Nghiên cứu đã chỉ ra rằng về cơ bản bộ não của con người chúng ta có hai trạng thái suy nghĩ cơ bản: Focused mode và Diffuse mode.
Có lẽ chúng ta đã quen với Focused mode, chế độ suy nghĩ này được bật lên khi chúng ta tập trung làm một việc gì đó, ví dụ như tập trung giải một bài toán, tập trung viết một bài luận, tập trung học thuộc lời một bài hát, v.v. Khi này, vùng vỏ não trước trán (prefrontal cortex) đang ở mức tập trung cao độ và cố gắng loại bỏ tối đa tất cả những yếu tố gây sao nhãng.
Ngược lại, chế độ Diffuse mode không hướng sự tập trung của chúng ta vào một vấn đề cụ thể. Khác với Focused mode, chế độ suy nghĩ này không diễn ra ở bất kỳ một vùng não riêng lẻ nào mà ở gần như ở tất cả các khu vực của não bộ, giúp kết nối các tế bào thần kinh (neurons) lại với nhau, kích hoạt chế độ ‘chạy ngầm’. Thông thường, chế độ Diffuse diễn ra khi bộ não của chúng ta đang ở trạng thái thư giãn, và cũng chính những lúc này chúng ta thường tìm thấy giải pháp cho vấn đề mà trước đó chúng ta tập trung nghĩ mãi cũng không ra. Bạn đã bao giờ tỉnh dậy giữa đêm và tìm ra lời giải cho bài toán hình học mà trước đó hai tiếng vẫn không tài nào nghĩ ra chưa? Bạn đã bao giờ nghĩ ra được ý tưởng cho bài luận ở trường của mình khi đang đứng dưới vòi sen chưa? Nếu bạn đã từng trải qua những chuyện tương tự như này, thì đó chính là cách Diffuse thinking vận hành đó.
Với chế độ Focused, não bộ của chúng ta xử lý từng thông tin riêng lẻ một cách tỉ mĩ, còn với chế độ Diffuse, não bộ thường xử lý một lượng thông tin lớn hơn nhưng không đi vào phân tích sâu. Cũng giống như đèn pin thường có hai chế độ: một chế độ chiếu sáng tập trung vào một điểm, giúp người ta tìm kiếm một vật cụ thể, chế độ còn lại phân tán ánh sáng ra xung quanh giúp người ta có tầm nhìn rộng hơn.
Vậy trạng suy nghĩ nào quan trọng hơn?
Câu trả lời là không có trạng thái nào quan trọng hơn cả. Nghe thì có vẻ hai trạng thái này trái ngược nhau, nhưng thực chất chúng lại bổ trợ cho nhau.
Chúng ta cần luân phiên giữa hai chế độ này để mang lại kết quả cao nhất. Chúng ta cần tập trung (Focused mode) đồng thời tránh những sao nhãng để hiểu được vấn đề mà mình đang học. Sau đó, chúng ta cần nghĩ ngơi để chế độ Diffuse giúp kết nối một cách thụ động những thứ chúng ta đã biết và những thứ chúng ta vừa học. Tiếp theo, khi chúng ta tập trung trở lại, các vấn đề mà chúng ta vừa học trước đó thường trở nên rõ ràng và sâu sắc hơn. Việc lặp đi lặp lại hai quá trình này, giúp cho việc học trở nên hiệu quả hơn và thông tin được lưu trữ lại trong não bộ của chúng ta lâu hơn.
Việc tập trung (Focused) quá lâu sẽ khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi và cản trở trở tư duy sáng tạo. Do đó, sau một khoảng thời gian tập trung cao độ (thường là 20-25 phút), chúng ta cần nghỉ ngơi một chút (Diffuse). Ngược lại, việc để cho não bộ hoạt động chế độ Diffuse quá lâu, sẽ khiến chúng ta mất khả năng tư duy sâu và làm giảm khả năng tập trung về lâu dài.
Tóm lại, Focused thinking là nghĩ sâu, còn Diffuse Thinking là nghĩ rộng. Để có thể tối ưu hoá hiệu suất học tập và công việc, chúng ta cần kết hợp cả hai chế độ này. Nói cách khác, việc tập trung hay thư giãn quá lâu đều không mang lại hiệu quả cao về mặt tư duy.
___
Nguồn: