"Thông tin là quyền lực, và có người đang muốn giữ chúng cho riêng mình" - BẢN TUYÊN NGÔN PHONG TRÀO TỰ DO THÔNG TIN
Ngày nay, không khó để tìm được các xuất bản khoa học trên các trang "tải lậu" như sci-hub hay library genesis. Nhưng để đến được ngày hôm nay, phong trào này đã trải qua một chặng đường dài và gian truân.
"Thông tin là quyền lực, và giống như mọi thứ quyền lực khác, luôn có người muốn giữ chúng cho riêng mình"
Đó là mở đầu cho bản tuyên ngôn đanh thép nhà hoạt động Aaron Swartz, đánh dấu sự hiện diện của một trong những phong trào quan trọng nhất đầu thế kỷ 21 - phong trào "Tự do tiếp cận thông tin".
Aaron Swartz (1986 – 2013) – Founder của Open Access, nhà đấu tranh cho quyền tự do thông tin. Anh đã đột nhập vào hệ thống của MIT và hack hàng triệu tư liệu để chia sẻ với thế giới. Anh cho rằng quyền truy cập thông tin là quyền con người và khi những kiến thức khoa học, tri thức cổ xưa được chia sẻ tự do trên Internet, thế giới sẽ thay đổi. Sau đây, Vỡ lòng công nghệ xin gửi đến bạn đọc bản dịch toàn văn Tuyên ngôn. Chúng tôi tôn trọng nhưng không nhất thiết đồng tình quan điểm của bài viết.
BẢN TUYÊN NGÔN TỰ DO TIẾP CẬN THÔNG TIN
Thông tin là quyền lực, và giống như mọi thứ quyền lực khác, luôn có người muốn giữ chúng cho riêng mình. Toàn bộ di sản khoa học và văn hóa của nhân loại lưu lại trong sách báo hàng thế kỷ nay, giờ đang nhanh chóng được số hóa và giữ trong tay một nhóm nhỏ các tập đoàn tư nhân. Muốn đọc các bài báo danh tiếng nhất chứa đựng thành tựu khoa học quan trọng ư? Bạn sẽ phải trả một khoản lớn cho đám nhà xuất bản như Reed Elsevier. [1]
Có những con người người đang ra sức thay đổi điều này. Phong trào Open Access đã chiến đấu quật cường để mang lại tương lai mới: Các nhà khoa học không ký thác bản quyền cho nhà xuất bản mà thay vào đó đăng tác phẩm của mình lên Internet, với các điều lệ đảm bảo bất cứ ai cũng có thể tiêp cận chúng. Nhưng ngay cả khi họ thành công, tiêu chuẩn mới này cũng sẽ chỉ áp dụng cho tác phẩm đăng tải trong tương lai. Tất cả công trình tích lũy từ xưa đến nay đều sẽ tuột khỏi tay ta.
Đó là cái giá quá đắt. Ai nỡ ép các nhà nghiên cứu phải trả tiền để đọc tác phẩm của đồng nghiệp? Ai lại scan toàn bộ thư tịch trong thư viện rồi chỉ giữ cho người Google được đọc? Ai đi mang tài liệu khoa học dâng cho đám người ở đại học tinh hoa tại nước phát triển, nhưng ngăn trở chúng đến với trẻ em ở Phía Nam địa cầu?
“Tôi đồng ý” – nhiều người sẽ nói – ‘nhưng làm gì được đây? Đám công ty đó nắm bản quyền, chúng kiếm bộn tiền nhờ tính phí truy cập, và điều này còn hợp pháp nữa chứ - không cách nào ta ngăn được chúng đâu.” Nhưng có những quyết định vẫn trong tầm tay ta, đó là điều mà ta vẫn đang làm: Chúng ta phản kháng.
