Trần gian chỉ là chốn tạm nương, đời là một quán trọ ven đường. Nếu biết ngày mai rời quán trọ, bạn sẽ chuẩn bị những gì?
Từ ngày “thấm đòn” dịch bệnh, mình đọc được nhiều status ý nghĩa từ bạn bè về cuộc sống như “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, cho ta thêm ngày nữa để yêu thương”. Thật ra, cuộc đời này từ trước vốn đã vô thường, bản chất của sự sống là một hành trình đi đến cái chết. Covid 19 chỉ làm chúng ta nhận ra hoặc lo sợ nhiều hơn về những quy luật hiển nhiên mà giữa cuộc sống bộn bề bình thường ngày trước ta đã chọn lãng quên. Có lẽ, khi thần chết đến quá gần, ta mới bàng hoàng nhận ra thời gian của mỗi người là hữu hạn chăng?
Nhiều năm trước, tôi đã loáng thoáng chứng kiến một vụ tai nạn giao thông, không thật sự thảm khốc như những hình ảnh cảnh báo về tai nạn nhưng nó làm tôi thật sự bất an và ám ảnh khi dưới chân người bị nạn là những ổ bánh mì vương vãi. Chắc là cô ấy mua về cho buổi đám tiệc ở nhà, đi giao bánh hay chỉ đơn giản là mua giúp ai đấy. Nhưng một điều chắc chắn rằng, cô không biết được chính hôm ấy số phận đặt dấu chấm hết cho cuộc đời cô. Và từ đó, tôi luôn tự hỏi, liệu rằng những con người bị tước đi cuộc sống một cách đau đớn và bất ngờ ấy họ có điều gì còn hối tiếc không? Một lá thư chưa kịp gửi, một bữa cơm nấu dở, một nụ cười chưa trao, một cái ôm vội, hoặc có khi là sự tồn tại của một gia đình, một công ty, một đế chế và những ước mơ còn đang trên đà tô vẽ…
Chúng ta phải làm gì đây, để khi thời gian đã cạn, khi não bộ chiếu bộ phim cuộc đời của chính mình trong những phút ít ỏi còn lại, ta cảm thấy mình chẳng còn gì tiếc nuối?
Nhà thơ xứ Wales - Dylan Thomas từng viết “Đừng bước nhẹ nhàng vào cơn ngủ say. Điên cuồng, điên cuồng lên chống lại sự chết dần của ánh sáng soi”. Cuộc đời là tập hợp của nhiều ngày chúng ta sống, yêu thương và làm việc. Có thể nói mỗi ngày đều là ngày đầu tiên trong phần đời còn lại, nên ta có thể tạo nên một cuộc đời đáng giá từ việc xây dựng một chuỗi ngày sống đáng giá. Và để có được cảm giác như thể chúng ta đã sống một cuộc đời dài lâu và viên mãn, chúng ta phải không ngừng hướng đến mục tiêu, lấp đầy thời gian vô cùng quý báu của mình bằng những trải nghiệm đầy sôi nổi và hấp dẫn để khiến mỗi giây phút đều trọn vẹn, ở mọi thời điểm của cuộc đời, dù cho đó là giây phút cuối cùng.
Bàn về vấn đề này,  tác giả Jean Paul Zogby đã chia sẻ chi tiết về cách “điều khiển thời gian” trong chương 5- Sống trọn khoảnh khắc này của quyển sách Thời gian thấu hiểu để sống xứng đáng từng giây”.
“Điều khiển thời gian ư? Trò bịp bợm gì thế này? Tú ơi, cô không phải là Doctor Strange. Và tôi cũng không phải là đứa trẻ lên ba, dù tôi đích thực là fan của Marvel.” Nếu như bạn đang có suy nghĩ này, thì gượm đã, chúng ta sẽ bàn một chút về những trải nghiệm bên dưới mà tôi nghĩ ít nhiều ai cũng đã tự kiểm chứng, trước khi các bạn buộc tội tôi.
