Thư Daniel Hémery gửi Noam Chomsky về vụ thanh trừng Đệ Tứ Việt Nam
Dưới đây là bức thư do Daniel Hémery, giáo sư tại Đại học Paris VII, cũng là người đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, gửi cho nhà ngôn...
Bài mình dịch từ tờ Critique Communiste số 18-19.
Dưới đây là bức thư do Daniel Hémery, giáo sư tại Đại học Paris VII, gửi cho nhà ngôn ngữ học người Mỹ Noam Chomsky, cũng là một nhà trí thức rất tích cực chống lại sự can thiệp của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Sau thắng lợi của các cuộc cách mạng phản đế ở các nước Đông Dương vào thập niên 70, một chiến dịch chống cộng đã nổ ra ở Mỹ, người ta bắt đầu nhắc lại các sự kiện lịch sử trước đây như các vụ ám sát những người cộng sản theo khuynh hướng Trotskyist, hay Đệ Tứ Quốc Tế, do các thành viên của Đảng Cộng sản Đông Dương gây ra vào khoảng năm 1945. Trước những thông tin này, Chomsky được giới thiệu đến Daniel Hémery để hỏi những gì nhà sử học này biết về giai đoạn bi thảm đó của cách mạng Việt Nam. Đây là lời hồi đáp của Daniel Hémery.
Với chúng ta lúc này, việc mở lại hồ sơ cũ cũng như phục hồi lại ký ức của những chiến sĩ đã hy sinh cuộc đời mình cho cuộc chiến chống thực dân là rất quan trọng. Đó là lý do vì sao ban biên tập đăng lại lá thư này cho độc giả của Critique Communiste. Daniel Héremy là một chuyên gia về phong trào cộng sản ở Đông Dương, ông đã góp phần lớn vào việc giúp cho công chúng quốc tế biết về hoạt động của những người Việt theo chủ nghĩa Trotskyist giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến trong bài báo về “Phong trào xã hội” xuất bản vào khoảng tháng 1 – tháng 3 năm 1975, nhan đề “Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác: Người Việt nhập cư vào Pháp từ 1926 đến 1930”, cũng như trong tác phẩm do Maspero xuất bản: “Những nhà cách mạng Việt Nam và quyền lực thuộc địa ở Đông Dương”. Hémery đã cho phép chúng tôi đăng bức thư của ông sau khi chỉnh sửa lại một chút, và chúng tôi cũng đã cảm ơn ông ấy.
Ngày 5 tháng 5 (năm 1978),
Gửi ông Chomsky,
Bức thư của tôi sẽ làm ông rất thất vọng. Ở Pháp, không có nhiều thông tin nghiêm túc hơn ở Mỹ về chủ đề mà ông quan tâm. Chiến dịch chống cộng đang diễn ra trên đất nước ông không làm tôi ngạc nhiên; nó xuất hiện vào lúc này là để “biện minh” cho hành động xâm lược của Mỹ cũng như góp phần làm chậm việc thực hiện lời hứa của Washington với Việt Nam ở Paris năm 1973. Điều đáng ngạc nhiên là đến lúc này, những cáo buộc chống lại Việt Minh mới được nâng cao và tường tận đến như vậy (một số cái tên ông nhắc đến trong thư – Lương Đức Thiệp, Nguyễn Tế Mỹ, Nguyễn Văn Tiến, Lê Ngọc, Nguyễn Văn Dy – đều không được công chúng biết đến). Tại sao trước đây, những chi tiết này không được sử dụng để chống lại Bắc Việt? Có phải vì chỉ đến bây giờ họ mới biết về những nguyên ủy của tinh thần chống cộng ở Việt Nam?