Hỡi những học sinh, thủ thư, nhà khoa học - những người được phép truy cập nguồn tài nguyên, các bạn đã được trao cho một đặc quyền. Bạn được ngồi ăn ở bữa tiệc tri thức thịnh soạn này trong khi cả thể giới ngoài kia đang chết đói. Nhưng bạn không cần phải ôm khư cái đặc quyền đó cho riêng mình, thành thực mà nói, về mặt đạo đức, bạn không thể làm vậy. Bạn có nghĩa vụ phải chia sẻ chúng với thế giới. Và chính các bạn cũng đang đảm đương điều đó: trao đổi password với đồng nghiệp, tải tài liệu giúp bạn bè.
Cùng lúc đó, người bị giữ chân bên ngoài cũng không chịu đứng yên. Các bạn đã chui qua lỗ hổng, chèo qua hàng rào, giải phóng cho thông tin khỏi sự giam hãm của đám nhà xuất bản, và chia sẻ chúng với những người anh hem bạn hữu.Nhưng hành động này đang phải diễn ra trong bóng tối, dưới tầng ngầm. Nó bị gọi là “ăn cắp”, là “cướp biển”, cứ như thể đi chia sẻ nguồn tài nguyên tri thức là ngang hàng với trò cướp tàu biển hay xé xác thủy thủ. Nhưng chia sẻ không phải vô đạo đức – nó còn là một nghĩa vụ đạo đức là đằng khác. Chỉ có ai bị lòng tham che mắt mới từ chối cho bạn mình nhận một bản lưu.
Những tập đoàn lớn, tất nhiên, là bị lòng tham che mắt. Luật lệ mà họ vận hành đòi hỏi điều đó – cổ đông của họ sẽ lật nhào công ty nếu họ không theo đuổi lợi nhuận. Và những chính khách bị mua chuộc ủng hộ họ, ra những điều luật quyết định chỉ định ai có quyền được tạo ra các bản sao.
Tuân thủ luật lệ bất công thì chẳng có chút nào công lý. Đã đến lúc ta ra ánh sáng và, tiếp nối truyền thống bất tuân dân sự, tuyên bố chống lại đám tư lợi đang ăn cắp nguồn di sản văn hóa công. Ta cần phải nắm lấy thông tin bất kể chúng được lưu ở đâu, tạo bản sao và chia sẻ với thế giới. Ta phải lấy những thứ hết hạn bản quyền và đưa nó vào kho lưu trữ công. Ta cần tải về các bài báo khoa học và đăng tải nó lên mạng lưới chia sẻ file. Ta phải chiến đấu vì Phong trào Tự do tiếp cận thông tin.
Nếu chúng ta đủ đông, nếu chúng ta trải khắp thế giới, chúng ta sẽ không chỉ gửi đến thông điệp chống lại xu hướng tư nhân hóa của tri thức – chúng ta sẽ ném nó vào thùng rác của lịch sử. Hỡi người anh em, bạn sẽ đồng hành với chúng tôi chứ?Aaron SwartzTháng Một 2008, Eremo, Italy[1] Một trong những công ty xuất bản khoa học lớn nhất thế giới.
Bài gốc: https://archive.org/.../GuerillaOpenA.../page/n1/mode/1up...
“Vỡ lòng công nghệ” - một podcast phi lợi nhuận chia sẻ về tư duy số (digital literacy) - những kiến thức giúp ta sử dụng công nghệ tự tin, tỉnh táo và sáng tạo.
Số thứ 6 của Vỡ Lòng Công nghệ: Phim lậu - Của ai? Cho ai? Vì ai? hiện có thể nghe tại:
Anchor: https://bit.ly/3DYfDjO
Spotify: https://spoti.fi/3kXWqGa
Soundcloud: https://bit.ly/3BRgscm
LIÊN LẠC VỚI CHÚNG MÌNH TẠI
Podcast: https://linktr.ee/volongcongnghe
Email: [email protected]: @volongcongnghe
Fanpage: Vỡ lòng công nghệ
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất