Đầu tiên phải nói đến cuốn Nhà cách mạng Tạ Thu Thâu 1906 - 1945 của bà Phương Lan - Bùi Thế Mỹ, tức vợ của nhà báo Bùi Thế Mỹ và từng là ký giả của tờ Phụ nữ Tân văn. Cuốn này được phát hành ngày 5-1-1974 tại Saigon. Có thể chọn cuốn này làm bước đầu tiên để khảo cứu về hành trạng Tạ Thu Thâu. Ngoài ra, trong cuốn Thân thế và sự nghiệp nhà cách mạng Nguyễn An Ninh của bà Phương Lan được in trước đó vài năm, cũng có các chi tiết về Tạ Thu Thâu. 
Ngoài bà Phương Lan ra, những người cùng thời với Tạ Thu Thâu từng viết về Tạ Thu Thâu trong hồi ký có thể kể đến:
Trần Văn Giàu, người được cho là chịu trách nhiệm cho cái chết của Tạ Thu Thâu, cũng có đề cập đến Tạ Thu Thâu trong cuốn hồi ký chính trị được xuất bản sau khi ông mất. Tuy nhiên, trong này, không nói nhiều về mối quan hệ giữa Thâu và ông, cũng không nói gì về cái chết của Tạ Thu Thâu.
Nguyễn Kỳ Nam, tức nhà báo Nam Đình, có xuất bản Hồi ký 1925-1964, gồm 3 tập. Hiện trên mạng khá dễ tìm tập thứ nhì, trong đó có nhiều thông tin về Tạ Thu Thâu và các đồng chí Đệ Tứ của ông.
Nguyễn Văn Trấn, tức Bảy Trấn,  trong hồi ký Viết cho mẹ và quốc hội cũng có nhiều chi tiết về Tạ Thu Thâu. Có nguồn tài liệu cho rằng ông là một trong những người trực tiếp ám sát Tạ Thu Thâu.
Hồ Hữu Tường vốn là một nhà báo, nhà hoạt động cách mạng có tiếng tăm cả trong nước lẫn quốc tế, đã từng đồng hành với Tạ Thu Thâu trên nhiều chặng đường. Hồ Hữu Tường từng viết về Tạ Thu Thâu trong loạt bài đăng trên báo Hòa Đồng do ông làm chủ bút (có thể tìm thấy ảnh chụp trên nhilinhblog). Ông cũng viết về Tạ Thu Thâu trong hồi ký 41 năm làm báo.
Vương Hồng Sển có hồi ký Hơn nửa đời hư, do nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ấn hành năm 1992. Chương 7 của cuốn này được Vương Hồng Sển dành để viết về những kỷ niệm của ông trong quãng thời gian 1923-1927 với các các đồng chí của Tạ Thu Thâu như Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Hồ Văn Ngà, Trần Văn Thạch.
Có một cuốn viết riêng về Trần Văn Thạch, một trong những người cùng làm báo La Lutte với Tạ Thu Thâu, là cuốn Trần Văn Thạch (1905 - 1945), cây bút chống bạo quyền và áp bức do Trần Mỹ Châu và Phan Thị Trọng Tuyển biên soạn. Trong đó cũng có nhiều thông tin chi tiết về Tạ Thu Thâu.
Hoàng Hoa Khôi là một nhân vật thuộc Đệ Tứ, là người từng chất vấn Hồ Chí Minh tại Paris về cái chết của Tạ Thu Thâu (được Cao Văn Luận và Daniel Guérin xác nhận). Ông đã viết Hồ sơ Đệ Tứ Quốc tế Việt Nam (gồm 3 tập), thuộc Tủ sách nghiên cứu xuất bản năm 2000, và nhiều bài viết khác đăng trên trang tusachnghiencuu.org, nhưng trang này đã die. Rất may là mình đã kịp tải về một số tài liệu ở trang này trước khi nó die. Nhưng cũng có thể tìm thấy các bài phỏng vấn của Hoàng Hoa Khôi với đài RFI, do Thụy Khuê thực hiện.
Ngô Văn Xuyết, tức Ngô Văn, đã viết cuốn Viêt-nam 1920-1945, révolution et contre-révolution sous la domination coloniale. Cuốn này cũng có một bản tiếng Việt có thể tìm thấy trên mạng, đó là Việt Nam 1920-1945, Cách mạng và Phản cách mạng thời Đô hộ Thực dân. Ngoài ra, Ngô Văn cũng xuất bản nhiều sách khác mà từ đó chúng ta có thể tìm thấy nhiều thông tin của Đệ Tứ Việt Nam. Trong đó có một cuốn có thể dễ dàng tìm thấy là cuốn Au Pays de la cloche fêlée, tribulations d’un Cochinchinoisà l’époque coloniale, với bản dịch tiếng Anh là In the Crossfire: Adventures of a Vietnamese Revolutionary.
Trong số những tác phẩm khảo cứu về Tạ Thu Thâu và Đệ Tứ Việt Nam, có thể kể đến những cuốn sách của Daniel Héremy. Trong đó có một bài viết từ cuốn Révolutionnaires Vietnamiens et pouvoir colonial en Indochine về báo La Lutte, được Ted Crawford dịch và đăng trên trang marxists.org với nhan đề La Lutte and the Vietnamese Trotskyists.
Nhà thơ Thanh Thảo đã có dịp đến thôn Xuân Phổ, Quảng Ngãi để tìm lại nấm đất được cho là mộ của Tạ Thu Thâu, và ông ghi lại sự kiện này trong một bài viết có tên là Sè sè nắm đất bên đàng, đăng lần đầu tiên trên Diễn đàn.
Rải rác trên mạng có nhiều lời chứng về cái chết của Tạ Thu Thâu, nhưng thực hư thế nào thì không rõ. Còn dưới đây là những tài liệu mà mình vẫn đang tìm:
Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu có viết cuốn Phan Văn Hùm, thân thế và sự nghiệp, xuất bản ở Texas năm 2003. Trần Ngươn Phiêu là bạn thân của Phan Văn Hổ, con trai của Phan Văn Hùm, khi còn học ở trường Pétrus Ký, khoảng 1945, và cũng là cựu thành viên của nhóm trí thức kháng chiến Nam Thanh, của vùng Saigon-Cholon. Cuốn sách có dành nhiều trang về Tạ Thu Thâu và các đồng chí, với trích dẫn nhiều dữ liệu, nhiều nguồn, đặc biệt tác giả có tới Paris năm 2000 gặp bà Tạ Thu Thâu lúc ấy đã 92 tuổi, nhưng còn sáng suốt. Nay thì bà Tạ Thu Thâu đã từ trần tại Pháp năm 2010, thọ 101 tuổi.
Có một cuốn truyện với các chi tiết vô cùng quan trọng về thời gian Tạ Thu Thâu ra Hà Nội, sau đó tìm đường trở về lại Nam Bộ và bị giết tại Quảng Ngãi. Đó là cuốn Thím Bảy Giỏi của Đỗ Bá Thế, người đã sát cánh cùng Tạ Thu Thâu trong thời gian cuối đời của ông. Tác phẩm này từng được đăng trên báo Quyết Tiến, được bà Phương Lan Bùi Thế Mỹ trích dẫn nhiều trong tác phẩm của mình, nhưng hiện khá khó tìm trên mạng. 
Nguyễn Quang Thắng có Tuyển tập Phan Văn Hùm, do nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2003. Rất có thể trong này sẽ cho ta thêm nhiều thông tin về Tạ Thu Thâu, nhất là khi Phan Văn Hùm có thể nói là người đã đứng lên bênh vực cho Tạ Thu Thâu rất nhiều.
Thiếu Sơn cũng có viết về Tạ Thu Thâu trong Những văn nhân chính khách một thời, do nhà xuất bản Công an nhân dân phát hành năm 2006. Hiển nhiên trong này không có thông tin gì về cái chết của Tạ Thu Thâu.
Có nguồn tin nói rằng cuốn Tạ Thu Thâu, Từ quốc gia đến quốc tế của Nguyễn Văn Đính ghi lại đầy đủ nhứt về cái chết của Tạ Thu Thâu trong những ngày tháng 9, 1945 ở Quảng Ngãi. Nhưng cuốn này mình cũng không thể tìm thấy trên mạng.
Ngày nay ở cửa Tây chợ Bến Thành có con đường Lưu Văn Lang, nhưng trước năm 1975, nó vốn tên là đường Tạ Thu Thâu. Bất ngờ là, Tạ Thu Thâu vẫn chưa bị xóa sổ hoàn toàn, vì ở quận 9, gần ngã tư Thủ Đức cũng còn một con đường nhỏ mang tên Tạ Thu Thâu.
19.10.20