Hãy cùng bàn về trường hợp những người Trotskyist. Theo hiểu biết của tôi, không ai có thể có những thông tin chắc chắn và thỏa đáng về việc họ bị xóa sổ vào năm 1945 như thế nào. Bên cạnh đó, lịch sử của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 là hoàn toàn được nhìn nhận từ góc độ khoa học, thậm chí từ góc độ tập hợp dữ kiện đơn thuần. Nghiên cứu của riêng tôi chỉ xoay quanh giai đoạn 1925-1938. Ở Pháp có những tài liệu lưu trữ rất quan trọng trong giai đoạn 1938-1946, đặc biệt là hàng trăm hòm thư của Cao ủy Pháp tại Đông Dương, chứa các báo cáo bí mật về các đảng phái và lực lượng chính trị Việt Nam, bao gồm cả những người theo chủ nghĩa Trotskyist; những kho lưu trữ này ở Aix-en-Provence, nhưng chúng bị nghiêm cấm công khai. Tôi không nghĩ người Mỹ có thể tiếp cận được những tài liệu này, có thể vào thời còn ở Việt Nam, họ đã xem những tài liệu lưu trữ ở Việt Nam. Theo tôi, mọi thứ hẳn phải đến từ Milton Sachs; thông tin trong cuốn sách có bài tường thuật của ông ta là lấy từ nhà báo Hồ Hữu Tường, người đã từ bỏ chủ nghĩa Trotskyist vào khoảng năm 1940-41, mặc dù trước đó ông hoạt động rất tích cực và có liên hệ với Tạ Thu Thâu; sau đó ông làm cố vấn cho Bình Xuyên, nên bị Ngô Đình Diệm bỏ tù ở Côn Đảo, chỉ được thả vào năm 1963, sau khi Diệm bị lật đổ. Ra tù, ông làm giáo sư xã hội học tại Viện Đại học Vạn Hạnh và được bầu làm dân biểu trong Hạ Viện Việt Nam Cộng Hòa. Chính tôi đã từng phỏng vấn ông ấy vào năm 1968-1969 trong thời gian ông ấy ở Pháp. Ông cũng đã xuất bản cuốn hồi ký của mình về ba năm ở Saigon (nhưng tôi không thể tìm thấy cuốn sách này ở Pháp; tôi nghĩ nó có tên đại khái là "Năm mươi năm làm báo").
Hồ Hữu Tường ở lại Sài Gòn sau khi Thiệu sụp đổ. Khi tôi hỏi Hồ Hữu Tường về cái chết của những cựu đồng chí Đệ Tứ, ông đều không cho tôi thông tin gì nhiều hơn những gì mà Sachs đã tường thuật trong tác phẩm của Frank N. Trager (Chủ nghĩa Mác ở Đông Nam Á).
Nguồn tin khác của tôi là một cựu chiến binh Trotskyist Việt Nam những năm 1936-1946, người mà sau nhiều lần bị Pháp bắt giam, đã sang lánh nạn ở Paris. Anh ấy nói với tôi rất chi tiết những gì anh ấy biết, nhưng nó không chính xác lắm; hơn nữa, anh ấy muốn được giấu tên. Nếu ông Chomsky có đến Pháp, tôi có thể giới thiệu ông với anh ấy. Về cơ bản, những gì anh ấy nói với tôi đều tương thích với những gì Hồ Hữu Tường chia sẻ, mặc dù anh ấy không có nhiều điều để nói về Hồ Hữu Tường. Tôi cũng đã thảo luận vấn đề này với những người bạn của mình là Georges Boudarel và Pierre Brocheux, những chuyên gia nổi tiếng về lịch sử Việt Nam, cũng như với những người bạn cộng sản của Việt Nam ở Paris. Pierre Brocheux khẳng định với tôi rằng việc hành quyết những người Trotskyist không phải do các nhà lãnh đạo cộng sản thời đó cố ý muốn.
Chúng ta có thể nói gì bây giờ? Tôi tin rằng chúng ta phải phân biệt rõ giữa vấn đề về sự thật và vấn đề về trách nhiệm.
Sự thật
Không hề nghi ngờ gì. Chính Việt Minh đã sát hại các lãnh tụ Đệ Tứ ở miền Nam (ở miền Bắc, khuynh hướng Trotskyist dường như không được coi trọng lắm):
– Tạ Thu Thâu không chết trong nhà tù của Pháp, mặc dù ông đã bị Pháp giam sáu năm. Ông bị Việt Minh giết tại Quảng Ngãi khi đang từ Hà Nội trở về Sài Gòn, có lẽ là vào cuối tháng 8 năm 1945. Theo tôi được biết, vợ và con gái của ông sống ở Đà Lạt.
– Hầu hết tất cả các lãnh tụ Trotskyist khác đều bị hành quyết ở Sài Gòn hoặc nơi nào đó thuộc miền Nam. Đó là trường hợp của Trần Văn Thạch, Nguyễn Văn Sổ và Phan Văn Hùm. Năm 1945, dường như có hai nhóm Trotskyist ở miền Nam, một nhóm chống Pháp và ủng hộ Việt Minh (Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm), còn nhóm kia chống Việt Minh lẫn chống Pháp (Lư Sanh Hạnh, Đào Hưng Long). Những người Trotskyist có ảnh hưởng, nhưng có thể họ chỉ đóng vai trò cố vấn chính trị cho nhóm phật giáo Hòa Hảo, vốn rất có ảnh hưởng trong giới nông dân vùng Tây Nam Bộ. Nhưng, tôi xin nhắc lại, toàn bộ lịch sử của cuộc cách mạng vẫn chưa được viết.
– Tương tự, những người theo chủ nghĩa quốc gia cũng bị hành quyết ở miền Nam, như lãnh tụ của Hòa Hảo là Huỳnh Phú Sổ (xem Ph. Devillers, Histoire du Vietnam, tr. 392), các chính trị gia thân Pháp như Bùi Quang Chiêu, hoặc phần nào được được người Nhật hậu thuẫn như Hồ Văn Ngà.
Những tội ác này do đó là sự thật. Tôi không hiểu tại sao chúng ta phải giấu chúng đi. Về phần mình, tôi đã cố gắng ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của người Việt hết sức có thể, nhưng tôi cho rằng chúng ta không nhất thiết phải ủng hộ một cách “vô điều kiện” với chính phủ Việt Nam. Ở miền Bắc, chắc chắn đã có những sự kiện kiểu này vào năm 1945, nhưng cần lưu ý rằng không giống như miền Nam, không có lãnh tụ cách mạng theo khuynh hướng quốc gia nào, kể cả Ngô Đình Diệm, bị hành quyết năm 1945 (?); trái lại, Hồ Chí Minh đưa những người quốc gia vào chính phủ của mình, trong số đó có những người kịch liệt chống cộng; chính sách của ông Hồ không phải là tiêu diệt người quốc gia, mà với tôi, dường như là tập hợp họ lại, chỉ để tránh phải chiến đấu trên nhiều mặt trận khác nhau. Cũng có thể là nếu các cuộc hành quyết diễn ra ở miền Bắc, thì những người theo chủ nghĩa quốc gia thuộc Việt Nam Quốc dân Đảng, những người được quân Tưởng Giới Thạch yểm trợ, phải gánh chịu, ít nhất là một phần lớn trách nhiệm; Họ đã có tiếng là theo khuynh hướng khủng bố, kể cả với các quan chức Pháp lúc bấy giờ (xem cuốn sách của Ph. Devillers).
Nhưng không thể nói rằng những người Trotskyist ở miền Nam đã khủng bố chống lại những người cộng sản. Tôi tin điều đó là chắc chắn.
Nói cách khác, phải nhìn nhận rằng các chi tiết của sự thật còn chưa được sáng tỏ. Lúc này, không ai có thể (trừ khi chúng ta cung cấp được bằng chứng cho những gì mình nói):
– nói chính xác ngày bị hành quyết của những người Trotskyist. Thâu có thể bị giết vào tháng 8, những người khác thì chúng ta không biết, có thể vào tháng 9, tháng 10, không rõ. Tôi biết rõ con trai của Phan Văn Hùm, đó là một giáo sư ngành khoáng vật của l’Escoles des Mines. Anh nói với tôi rằng anh không biết cha mình bị giết lúc nào, cũng chẳng biết mộ phần ở đâu.
– nói chính xác có bao nhiêu người Trotskyist bị giết.
– xác định nơi họ bị bắn; chẳng hạn D. Guérin khẳng định rằng Tạ Thu Thâu bị xử tử tại Hà Nội (theo Au service des colonisés), trong khi theo tất cả các tài liệu khác, ông ta bị xử tử ở Quảng Ngãi.
– chỉ ra tên của những cán bộ Việt Minh đã ra lệnh trong những vụ hành quyết này. Một số người, như Philippe Devillers, nghĩ rằng những trách nhiệm thuộc về Nguyễn Bình, chỉ huy trưởng của quân đội Việt Minh ở miền Nam lúc bấy giờ và là cựu thành viên của Việt Nam Quốc dân Đảng; những người khác buộc tội các lãnh tụ cộng sản Đệ Tam ở miền Nam như Trần Văn Giàu (mà chúng tôi hy vọng có dịp mời sang Pháp) hoặc Dương Bạch Mai, hoặc thậm chí Hồ Chí Minh, nhưng họ lại không đưa ra được bằng chứng nào. Không có bằng chứng nào tồn tại, cũng như không có lời chứng nào đủ chi tiết. Không thể chỉ vì lý do lên án tội án mà lại đi buộc tội ai đó khi không đủ bằng chứng.
Trách nhiệm chính trị
Nhưng chắc chắn người cộng sản Việt Nam phải có trách nhiệm với cái chết của những đồng chí Đệ Tứ. Nhưng trách nhiệm đến đâu? Trước hết, cần nói rõ là những vụ hành quyết kiểu này rất giống với đường lối của Stalin trong việc loại trừ các phe đối lập, giống với các phiên tòa ở Moscow, vốn đã gây vang động ở Việt Nam khoảng 1937-1938. Những người cộng sản quốc tế có trách nhiệm trong những trường hợp đó. Và trên hết, bất cứ ai từng theo khuynh hướng Stalinist (như trường hợp của chính tôi) đều không thể xem bản thân vô tội. Bên cạnh đó, có những người cộng sản Việt Nam nào có trách nhiệm ở đây? Vì Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều khuynh hướng hay nhiều trào lưu: có những người thiên về Stalinism, nhưng cũng có những người khác, như Hồ Chí Minh, thiên về tinh thần dân tộc và lòng yêu nước.
– Điểm đầu tiên: không có gì để nói chắc rằng lệnh hành quyết đến từ Hà Nội, như Sachs và những người bạn của ông ta đã lập lờ, bóng gió một cách đạo đức giả. Trong tình trạng vô tổ chức chung ở Việt Nam vào năm 1945, giữa cuộc nổi dậy chống Pháp và chống Nhật, thông tin liên lạc có lẽ không hề dễ dàng. Những người tố cáo có chịu khó xác minh các chi tiết này không, vốn rất quan trọng nếu chúng ta nghĩ rằng thực sự có lệnh hành quyết truyền đi từ trung ương. Không phải là không có khả năng chính những chi bộ Việt Minh ở địa phương đã tự ý làm chuyện đó. Nên không thể loại trừ giả thuyết này.
– Giả thuyết cá nhân của tôi như sau: chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Hồ Chí Minh, nơi được vận hành bởi một đường lối chính trị độc lập với Moscow, không việc gì phải bận tâm đến việc thanh lý người Trotskyists, trừ khi họ muốn nhân thêm số lượng kẻ thù của mình vào thời điểm phải đối mặt với cả quân Tưởng lẫn quân Pháp. Chấp nhận những người theo chủ nghĩa quốc gia của Việt Nam Quốc dân Đảng trong chính quyền ở miền Bắc và tàn sát những người theo chủ nghĩa Trotskyist ở miền Nam với tôi dường như là hai hành vi không ăn khớp với nhau. Ít nhất là có vấn đề ở đó. Tôi nghĩ chúng ta không thể loại trừ khả năng việc thanh lý này là trái với đường lối chính trị của Hồ Chí Minh. Phải thừa nhận rằng tôi không thể chứng minh điều đó, nhưng chí ít nó là một giả thuyết cần được kiểm chứng. Hơn nữa, không phải là không có khả năng ở miền Nam, trong nội bộ nhóm Đệ Tam, có một khuynh hướng bè phái hơn, thiên về Stalinism hơn, trong khuôn khổ các cuộc xung đột tranh giành quyền lực vào mùa hè năm 45, đã thúc đẩy sự thủ tiêu các đối thủ chính trị. Giả thuyết cuối cùng – theo ý kiến của tôi thì ít đáng tin hơn, nhưng cũng có thể xảy ra – là chính những người theo chủ nghĩa Trotskyist đã hy sinh để không làm hỏng những cơ hội hòa giải ít ỏi với người Pháp.
Nhưng trong mọi trường hợp, Hồ Chí Minh đã không bày tỏ sự hối tiếc của mình. Đó là những gì Paniel Guérin kể lại trong Au service des colonisés (1930-1953), Paris, 1954, tr. 22.
Cuối cùng, tôi cho rằng dù có thái quá, có sai sót và có những mặt mang tính khủng bố, cách mạng Việt Nam không thể bị giản lược thành một chiến dịch khủng bố đơn thuần. Chắc chắn điều này cũng không xóa được nỗi đau khổ của những người đã chết và những người chịu đựng một kết cục oan uổng. Họ không chỉ bị thanh trừng về mặt thể xác, mà ký ức của họ cũng bị vu khống hoặc bị che giấu một cách có hệ thống trong các tác phẩm xuất bản ở Hà Nội, giống như thể họ đã bị giết hai lần. Nhưng liệu Cách mạng Anh có bị nhìn nhận một cách đơn giản như là những cuộc khủng bố của Roundheads? Và Cách mạng Pháp như là những vụ thảm sát tháng 9? Hay chủ nghĩa Jacobinism như là máy chém? Có sử gia hoặc nhà báo nào có thẩm quyền lại đi nói vậy đâu? Chúng ta không giấu đi những mặt tối. Những vụ hành quyết này cũng mang lại cái giá đắt, đó là chúng đã cung cấp sức mạnh cho hàng ngũ chống cộng và chủ nghĩa đế quốc. Đây là lý do tại sao cần phải xem xét một cách cẩn trọng trách nhiệm thuộc về ai. Theo tôi, những hành vi này đã đi ngược lại lợi ích của cách mạng Việt Nam. Hơn nữa, như Hồ Hữu Tường và những người khác đã nói với tôi, ở Việt Nam, những người Trotskyist đã từng phục vụ trong hàng ngũ của Việt Minh. Chủ tịch của Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, thành lập năm 1968 thời điểm sau vụ Tết Mậu Thân, là luật sư Trịnh Đình Thảo, luật sư trước đây của Tạ Thu Thâu. Năm ngoái, trong một buổi lễ ở Côn Đảo, Lê Duẩn đã tưởng niệm các tù nhân cộng sản, quốc gia và Trotskyist đã chết hoặc bị giam ở đó (đây là điều mà một số bạn bè người Việt đã nói tôi nghe). Tuần trước, nhà báo Patrice De Beer đã tường thuật trên Le Monde một giai thoại tương tự (xem Le Monde ngày 26 tháng 4): tại Sài Gòn, đảng cộng sản Việt Nam đã gửi quà cho góa phụ của một chiến sĩ Trotskyist từng bị Pháp hành quyết.
Tái bút. Tạp chí Hòa Đồng xuất hiện tại Sài Gòn những năm 1965-1966 đã đăng loạt bài tiểu sử về Tạ Thu Thâu do Hồ Hữu Tường hoặc bạn bè của ông viết. Tạp chí này hẳn có trong Thư viện Đại học Cornell. Các bài báo này xuất hiện trên các số từ 44 đến 52 của Hòa Đồng, các năm 1965 và 1966.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất