Đọc "Bàn về tự do" trong thời đại Internet
Tóm tắt chung cuốn sách Bàn về tự do và tác giả. “Đề nghị cộng đồng mạng ném đá chết nó đi” “Xin cộng đồng mạng chung tay giúp đỡ”...
“Đề nghị cộng đồng mạng ném đá chết nó đi” “Xin cộng đồng mạng chung tay giúp đỡ” “Các anh em facebook mỗi người một tay nhắn tin chửi nó”. Những tít bài như thế không còn lạ lẫm chút nào trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là facebook. Nhờ Internet, các cá nhân đơn lẻ có thể tập hợp lại thành một nhóm, một tập thể có cùng quan điểm, cảm xúc hay sở thích. Chúng ta không thể phủ nhận quyền lực của cộng đồng mạng, mặc dù nó được sinh ra trong môi trường ảo nhưng lại tác động lớn đến các vấn đề rất thực. Nổi bật nhất ta có thể kể đến các chiến dịch chống lại điều luật đặc khu hay an ninh mạng, chiến dịch lên tiếng chống lại người anh rể bạo lực em dâu, các chia sẻ ủng hộ một diễn viên ung thư. Những cá nhân, dù ở tầng lớp nào đi chăng nữa, miễn là có tài khoản trên mạng xã hội, đều có thể cất lên tiếng nói của mình về công bằng, văn minh, có thể làm người tốt, làm một phần của một tập thể anh hùng. Phải chăng trong thời đại Internet, chúng ta giờ đây đã có thêm sức mạnh, có đủ tự do về tư tưởng cũng như phát biểu ý kiến, có thừa tự do cá nhân đến mức cần phải kìm hãm lại. Phải chăng, những học thuyết của John Stuart Mill đưa ra trong tiểu luận “Bàn về tự do”, chúng ta đã được Internet đáp ứng hết rồi?
Sức mạnh đám đông xuất hiện cùng với sự ra đời của loài người. Ngay từ thời Trung Cổ, con người đã có đạo luật tử hình tù nhân bằng cách cho dân chúng ném đá đến chết. Đám đông công chúng theo quan điểm của Mill là “một tập hợp hỗn tạp bao gồm số ít những người minh triết và số đông các cá nhân kém trí tuệ”. Tự do tư tưởng và tự do ngôn luận mà Mill hướng tới đối lập với quyền lực đám đông. Điều này xem chừng khá lạ lẫm, bởi vì chúng ta đều cảm thấy khó khăn khi đứng một mình, đơn độc cất tiếng nói, tự bảo vệ cho quan điểm của mình. Chúng ta cần sự ủng hộ và đồng tình từ xung quanh. Ngày nay, đó là những cái like những dòng bình luận vội vã nhưng đầy xoa dịu. Nếu tôi đăng một bức ảnh lên, tôi sẽ thấp thỏm về nó cả tiếng liền, nếu bỗng dưng lượt like của tôi kém hẳn thông thường, tôi sẽ quýnh quáng cho rằng bức đó hẳn xấu xí quá, rồi thầm lặng gỡ ngay nó xuống. Áp lực đám đông trên Internet dù vô hình, chung chung nhưng lại tạo ra các xung động lớn. Ở đó, chúng ta tưởng rằng mình được thỏa thuê nói thứ mình thích, đăng thứ mình yêu nhưng lại chịu sự dò xét không thua gì bên ngoài, được chấm điểm, được bình phẩm, bị điều khiển bởi các mạch thông tin, các trào lưu hay định nghĩa về đẳng cấp, cách sống sao cho giống rich kids. Mặt khác, chúng ta tự biến mình thành các bình luận viên chuyên nghiệp, khắt khe với xung quanh, tò mò về mọi thứ vụn vặt trên trời dưới biển, mải mê tranh đua với nhau về những chất lượng sống ảo vốn dĩ đang được tung hê trên mạng xã hội.
