Tôi mất hẳn hứng thú với những chuyến đi. Văn Cao xem đó là một biểu hiện của tuổi già, khi "tất cả phong cảnh đất đai xa lạ không còn hiệu lực kêu gọi tôi, vũ trụ thu dần vào một gian phòng nhỏ".
Vũ trụ của tôi thu dần vào những con đường thành phố, nhưng chính xác hơn chắc là vào màn hình máy tính. Bởi chưa bao giờ tôi chịu nhìn ngắm một cách đơn thuần những con đường thành phố. Sau vạn lần đi qua Điện Biên Phủ, dạo gần đây tôi mới chú ý đến loài hoa kèn hồng. Cũng như sao đen hay sọ khỉ, kèn hồng chẳng có một chút liên hệ gì với tôi hết. Chẳng bao giờ, trong suốt 9 năm qua, có ai trong đời tôi đủ lãng mạn để cùng đi bộ, cầm lên một quả chò nâu hay chỉ tay vào những tán hoa nói tôi biết nó tên kèn hồng. Chỉ có Google nói tôi biết. Nhìn một bông hoa kèn hồng, tôi không thấy hoa kèn hồng, tôi chỉ nghĩ về một bài hát của nhạc sĩ Hoàng Nguyên và tự hỏi, Đà Lạt có hoa đào không?
Đà Lạt có thể làm tôi yêu thích nhẹ, nhờ vào khí hậu mát mẻ, có khả năng khuếch đại cái cảm giác thi vị của những khi ở một mình. Nhưng với tôi, đi thì tốt, mà không đi cũng chẳng sao. Tôi đã thôi cái mơ mộng làm một nhà du khảo, biên tùy bút sau mỗi chuyến đi. Claude Lévi - Strauss vốn ghét những chuyến đi như vậy. Ông ghét cách đi của những nhà du hành thời ông, và tôi cũng ghét các thể loại travel blogger của thời tôi, nhất là khi bọn họ nói về đời sống địa phương với vẻ thương xót của cái nhìn thành thị.
Tôi cũng không còn cái mộng giang hồ như Phạm Duy, không còn thấy hạnh phúc chỉ tìm thấy ở sân ga như Nguyễn Tuân.
Việc tôi không còn mê đi nữa, có liên quan gì đến việc sống ở thành phố này quá lâu không nhỉ?
Tôi tự hỏi mình câu đó và nghĩ về tình cảnh của nhân vật Brooks Hatlen trong The Shawshank Redemption. Giống như Brooks Hatlen đã bị nhà tù "thiết chế hóa", phải chăng tôi cũng bị thành phố này "thiết chế hóa". Nếu thiết chế là một trạm thu phát của ý luận, thì ý luận của thành phố này là gì? Phải chăng nó là tìm quên trong những liên tục của mới mẻ, tìm vui trong những mênh mông của ồn ào. Thành phố luôn cố giúp người ta che giấu đi nỗi buồn, niềm nhớ, nhưng nó chẳng bao giờ thành công.
Có lẽ cũng giống như người đó nói, con người ở thành phố là chim sẻ. Chim sẻ không rời xa được sự náo nhiệt, tiếng của con người, chúng bị ánh sáng của thành phố thu hút qúa mức, nên chúng sẽ không di cư về phía Nam để tránh rét vào mùa thu giống như các loài chim khác.
Quẩn quanh trong thành phố và thi thoảng ngồi ở một quán cà phê thực hiện nghi thức "cầu cơ" của những người viết theo chủ nghĩa lãng mạn, tôi cứ thấy mình trôi hoài.
22.02.20