Thòng lọng huy hoàng
Ngay lối vào khu trọ lụp xụp, có một cái cây cao cao. Trên cái cây cao cao, treo tòn ten một sợi dây thừng. Không ai khen nó đẹp. Hiển...
Ngay lối vào khu trọ lụp xụp, có một cái cây cao cao. Trên cái cây cao cao, treo tòn ten một sợi dây thừng. Không ai khen nó đẹp. Hiển nhiên rồi, nhất là khi nằm sát bên là một căn phòng xập xệ ế hơi người. Tôi cũng thắc mắc nhiều nếu có ai trang trí cây bằng một sợi dây thừng thắt thòng lọng. Có điều hơi lạ là, không ai thấy nó ghê. Nếu bạn thấy nó ghê, nghĩa là bạn không thuộc về nơi này.
Bạn đến đây hỏi phòng, may cho bạn (hoặc rủi thay), bạn sẽ phải đi tìm nơi khác. Nếu bạn đủ tuyệt vọng, có lẽ bạn sẽ nhận ra căn phòng sát bên cái cây kia không tới nỗi nào.
- Bên phòng kia còn trống đúng không ạ?
Chủ trọ gật đầu.
- Muốn thuê hả?
Bạn gật đầu.
- Hết phòng rồi.
Người ta lắc đầu từ chối.
- Nhưng phòng kia đâu có ai ở đâu ạ?
Bạn lắc đầu không hiểu.
- Thực sự phòng đó không ở được. Phòng đó đang chờ người ở về.
- Chờ? Chờ ai?
Ông Ba. Một ông già khú có tật, cầm bạc tỷ trên tay để sống qua ngày. Ban phát cho người khác cơ hội đổi đời, còn ông chỉ mong bữa tối được đổi món. Buổi tối ông còn bảo vệ môi trường, hoàn trả mỹ quan đô thị bằng công việc nhặt ve chai. Ông làm thay phần một số bạn trẻ bây giờ. Căn bản thì khó khăn đủ điều. Sống trong khu này đều có mẫu chung như thế. Dù sao cũng phải ráng, vì còn một miệng ăn tuổi đôi mươi đang đợi ông ở nhà. Thường thì thằng Bảy sẽ nằm dưới đất. Hôm nay cũng vậy. Thấy ông đẩy cửa vào, nó bật dậy hỏi:
- Hôm nay có gì ăn?
- Bánh mì. Chả.
Ông đặt ổ bánh mì xuống cạnh nó.
- Chắc con Mai thích lắm.
- Cho gì mà nó chẳng thích.
Ông nặng nhọc lê tấm thân gầy còm của mình lên tấm phản ọp ẹp hệt xương cốt của ông.
- Tí tao ăn xong mày đem sang liền cho Mai nhé, bánh mì để lâu nó nhũn ra thì dở. Sao nay về sớm vậy?
- Nhức cái chân.
Cả hai không nói gì. Một sự im lặng thường trực.
- Ngày xưa đi mấy chục cây chả làm sao, giờ đường sá láng tưng mà đi chút phải ngồi nghỉ.
Thằng Bảy nhai ngấu nghiến ổ bánh mì.
Căn nhà lặng thinh, cho đến khi con bé Mai gõ cửa. Gương mặt của nó lờ mờ không nhìn rõ vì nó đang đứng ở nửa sáng. Nó nói với vào trong.
- Nay có gì ăn không ông Ba?
- Có bánh mì đó, vào lấy đi.
Ông vẫn nằm đó, hơi nghiêng đầu để quan sát bé Mai cầm lấy ổ bánh mì, bẻ một nửa rồi đặt nửa còn lại lên cái ghế nhựa.
- Ông ăn chưa, con để lại nửa ổ cho ông nha, con để đây nha. Tối nay nhà con có cơm rồi con không cần hết ổ đâu.
- Ừm. Mày hỏi ý kiến ông làm gì.
Mai hoàn thành nhiệm vụ độc quyền của mình - người duy nhất có thể cười thành tiếng trong căn phòng này - rồi trả lại căn phòng tông màu tối mặc định. Thằng Bảy giờ mới lên tiếng:
- Mãi không thấy nó lớn lên tí nào nhỉ. Ở cái khu rách nát này không thấy nổi gì vừa mắt. Nếu có thì lại không thấy được.