Đám đông càng nhận thức được quyền lực của mình, càng hung hăng áp đặt chuẩn mực đó lên toàn bộ thế giới – thứ mà giờ đây được coi là đang quay xung quanh họ. Một khi đám đông, bao gồm những cá thể tự ti trong đời sống thực, cảm thấy mình được quyền chửi bới một tên giàu có trên mạng, được tung hê bởi các cách ngôn sống hay ho, được trở thành kẻ có ích cho xã hội nhờ những bài share tình thương, thì đồng thời cá nhân đó trở thành nô lệ của đám đông. Ở đó, sự vị tha, khả năng lắng nghe gần như không có. Chủ nghĩa anh hùng trên mạng, anh hùng bàn phím là chủ nghĩa của một con người không - bao - giờ - sai. Một ý kiến đi ngược lại với số đông chưa bao giờ lại nguy hiểm đến thế. Nó bị dập tắt ngay lập tức, theo một cách bỉ bai nhất có thể. “Nếu bị buộc tội là làm cái chuyện không ai làm cả hay không chịu làm cái ai ai cũng làm, thì ta sẽ thành đối tượng của sự nhận xét coi thường, cứ như thể ta phạm lỗi nghiêm trọng về đạo đức”. Và chúng ta xem việc đó là hiển nhiên, là một hành động đảm bảo sự trong sạch trong tư tưởng cũng như nhằm bảo vệ chân lý đã được đem ra. Nếu không dập tắt nổi, hai luồng ý kiến trái chiều vội vã tìm đến những kẻ ủng hộ mình, nương dựa vào số lượng, gom góp lại với nhau để tự sung sướng với nhau, thi thoảng thì kéo sang phe kia chửi bới mạt sát rồi cun cút trở về. Cả hai phía đều đóng chặt tai mình lại, cách ly nhau ra và chỉ trích cái tự do nào đó đã cho phép bọn phe đối lập kia được sống. “Sức mạnh duy nhất được tôn vinh là sức mạnh của quần chúng; và của các chính phủ, khi mà chính phủ biến thành cơ quan chiều theo các xu hướng và bản năng của quần chúng.” Nói cách khác, quần chúng đang được nuông chiều để nhằm bóp chết tính cá nhân, đơn lẻ. Chúng ta nhầm tưởng rằng đó là tự do, nhưng bản chất là kìm chế, áp đặt và nhu nhược. “Không còn có sự ủng hộ xã hội đối với tính không chịu uốn theo - bất cứ lực lượng xã hội đáng kể nào đối lập mình với uy thế của số đông, đều quan tâm bảo hộ cho các ý kiến và xu thế thay đổi theo với ý kiến và xu thế của công chúng.” Tự do tư tưởng trên internet sẽ vẫn là một điều không tưởng, một khi đám đông các anh hùng vẫn còn mải mê với chiến thắng của mình.
Với từ khóa "chửi nhau trên facebook" trong 0,37 giây google đưa ra 6.130.000 kết quả cùng hàng trăm bức ảnh chửi bới trên mạng cũng như các kêu gọi đưa ra các đạo luật ngăn cấm.
Các cuộc tranh luận trên mạng xã hội phần đa đều giống như một cuộc đấu gà, đôi bên không ngần ngại lao vào tử chiến, hung hăng, hóng hách, ngu dốt. Sự bùng nổ thông tin, sự đa dạng về các công cụ để truyền đạt suy nghĩ lại ra đời trước khi thế hệ chúng ta biết cách để tranh luận. Chúng ta gầm gừ nhau trên mạng thay vì lắng nghe, và cuộc tranh luận nhanh chóng trở thành trò cãi cùn, luẩn quẩn trong dăm ba lối lý sự cũ rích. Nếu chúng ta không biện minh được cho nó, ta vội vã phong thánh cho cái quan điểm đó là “chân lý”. Thế là thôi, đâu ai dám cãi, mà có cãi thì lòng tự trọng của ta cũng không bị mai một đi, bởi vì ta đang đứng trong vai trò bảo vệ chân lý “một cách thầm lặng”. Mill cũng đã chỉ ra cái vô lý trong việc cấm đoán những tư tưởng sai lầm, bởi vì dù nó thực sự sai đi nữa, thì có thể một phần trong đó là sự thật. Những lời nói rơi rớt đôi khi lại đại diện cho quyền lợi, nguyện vọng của một thiểu số bị bỏ rơi. Một khi đám đông quần chúng hầu hết nằm ở bậc trung lưu, thì những ý kiến đó lại càng nên được soi xét. Bởi vốn dĩ, xã hội là một thực thể không xương, dễ ngả theo bất kỳ quy chuẩn, lối sống, đạo đức của một tầng lớp bất kỳ đang lên trong xã hội, và ngay lập tức xóa số nếp sống cũ, áp đặt lên các nếp nghĩ khác.
Đồng thời, Mill cũng chỉ ra các lợi ích của việc lắng nghe những ý kiến trái chiều với mình. “Thực tế, không ai chịu thừa nhận với chính mình rằng chuẩn mực xét đoán của anh ta chỉ là cái ý thích của riêng anh ta; thế nhưng khi một ý kiến về quan điểm cư xử mà không được lý lẽ hậu thuẫn thì chỉ có thể coi là sở thích riêng của cá nhân”. Quy tắc đầu tiên, bất biến để biết một ý kiến có đáng để nghe hay không là ở tính thuyết phục về lý của nó, chứ không phải về lượng người theo nó, có nghĩa là cá nhân mỗi người có thấy nó logic hay không, chứ không phải vì anh A chị B theo nên nhắm mắt theo luôn, và cũng không phải vì anh A chị B đồng tình nên tôi coi như tôi đúng hoàn toàn. “Nhưng cái xấu xa đặc biệt của việc bắt một ý kiến không được trình bày ra là sự đánh cắp đối với loài người, với các thế hệ mai sau hay hiện nay, thiệt hại nhiều cho người bất đồng với ý kiến đó hơn là cho người giữ ý kiến đó. Nếu ý kiến đó là đúng thì người ta đã bị tước mất đi cơ hội bỏ cái sai lấy cái đúng; nếu ý kiến đó là sai thì họ mất đi một cái lợi lớn là cảm nhận được chân lý một cách minh triết hơn và ấn tượng về chân lý sống động hơn, [những thứ nảy sinh ra] khi cái chân lý va chạm với cái ngụy.” Rõ ràng, ý kiến của bất kỳ ai cũng nên được cất lên, dù cho nó dở hơi, ngược đời hay điên rồ. Miễn sao nó không kích động đến bạo lực, thì chúng đều có ích cho loại người. Một kẻ giỏi tranh biện thì phải dùng thời gian nghiên cứu lý lẽ của bên đối lập còn nhiều hơn của mình. Một người xứng đáng để tin cậy là người bình tĩnh lắng nghe mọi lời phản biện, mọi sự chống đối lại cung cách ứng xử của anh ta. Nghĩa là, thông qua tranh luận, tìm hiểu sự khác biệt lẫn nhau, các ý kiến có thể bổ sung cho nhau và mở mang đầu óc cho nhau. Tính tương đối và tính có-thể-sai là hai điều căn bản nhất của con người. Đừng đao to búa lớn, đừng gào thét, đừng dẫm chân hô hoán để khẳng định mình đúng. Đám đông trong lịch sử đã sai hàng trăm lần, giết chết hàng bao nhiêu người tài giỏi, nhưng bởi vì những người đó đã dám nói lên cái chính kiến của mình, nên cho dù họ chết thì các tư tưởng đó vẫn tiếp tục lưu truyền đến đời sau, tiếp tục được kiểm chứng, thậm chí là minh oan (Galileo, Sokrates, Phan Châu Trinh). Chúng ta vờ như ta đang tự do ngôn luận, nhưng khi có bất cứ điều gì trái ngược, xáo động cái đạo đức xã hội đương thời, thì chúng ta lại đòi cắt xén bớt đi cái tự do đó. Trong khi, việc cần phải làm là mở nó ra, để khi những ức chế trong mỗi cá nhân được bộc lộ một cách có tôn trọng từ xung quanh, được ngồi lại bàn luận một cách bình tĩnh, thì những ý kiến sống sót được sau đó mới đủ tư cách để trở thành thứ đáng tin cậy. Thái độ tránh né đi cùng với chủ nghĩa cực đoan biến ta thành “con ếch ngồi trong đáy giếng”.
Cá nhân nằm trong tập thể và xã hội, đó là điều không thể chối cãi. Nhưng giới hạn nào cho xã hội trong việc được can thiệp vào từng cá nhân, nó ảnh hưởng trực tiếp tới hạnh phúc mỗi con người và cả an sinh toàn xã hội ? Trung Quốc ngày nay đang cho vận hành hệ thống tính điểm công dân với những yêu cầu, chuẩn mực xem chừng hay ho mà cực kỳ độc hại. Thế nào là đạo đức, thế nào là một lối sống đẹp, thế nào là công dân tốt? Mill từ chối trao quyền quyết định đó cho chính phủ. Chính phủ chỉ nên bảo hộ xã hội chung, nghĩa là khi xã hội đó gặp nguy bởi cá nhân, chứ không có quyền quy định anh ta phải sống ra sao, yêu người thế nào. Chính phủ cấm dân uống rượu bia là xâm phạm quyền công dân. Nhưng chính phủ được phép cấm người từng uống rượu và gây rối trật tự công cộng. Ranh giới giữa chúng rất mỏng manh nhưng vì thế, nó yêu cầu sự nghiêm túc, tỉ mẩn trong quá trình lập pháp. Câu chuyện cô ca sĩ Hàn về Việt Nam mặc áo dài hút thuốc đăng lên Instagram, và bị cộng đồng mạng chửi nào là miệt thị người Việt, không tôn trọng, con gái mất nết…, đủ mọi tính từ gắt gỏng khác. Nếu nhìn dưới góc độ của John Mill, cho rằng một cá nhân được làm và sống theo những gì mình thích, nếu không làm nguy hiểm đến người khác, thì rõ ràng chúng ta không có quyền chửi bới cô ta, chỉ vì cô ta làm những thứ khiến cộng đồng chung khó chịu. Điều buồn cười sẽ là, những người trừng phạt cô gái kia bằng cách thả những câu từ bẩn thỉu lên đó, lại vỗ ngực tự hào mình đang bảo vệ quê hương đất nước. Thực ra, chúng ta đang sống như câu ca dao của ông cha, vốn đúc kết từ nghìn năm có lẻ:
“Yêu nhau yêu cả đường đi
Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”
Lý lẽ kém thuyết phục, nhưng được bao biện bằng những hành động xấu xí trong quá khứ, vốn chẳng liên quan tới hành động bị phê phán. Nó cộng hưởng với nhau, và cho một lớp áo khoác hoàn hảo để mình mặc nhiên thực hiện hành vi anh hùng. Giả như cô gái kia vì hút thuốc mặc áo dài mà mất thể diện dân tộc, thì chắc hẳn Trác Thúy Miêu đã bị bỏ tù rất lâu rồi. Và thay vì lắng nghe những ý kiến trái chiều, các cá nhân khi được tụ lại làm đám đông hoàn toàn dùng chính sự hỗn tạp trong đó để lấn át, để ngăn cản tự do cá nhân của người khác – một cách trắng trợn. Tại sao họ phải ngăn cản đi? Vì họ không đủ lý lẽ và tự tin rằng quan điểm của mình có thể đứng vững được.
John Mill trong tầm chỉ 80 trang giấy đã phác họa rõ một lý tưởng tự do phổ quát nhất cho loại người. Cá nhân nên được có đủ không gian sống để tự phát triển mà không tổn hại đến người khác. Một cái cây bị ép, bị chèn, bị chặn ánh sáng thì nó yếu ớt và đầy ung nhọt cũng chẳng có gì ngạc nhiên cả. Cá nhân trong xã hội bị can thiệp vào hành động, suy nghĩ của mình nếu điều họ làm nghiêng về xã hội hơn, và ngược lại. Ngày nay, chúng ta vẫn biết đó chỉ là những lý tưởng, những điều không thể thực hiện được, nhưng xứng đáng để làm cái mốc khích lệ ta tiến tới đó. Ít nhất, việc đơn giản và gần nhất ta có thể làm ngay bây giờ, là thay đổi cách đón nhận luồng ý kiến trái chiều, thay mới cái bộ não toàn những thứ cực đoan, dùng cái đầu hơn là cơn giận để phán xét mọi thứ. Và tất cả những tập quán sống, quy chuẩn đạo đức, cung cách ứng xử, tất cả đều không phải là bản chất tự nhiên của con người. Đáng lẽ, trong thời đại toàn cầu này, chúng ta phải ý thức rõ điều này hơn tất cả, nhưng lại yếu ớt mong mỏi mình được bảo bọc khỏi những điều khác lạ ngoài kia, hoặc không thì cuống cuồng lao theo nó một cách vô thức.
Tự do không phải là thứ đáng để bị chửi rủa mỗi lần ai đó thấy xã hội cuồng loạn. Đó là lỗi lầm của một nỗ lực ngầm nhằm bóp nghẹt nó đi, nhằm tảng lờ cái nhu cầu của mỗi cá nhân để bắt con người phải sống như một bản sao của toàn xã hội.
*Bài viết có sử dụng nguồn: John Stuart Mill (1859): Bàn về tự do. Nhà xuất bản Tri Thức.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất