấn đề tâm lý nặng nề. Họ sợ phải công nhận rằng con mình không ổn, sợ người khác cho rằng con mình bị "điên." Rốt cục họ vẫn vì sĩ diện của chính mình mà buông bỏ con mình, gây cho nó đau khổ rồi để nó giãy giụa trong hố đen trầm cảm và tự cứu lấy chính mình.
Nếu đứa nào may mắn thì sẽ được chữa lành, được điều trị đúng cách và khá lên. Nhưng cũng không ít đứa trẻ sẽ gục ngã và nhảy lầu - như câu chuyện cậu bé 16 tuổi lao đầu xuống từ ban công trước mặt bố kia.
Anh chị cũng nói "Nếu một đứa bé bị trầm cảm đến gặp bác sĩ mà trên tay nó có nhiều vết cắt vì tự hại, anh cảm thấy đó là may mắn. Điều đó có nghĩa đứa trẻ vẫn tìm 1 cách giải toả cảm xúc, tìm cách thể hiện nỗi đau bên trong bằng các vết cắt bên ngoài, tức là đứa trẻ còn có cơ hội để cứu sống. Ngày đứa trẻ đó ngừng cắt tay, ngừng tự hại rất có thể là ngày nó chết!"
Chị đã rùng mình khi nghe những lời đó. Một thế giới tốt đẹp không phải một thế giới mà con người ta tự hại và cắt tay còn là "may mắn". Những đứa trẻ xứng đáng được chăm sóc và yêu thương đúng cách để chúng không phải lựa chọn hoặc là cắt tay hoặc là chết, vì những nỗi đau bên trong quá lớn, quá sức chịu đựng.
Chị cầu trời rằng em dù đang ở đâu cũng có thể tiếp tục bám trụ và được chữa lành, đừng có chuyện gì xấu xảy ra với em vì em thực sự là một thiên thần và xứng đáng được tận hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn. 
Chị cầu trời rằng em dù ở đâu cũng tìm được bình an cho riêng mình. Chị mong rằng em hay các bạn nhỏ hơn em về sau sẽ ngày càng bớt bài chịu những tổn thương tâm lý và thể chất như vậy. Câu chuyện của em thực sự rất cảm động nhưng hi vọng nó sẽ là động lực không chỉ cho riêng chị, mà còn rất nhiều những người khác nữa để hiểu hơn cho những đứa trẻ "con ngoan trò giỏi" và làm những việc có ý nghĩa để thay đổi thực trạng này.
Cảm ơn em đã chia sẻ câu chuyện của mình và mong em tìm được bình an dù ở bất cứ đâu.
P/s: Tôi viết bức thư này trong một tâm trạng khá bức xúc và đau đớn khi vô tình nghe câu chuyện của một em học sinh lớp 10 trên podcast của VnExpress. Tôi biết mình có thể hiện thái độ rất tiêu cực về một số cha mẹ trong bài viết này. Tôi hiểu nhiều cha mẹ ngoài kia rất yêu thương và dạy con đúng cách, nhưng trong bài tôi chỉ nói về những cha mẹ đang đặt áp lực vô lý lên con và đánh đập nhục mạ con khi không theo ý mình. Và tôi xin giữ một thái độ kiên quyết và gay gắt lên án, không chấp nhận kiểu ứng xử như của người bố trong câu chuyện. Nó phải dừng lại và được ngăn chặn ngay lập tức để bảo vệ những đứa trẻ này. 
Xin cảm ơn các bạn ~