Có bao giờ các bạn cảm giác ba phút trôi qua dài như tận ba tháng, thậm chí ba năm chưa? Đương nhiên, tôi không đề cập đến nội dung của những bức thư tình nào cả. Vâng, tôi chắc rằng những bạn nào phải chịu đựng sự căng cơ và đau nhức các bắp tay chân khi tập plank sẽ hiểu tôi đang nói gì.
Có bao giờ bạn sắp xếp một buổi hẹn hoặc cuộc họp quan trọng ở tỉnh khác, dĩ nhiên, bạn không bao giờ muốn gây ấn tượng bằng cách đến trễ, và thời gian trở thành một chuyện hệ trọng suốt quãng đường đi. Bạn xem đồng hồ liên tục và  ý thức cao độ về mỗi giây mỗi phút trôi qua. Khi về, mặc dù quãng đường không đổi nhưng bạn lại cảm thấy chuyến đi ngắn hơn.
Và một thực tế thường thấy là, bạn đang làm việc tại nhà với áp lực căng thẳng. Bạn quyết định sẽ giải tỏa tâm trạng bằng 30 phút chơi game. Khi các bạn vươn vai sau “30 phút” để tiếp tục công việc thì nhận ra đã 3 tiếng trôi qua.
Năng lực huyền bí nào đang tác động đến thời gian của chúng ta ở các trường hợp trên vậy? Rõ ràng một phút vẫn bằng 60 giây, tại sao có lúc ta lại cảm thấy quá lâu, có lúc lại kinh ngạc vì thời gian trôi quá nhanh? Xin đừng mang Doctor Strange của tôi vào câu chuyện này, tôi xin cam đoan anh ấy chẳng có lỗi gì cả. Tôi đùa đấy, chắc hẳn các bạn cũng nhận ra mấu chốt ở đây, khi chúng ta đổ dồn sự chú ý vào thời gian, ta sẽ thấy thời gian trôi qua rất chậm.
Phật giáo gọi kỹ thuật này là “Chánh niệm”, có nghĩa là tập trung vào khoảnh khắc hiện tại và sống trọn vẹn từng phút giây. Nói một cách dễ hiểu hơn, khi bạn đi bạn biết bạn đang đi, khi bạn ăn bạn biết bạn đang ăn, khi bạn ngắm một bông hoa bạn biết bạn đang ngắm hoa,… Chúng ta để thân tâm trí đắm chìm trong hiện tại chứ không cho tàng thức hoành hành. Việc chuyển hướng tập trung vào “nơi này và lúc này” nâng cao mức độ chú ý, nhờ đó các khoảng thời gian được kéo dài và thời giờ trôi chậm rãi hơn.
Chính vì thế, chúng ta hoàn toàn có thể khiến một khoảnh khắc hạnh phúc nào đó “kéo dài thêm và chậm lại” bằng cách chủ động tĩnh tâm với mỗi giây phút trôi qua và mỗi chi tiết trước mắt mình. Điều này cũng giúp cho mỗi phút giây mà chúng ta trải qua càng thêm tràn đầy cảm xúc.
Dĩ nhiên, ta cũng có thể vận dụng kỹ thuật này để làm “tăng tốc độ” thời gian bằng cách thực hành ngược lại, là xao lãng vào một việc khác. Và chiêu này được các doanh nghiệp sử dụng rộng rãi xung quanh chúng ta như lắp các màn hình tivi ở nơi khách xếp hàng chờ cung cấp dịch vụ, cho khách nghe nhạc chờ trong lúc tổng đài viên tra cứu thông tin,…
Đến đây, chắc hẳn các bạn đã nắm được một phần quan trọng của chiếc chìa khóa thần kỳ để giúp ta sống trọn vẹn hơn từng phút giây phải không? Chúng ta không cần một siêu năng lực để làm thời gian chậm lại, nhưng chúng ta vẫn thừa khả năng để khoảnh khắc nhìn ngắm một bông hoa và tận hưởng những điều vui tươi trên thế gian này trở nên vô giá và đẹp đẽ.
Cuối cùng, chúc bạn luôn cảm thấy an yên và tròn đầy. Thân!