- Đúc kết từ bản thân đấy à?
- Làm gì có.
- Chán quá, giờ ra đường chẳng có ai, vé số thì bán không được, ve chai cũng không có mà lượm. Bớt người thì bớt rác, rồi người sống nhờ rác phải làm sao? Không biết chết đói hay chết bệnh cái nào tới đón trước nữa.
Ông Ba lầm bầm trong cuống họng, nhưng rồi quyết định nuốt xuống hai từ phải chi, rồi mặc cho hai mí mắt kéo ông vào giấc ngủ. Lâu lâu ông giật mình dậy lúc nửa đêm, vì tiếng khóc của mẹ con Mai hoà với tiếng khóc của thằng út Sáng. Bệnh viện phong toả. Mà bây giờ có hết phong toả, cũng không có tiền để mà khám. Cơm ngày 2 bữa còn khó khăn. Thôi thì còn khóc được lúc nào hay lúc ấy. Ông nhủ vậy, đúc kết từ bản thân trong lúc nhìn lên trần nhà trống hoác.
Ở tầm tuổi này, hai từ nặng nhọc bám dính lấy mọi thứ ông làm. Từ việc cần dùng sức như bước đi, đứng dậy, cho đến việc đơn giản như hít thở, mở mắt. Làm ngược lại thế mà nhiều khi dễ dàng hơn.
Hồi trước chẳng mấy khi dư ra thời gian để mà nghĩ. Người ta cứ làm làm làm. Và người ta tồn tại.
Còn bây giờ, người ta không được làm làm làm nữa, nhưng vẫn bị buộc phải tồn tại. Vì vậy dư ra thời gian để ông nghĩ. Giữa những cơn đau đến buốt người lan từ chân lên toàn thân, những cơn đau buốt người lan từ chân lên tận đầu như đánh điện cho bộ não của ông, để rồi bộ não ấy giải mã ra những câu hỏi ông chưa nghĩ tới bao giờ. Ông bắt đầu dùng hai từ tại sao. Ông tại sao với tất cả những gì thuộc về quá khứ, hiện tại và tương lai.
Cho đến một ngày, ông nhận ra tự việc đặt câu hỏi tại sao đã bao hàm câu trả lời. Ông quyết định không đặt câu hỏi tại sao nữa/ chấm dứt việc đặt câu hỏi tại sao. Rồi Ông biến mất trong đêm, cùng chiếc một hộp gỉ sét.
Sáng hôm sau, chẳng ngọn gió nào lay nhưng cả khu trọ vẫn lạo xạo với nhau về cái cây đầu ngõ bỗng thòng lọng một sợi dây thòng lọng. Ngay dưới là mấy viên gạch xếp thành một khối hình vuông ngay ngắn. Bên cạnh, một căn phòng hiu quạnh. Thằng Bảy vẫn ở đó, sốt ruột chờ ông về.
2 tuần sau, chẳng nói chẳng rằng, ông quay lại, vẫn là trong đêm. Không kịp để cho thằng Bảy lên tiếng, ông bỏ vội vào áo một tờ giấy gì đấy rồi kéo nó đi theo. Bảy ngó nghiêng, đồng tử giãn ra với mọi thứ in vào tròng mắt nó. Nó thấy bước chân chậm dần rồi dừng lại. Trước mắt nó, là một phòng trà nhỏ.
Ông Bảy chậm chạp ịn dấu giày của mình thẳng một đường từ cửa đến sân khấu. Ông ngồi xuống một chiếc ghế, nhăn mặt một cái, rồi đặt tờ giấy trong túi lên chiếc ghế còn lại. Thằng Bảy ngồi theo ông, nhưng hoang mang hơn. Ông đặt vào tay nó cây mic, còn ông thì nhấc lấy cây đàn bên cạnh, tằng hắng giọng, và bắt đầu kể. Kể cho hư không và chính mình nghe.
Ông tên Ngô Bảy, 68 tuổi. Thằng Ba tên thật là Dũng, năm nay 22 tuổi. Năm 1975, cả hai bằng tuổi nhau. Một đêm gần ngày giải phóng, vượt qua nỗi sợ bị trêu chọc, Dũng hồ hởi vui kể sau khi mọi thứ kết thúc, cậu sẽ đi học hát. Đàn hay thế này mà không hát thì uổng cho thế giới mất đi một ca sĩ tài ba. Mọi người cười, chọc và trêu như vẫn thường làm. Còn Dũng thì che chắn cho bạn mình bị mảnh mìn ghim vào chân, như vẫn luôn làm. Ngay sáng hôm sau, thế giới mất đi một người lính. Từ giây phút đó, Dũng nằm lại với đất nhưng Bảy vẫn đem theo bạn của mình đến tận bây giờ. Đêm của một tuần trước, ông đã thực sự muốn kết thúc mọi thứ theo nghĩa đen. Trong lúc quẫn nhất của cuộc đời, ông lấy cái hộp gỉ sét cốt để kê lên cho đủ cao. Khi đã sẵn sàng, ông chợt nhận ra hình như cái hộp không phải của mình. Đúng như ông nghĩ, toàn bộ những thứ bên trong là tư vật của Dũng. Mấy lá thư, mấy tấm hình, một cây bút, một cuốn sổ. Trong cuốn sổ, có nhiều tâm sự. Trong nhiều tâm sự, có một ước mơ.
Dù có ở dạng thể nào, người cứu ông, vẫn lại là Dũng. Nợ hay là ơn, hôm nay ông sẽ trả đủ. Hôm nay Dũng hát, ông đàn.
Chưa từng có một buổi phòng trà nào kì lạ đến thế. Ca sĩ hát, rất hay, ban nhạc đều thấy thế dù tất cả những gì nghe được chỉ có tiếng nhạc cụ của chính mình.
Nhạc tan, cái ghế bên cạnh ông Bảy trống không. Ông gấp tấm chân dung bạn mình lại, cẩn thận cho vào túi áo.
Lê cái thân tới nhà, việc đầu tiên là đặt cái hộp lên đống gạch. Chân trái. Chân phải. Ông đã cao vừa tầm. Lâu rồi ông không thấy mình cao thế này. Cái khối dưới chân ông run rẩy hồi lâu.
Chân trái. Chân phải. Ông lại đứng dưới đất. Ông mở cái hộp gỉ sét, xé một tờ giấy từ cuốn sổ, viết vài dòng rồi đẩy vào khe cửa.
Trời sáng rõ, cái khu trọ ấy lại rộn ràng. Người ta thấy lủng lẳng chỗ thòng lọng ấy là một con ngựa ghép bằng mấy miếng bìa carton. Mai cầm cây gậy mẹ đưa rủ mấy đứa đánh vào con ngựa ấy. Con ngựa vỡ ra, rơi lả tả bánh kẹo.
Mẹ Mai ẵm Sáng nhìn Mai, rồi lại nhìn xuống Sáng. Thì thầm vào tai nó lời mà cô không dám nghĩ tới từ hai năm trước:
- Ráng khỏe rồi Tết này về quê mẹ cho ăn gà nhé.
Sáng nằm trên tay mẹ cười khoái chí.
Còn nụ cười của bạn thì trông như nụ cười của nhân viên thu ngân đã đứng trên đôi chân của chính mình chẵn 8 tiếng. Bạn sẽ phải đi nơi khác tìm trọ, và việc đó thì nhọc đều với toàn nhân loại. Trước khi rời đi, bạn đi ngang qua một cái TV cũ mèm giá bán lại không hơn một ổ bánh mì bao nhiêu. Một người khác trong khu trọ đang nghe bản tin pháp luật, xem chừng thú vị gấp đôi so với việc không làm gì. "Xác một cụ già"... "hai vết sẹo to"... "chân phải"... "bụng"... là những mẩu rời rạc bạn tiếp nhận một cách vô thức trước khi suy nghĩ của bạn chiếm toàn bộ thời lượng phát sóng.
Bạn vẫn bước đi. Vô thức của bạn đánh động cho bạn nghe đáp án mà nó đã đoán ra dựa vào những từ đã có. Bạn lập tức bài trừ ý nghĩ vừa chớm nở. Chỉ tiếc là, một khi ý tưởng đã bén rễ thì không cách nào mà nhổ đi được. Bạn vẫn bước đi. Nhưng đâu đó, bạn nghĩ, dù sao thì vẫn còn một phương án cuối cùng.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất